Thursday, 27 June 2019

40 NĂM XA NƯỚC VÀ CÁI GIÁ CỦA TỰ DO (Nguyễn Thị Cỏ May)




28/04/2018

Người Việt Nam Hải ngoại, mỗi người, mỗi gia đình đều có con số để ghi nhớ. Như lính có số quân. Không ai có quyền quên. Con số đó là ngày đi khỏi nước để làm thân tỵ nạn hay làm người mất nước. Nó còn là số thông hành của người Việt nam "thua cuộc" khi xuất ngoại.

Sau 43 năm mất nước, vẫn còn nhiều người nhắc nhở sự kiện lịch sử phức tap này. Nhiều hồ sơ mật bắt đầu công bố. Nhưng nói cho rõ tại sao mất Miền nam, đã tưởng như sẽ không bao giờ có thể mất, thì dường như chưa đủ để thỏa mãn nhiều người.

Người Việt nam Hải ngoại, mỗi người đánh giá cho mình việc bỏ nước ra đi cũng khác nhau. Những kẻ ra đi tìm cái ăn, cái mặc, tránh thảm nạn ăn bo bo, khoai mì khi «bác» tới, thì nay đã thỏa mãn ít nhiều nên có thể quay về nước. Còn kẻ nghĩ đánh đổi mạng sống của mình, của gia đình mình cho cái gì cao quí hơn, tuy trừu tượng, như Tự do, để con người sống có nhơn phẩm thì ngày nay, vẫn còn ái ngại chưa muốn trở về.

Tự do có cái giá của nó! Tùy quan niệm riêng mà đánh giá và trả giá.

Nhìn lại biến cố 30/04/75, cũng có lắm cái nhìn khác nhau nhưng không biết vì vậy mà nó mang ý nghĩa khác nhau không?. Kẻ nói là "Quốc Hận", người cho là "Hành trình tìm Tự do", còn có người lại không ngần ngại rặp khuôn "Ngày giải phóng"!

Viết về ngày 30/04/75, người Việt nam và cả ngoại quốc, dường như đều tập trung viết về khả năng chiến tranh. Ít người viết về lý do của khối người Việt nam bỏ nước ra đi. Phải chăng vì vậy mà ngày 30/04 cho tới nay vẫn chưa được là một ngày thống nhứt? Một nội dung thống nhứt!

Viết về đời sống ngưòi Việt nam ở các nước nơi họ định cư, xây dựng lại đời sống mới lại càng ít hơn nên qua thời gian, tư cách tỵ nạn hầu như phai nhạt đi phần nào làm cho họ dễ bị đồng hóa thành "Việt kiều". Và họ cũng không cần phản ứng.

Trong số ít thông tin về người Việt nam tỵ nạn hiện sanh sống trên nhiều nước thuộc thế giới tự do, tưởng có thể kể quyển biên khảo công phu của nhà sử học và tài liệu học (Thư viện học) Lâm Vĩnh Bình ở Montréal ấn hành năm 2014. Sách còn lưu hành nhưng rất hạn chế. Tựa sách là "Giá Tự do".

Năm nay, nhơn dịp 30/04, ông vừa cho phổ biến một bài biên khảo "43 năm nhìn lại" với nhiều tài liệu liệt kê tập trung vào việc mất Việt nam. Cả nguồn gốc của tài liệu để giúp ai muốn truy tìm theo cái nhìn của mình.

