BTV Tiếng Dân
23/06/2019
Sau vụ Khaisilk bán lụa Tàu, đội lốt hàng Việt, đã lừa
người dân suốt 30 năm qua, bị phanh phui gần hai năm trước, là một cái tát vào
mặt người dân. Mấy ngày qua, người dân lại lãnh thêm một cái tát đau đớn nữa,
khi Tập đoàn Asanzo bị phanh phui vụ bán hàng Trung Quốc dán nhãn Việt Nam.
Báo VietNamNet đưa tin, CEO Asanzo thừa nhận sử dụng linh kiện Trung Quốc.
Ông Phạm Văn Tam, CEO Asanzo nói, “việc Asanzo nhập các linh kiện từ
Trung Quốc về để lắp ráp thành sản phẩm không có gì là mới. Tuy nhiên khi gắn
nhãn, bao bì cũng như trong giấy bảo hành, Asanzo ý thức được việc đó”, nên
chỉ ghi “Xuất xứ Việt Nam”, thay vì “Made in Vietnam”.
Ông Tam còn cho biết thêm, khoảng 1 năm trở lại đây,
Asanzo không còn lắp ráp các mặt hàng điện gia dụng nữa. Từ đó đến nay, trên thị
trường xuất hiện “những thiết bị này được các công ty phụ trợ của
Asanzo nhập khẩu về Việt Nam và có xuất xứ từ Trung Quốc”.
Báo Tuổi Trẻ có video điều tra tập 1: Nhập hàng Trung Quốc về ghi xuất xứ Việt
Nam để lừa người tiêu dùng.
Báo Tuổi Trẻ có đồ họa: Cách ‘sản xuất’ tivi trong… 30 phút của Asanzo.
Báo Dân Sinh đặt câu hỏi: Người tiêu dùng nói gì trước tin Asanzo bị “tố” hàng Trung
Quốc đội lốt hàng Việt? Theo đó, “24 tiếng kể từ khi thông
tin sự việc được đưa ra và chưa ngã ngũ, người tiêu dùng Việt khá lo lắng” bởi
sản phẩm Asanzo trước đó khá thịnh hành. Một người tiêu dùng cho biết: “Tôi
là khách hàng thân thiết của Asanzo 3 năm nay, không chỉ mua đồ gia dụng, tôi
còn mua tivi và điều hòa của hãng này vì giá thành hợp lý, lại là hàng Việt
Nam”.
Một người tiêu dùng khác bình luận: “Đành rằng
có thể nhập linh kiện từ Trung Quốc để lắp ráp, nhưng nếu đúng là nhập nguyên
lô, đến cả tem mác cũng in sẵn luôn thì không thể chấp nhận được”.
VietNamNet đưa tin: Một số nhà bán lẻ bắt đầu gỡ sản phẩm Asanzo khỏi kệ hàng.
Bài báo cho biết: “Vào sáng hôm nay 22/6, khi chúng tôi kiểm tra lại một
số website của các nhà bán lẻ lớn tại Việt Nam thì nhận thấy rằng các sản phẩm
của Asanzo đã bắt đầu bị gỡ khỏi kệ hàng hoặc chuyển sang trạng thái hết hàng”.
Cụ thể, “ở website A Đây Rồi, trang TMĐT trực
thuộc tập đoàn Vingroup, khi tìm kiếm với từ khóa Asanzo sẽ nhận được kết quả
trả về là không có sản phẩm nào. Trong khi vào ngày hôm qua, vẫn còn có thể
truy cập được vào gian hàng chính thức của Asanzo trên trang TMĐT này”.
Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao đã tước danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao với Asanzo,
theo VTV. Trong thông báo chiều 21/6, hội này cho biết, “hành vi nhập
hàng Trung Quốc ghi xuất xứ Việt Nam đã gây tổn thương nghiêm trọng đến niềm
tin của người tiêu dùng Việt Nam vào hàng Việt”.
Báo Dân Trí dẫn lời bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội
Doanh nghiệp Hàng VN chất lượng cao: Khó mà biết Tập đoàn Asanzo gian dối vì hồ sơ… “sạch”.
Bà Hạnh cho biết, trường hợp của Asanzo, “các cơ quan quản lý địa
phương không có phát hiện vi phạm về pháp luật và rất nhiều báo đài vẫn liên tục
đăng bài biểu dương sản phẩm, danh hiệu, giải thưởng và người đứng đầu tập
đoàn”.
Nhà báo Bạch Hoàn viết: “Asanzo được vinh danh là
Hàng Việt Nam chất lượng cao, nhưng thực chất là hàng Trung Quốc được đưa ra thị
trường Việt Nam bởi doanh nhân có dấu hiệu lừa đảo. Nhưng, điều đáng lên án là
nó được vinh danh một cách vô trách nhiệm. Sự vô trách nhiệm ấy đã góp phần vào
việc lừa gạt hàng triệu người tiêu dùng.
Hàng VN chất lượng cao, rút cuộc cũng chỉ vinh danh
cho loại lừa đảo như một mớ các giải thưởng, chứng nhận, vinh danh rác rưởi được
mua bằng tiền đang lúc nhúc ngoài kia“.
