Phan Nhật Nam
April 30, 2019
Nén nhang cho ngày 30 Tháng Tư. Cộng đồng Việt Nam tại Little Saigon
trong một lần tưởng niệm “Tháng Tư Đen” tại Tượng đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, thành
phố Westminster. (Hình: Getty Images)
Sự chết bắt đầu
trùm chiếc cánh tối tăm hung hiểm lúc 6 giờ 15 chiều ngày 28 Tháng Tư, 1975,
khi chuỗi bom dưới cánh những chiếc A37 do viên phi công phản trắc Nguyễn Thành
Trung hướng dẫn rơi xuống phi đạo Tân Sơn Nhất.
Đạn phòng không bắn
lên, phi cơ F5 đuổi theo muộn màng, vô vọng. Cửa ngõ tháo chạy của Sài Gòn đóng
sập lại. Cuối cùng, Tân Sơn Nhất thật sự vùng vẫy, hấp hối, chìm dần trong lửa
hỏa ngục khi dàn đại pháo, hỏa tiễn Cộng Sản từ Đồng Dù, Củ Chi, ranh giới Hậu
Nghĩa, Gia Định bắt đầu đổ xuống không ngắt nhịp. Từng trái đạn 130 ly, từng hỏa
tiễn 122 ly chính xác rơi xuống. Tân Sơn Nhất vật vã, co quắp, rã chết, sụp vỡ,
hấp hối trong khói đen, lửa ngọn… Cuộc hành hình kéo dài từ 1 giờ sáng ngày 29
tiếp tục đến rạng đông.
Sáng 29 Tháng Tư,
những tướng lãnh đã ra đi, những sĩ quan cao cấp cũng rời bỏ nhiệm sở, đơn vị,
nhưng, Trung Úy Phi
Công Trang Văn Thành còn lại. Thành có biệt hiệu “Thành Mọi,” bởi nước
da ngăm đen, quá độ ra chỗ đậu tàu. Anh nổ máy chiếc C119 Hỏa Long, đơn độc bay
lên trời xanh bảo vệ, cứu viện Tân Sơn Nhất.
Từ trên cao, thấy
rõ những vị trí pháo của binh đội Cộng Sản. Thành nghiêng cánh, chúc mũi chiếc
Hỏa Long căm phẫn trút xuống tràng đạn 7.62 ly, và tất cả hỏa lực cơ hữu của
hai khẩu đại bác 20 ly gắn dưới cánh… Lửa nháng lên dưới thân tàu, toán phòng
không Cộng Sản phản pháo, nhưng không kịp, Thành bình tĩnh, tài giỏi lách ra khỏi
vùng hỏa tập lưới đạn của giặc.
Thành đáp xuống lại
phi đạo thân yêu quen thuộc đang bốc khói mịt mù bởi cuộc dội bom chiều hôm, và
cuộc pháo kích cường tập từ sau nửa đêm về sáng của ngày đau thương tang tóc
này. Mặc, Thành tự tay nạp đạn vào tàu, anh trở lại bầu trời trên phi cảng Tân
Sơn Nhất – cửa ngõ của miền Nam. Anh nhìn xuống những vị trí pháo Cộng Sản mà
giờ này tạm ngưng hoạt động vì vừa bị anh tấn công. Hóa ra cả một quốc gia chỉ
còn được lần cứu viện bi hùng tuyệt vọng này.
Thành chúc mũi tàu,
bấm chặt hệ thống kích hỏa bên cạnh chỗ ngồi, một mình anh lấy đường nhắm. Một
mình anh. Phải chỉ một mình anh – Trung Úy Trang Văn Thành, “Thành Mọi – Thành
Thiếu Sinh Quân.” Thành hạ thấp hơn để đường đạn thêm phần chính xác. Thân tàu
rung mạnh… Lửa! Lửa! Lửa cháy ngang cánh trái con tàu, ngay bình xăng, sát cạnh
ghế ngồi. Thành giật mạnh chốt thoát hiểm để bung thân ra khỏi con tàu. Tất cả
kẹt cứng. Anh dùng tay đẩy cửa buồng lái phóng mình ra, chiếc dù bung mạnh. Các
múi, dây dù vướng vít rối rắm. Thành bị giữ chặt bởi chiếc dù và khung cửa. Lửa
bừng bừng! Lửa ào ạt. Người phi công chìm trong lửa, gục chết giữa không gian
trên quê hương.
30 Tháng Tư
Từ Công Trường Lam
Sơn, đầu đường Nguyễn Huệ, đám đông dần tập trung để xem mặt “bộ đội Việt Cộng.”
