Wednesday, 24 April 2019

TỰ NGUYỆN HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ - KỲ 3, KỲ 2, KỲ 1 (Nguyễn Thông)




Thứ Ba, 23 tháng 4, 2019

Các đảng chính trị như đảng Dân chủ và đảng Xã hội, do gặp buổi nhiễu nhương, lại trúng lúc đảng cộng sản chỉ muốn độc quyền lãnh đạo, muốn là lực lượng chính trị duy nhất nên bị ép phải ra tuyên bố “tự nguyện” giải tán, sau khi đã “hoàn thành nhiệm vụ”, là điều không tránh khỏi. Trong 2 kỳ trước của loạt bài “Tự nguyện hoàn thành nhiệm vụ”, tôi đã đề cập tới 2 chính đảng từng tồn tại trong đời sống chính trị-xã hội nước này và cuối cùng bị buộc phải “tự nguyện” giải tán sau khi đã “hoàn thành nhiệm vụ”. Bao nhiêu công lao, đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc, nhưng khi hươu nai đã hết, thỏ không còn thì cung bị bẻ, chim ưng bị giết, thứ quy luật tàn bạo ấy tưởng bị chôn vùi theo mồ ma phong kiến, ai ngờ nó vẫn duy trì trong một xã hội được coi là dân chủ, tự do. Thôi thì lịch sử sau này nếu có cuộc thay đổi “bãi bể nương dâu” sẽ ghi nhận lại những công tích của hai đảng ấy, chứ không phải chỉ được nhắc tới như một cánh tay nối dài, một thứ vệ tinh, một trò mưu mẹo nhất thời của người cộng sản như người ta đang ghi trong “chính sử” hiện thời.

Không phải cộng sản thì bị giải tán đã đi một nhẽ, nhưng ngay trong tổ chức cộng sản, có những lực lượng được chính họ lập ra, đóng vai trò nhất định, vậy khi cuộc chơi kết thúc cũng chịu cảnh phụ bạc phũ phàng. Trong bài này, tôi không nhắc tới những “cá nhân tiêu biểu” như tướng Chu Văn Tấn, tướng Trần Văn Trà, ông Ung Văn Khiêm, ông Nguyễn Văn Trấn, ông Trịnh Đình Thảo, ông Trần Độ, ông Nguyễn Hữu Đang, ông Vũ Đình Huỳnh… mà chỉ đề cập tới một tổ chức từng lừng lẫy kéo dài hơn chục năm tới khi cuộc chiến kết thúc. Đó là Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, sau đó là Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền nam Việt Nam. Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, những con đẻ của đảng cộng sản, cánh tay nối dài của đảng vào tận miền Nam, cuối cùng cũng chịu chung số phận, kết thúc với công thức bi kịch giống như hai đảng trên. Nó đã biến mất khỏi đời sống xã hội Việt Nam lúc nào, rất nhiều người không biết. Người xưa có câu “lai vô ảnh, khứ vô hình” (đến và đi không để lại hình ảnh, hình dáng gì), nhưng với mặt trận và chính phủ lâm thời, khi “lai” chẳng những không hề vô ảnh mà rất ồn ào, chỉ đúng vế sau “khứ vô hình”, sau khi nó “tự nguyện hoàn thành nhiệm vụ”, tức là chết bất đắc kỳ tử, không còn ai nhắc tới nữa, may ra chỉ có ít dòng trong sách giáo khoa lịch sử.


Hôm 15.4.2019 vừa rồi, ở thủ đô Paris nước Pháp xảy ra trận hỏa hoạn kinh thiên động địa, cháy nhà thờ Đức Bà – Notre Dame de Paris nổi tiếng. Vụ cháy gây choáng đối với biết bao nhiêu người trên địa cầu, trong đó không ít người Việt Nam. Báo chí xứ ta thông tin dày đặc, căn tính từng giờ để có những tin tức mới nhất, lạ nhất. Và tôi thực sự choáng bởi cái nội dung lần đầu được biết, có nhẽ cũng rất nhiều người Việt mới biết lần đầu như tôi. Các báo biên rõ, kèm theo cả hình ảnh: Lá cờ nửa đỏ nửa xanh sao vàng năm cánh của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được treo tít trên đỉnh tháp nhà thờ Đức Bà Paris vào ngày 19.1.1969, một ngày sau phiên họp đầu tiên của Hội nghị Paris đàm phán hòa bình cho Việt Nam. Và hãi nhất là “sau khi bí mật treo cờ Việt Nam trên đỉnh nhà thờ Đức Bà Paris trong đêm, người treo cờ đã... cưa thang để không ai có thể leo lên gỡ xuống”. Cũng chưa rõ ai, tổ chức nào đã treo cờ, là người Việt Nam hay nước nào khác, nhưng để thực hiện được hành vi đậm màu sắc chính trị ấy, đương sự treo cờ đã làm một việc rất đáng lên án: “cưa thang”, đã đối xử với công trình kiến trúc lịch sử vô giá hơn 800 tuổi của nhân loại bằng hành vi cực kỳ vô văn hóa, thậm chí có thể coi là phá hoại. Thời bấy giờ, do thông tin bị bưng bít, hạn chế phương tiện truyền thông nên nhân loại ít biết sự vụ này, chứ nếu bây giờ, việc như thế sẽ bị lên án ngay lập tức, bị coi là khủng bố, phá hoại, không có thứ chính trị nào có thể bào chữa, bênh vực được.