Những ngưòi Việt nam tỵ nạn đầu tiên có thể vào xứ Mỹ

Cận ngày 30/04, chánh phủ Huê kỳ có chương trình di tảng người Việt nam và gia đình làm việc cho chánh phủ Huê kỳ và cả gia đình nhơn viên hay quân nhơn Mỹ. Sau ngày 30/04, làn sóng người Việt nam vượt biển đi tỵ nạn mới bắt đầu. Thấy chánh phủ Huê kỳ không có chương trình đón nhận người Việt nam tỵ nạn tới Mỹ ngoài khuôn khổ chương trình dành cho nhơn viên và gia đình, Giáo sư Steve Young hốt hoảng, vội nghĩ phải tìm bạn cũ hiện đang làm việc trong chánh phủ để vận động nhờ tìm một giải pháp giúp người Việt nam tỵ nạn. Ông kể lại những vận động của ông sau khi đọc qua bản thảo quyển «Giá Tự Do»:

«Tôi đọc qua cuốn sách «Giá Tự Do» của Gìáo sư Lâm Vĩnh Bình không thể nào không có những cảm động đặc bìệt. Chính vì Tự Do có những giá trị đặc biệt mà tôi đã dám lên tiếng hồi tháng 3/1975 để nhờ một số bạn trang lứa với tôi hiện làm việc trong Tòa Bạch ốc và Bộ Ngoại giao cố gắng xin phép Tổng thống Ford mở cửa đón nhận những người Việt nam phải từ bỏ quê hương được nhập cư ở Mỹ, tìm lại cho mình một đời sống trong một xã hội với nền kinh tế, chánh trị tự do.

Lúc ấy, tôi không nghĩ rằng người Việt nam đi tìm tự do sẽ thành công hoặc cơ cực thế nào ở bốn mươi năm sau. Tôi chỉ biết chắc con cháu của họ sẽ trở thành những người mới ở xứ sở của tôi, những công dân Mỹ, nói giỏi tiếng Mỹ hơn tiếng Việt. Người Mỹ gốc Vìệt tương lai sẽ giống các sắc dân khác tới Mỹ tỵ nạn hay di dân để trở thành công dân Mỹ, đóng góp nhiều ít cho quê hương thứ hai do họ chọn lựa.

Công của Giáo sư Lâm Vĩnh Bình rất lớn. Ông nghiên cứu rất khoa học nhờ đó ông giúp người đọc thấy rõ đời sống bà con người Việt nam dưới nhiều mặt như nuôi dạy con cái thành tài, gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc là Tự do theo tinh thần Phật giáo và Lão giáo. Họ cương quyết từ khước, bằng cả mạng sống, cái kiếp sống nô lệ dưới chế độ cộng sản ác ôn nếu ở lại Việt nam. Theo tôi, đó là họ đã chọn cái giá trị tinh thần to lớn và vô cùng quan trọng.

… Ngày thứ hai, 1/4/75, tôi xuống Hoa-thạnh-đốn để bắt đầu vận động bạn cũ trong chánh quyền Huê Kỳ. Tôi có 4 lý do để thuyết phục các bạn ấy.

Thứ nhứt là danh dự của nước tôi đối với nước bạn Việt nam. Tôi không phải là kiểu người Mỹ có thể phủi tay bỏ rơi bạn dễ dàng khi xong việc.  Theo tôi thì Huê kỳ phải là nước có đạo đức, có lương tâm, có danh dự đối với lịch sử nhơn loại. Tổ tiên tôi có công trong cuộc cách mạng chống lại vua Georges III, giành lấy quyền tự trị đem lại cho các Tiểu bang Huê Kỳ. …

Thứ hai, tôi muốn cứu những người ái quốc thật sự, yêu nước thật sự, đã từng tranh đấu cho lý tưởng dân chủ, nhơn quyền thật sự, tranh đấu cho dân tộc Việt nam thật sự …

Thứ ba, tôi muốn dân tộc Việt nam có lãnh đạo chánh trị, biết trọng văn hóa, tổ chức đời sống tự do để giữ truyền thống Việt tộc và Đạo lý Việt tộc. Như Do thái sống tha hương rồi có ngày trở về lập quốc …

Thứ tư, tôi muốn tạo hoàn cảnh để có một lớp người Việt nam sẽ trưởng thành, tài giỏi, bản lãnh, trở thành một lớp lãnh đạo đủ khả năng tranh đấu chống cộng sản, khôi phục lại nước Việt nam….

