Monday, 27 April 2020

TÂM LÝ CỰC ĐOAN TRONG CHÍNH KIẾN (Nghĩa Bùi)




27/04/2020

Những người có khuynh hướng cực đoan trong chính kiến, dù hữu khuynh hay tả khuynh, đều có những đặc điểm giống nhau và rất khác người ôn hoà. Bài viết này tóm lược một nghiên cứu tâm lý học đăng trên Sage Journals tháng Giêng 2019. Hy vọng nó sẽ giúp ta hiểu thêm về hiện tượng tâm lý chính trị cực đoan để tránh bị khích động, đồng thời giúp ta tìm ra cách hoá giải.

A. Thay đổi trong khuynh hướng chính trị của người Mỹ, khối trung hoà ở giữa bị xẹp xuống. Nguồn: Pew Research

Xin lưu ý “hữu khuynh”và “tả khuynh” trong bài được dùng theo định nghĩa thông thường và hoàn toàn không hàm ý tốt hay xấu. Trong chính trị học, cộng đồng con người thường được chia làm ba nhóm: cấp tiến (liberal), trung hoà (moderate) và bảo thủ (conservative). Sự phân cách này phần lớn xuất phát một cách tự nhiên, nhưng nó cũng có thể được nhào nặn thêm bởi giáo dục, truyền thống, truyền thông, xã hội v.v.

BỐN ĐẶC ĐIỂM CỦA TÂM LÝ CHÍNH TRỊ CỰC ĐOAN

Nói chung, khuynh hướng tả-hữu bình thường trong con người không liên quan gì đến thái độ cực đoan trong quan điểm chính trị. Nhưng theo một số nghiên cứu xã hội học và tâm lý học, có bốn đặc điểm chính được nhận thấy trong những người cực đoan:

1. Quẫn bách tâm lý – Psychological distress
2. Tư duy đơn giản – Cognitive simplicity
3. Tự tin quá đáng – Overconfidence
4. Bất khả khoan dung – Intolerance

QUẪN BÁCH TÂM LÝ
Được định nghĩa là “có cảm tưởng cuộc sống không có ý nghĩa, mất phương hướng vì tương lai bất định”, quẫn bách tâm lý dễ làm cho cá nhân ngã theo chiều hướng cực đoan. Đặc tính này liên quan mật thiết đến nhu cầu “tôi quan trọng” trong thuyết “significance quest” — tìm mục đích tạo cho mình cảm giác được cần đến hay được ủng hộ. Thuyết này ban đầu chỉ được dùng để giải mã tâm lý của những kẻ khủng bố, tuy nhiên nó cũng lý giải được tâm lý cực đoan nơi người bình thường.

Theo thuyết này, những dao động mạnh trong đời sống cá nhân hay xã hội — như thiên tai, chiến tranh, tài chánh, gia cảnh v.v. có thể tạo nên tâm lý cùng quẫn, dẫn đến thái độ cực đoan. Nó dễ khiến người ta ủng hộ những nhà lãnh đạo táo bạo biết khích động đám đông. Các phong trào chủ nghĩa dân tuý thường nổi lên và sống mạnh trong môi trường này, nhất là trong một xã hội đang trên đà xuống dốc sau một thời huy hoàng — như Phát-xít (hữu khuynh) hay Cộng Sản (tả khuynh).

Ở mức vĩ mô, quẫn bách tâm lý thường dẫn đến phân cực chính trị và sự ra đời của các phong trào cực đoan. Hệ quả tất yếu là khối trung hoà ở giữa bị lép vế, nhường chỗ cho hai phe cực đoan đối nghịch [biểu đồ A]. Tuỳ theo bối cảnh văn hoá, lịch sử, chính trị phức tạp của mỗi dân tộc, xã hội còn có cơ bị mất thăng bằng và nghiêng hẳn sang một bên — phải hoặc trái.

TƯ DUY ĐƠN GIẢN
Người cực đoan thường nhìn vấn đề qua lăng kính trắng-đen. Quẫn bách tâm lý dễ làm con người tìm sự đơn giản để đặt niềm tin và giải mã những vấn đề xã hội rắc rối mà họ không có câu trả lời. So với nhóm trung hoà, thế giới quan của người cực đoan giản dị hơn, với những lằn biên rõ nét và quyết liệt. Thí dụ: Nếu bạn không ủng hộ ông A thì chắc chắn bạn thuộc thành phần X; không thể nào khác.

