Sunday, 26 April 2020

TRUMP NÓI RẰNG WHO ĐÃ KHÔNG CHIA SẺ THÔNG TIN SỚM VỀ COVID-19 - MỘT BÁO CÁO MỚI ĐÃ PHỦ NHẬN ĐIỀU NÀY (Riley Beggin - VOX)




Riley Beggin  -  VOX
Nguyễn Hoàng Ánh dịch
26/04/2020

Một báo cáo của Washington Post cho thấy chính quyền Trump đã được cung cấp thông tin từ WHO ngay từ những ngày đầu của đại dịch.

Hơn một chục chuyên gia Hoa Kỳ đã làm việc tại Tổ chức Y tế Thế giới và cung cấp thông tin cho chính quyền Trump vào tháng 12 năm ngoái khi virus corona lây lan ở Trung Quốc, theo báo cáo của Washington Post.

Báo cáo đó trái ngược với những lời buộc tội của Tổng thống Donald Trump, cho rằng thời gian cuối năm 2019 WHO đã sai lầm nghiêm trọng về cách xử lý phản ứng toàn cầu đối với virus này – và đó là một cách che giấu thông tin về việc Trung Quốc không có khả năng ngăn chặn Covid-19. Vài ngày sau tổng thống tuyên bố ông sẽ đóng băng tài trợ của Mỹ cho WHO trong cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu để trả thù cho việc bị cáo buộc cho những thất bại này.

Trên thực tế, theo Post, các quan chức chính quyền của Trump đã tham gia soạn thảo chính sách của WHO – và làm việc để bảo đảm Hoa Kỳ được thông báo về sự phát triển của virus corona mới ngay khi cơ quan quốc tế biết về chúng.

Một quan chức hàng đầu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) là một phần của ủy ban tư vấn cho WHO, bộ phận chịu trách nhiệm về việc có nên tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu vào cuối tháng 1 hay không. Hai nhà khoa học Mỹ làm việc trong bộ phận có nhiệm vụ thu thập thông tin của WHO về Trung Quốc vào giữa tháng Hai. Một quan chức của CDC đã tổng hợp các báo cáo hàng ngày về các vụ dịch có sự tham khảo ý kiến ​​của các đối tác của WHO và chuyển thông tin cho các cấp cao hơn trong tổ chức thông qua các cuộc gọi giao ban hàng ngày. Và các kế hoạch và thông báo sắp tới của WHO đã được báo cáo chia sẻ trước nhiều ngày với các quan chức hàng đầu của Hoa Kỳ như Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Alex Azar.

WHO đã bị chỉ trích vì xử lý đại dịch – bao gồm cả việc liệu tổ chức này có chờ đợi quá lâu mới tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu hay không và họ có sai lầm khi khen ngợi phản ứng của Trung Quốc không – nhưng báo cáo của Post cho thấy thiếu thông tin sớm về mối đe dọa đối với Hoa Kỳ có thể không phải là một trong những sai lầm của họ.

Nhưng khi tuyên bố với các phóng viên vào thứ ba tuần trước, Trump lại nói “Thực tế là WHO đã thất bại trong việc thu thập đầy đủ … và chia sẻ thông tin một cách kịp thời và minh bạch”.

Ông ta đã lặp lại cáo buộc này – cùng với lời buộc tội là WHO đã vài lần ngăn ông đưa ra lệnh cấm du lịch – dường như nỗ lực muốn đổ lỗi cho tổ chức quốc tế này về cuộc khủng hoảng virus corona hiện tại của Hoa Kỳ.

Trump đã sử dụng WHO để tránh những lời buộc tội cho chính quyền của mình

Trump đã bị chỉ trích trong nhiều tuần qua vì phản ứng của ông đối với virus corona ở Mỹ, mà các nhà phê bình của ông – và hầu hết người Mỹ – đã lập luận là chậm một cách nguy hiểm. Trong nỗ lực vượt qua sự chỉ trích này, tổng thống đã ngày càng coi WHO là một bên để đổ lỗi cho bất kỳ thiếu sót nào của virus corona tại Hoa Kỳ.