Tôi sực nhớ tới Mặt trận bởi hồi đầu năm nay (2019) đọc báo thấy vào ngày 1.2, ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới thăm và chúc tết bà Nguyễn Thị Bình. Bà Bình là nhân vật lịch sử đương đại nổi tiếng. Người phụ nữ giỏi giang này là cháu ngoại cụ Phan Chu Trinh, khi thành đạt nhất đã lên tới chức Phó chủ tịch nước. Năm 1960, đảng cộng sản từ Hà Nội chỉ đạo thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, bà Bình được điều từ Bắc vào làm ủy viên trung ương. Chủ tịch mặt trận là ông Nguyễn Hữu Thọ, luật sư. Khi nâng cấp thêm bước nữa thành Chính phủ cách mạng lâm thời, bà Bình được đặt vào ghế Bộ trưởng Ngoại giao của chính phủ này. Năm 1968, bà Bình làm trưởng đoàn đàm phán của Mặt trận tại hội nghị Paris, tới năm 1969 giữ cương vị trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ cách mạng lâm thời. Nói chung, bộ máy tuyên truyền của cộng sản đã rất thành công khi vẽ nên một nữ thủ lĩnh cách mạng tài giỏi, thông minh, khôn khéo, bản lĩnh, một ngôi sao sáng trên bàn đàm phán. Tôi không hề có ý gì hạ thấp bà Bình, chê bai gì bà, bởi thực ra bà là người có đạo đức, có tài, nhưng tôi không thích nghiệp vụ hội họa của bộ máy cộng sản. Họ mà đã khen ai thì người ấy chỉ kém thánh thần, toàn thiện toàn mỹ, như đấng toàn năng, như ngọc quý không tì vết. Lứa chúng tôi, sống trong thời kỳ lịch sử đó, mặc dù chỉ có thông tin một chiều nhưng hầu như ai cũng tự hiểu được rằng mặt trận hay chính phủ lâm thời cũng chỉ là những bình phong, là những bù nhìn của người cộng sản. Chúng tôi thời ấy theo dõi tin tức thời sự hội nghị Paris và hiểu dù tài giỏi nhưng bà Bình hay ông Xuân Thủy, ông Nguyễn Duy Trinh (hai vị bộ trưởng Ngoại giao, trưởng đoàn đàm phán của Bắc Việt) cũng chỉ múa may cho sinh động, chứ quyền hành, quyền quyết định, tiếng nói trọng lượng đều do ông Lê Đức Thọ nắm hết, quyết hết. Phía sau ông Thọ là ông Duẩn, là đảng, còn Mặt trận cũng như Chính phủ lâm thời không là cái đinh gì.

Khó mà trách đảng được bởi Mặt trận và Chính phủ cách mạng lâm thời do họ đặt ra thì họ cũng có quyền giải tán. Giá như họ cứ chẻ hoe, thẳng băng nói như vậy, nếu có mất lòng tí chút cũng chỉ thời gian đầu, đằng này đảng vẫn chủ trương sách lược: miệng thì nói về sự tôn trọng, về quyền tự quyết, nhưng tay thì bóp chặt, siết lại, ghé tai gằn giọng buộc con nhà người ta phải tự tuyên bố đã hoàn thành nhiệm vụ. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

*
*

Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2018

Cùng số phận với đảng Dân chủ là đảng Xã hội, cũng kết cục “tự nguyện chấm dứt”, “hoàn thành nhiệm vụ” vào năm 1988. Bao nhiêu công lao, đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc, nhưng khi chim đã hết, thỏ đã không còn thì cung bị bẻ, chim ưng bị giết, thứ quy luật tàn bạo ấy tưởng bị chôn vùi vào mồ ma phong kiến, ai ngờ nó vẫn duy trì trong một xã hội được coi là dân chủ, tự do.