Tư duy đơn giản cũng là lý do người cực đoan — dù tả khuynh hay hữu khuynh, dễ bị lừa gạt bởi thuyết âm mưu hơn người ôn hoà. Cực đoan trong chính kiến cũng thường đi liền với lối giải thích các sự kiện xã hội hay chính trị một cách đơn giản, ngô nghê.

TỰ TIN QUÁ ĐÁNG
Người cực đoan rất tự tin vào khả năng đánh giá sự kiện của mình. Điểm này liên quan đến tư duy đơn giản thượng dẫn. Người ta dễ cho là mình phải khi mọi vấn đề đều có câu trả lời rõ ràng: Cái gì không trắng thời là đen thôi!

Người cực đoan thường có niềm tin mãnh liệt vào cái họ cho là đúng, mặc dù khoảng cách giữa niềm tin và sự hiểu biết của họ nhiều khi rất xa. Do vậy người cực đoan thường chỉ muốn nghe thông tin hạp nhĩ để củng cố niềm tin của mình. Hiện tượng này hiện hữu trong cả hai nhóm tả khuynh và hữu khuynh.

BẤT KHẢ KHOAN DUNG
Khác với thành phần ôn hoà và trung dung, người cực đoan khó tiếp thu ý kiến trái chiều hoặc chấp nhận những kẻ khác mình. Vì quá tự tin và suy nghĩ đơn giản, họ cho rằng hệ tư tưởng và giá trị đạo đức của mình chuẩn hơn, cao hơn, đẹp đẽ hơn. Điều này dẫn đến tâm lý kỳ thị.

Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy  không chỉ thành phần hữu khuynh cực đoan mới kỳ thị. Những người tả khuynh cực đoan cũng có thể kỳ thị không kém, dù rằng đối tượng kỳ thị của hai nhóm rất khác nhau. Chẳng hạn như ở Mỹ các nhóm hữu khuynh có thể kỳ thị người da màu thiểu số, người đồng tính, người tranh đấu cho phụ nữ quyền… Trong khi đó phía tả khuynh có thể kỳ thị người Công giáo, quân đội hay người ủng hộ súng v.v.

Nói cách khác, tâm lý bất khả khoan dung không tuỳ thuộc vào đảng phái chính trị mà hình thành từ tư duy cứng nhắc của những cá nhân quá tự tin vào thế giới quan giản đơn của mình.

Bốn đặc điểm trên đây được đúc kết từ các công trình nghiên cứu của một số học giả trên thế giới, phần lớn đến từ các nước Âu Mỹ với hệ thống chính trị dân chủ. Người đọc có thể tham khảo thêm chi tiết qua link dẫn cuối bài.

B. Biểu đồ cho thấy sự phân cực trong hai khối cử tri chính ở Mỹ — Cộng Hoà (đỏ) và Dân Chủ (xanh), ngày càng xa rời trung vị (median) phe đối lập. Nguồn: Pew Research

THAY LỜI KẾT

Bài phân tích đăng trên Sage Journals xuất hiện một năm trước khi COVID-19 càn quét địa cầu. Trong bầu không khí căng thẳng của dịch bệnh hiện nay, tỉ lệ người bị quẫn bách tâm lý chắc chắn phải cao hơn bình thường. Sự phân cực chính trị trong xã hội Mỹ, bắt đầu từ nhiều năm trước khi Tổng thống Donald J. Trump xuất hiện trên chính trường, vốn đã sâu sắc nay còn bị virus làm cho sâu thêm.

Riêng đối với người Việt — nạn nhân của chiến tranh và những bi kịch đổi đời, phân cực trong chính kiến hồ như đã trở thành căn tính dân tộc từ nhiều năm qua. Nay thêm cơn đại dịch và một vị tổng thống dễ gây tranh cãi, thật chẳng khác nào châm dầu vào lửa. E rằng thành phần cực đoan, với sự tiếp tay của các thế lực ngầm, sẽ còn áp đảo khối trung hoà một thời gian.

Tuy nhiên, người viết hy vọng bài phân tích nhỏ này có thể giúp chúng ta thông hiểu và đồng cảm nhau hơn một chút, đối thoại với nhau trong ôn hoà và tích cực hơn một chút thay vì chụp mũ hay chửi bới theo thói quen quán tính. Chiến tranh chấm dứt đã 45 năm, mong rằng người Việt sẽ tìm được mẫu số chung để cùng nhau kháng kích cơn nội dịch, không cho phép nó xé toang chúng ta ra thành nhiều mảnh.

------------------------
.
Nguồn tham khảo:

First Published January 29, 2019






No comments:

Post a Comment

View My Stats