40 năm sau, đảng cộng sản vẫn còn nắm quyền nhưng sự thành công và đóng góp về nước của người Vìệt nam tỵ nạn ngày thêm quan trọng có tác dụng phá vỡ sâu rộng uy tín lãnh đạo của đảng.

Ai không nghĩ Tự Do sẽ không tới Việt nam trong thời gian gần đây? Lúc đó, cả dân tộc sẽ hưởng được thật sự Giá Tự Do!

Giá Tự Do hay một Việt nam Hải ngoại

Viết về người Việt Nam liều mình bỏ nước ra đi tìm Tự Do sau ngày mất nước 30/04/1975 có khá nhiều. dưới nhiều hình thức và nhiều ghi nhận khác nhau. Tất cả đều tập trung giữ lại ký ức tập thể về biến cố đau thương ấy. 30/04/75 vô cùng trọng đại, không riêng cho người Việt tị nạn mà còn đánh động lương tâm thế giới. Một biến cố có một không hai trong lịch sử nhơn loại bởi nó đã mang ra khỏi đất nước Việt Nam hơn 3 triệu người và nó chôn vùi xuống lòng biển cả, trong rừng sâu hơn nửa triệu người nữa. Tất cả chỉ vì muốn đi tìm lại Tự Do vừa mất vì bị giải phóng.

Nhưng viết để mô tả dung nhan, sanh hoạt, ước mơ, sức chịu đựng tạo lập đời sống mới, tinh thần gìn giữ những giá trị cội nguồn thì phải nói quyển Giá TỰ DO của tác giả Lâm Vĩnh Bình quả thật là một công trình biên khảo khoa học khả dĩ đáp ứng được  sự mong đợi của đa số độc giả, cả những độc giả khó tánh.

Trước kia, Đức Quốc Xã sát hại 6 triệu người Do Thái bị cả thế giới lên án về tội diệt chủng, tội chống nhơn loại. Ngày nay, sau hơn 70 năm, trên báo chí, TV, sách vở, tội ác của Đức Quốc Xã vẫn còn được nhắc nhở. Những hồ sơ tội ác nầy vẫn được tiếp tục bổ túc bằng những khai quật mới để khi có đủ bằng cớ, thủ phạm sẽ bị truy tố ra tòa án vì tội diệt chủng hay tội chống nhơn loại là thứ tội không bị mất giá trị thời gian. Thậm chí, ở Âu châu, ai có lời nói xa gần liên hệ thân thiện với Đức quốc xã đều bị dư luận phản ứng mạnh.

Đối với dân tộc Việt nam, tội ác của cộng sản Hồ Chí Minh từ trong bóng tối chiến khu, khi ra Hà Nội năm 54, sau cùng vào miền Nam và cho tới ngày nay, không phải đối với ngoại quốc, mà với người Việt nam, là thứ tội chống nhơn loại, phải được đưa ra trước Tòa án Quốc tế Công lý xét xử. Nhưng cho tới nay, vẫn chưa có người nghĩ tới việc làm vì công lý này. Cái đảng tội phạm đó vẫn an nhiên cầm quyền, và Cộng hòa Xã hội Việt Nam chẳng những đã không ra trước Tòa Án Nuremberg mà còn trở thành hội viên Liên Hiệp Quốc, vào Hội Đồng An ninh, Hội Đồng Nhơn quyền, tham gia các Hiệp ước quốc tế tuy không bao giờ thi hành.  Nghĩ lại lịch sử có mỉa mai  không?

Quyển GIÁ TỰ DO của Lâm Vĩnh Bình không đặt vấn đề truy tố tội ác của cộng sản Hà Nội mà nhằm ghi lại sự việc hằng triệu người vội bồng bế nhau chạy, bỏ lại tất cả đàng sau, khi vừa thoáng trông thấy bóng dáng Hồ Chí Minh qua nón cối dép râu. Lúc Âu châu bị chia cắt, dân bên Đông bỏ chạy qua Tây Âu, câu nói thời danh là những người Đông Âu chọn «bỏ phiếu bằng chân».