Đảng Xã hội thành lập sau cách mạng tháng 8, cụ thể năm 1946, tới khi tôi biết thì chỉ nghe tên ông Nguyễn Xiển, chứ trước đó, cùng thời với ông Xiển là một loạt những tên tuổi hiển hách, như ông Phan Tư Nghĩa (Tổng thư ký đầu tiên), Hoàng Minh Giám, Nguyễn Văn Huyên, Võ Nguyên Giáp, Phan Anh… Sở dĩ có cả đảng viên cộng sản tham gia bởi thời điểm đó đảng cộng sản đã mưu mẹo dùng chước thoát xác “tự giải tán”. Đảng Xã hội tập hợp những trí thức đáng kính, cũng như đảng Dân chủ, lấy mục tiêu đấu tranh giải phóng dân tộc, dân chủ làm đích hoạt động. Nó đã sát cánh cùng đảng cộng sản và các chính đảng khác, cùng đông đảo nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi.

Hòa bình lập lại, với chủ trương đa đảng, tập hợp tất cả các lực lượng yêu nước, cụ Hồ vẫn chấp nhận các đảng ngoài cộng sản, chia ghế cho lãnh tụ các đảng. Dù thừa hiểu, chức tước, địa vị này nọ cũng chỉ cốt tô vẽ cho đảng cộng sản thôi nhưng dẫu sao nhà cai trị vẫn ít nhiều có sự tôn trọng những đảng chính trị khác tư tưởng quan điểm học thuyết với mình.

Đọc báo hay nghe đài, tôi luôn được biết ông Nghiêm Xuân Yêm – Tổng thư ký đảng Dân chủ, ông Nguyễn Xiển – Tổng thư ký đảng Xã hội (hai đảng này thủ lĩnh cao nhất là chức Tổng thư ký) đều giữ chức Phó chủ tịch Quốc hội. Chủ tịch là ông Trường Chinh. Người lớn thời ấy vẫn đùa với nhau, hai ông phó này chỉ có nhiệm vụ long trọng viên, ngồi cho vui thôi, chứ quốc hội vốn đã chả có vai trò gì, vả lại ông Trường Chinh cầm trịch thì phó hay không phó cũng vậy.

Năm 1988, khối các nước xã hội chủ nghĩa bị lung lay dữ dội, nguy cơ tan rã không tránh khỏi. Bắt đầu từ Ba Lan với công đoàn Đoàn kết (một tổ chức chính trị đối lập đàng cộng sản) đầu thập niên 80, sau đó lan rộng sang các nước Tiệp Khắc, Hungary, Romania, Đức, các nước vùng Baltic thuộc Liên Xô, sau nữa là chính Liên Xô. Sự độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản bị đe dọa, xã hội đa đảng ngày càng thắng thế, dân chúng càng chán đảng cộng sản và hướng niềm tin, niềm hy vọng sang các chính đảng khác, huyệt mộ đào sẵn để chôn đảng độc tôn ngày càng nhiều. Và như chúng ta đã chứng kiến, đảng cộng sản bị hất thẳng cánh ra khỏi vũ đài chính trị, ném vào sọt rác lịch sử. Có nơi nó bị cấm tiệt, lôi ra ngoài vòng pháp luật, có nơi nó cố hắt hơi thở tàn trong cơn hấp hối dai dẳng. Dù gì đi chăng nữa, nó đã chấm dứt vai trò lịch sử, sau nhiều năm làm mưa làm gió, gây nhiều tội ác, kéo lui lịch sử loài người.

Ở xứ ta những năm ấy, nhà cai trị, tức đảng cộng sản giật mình. Trông người lại ngẫm đến ta, “thấy người nằm đó biết sau thế nào”, họ liền vội ra tay, quyết không để sự đa đảng là mối đe dọa, là mầm gây họa. Nhìn qua nhìn lại, thấy kẻ nguy hại cụ thể nhất là đảng Dân chủ và đảng Xã hội. Dùng biện pháp cấm đoán, giải tán, tiêu diệt thì kể cũng kỳ, khó tránh khỏi lời ra tiếng vào. Với mưu mô đầy mình, các lãnh tụ cộng sản, những ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ trước đó, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười… về sau, đã dùng kế bàn tay sắt bọc nhung, đánh không để lại dấu tích. Họ yêu cầu lãnh tụ các đảng, thì những ông Nghiêm Xuân Yêm, Nguyễn Xiển chứ ai, phải ra bản tuyên bố tự giải thể sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử. Buồn cười là hai đảng cùng “tự nguyện” một lúc, cùng hoàn thành nhiệm vụ. Thực ra không tự nguyện cũng không được, nếu không muốn mất mạng, tù tội như ông Hoàng Minh Chính sau này.