Biếm họa “Asanzo:
Công nghệ lừa đỉnh cao” của báo Tuổi Trẻ Cười
VN Review có bài: Bình thản đến đáng sợ. Đó là sự “bình thản” của những
người cho rằng vụ hàng TQ dán nhãn VN này “không có gì ngạc nhiên”, “không
ít người còn cho rằng bây giờ hầu như không có sản phẩm nào mà không nhập khẩu
linh kiện từ Trung Quốc”. Đó là một thứ tư duy chấp nhận lệ thuộc vào TQ,
xem đó là chuyện đương nhiên.
Trang Người Đồng Hành đặt câu hỏi: Người sáng lập Phạm Văn Tam đã thoái gần hết vốn tại Tập
đoàn Asanzo? Bài báo cho biết, Công ty CP Tập đoàn Asanzo được
thành lập tháng 10/2016, có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, chủ đầu tư lớn nhất khi đó
là ông Phạm Văn Tam, góp vốn 90 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 7/2017, ông Phạm
Văn Tam giảm tỷ lệ sở hữu từ 90% xuống còn 1%, “tiếp sau đó các cổ đông
tổ chức như CTCP Điện tử Asanzo Việt Nam và Công ty TNHH Truyền thông Asanzo
cũng lần lượt thoái hết vốn”.
______
Mời đọc thêm: “Nóng” trong tuần: Cú sốc gian lận ở Asanzo; Nỗi lo năm sau
thiếu điện (DT). – Chiến lược bán Smart TV giá rẻ tại nông thôn đem về cho
Asanzo hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm (VNBiz). – CEO Asanzo và Khaisilk: Kinh doanh là phải gian dối? (KT).
– Dân mạng làm loạn fanpage Asanzo Việt Nam (TGTT).
– Kinh doanh “treo đầu dê, bán thịt chó” và thói đạo đức giả (VietTimes).
– Asanzo có phải là hàng Việt Nam chất lượng cao? (TT).
– Một số nhà bán lẻ tạm ngưng kinh doanh, chờ phản hồi từ
Asanzo (TT). – Sản phẩm của Asanzo biến mất tại một số trang thương mại điện
tử (VN Mới). – Bị tố sản phẩm Asanzo là hàng Trung Quốc, ông Phạm Văn Tam
nói gì?(DV). – CEO Phạm Văn Tam và những ‘scandal’ của Asanzo (ANTT).
– Những bê bối ở Asanzo của CEO Phạm Văn Tam (VietQ).
– Chân dung CEO Asanzo – doanh nghiệp bị tố là hàng Trung Quốc
“đội lốt” xuất xứ Việt Nam (NSKT/Soha).
------------------------------------------
Người Việt Online
June 23, 2019
HÀ
NỘI, Việt Nam (NV) – Nhà cầm quyền Việt Nam đang lo lắng trước
nguy cơ bị Mỹ trừng phạt thương mại khi để hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt
Nam bán sang Mỹ đế né thuế quan nhập cảng đang bi áp đặt rất cao.
Báo VietNamNet trích dẫn một văn thư của Bộ Công
Thương gửi cho Bộ Tài Chính về “gia tăng nguy cơ gian lận thương mại về xuất xứ
hàng hóa, có khả năng tác động tiêu cực đến sản xuất, chế biến” không những gỗ
dán (ván ép) mà còn nhiều loại hàng hóa sản xuất khác.
Văn bản của Bộ Công Thương nói trên, thấy chỉ dẫn chứng
một thí dụ là gỗ dán của Trung Quốc bán sang Mỹ bị nâng thuế quan từ 10% lên
thành 25%, vốn đã từng được đề cập, thúc đẩy nhà sản xuất mượn đường Việt Nam
đưa hàng đi Mỹ. Tuy nhiên, không qua mặt được các viên chức điều tra chống gian
lận thương mại của Mỹ.
“Theo thông tin Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cung
cấp, Cục Hải quan và biên phòng Hoa Kỳ đã có nghi vấn và tiến hành điều tra các
doanh nghiệp nhập khẩu vi phạm lệnh áp thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng
của Mỹ đối với sản phẩm gỗ dán cứng từ Trung Quốc được các đơn vị này nhập khẩu
vào Mỹ.” VietNamNet kể lại.
Bản tin của VietNamNet hôm 22 Tháng Sáu, 2019 có vẻ
như nhắc nhở kiểu “đề cao cảnh giác” thường xuyên, đừng để họa lớn ập tới rồi
nhảy không kịp.
Một tháng trước đó, khi Bộ Tài Chính Mỹ dọa trừng phạt
thương mại, CSVN vội cử ngoại trưởng Phạm Bình Minh sang Washington thanh minh
không phá giá đồng nội tệ theo kiểu Trung Quốc.
