27/04/2019
Dân chủ, cho đến
nay, vẫn chỉ là giấc mơ đối với người Việt Nam. Nhưng nó có thể trở thành hiện
thực cho mọi dân tộc biết mơ lớn. Vấn đề là làm thế nào để thực hiện mục tiêu
này trong tình trạng vô cùng thiếu thốn mọi phương tiện, thiếu đoàn kết, và nhất
là thiếu các gương mặt lãnh đạo sáng giá hiện nay để quy mọi người về chung một
khối?
Trong trường hợp Việt
Nam, mặc dầu Đảng Cộng Sản Việt Nam hiện đang chia rẽ, mất chính nghĩa và mất
lòng dân, họ vẫn còn rất mạnh, ít nhất là so với lực lượng dân chủ, về rất nhiều
mặt. Coi thường họ là điều chớ nên. Họ có rất nhiều phương tiện và thủ đoạn để
gây phân hóa và vô hiệu hóa các hoạt động đấu tranh. Chửi họ, chống họ, kể cả
Nghị quyết 36, dù có hiệu quả mấy, vẫn chỉ là chống đỡ. Chống đỡ, tốt nhất, chỉ
giữ được mặt trận của mình, trong một thời gian nào đó, chứ không thay đổi được
cuộc diện. Tấn công mới là kế sách, nhưng làm sao?
Trong mọi cuộc đấu
tranh, ba yếu tố căn bản và cần thiết để có thể tạo ra những chuyển đổi từ nhỏ
sang lớn trong thời gian tới là nguồn lực, chiến lược và lãnh đạo.
Nguồn lực đến từ đâu?
Từ người dân trong
và ngoài nước. Từ các nguồn tài chánh tại hải ngoại. Từ kiến thức, kinh nghiệm,
kỹ năng và khả năng chuyên môn dồi dào trong mọi lĩnh vực, đặc biệt tại hải ngoại.
Mỗi năm người Việt
gửi tiền về Việt Nam chục tỷ đô la Mỹ. Theo Vietnam
Briefing thì năm 2017 lên đến gần 14 tỷ đô la. Tôi không rõ hiện nay
có quỹ nào yểm trợ cho hoạt động dân chủ tại Việt Nam được trên một triệu đô la
không? Và nếu có thì có bao nhiêu quỹ như thế hiện hữu? Tài chánh là nguồn lực
thiết yếu để có phương tiện, để vận động, yểm trợ, và nhất là để làm sao có người
hoạt động toàn thời và chuyên môn. Không thể đấu tranh chuyên nghiệp với thời
gian hiếm hoi còn lại trong ngày trong cuộc sống ngày càng bận rộn và đầy áp lực
ở hầu hết mọi nơi trên thế giới.
Tôi biết có người bỏ
ra hàng chục ngàn đô la để bảo lãnh cho bạn bè từ Việt Nam sang du lịch nước
ngoài, nhưng khi được yêu cầu ủng hộ cho phong trào dân chủ thì chỉ ủng hộ vài
trăm. Có thể vì không thấy được sự đóng góp của họ mang lại ích lợi gì ngay lập
tức, nhất là cho chính họ, và không biết khi nào mới nhìn thấy được kết quả.
Cũng khó nói là họ bi quan hay thực tế? Tâm lý chung là muốn thấy sự đóng góp của
mình có kết quả liền, chứ không phải là một sự đầu tư lâu dài không biết đến
khi nào mới có kết quả. Tôi cho rằng đây cũng là lý do mà đại đa số người Việt
chọn cách gửi tiền về giúp cho thân nhân, bạn bè, giúp cho các công việc từ thiện,
tôn giáo, v.v…, nhưng không quan tâm nhiều đến hoạt động chính trị hay vận động
dân chủ. Điều đáng tiếc là họ cũng không hề nghĩ đến việc thuyết phục những người
nhận tiền là đây chỉ là tạm thời, vấn đề lâu dài là mọi người cần phải nỗ lực đấu
tranh để tự cải thiện cuộc sống, để giành lấy quyền sống của mình, để canh tân
môi trường giáo dục và nâng cấp mọi lĩnh vực khác lên v.v…
Thói quen, từ tư
duy đến cung cách hành xử này, có lẽ nằm trong văn hóa, điển hình là qua cách dạy
con của người Việt Nam. Phần lớn người Việt không ý thức rằng nguyên tắc dạy
con quan trọng trên hết là để cho chúng học cách tự chủ cuộc sống của mình: biết
tự lập, tự suy nghĩ, tự quyết định, và có trách nhiệm với mọi suy nghĩ và hành
động của mình, thay vì phụ thuộc hay lệ thuộc vào cha mẹ hay người khác.