Sự thất vọng của Trump với tổ chức này dường như bắt đầu vào cuối tháng 1, khi các quan chức hàng đầu của WHO nói rằng các chính phủ không cần can thiệp vào việc đi lại và buôn bán quốc tế một cách không cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh, sau khi Trump tuyên bố ông sẽ cấm một phần du lịch từ Trung Quốc. WHO đã không chỉ trích trực tiếp Hoa Kỳ, nhưng đó là quốc gia duy nhất áp đặt các hạn chế đi lại vào thời điểm đó.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho rằng: “Những hạn chế du lịch có thể gây hại nhiều hơn là tốt bằng cách cản trở việc chia sẻ thông tin, chuỗi cung ứng y tế và gây tổn hại cho nền kinh tế”.

Đầu tháng 4, đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng đối với phản ứng sớm của mình, Trump ngày càng trở nên rõ ràng hơn trong các bài phê bình của mình về tổ chức này, tweet rằng, WHO đã thực sự phạm sai lầm lớn.

Ông viết: “Vì một số lý do, một tổ chức được tài trợ phần lớn bởi Hoa Kỳ, nhưng lại rất hướng về Trung Quốc. Chúng tôi sẽ phải chấn chỉnh lại điều đó”.

Như phóng viên Lois Parshley của Vox đã báo cáo, những lời chỉ trích đã không kết thúc ở đó:

Deborah Birx, điều phối viên lực lượng đặc nhiệm virus corona của Nhà Trắng và Scott Gottlieb, cựu ủy viên của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm dưới thời Trump, đã chỉ trích việc xử lý dữ liệu và sự minh bạch của Trung Quốc. Gottlieb nói với Face the Nation: ‘Sau này, WHO cần phải có một báo cáo sau hành động, xem xét cụ thể những gì Trung Quốc đã nói hoặc không với thế giới và điều đó đã cản trở phản ứng của thế giới với nạn dịch này như thế nào’.

Trong khi đó, ngày 13 tháng 4 những đảng viên Đảng Cộng hòa trong Thượng viện đã công bố kế hoạch điều tra nguồn gốc của virus và phản ứng toàn cầu, bao gồm cả các quyết định của WHO. Ron Johnson – Chủ tịch Ủy ban các vấn đề chính phủ và an ninh nội địa của Thượng viện – nói với Politico: ‘Chúng tôi cần biết vai trò của WHO trong việc cố gắng che đậy điều này’.”

Lời đe dọa ngưng gửi hàng triệu đô la của Trump mà nước này đóng góp hàng năm cho WHO sẽ là một đòn giáng mạnh vào tổ chức đang có vai trò điều phối phản ứng toàn cầu đối với Covid-19. Hoa Kỳ là tổ chức tài trợ lớn nhất của tổ chức, chiếm 22 phần trăm tổng đóng góp của tất cả các quốc gia thành viên được đánh giá đóng góp, ngoài ra còn thêm hàng trăm triệu USD đóng góp tự nguyện.

Chưa rõ liệu ông ta có thể ngăn chặn 116 triệu đô la đã được Quốc hội thông qua cho WTO hay không, nhưng có vẻ ông ta có thể được phép chuyển sang tài trợ cho các tổ chức khác hoặc giữ lại cho đến năm sau.

WHO có thể tiếp tục trở thành vật tế thần cho chính quyền Trump, nhưng các chuyên gia đã thúc giục ông không rút khỏi một cơ quan mà phần lớn họ đồng ý là đã tránh được những sai lầm lớn.

Lawrence Gostin, giáo sư tại Đại học Georgetown và là nhà phê bình trước đây của tổng giám đốc WHO, nói với Parshley: “Làm thế nào bạn có thể đe dọa rút tiền từ cơ quan y tế toàn cầu hàng đầu thế giới giữa một đại dịch, với hàng chục ngàn người chết? Đó là hành động hoàn toàn vô trách nhiệm”!

------------------------

NGUỒN :

A Washington Post report finds the Trump administration was given inside information from WHO during the early days of the pandemic.
By Riley Beggin  
Apr 19, 2020, 5:30pm EDT


-------------------------------------------------------------

 .
Người Việt Online
April 25, 2020

WASHINGTON, DC (NV) – Một vụ kiện của một cơ quan truyền thông lớn của Mỹ cho thấy, kể từ năm 2018, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã được cảnh báo có thể có đại dịch COVID-19!