Trụ sở chính của
công ty Asanzo tại KCN Vĩnh Lộc (quận Bình Tân, Sài Gòn) với nhà máy sản xuất
nhưng chỉ là xưởng lắp ráp tivi. (Hình: Tuổi Trẻ)
Bộ Công Thương thúc hối Bộ Tài Chính “tăng cường các
biện pháp quản lý” để ngăn chặn trước các nguy cơ bị Mỹ trừng phạt thương mại
khi báo chí trong nước đang chú ý vụ công ty Asanzo, một công ty nổi tiếng về sản
xuất tivi, tủ lạnh và nhiều lại hàng tiêu thụ khác, trên hàng xuất xưởng và bán
trên thị trường cả nước hàng chữ “Made in Vietnam” nhưng đất cả mọi bộ phận
trong ngoài của sản phẩm đều nhập cảng bộ phận rời từ Trung Quốc rồi lắp ráp.
Cuối Tháng Năm 2019, tờ Tiền Phong dẫn thống kê của
Tổng Cục Hải Quan CSVN cho hay Việt Nam đã xuất cảng sang Mỹ trong 5 tháng đầu
năm được một số hàng hóa trị giá $22.6 tỷ, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước,
trong đó điện thoại và linh kiện tăng 109.2%; điện tử, máy tính và linh kiện
tăng 58.4%; hàng dệt may tăng 9.8%.
Nhưng đồng thời “Trung Quốc vẫn là thị trường nhập cảng
lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt $29.6 tỷ, tăng 18.9% so với cùng kỳ năm
trước. Trong đó, điện tử, máy tính và linh kiện tăng 82.8%; máy móc thiết bị, dụng
cụ phụ tùng tăng 27.8%…”
Hiển nhiên trong đó không thiếu các bộ phận rời mà
Asanzo nhập cảng từ hơn một chục công ty Trung Quốc khác nhau để lắp ráp thành
sản phẩm “Made in Vietnam.”
Ngày 22 Tháng Năm, 2019, tờ Đất Việt dẫn một chỉ thị
của Tổng cục Hải quan gửi thuộc cấp trên cả nước về kiểm tra hồ sơ lô hàng, kiểm
tra thực tế hàng hóa đối với hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc để tìm xem trong
đó có thể có những loại hàng hóa đã ghi sẵn nhãn “Made in Vietnam” để rồi tiêu
thụ trong nước “đánh lừa người tiêu dùng” hay “tái xuất” sang Mỹ.
Cách đây hơn tuần lễ, báo tài chính Bloomberg nói
nhà cầm quyền Việt Nam đã khám phá ra hàng chục sản phẩm có chứng chỉ xuất sứ
giả mạo và chuyển bất hợp pháp từ những công ty muốn né thuế quan Mỹ, từ sản phẩm
nông nghiệp, vải sợi đến sắt thép. Đây là một trong những lần người ta thấy Việt
Nam công khai nhìn nhận có chuyện mánh mung như thế xảy ra từ khi bùng nổ cuộc
chiến thương mại Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Bloomberg cho hay Việt Nam cam đoan gia tăng trừng
phạt các trò gian lận thương mại vì nước này cũng đang lo bị vạ lây khi một số
nhà xuất cảng Trung Quốc đưa vòng hàng của họ sang Việt Nam, chuyển giao bất hợp
pháp để tránh thuế quan trừng phạt vào $250 tỷ hàng hóa Trung Quốc, và Mỹ còn dọa
đánh luôn $300 tỉ hàng nữa.
Những đối tác thương mại của Mỹ như Việt Nam đang bị
chính phủ Trump gia tăng áp lực buộc phải ngăn chặn các vụ xuất cảng bất hợp
pháp, nếu chính họ không muốn bị Mỹ trừng phạt thuế quan. Báo chí Việt Nam những
tháng gần đây thấy có những bài viết hay bản tin khuyến cáo cả người tiêu thụ
cũng như giới doanh nghiệp về hàng hóa Trung Quốc gắn xuất xử giả làm sản phẩm
Việt Nam.
Ngày 15 Tháng Năm 2019, tờ Công An Nhân Dân (báo
tuyên truyền của Bộ Công An) có bản tin “Cảnh giác hàng Trung Quốc ‘núp’ bóng
xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu.”
Tờ báo viết rằng: “Các doanh nghiệp và chuyên gia lo
ngại việc kiểm soát thiếu hiệu quả khiến hàng hóa từ Trung Quốc không chỉ tràn
vào Việt Nam để tiêu thụ với giá rẻ mà còn tìm cách núp bóng xuất xứ Việt Nam để
xuất khẩu sang Hoa Kỳ và các nước khác. Do đó, hàng hóa Việt Nam sẽ phải hứng
chịu đòn trừng phạt thuế rất cao của Hoa Kỳ. Một số mặt hàng như thép, gỗ… của
Việt Nam đã từng bị ‘vạ lây’ từ hàng Trung Quốc tràn vào núp bóng xuất xứ hàng
Việt để né thuế.”
Trước đó, bản tin đài VTV ngày 6 Tháng Năm, 2019,
nói rằng: “Lợi dụng tâm lý chuộng hàng Việt, hiện tượng gian lận thương mại
thông qua ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam (Made in Vietnam) đã
gia tăng.” (TN)
No comments:
Post a Comment