Những người có nhiều
khả năng, trí tuệ, kinh nghiệm, thì lại ngại làm việc với những người Việt
khác. Ngại đụng chạm, có lẽ vì đã đụng chạm quá nhiều trước đây. Họ ngại đứng
trong một tổ chức. Tinh thần làm việc đồng đội, nghĩa là phải thể hiện tinh thần
dân chủ qua thảo luận, tranh luận, lấy quyết định, tham khảo ý kiến v.v… là mất
thời gian và vô hiệu quả đối với họ. Đó là lý do mà, ngoại trừ một vài tổ chức
đếm trên đầu ngón tay, đại đa số người Việt khắp nơi chưa hình thành được các tổ
chức có đủ tầm vóc, có đủ tính chuyên môn, hay nói chung là có đủ các đặc
tính định
chế để có thể đứng vững qua thời gian. Ngay cả trong lãnh vực học thuật
nghiên cứu thì vẫn chưa có tổ chức người Việt nào có khả năng đưa ra những cái
nhìn và đánh giá có giá trị chuyên môn lâu dài cho Việt Nam, đứng trên mọi định
kiến hay xu hướng chính trị.
Cái sợ, cái ngại,
nghi ngờ, và tâm lý muốn thấy kết quả liền thay vì đầu tư lâu dài, vân vân… đã
không giúp ích gì cho cuộc vận động dân chủ. Khi chưa vận dụng được nguồn lực của
chính mình thì chưa thể tạo được sự thay đổi sâu sắc gì cả.
Tóm lại, các phong
trào vận động dân chủ vẫn chưa đụng được đến một phần trăm nguồn lực có thể vận
dụng được. Do đó thế cân bằng quyền lực hiện nay giữa ĐCSVN và phong trào dân
chủ nghiên hẳn một bên.
Chiến lược nào thích hợp?
Ngay cả khi vận động
để xây dựng được nguồn lực tốt hơn, lực lượng dân chủ vẫn cần có chiến lược
hành động để đạt được kết quả tốt nhất, hiệu quả nhất, ít phí phạm nhất.
Trước hết, xin nói
về chiến lược. Chiến lược là gì? Theo tự điển Oxford thì chiến lược là kế hoạch
hành động để đạt được một mục tiêu lâu dài hoặc tổng thể. Chiến lược xuất phát
từ lĩnh vực quân sự từ thời cổ Hy Lạp nhưng sau này được áp dụng vào mọi mặt đời
sống, nhất là ngoại giao, thương mại, kinh tế chính trị, tình báo v.v…
Albert Einstein từng nhận
xét rằng xu hướng cứ lập đi lập lại những điều mình làm nhưng mỗi lần
lại mong đợi một kết quả khác thì đó là chứng điên cuồng. Tư duy này ngược với
suy nghĩ chiến lược, nhưng lại là điều xảy ra khá thường xuyên trong nhiều người
và nhiều chỗ làm khác nhau.
Nên nhớ chiến lược
không chỉ là kế hoạch thôi, mà còn là cách để nhận thức, cân nhắc về tương lai
với các mục tiêu và thành quả trong đầu.
Chìa khóa đối với bất
cứ một chiến lược thành công nào nằm ở chỗ cảm nhận tổng quát về nhiệm vụ/sứ mệnh,
có tên là Ý định Chiến lược (Strategic Intent). Đây là công việc vô cùng cần
thiết mà các chính quyền, cơ quan chính phủ, các tổ chức thương mại và công ty
doanh nghiệp lớn hiện nay, đều cố gắng áp dụng để đạt tối đa hiệu quả.
Những người biết vận
dụng suy nghĩ chiến lược trong cuộc sống sẽ không sợ tương lai mà biết vận dụng
tìm năng của nó cho ích lợi của mình, và sẽ gặt hái được những thành quả lớn
lao. Họ nhìn vấn đề rõ ràng hơn, nhìn xuyên qua sương mù và bất định, và tin tưởng
hơn vào mục tiêu và hướng đi của mình.