Đó là vụ nhật báo The Washington Post kiện Bộ Ngoại Giao Mỹ liên quan đến hai công điện gởi về từ năm 2018 có liên quan đến phòng thí nghiệm vi khuẩn tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, nơi xuất phát bệnh dịch.

Theo đơn kiện, hai công điện này được từ tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Bắc Kinh gởi về Bộ Ngoại Giao sau những lần các nhà khoa học Mỹ đến làm việc tại Viện Vi Trùng Học Vũ Hán, theo The Post tường trình.

Vào chiều Thứ Sáu, 24 Tháng Tư, The Post đệ đơn lên tòa án liên bang tại Washington, DC, kiện Bộ Ngoại Giao từ chối tiến hành nhanh chóng đáp ứng lời yêu cầu cung cấp thông tin của tờ báo.

Đơn kiện yêu cầu tòa cấp tốc xem xét việc từ chối của Bộ Ngoại Giao là phạm luật và yêu cầu tòa đưa phán quyết đòi Bộ Ngoại Giao đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin cho tờ báo.

Ngày 3 Tháng Tư, tờ Washington Post yêu cầu Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cung cấp hai công điện trên viện dẫn đạo luật quyền tự do thông tin, Freedom of Information Act (FOIA).
Bản yêu cầu của The Post viết “những thông tin trong các công điện này là tối khẩn thiết để thông báo cho công chúng về những gì mà chính quyền liên bang biết liên quan bệnh dịch xuất phát từ Trung Quốc.”

Tờ báo yêu cầu tiến hành khẩn cấp việc đưa ra hồ sơ, một thủ tục thông dụng của các cơ quan báo chí khi đang tiến hành một bài báo trước những chi tiết mang hậu quả tối hậu.

Vào ngày 14 Tháng Tư, trong một bài đăng trên The Washington Post, bình luận gia Josh Rogin, tường trình về các công điện viết từ năm 2018, hai năm trước khi bệnh dịch bùng phát.

Các công điện này cảnh báo việc thiếu an toàn tại phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

Tuy các công điện này được xếp hạng “nhạy cảm,” nhưng không thuộc hạng “bảo mật.”

Nhà báo Rogin có trong tay bức công điện đầu tiên, trong đó nói đến việc phòng thí nghiệm nghiên cứu vi khuẩn này từ loài dơi và cảnh báo nguy cơ lây nhiễm cho con người giống như đại dịch SARS.

Ngày 12 Tháng Tư, ông Nicholas Cormier, trưởng phòng thông tin của Bộ Ngoại Giao, trả lời The Post qua một điện thư rằng: “Thông tin này không mang tính khẩn thiết để bộ phải truy cập nhanh chóng.”

Do đó, ông Cormier kết luận, yêu cầu của tờ báo sẽ được đưa vào hạng thông thường.

Trong những ngày qua, Ngoại Trưởng Mike Pompeo chỉ trích Trung Quốc che giấu sự thật về những gì xảy ra tại Vũ Hán.

Ông lên án Bắc Kinh trì hoãn cập nhật tình hình cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) về dịch bùng phát tại Vũ Hán và sau đó tiếp tục che giấu những thông tin thật về đại dịch COVID-19.

Còn Tổng Thống Donald Trump lên án WHO, bị ảnh hưởng của Trung Quốc, chậm trễ báo cáo tình hình dịch bùng phát tại Vũ Hán, khiến cả thế giới, trong đó có Hoa Kỳ, bị nguy ngập vì COVID-19 hoành hành.

Tuy nhiên, nếu đúng theo miêu tả về hai bức công điện của nhà báo Josh Rogin, mà ông có một bản, thì Bộ Ngoại Giao Mỹ đã được các khoa học gia Hoa Kỳ cảnh báo cách đây hai năm, trước khi bệnh dịch bùng phát tại Hoa Kỳ. (MPL) (Đ.D.)







No comments:

Post a Comment

View My Stats