Trong cái kết bi hài ấy, có chi tiết đáng ghi nhận. Tôi khi vào đại học, được nghe các thầy tôi kể ông Nguyễn Xiển “tự nguyện” xong thì được gợi ý làm đơn xin gia nhập đảng cộng sản. Cụ Xiển, vị giám đốc tài giỏi lừng lẫy của đài thiên văn Phù Liễn (Kiến An) quê tôi thời Pháp, nhất quyết không vào. Đó là sự tự trọng, nhân cách của kẻ sĩ gặp thời buổi nhố nhăng. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

*
*

Thứ Tư, 8 tháng 8, 2018

Trong lịch sử Việt Nam thời hiện đại, có những khuất khúc mà nếu cứ theo như công bố của nhà cầm quyền thì người ta chỉ thấy được phần bên ngoài, hoàn toàn khác xa với nội dung, tức là sự thật lịch sử.

Điều đáng buồn, nếu đó chỉ là những tuyên truyền, thông tin vụ lợi nhằm mục đích bảo vệ sự cai trị thì đã đi một nhẽ, đằng này họ coi đó là chính sử, ép mọi người phải tin theo, nhồi vào đầu óc những thế hệ sau sự mập mờ, méo mó, lừa đảo. Và cũng đáng buồn nữa ở chỗ những nhà chép sử không có ai mang tinh thần của người làm sử chân chính, cam chịu để cường quyền bôi ma bôi mèo, xuyên tạc lịch sử nước nhà.

Thế hệ tôi, sinh giữa thập niên 1950 được chứng kiến, mắt thấy tai nghe, thậm chí trải qua cụ thể nhiều sự kiện lịch sử bị ém theo kiểu khuất khúc ấy.

Trong loạt bài này, tôi chỉ đề cập tới “sự tự nguyện” chấm dứt, giải thể, “hoàn thành nhiệm vụ” một số tổ chức, đoàn thể, cơ quan mà tôi đã biết.

Nhiều người đã biết, sau cuộc cách mạng tháng 8.1945, thể chế chính trị xứ ta vẫn là đa đảng mặc dù đảng cộng sản đã nắm quyền. Người chủ trương đa đảng, kêu gọi đoàn kết dân tộc, không ai khác, chính là cụ Hồ. Tuy cộng sản đã tìm mọi cách triệt hạ Quốc dân đảng, coi như kẻ thù, kẻ đối địch một mất một còn, nhưng với một số đảng khác, cộng sản vẫn chấp nhận cùng tồn tại, mà tiêu biểu nhất là đảng Dân chủ và đảng Xã hội, 2 đảng trước kia đã từng kề vai sát cánh với đảng cộng sản, chia lửa, chia sẻ khó khăn, cùng hướng tới mục đích giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do.

Đảng Dân chủ là tổ chức chính trị của tầng lớp tư sản dân tộc, tiểu tư sản, trí thức, do những trí thức yêu nước cầm đầu. Những tên tuổi nổi tiếng của đảng này như Dương Đức Hiền, Nghiêm Xuân Yêm, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Đình Thi, Cù Huy Cận, Văn Cao, Hoàng Minh Chính, Đỗ Đức Dục, Vũ Đình Hòe, Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt… Cũng như mọi chính đảng, đảng Dân chủ có điều lệ, chính cương, đường lối, đảng kỳ, cơ quan ngôn luận (báo Độc Lập). Do người đứng đầu là những trí thức yêu nước, có trình độ, có tâm với nước với dân, đảng Dân chủ đã từng một thời là nét son trong đời sống chính trị Việt Nam. Về sau, một số thành viên của đảng, hoặc là do cộng sản cài vào, hoặc được bạn tù cộng sản “giác ngộ”, hoặc cơ hội, đã nhảy sang đảng cộng sản, như Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Tôn Quang Phiệt, Ca Văn Thỉnh, Trần Bửu Kiếm, Nguyễn Tấn Gi Trọng…