Đối với công cuộc vận
động dân chủ, chiến lược ưu tiên hàng đầu là xây dựng lực và thế. Chưa có lực
và thế thì tạm thời tốt nhất là nên quên đi chuyện đánh đấm, hay đấu tranh. Vẫn
có thể dùng mọi cơ hội để luyện tập nhưng đừng bao giờ mong thắng lợi. Một võ
sĩ không có võ nghệ cao, không có nội công thâm hậu, và thiếu tự tin, và còn biết
rõ là khi lên võ đài không thể đánh gục đối thủ, thì tốt hơn hết nên dành mọi nỗ
lực luyện tập. Gan dạ và sẳn sàng hy sinh là đức tính hay nếu vẫn không chịu
rèn luyện là dại, là đâm đầu vào tường, là phí phạm. Phong trào dân chủ trong
nước cần hàng trăm, hàng ngàn người có nội lực vào mọi lĩnh vực chuyên môn khác
nhau để có thể đứng vững và để lãnh đạo người khác, biết dùng ít lực nhưng đúng
thế để hạ đối phương, một cách hoàn toàn bất bạo động. Đây là việc mất rất nhiều
thời gian, nguồn lực, quyết tâm, và phương sách sáng tạo để đào tạo và phát triển
số lượng và chất lượng.
Muốn thay đổi trong
10 năm tới thì phải bắt tay vào ngay từ bây giờ. Muốn luyện võ để đấu ngày mai
thì không thể bắt đầu hôm nay. Phải vạch ra kế hoạch ngắn, trung và dài hạn,
thì năm hay mười năm sau, hay lâu hơn, mới hy vọng đạt được. Muốn xây dựng thế
lực để thay đổi thì nó không đến một sớm một chiều. Không lên kế hoạch để xây dựng
nhân lực và nền tảng thay đổi mà chỉ làm việc biểu kiến thì bốn thập niên sau
cũng không nắm bắt được tình hình gì và cũng không chủ động thay đổi được gì.
Đó là quy luật đấu tranh và khả năng thay đổi. Ưu tiên chiến lược hàng đầu hiện
nay là phải đào tạo và phát triển nhân sự có khả năng, tầm nhìn và tài lãnh đạo
trong những năm tới. Không có dàn nhân sự lãnh đạo xuất sắc thì không thể nào đối
phó với lực lượng dầy kinh nghiệm của chế độ hiện nay. Không thể lấy trứng chọi
đá. Không thể tiếp tục chủ trương “Không thành công cũng thành nhân” như xưa.
Lãnh đạo chính trị là gì?
Hiện nay chúng ta
có hàng vô số tổ chức, trong lẫn ngoài nước, công khai lẫn âm thầm. Mỗi địa
phương trên khắp thế giới có hàng trăm đại diện tổ chức khác nhau. Nhưng không
có mấy tổ chức có thực lực, đường hướng rõ ràng, mục tiêu lâu dài, và chiến lược
cụ thể.
Hậu quả này, theo
tôi, là nhiều nguyên do, nhưng trên hết là vì thiếu lãnh đạo. Không ai chịu đứng
dưới ai hết, một phần, chính vì thiếu lãnh đạo. Chính trị Việt Nam thiếu hẳn
văn hóa lãnh đạo. Chúng ta cần hiểu rằng trước khi có thể lãnh đạo người khác
thì phải chấp nhận đóng vai đi theo, vai đồng đội. Nếu có tài năng và một lúc
nào đó được người khác tín nhiệm thì lúc đó hãy tự vấn mình có đủ khả năng lãnh
đạo chưa, hay có người tốt hơn mình. Không ai sinh ra làm lãnh đạo ngay lập tức,
ngoại trừ chế độ quân chủ ngày xưa. Tất cả đều phải nỗ lực học hỏi không ngừng,
được thử thách, rèn luyện, và có tham vọng vươn lên để phục vụ cho những gì cao
cả hơn mình.
Hiện nay chúng ta
có quá nhiều tổ chức, quá nhiều người ở trong vị thế lãnh đạo. Các tổ chức nếu
thật sự vì quyền lợi chung của đất nước dân tộc thì đã đến lúc phải hợp tác, rồi
kết hợp, và thống hợp nhau, bởi không có lý do chính đáng nào để đứng riêng rẽ
cả.
Tuy có vô số tổ chức
và vô số người đứng đầu nhưng vẫn thiếu lãnh đạo. Tại sao?