Trước và sau ngày 30/04/75, người Việt Nam không bỏ phiếu bằng chân, mà họ đã chọn cách bỏ phiếu bằng cả mạng sống của họ, của gia đình họ. Từ đó mới thấy cộng sản Hồ Chí Minh ghê gớm hơn cộng sản Âu châu. Như vậy muốn tìm hiểu cộng sản, phải để ý cộng sản Đông Âu, cộng sản Nga không giống cộng sản Tàu, khác cộng sản Việt Nam và càng khác hơn thứ cộng sản ở Hà Nội.

Viết về người Vìệt Nam tị nạn không phải là việc làm đơn giản, tuy biến cố đó ai cũng biết. Bằng thông tin hay bằng thể nghiệm bản thân. Bởi người viết gặp phải khó khăn về mặt kỹ thuật là có quá nhiều thông tin. Việc chọn lọc đòi hỏi óc phán xét tinh tế để có sự đánh giá gần với sự chính xác. Ông Lâm Vĩnh Bình nhờ khả năng chuyên môn nghề nghiệp mà vượt qua được khó khăn cơ bản này để giới thiệu với độc giả một công trình biên khảo với phương pháp luận vô cùng vững chắc. Nhờ đó người đọc thấy hài lòng do tính đầy thuyết phục của tác phẩm. Về mặt thông tin liên quan đến người tị nạn trên khắp thế giới, quyển Giá TỰ DO cung cấp cho độc giả đầy đủ và chính xác những điều cần biết. Về nhơn số ở từng địa phương, lớp tuổi, nghề nghiệp, trình độ hội nhập... Người đọc sẽ có cảm tưởng là đang thăm viếng từng vùng khác nhau của đồng bào đang sanh sống trên một đất nước vô cùng rộng lớn. Như đi từ Miền Đồng Bằng sông Cửu Long lần ra Miền Trung, Miền Bắc với những khác bìệt nhân xã do lịch sử và địa lý tạo nên. Đọc xong quyển sách, độc giả đã đi khắp các vùng đất nước Việt Nam. Không phải đi như một du khách ngoại quốc, mà đi sâu vào từng gia đình, từng thành phần xã hội, với tình cảm bà con thân thuộc.

Một Việt Nam hải ngoại! Tại sao ta không thừa nhận một cách hùng hồn đó là nước Việt Nam hải ngoại của ta? Để tách bạch với Việt Nam cộng sản, để xác định dứt khoát ta không cùng nguồn gốc với những người cộng sản gian ác, thứ người không ngần ngại «chửi cha, chém chú, lắt vú chị dâu, cạo đầu bà thím» do Hồ Chí Minh giáo dục bằng «Trăm năm trồng người xã hội chủ nghĩa». Tôi nói nước Việt Nam hải ngoại vì trong Liên Hiệp Quốc không thiếu nhiều quốc gia thành viên có dân số kém hơn, lợi tức đầu người thấp hơn. Nói một Việt Nam hải ngoại bởi ở đây ta có mọi sanh hoạt kinh tế, xã hội, văn hóa, những yếu tố kết thành tâm hồn một dân tộc.

Chính ở Việt Nam hải ngoại, người Việt Nam tị nạn cộng sản có điều kiện gìn giữ những giá trị văn hóa dân tộc để nuôi dưỡng những thế hệ con em mong một ngày kia sẽ đem về vun trồng lại trên đất nước hoang sơ do người cộng sản làm giải phóng tàn phá.

Đọc xong quyển Giá TỰ DO, tôi thật sự có cảm tưởng như mình đã trở về Việt Nam lần đầu tiên sau đúng 40 năm xa xứ. Trong niềm xúc động sâu xa, tôi xin nói lên lời thật lòng cảm tạ tác giả (Trích lời NVT giới thiệu ấn bản 2014).

Nguyễn thị Cỏ May





No comments:

Post a Comment

View My Stats