Ấn tượng rõ nhất của tôi về đảng Dân chủ là ở hai người. Trước hết là ông Nghiêm Xuân Yêm. Ông Yêm làm Tổng thư ký của đảng giai đoạn giữa. Hồi tôi thiếu nhi và thanh niên, để ý thấy cứ mọi cuộc hội họp, lễ lạt, trên mọi bài báo, cứ nhắc tới đảng dân chủ là có ngay ông Nghiêm Xuân Yêm, bên cạnh ông Yêm là ông Nguyễn Xiển, Tổng thư ký đảng Xã hội. Thày tôi bảo ông Yêm là vị trí thức đáng kính, kỹ sư canh nông, ông được cụ Hồ trọng dụng cắt cử làm bộ trưởng Bộ Nông nghiệp để phát huy hết sở học đóng góp cho đất nước. Người thứ 2 là ông Hoàng Minh Chính. Thời tôi sinh viên, năm 1973, tôi nghe anh Bùi Trọng Cường, một bậc đàn anh, bảo rằng “ông Chính ghê lắm”. Hỏi ghê làm sao, anh thì thầm ông ấy dám chống lại cả đảng, chống ông Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ. Bị đảng vu cho là xét lại chống đảng (ông Chính vốn vào đảng cộng sản từ năm 1939), ông Chính bị đi tù. Nói xong, anh Cường bảo nhưng đó mới là con người đáng ngưỡng mộ, tao phục ông ấy. Những anh dám chống cả trời, coi thân mình nhẹ như hạt bụi đều đáng kính phục.

Ông Chính tù tây tù ta đủ cả, nhưng bản lĩnh khí phách hơn người. Chế độ này hết giam lại thả, thả lại giam, lôi ông ra tòa biết bao lần nhưng con người Hoàng Minh Chính vẫn hiên ngang bất khuất, vẫn “hoành mi lãnh đối thiên phu chỉ” (trợn mắt xem khinh nghìn lực sĩ). Thời thế nếu có đổi thay, thì thành phố Hà Nội nên có con đường thật đẹp mang tên Hoàng Minh Chính. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

*
1 nhận xét:

Dân Nam
Hai đảng Dân chủ và Xã hội chỉ là công cụ của đảng Lao động (đảng cs trá hình) làm bình phong dân chủ đa đảng nhằm che mắt, lừa gạt nhân dân và Thế giới . Tạo cơ hội cho bọn thiên tả tiếp tay tuyên truyền, đánh bóng HCM và VNDCCH. Giống như MTGPMN là công cụ cho cs Bắc Việt, hy sinh giúp Hà nội chiếm Miền Nam, rồi lập tức bị giải tán! Trương như Tảng chạy qua Tàu trốn. Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Trần Văn Trà, Dương Quỳnh Hoa, Nguyễn Hộ, Nguyễn Văn Trấn, ... bị Hà nội cho ra rìa. Các công trường (Sư đoàn 5,7,9, ... ) tức lực lượng quân sự của MTGPMN bị Hà nội lừa nướng gần sạch trong trận Mậu Thân và mùa hè đỏ lửa. Đó là thâm ý của Hà nội sau khi chiếm được Miền Nam sẽ không có lực lượng hậu thân nào của MTGPMN đủ sức chống Hà nội. Đến giữa năm 1976, quốc hội “thống nhứt” do Hà nội kiểm soát quyết định đổi tên nước từ VNDCCH thành CHXHCNVN. MTGPMN tiêu tan, cộng sản Miền Nam làm chầu rìa, làm công cụ phục vụ cs Hà nội!

Đổi xong tên nước, dẹp được MTGPMN, Hà nội tiếp tục cú lừa “cải tạo “3 ngày, 10 ngày hoặc một tháng (tùy cấp bực) gom Quân, Cán, Chánh VNCH vào tù “cải tạo”cho yên. Hà nội còn kềm chân kiểm soát chặt chẽ gia đình thân nhân tù cải tạo. Bảo đảm không có lực lượng mạnh nào của VNCH đủ sức nổi lên chống cs. Đến cuối năm 1976, Hà nội mới chánh thức đổi tên đảng Lao động thành đảng csVN .

Đến đây có lẻ đã đủ cho bất cứ ai có lòng yêu nước, thương dân thật sự đừng nằm mơ nghĩ cs Hà nội sẽ thay đổi, tự sửa chữa, cho tự do, dân chủ, đa đảng đa nguyên! Tấm gương bà Cát Hanh Long/Nguyễn Thị Năm người giúp cho ông Hồ nhiều nhứt từ buổi đầu và kết quả ra sao, có lẻ mọi người đã biết!!!

Dân Việt nói chung và dân Việt gốc Quốc gia/VNCH đã bị HCM và cs Hà nội lừa hơn 70 năm đã đủ để mọi người tự suy nghĩ vậy!

Dân Nam
Tháng 8/2018





No comments:

Post a Comment

View My Stats