Lãnh đạo, hay tài
năng lãnh đạo, thật ra là nhiều yếu tố. Trí tuệ, kể cả kiến thức uyên bác, là
điều kiện cần, chứ không phải là điều kiện đủ. Người lãnh đạo cần phải có nhiều
khả năng cần thiết khác, như suy nghĩ chiến lược và phê phán. Phải biết sử dụng
đúng người đúng việc. Phải có khả năng giải quyết khác biệt, tranh chấp và đem
lại đoàn kết cho tổ chức. Phải chịu khó lắng nghe, chấp nhận phê bình, nhận lỗi
khi sai, làm gương và đi đầu, và tham khảo rộng rãi. Lãnh đạo cũng cần có khả
năng đọc nhiều, nắm bắt tình hình, nhìn nhận vấn đề sâu sắc, truyền đạt thông
tin một cách hiệu quả. Thuyết phục và phương thức lấy quyết định cũng là những
khả năng quan yếu khác.
Nhưng trong tất cả
các yếu tố cấu thành lãnh đạo hiệu quả, nhất là đối với công cuộc đấu tranh cho
dân chủ hiện nay, tôi cho rằng là khả năng động viên người khác (inspire), hay
rộng hơn, kỹ năng về con người (people skills), là quan trọng nhất. Nếu cứ cho
mình là uyên bác, dù uyên bác thật, và người khác sẽ nghe theo, đi theo, là sai
lầm lớn. Là ảo tưởng. Trong lãnh đạo chính trị, mọi hành động và lời nói đều có
ý nghĩa và giá trị của riêng nó.
Hơn nữa, những người
uyên bác, khoa bảng không nhất thiết là lãnh đạo giỏi. Lãnh đạo không cần quá
chuyên môn. Chuyên môn quá có khi đưa đến định kiến, thay vì biết nhìn tổng thể
và toàn diện. Kết quả nghiên cứu sâu rộng về lãnh đạo trong mấy thập niên cho
biết những lãnh đạo ảnh hưởng đều là người có khả năng truyền cảm hứng lên người
khác để chính người ta thay đổi, tham gia, đóng góp v.v… Nghĩa là lãnh đạo cần
có trí tuệ cảm xúc cao (emotional
intelligence/EI): biết tự chế; sốt sắng và kiên trì; có thể tự động viên
mình và người khác; kiềm chế sự thôi thúc của cảm xúc; cảm nhận được nội tâm của
người khác; và xử lý các mối quan hệ một cách suông sẻ v.v…
Vài lời kết
Muốn thay đổi thì
phải có lực, có nhân sự tài giỏi, biết dùng thế, dùng đòn bẫy, ít lực nhưng đạt
kết quả, tức phải có chiến lược. Nguồn lực không phải khan hiếm mà thật ra khá
dồi dào. Nhưng cần phải nỗ lực khai thác, vận dụng chứ nó không tự nhiên đến.
Không có gì tự nhiên đến và miễn phí cả!
Giới trẻ tại Việt
Nam hiện nay đang chuyển mình. Nhiều bạn đã và đang tham gia vào cơ hội lịch sử
này. Người dân Việt Nam, trong năm vừa qua, đã cho thấy họ quá ngán với chế độ
này. Nhiều người mong muốn thay đổi nhưng vẫn còn đang chờ đợi, quan sát. Một
lúc nào đó khi xuất hiện một hay vài tổ chức chính trị có viễn kiến, có nhân sự
lãnh đạo tài giỏi và uy tín, có chính sách xây dựng quốc gia với tầm nhìn lâu
dài, và nhất là có tiềm năng và khả năng hứa hẹn đem lại thay đổi tốt đẹp cho
Việt Nam một cách tốt nhất và ít đổ nát nhất, thì sự thay đổi tất yếu sẽ đến.
Con đường này có thể năm năm, mười năm, hoặc lâu hơn, tùy theo nỗ lực của những
người đấu tranh cho dân chủ hiện nay.
Trên hết, nếu không
nỗ lực đào tạo đội ngũ hoạt động và lãnh đạo cho mục tiêu dài hạn trước mặt thì
mọi niềm tin và hy vọng cho một Việt Nam dân chủ vẫn sẽ nằm ngoài tầm tay. Khi
đã có sự chuẩn bị, có nhân sự khả năng và sẳn sàng nhận lãnh vai trò quan trọng
để gây áp lực và tạo chuyển đổi, để vận dụng và lèo lái mọi cơ hội đến vào lúc
cần thiết nhất, thì thay đổi, và thay đổi theo chiều hướng tích cực và mong muốn,
sẽ xảy ra.
(Úc Châu,
26/04/2019)
No comments:
Post a Comment