Thêm hai xe đổ quân trước rạp Rex. Lính Cộng Sản nhẩy xuống, chạy vội vào hàng
hiên, nằm, trườn, bò, nháo nhác. Tiếng đập đục rầm rập từ những cơ sở ngoại quốc,
những khối cửa sắt lay động, phá bung, những tấm kiếng tủ lớn bị đập vỡ, đồ đạt
kéo lê hỗn độn, vội vàng trên mặt đường. Người mỗi lúc mỗi đông. Người dồn dập
ùn ùn, la ó, chửi thề, giành giựt. Đám đông chạy về phía Building Brink, khu Đồn
Đất, nhà thương Grall, những nơi có cơ sở của Mỹ kiều, những văn phòng mà chủ
nhân đã bỏ đi.
Bất chợt, tất cả lắng
lại để nghe rất rõ. Có người tự tử. Có người mới tự bắn chết. Ai? Lính, không
biết, chỉ thấy mặc đồ lính mình. Ở đâu? Ở ngoải, chỗ tượng Thủy Quân Lục Chiến.
Chen giữa âm sắc
xích xe tăng đổ nhào cửa Dinh Độc Lập có tiếng nổ khô nhỏ của viên đạn ghim
vào, nằm sâu trong đầu Trung
Tá Cảnh Sát Quốc Gia Nguyễn Văn Long, chỉ mấy mươi phút sau lệnh đầu
hàng của Dương Văn Minh.
Một trung đội lính
Nhảy Dù thật sự chỉ khoảng hơn một tiểu đội giữ nhiệm vụ an ninh cư xá sĩ quan
Bắc Hải. Khi nghe lệnh đầu hàng, viên thiếu úy trung đội trưởng quyết liệt:
“Tôi không đầu hàng, tôi với trung đội sẽ ra bến tàu tiếp tục chiến đấu.”
Thiếu
Úy Huỳnh Văn Thái tập họp trung đội, hô nghiêm, xếp hàng, ra lệnh di
chuyển. Trung đội lính ra khỏi cư xá theo lối cổng đường Tô Hiến Thành, rẽ vào
Nguyễn Tri Phương, đi về phía chợ Cá Trần Quốc Toản, hướng bến tàu. Nhưng những
Người Lính Nhẩy Dù của Thiếu Úy Huỳnh Văn Thái không ra đến bến Bạch Đằng. Tới
đến bùng binh Ngã Sáu Chợ Lớn, họ xếp thành vòng tròn, đưa súng lên trời đồng
hô lớn “Việt Nam Cộng Hòa Muôn Năm. Con chết đây cha ơi!” Và những trái lựu đạn
tiếp nhau bừng bực nổ sau lời hô vĩnh quyết cùng đất nước miền Nam.
Ở Vùng IV đồng bằng
châu thổ Sông Củu Long, chị
Nguyễn Thị Thàng vợ một Nghĩa Quân Đồn Giồng Trôm, thay chồng giữ đồn
đến trái lựu đạn cuối cùng. Chị kết thúc đời sống bên cạnh thi thể của chồng,
các con, với những vũ khí, máy truyền tin đã bị phá hủy. Không để cho Việt Cộng
một cái gì cả! Người chồng đã dặn chị trước khi lâm tử. Cùng lần với những danh tướng vị quốc vong
thân Nguyễn Khoa Nam, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai, Lê Văn Hưng, Phạm Văn Phú, Hồ
Ngọc Cẩn… rất nhiều người không ai biết đã chết cùng lần vĩnh quyết
Miền Nam.
Người Nhật là một
dân tộc vĩ đại qua nghi lễ hiến tế, tức Seppuku (mổ bụng tự sát) khi danh dự cá
nhân, tập thể, tổ quốc bị xúc phạm. Dân tộc Việt Nam không có nghi thức uy
hùng, dũng cảm ấy. Tuy nhiên, người Việt cũng có phương thức riêng để bày tỏ
Lòng Yêu Nước, cách gìn giữ phẩm giá con người. Người Việt xử dụng cái chết để
chứng thực nguyện vọng kia qua cách thế im lặng và đơn giản nhưng không kém phần
cao thượng.
Cuối cùng, bi kịch
không chỉ xẩy ra với thời điểm 30 Tháng Tư, 1975 mà sau đó, suốt hai thập niên
70, 80, hai triệu người Việt Nam, không phân biệt người Nam, hay người Bắc những
người đã sống dài lâu dưới chế độ cộng sản Hà Nội từ 1945, từ 1954 đã phá thân
băng qua biển lớn, xuyên rừng rậm vùng Đông-Nam Á, với giá máu 600,000 người chết trên đường di
tản ra khỏi nước.
Hóa ra dân tộc Việt,
những người Việt Nam bình thường đã đồng lần thực hiện một điều mà họ không hề
diễn đạt nên lời: Chết vì Tự Do, để bảo vệ Phẩm
Giá, Quyền Làm Người. Người Việt
Nam đã, đang hiện thực điều mầu nhiệm nầy qua từng ngày vượt sống trên quê
hương khổ nạn, với chính thân xác của mình.
Thế giới loài người!
Xin tất cả hãy lắng nghe!
No comments:
Post a Comment