Tuesday, 30 April 2013

THẨM PHÁN PHAN QUANG TUỆ & CUỘC HÀNH TRÌNH KHÔNG BAO GIỜ CHẤM DỨT (Thiện Giao - Người Việt)




Thiện Giao/Người Việt
Monday, April 29, 2013 4:24:18 PM

LTS: Biến cố 30 tháng Tư, 1975 đẩy một bộ phận lớn dân tộc vào thế phải đào thoát chế độ độc tài, đi tìm cuộc sống xứng đáng với phẩm giá con người. Thẩm phán Phan Quang Tuệ và Thẩm phán Nguyễn Trọng Nho nằm trong số hàng triệu người phải bỏ nước ra đi trong biến cố ấy. Hai vị, những thanh niên trưởng thành tại xã hội miền Nam trước 1975, nhiệt huyết, dấn thân và đều là người thành đạt. Những ngày đầu sang đến đất Mỹ, hai ông trải qua những ngày tháng buồn đau, tủi nhục, chua xót khi sau lưng là một quê hương tan rã, hiện tại thì nhọc nhằn, còn tương lai thì bất định. Nhưng bằng vào ý chí, hai ông từng bước một ổn định và tạo được thế đứng vững chắc tại quê hương thứ hai này. Và nhất là, cả hai đều thành đạt trong một lãnh vực mà đồng bào chúng ta tại quê nhà đang khao khát: một nền pháp luật công bằng, minh bạch, tôn trọng nhân phẩm người dân. Trong bối cảnh nhìn lại những cái mất và những cái được của Việt Nam sau biến cố 30 tháng Tư, 1975, Người Việt hân hạnh giới thiệu cùng độc giả hai khuôn mặt tiểu biểu này: Thẩm Phán Phan Quang Tuệ và Thẩm Phán Nguyễn Trọng Nho.

*
*

SAN FRANCISCO (NV) - Ông là người của tự do, vì ông vinh danh, và sẵn sàng bảo vệ, mọi giá trị tự do. Ở một phía khác, có vẻ mâu thuẫn, ông lại là người của nguyên tắc. Ít ra là nguyên tắc này: Không bao giờ bỏ cuộc!

“Tôi có thể về hưu trong công việc, nhưng không bao giờ về hưu trong cuộc sống.” Thẩm phán Phan Quang Tuệ nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn. “Ngày nào còn ở trên võ đài, ngày ấy chúng ta vẫn còn cơ hội.”

Cơ hội gì, võ đài nào, cho ông? Khó có thể đi tìm một hướng duy nhất trong cuộc đời của người thẩm phán tòa di trú liên bang Hoa Kỳ, Phan Quang Tuệ. Nhưng nếu phải chọn một, và chỉ một mà thôi, thì đó là tâm tưởng của ông đối với Việt Nam, con người Việt Nam - quá khứ, và cả hiện tại.

Tháng Ba, 1995. Hình gia đình sau lễ tuyên thệ nhậm chức Thẩm Phán Di Trú, Tòa Án Di Trú San Francisco. (Hình: Gia đình cung cấp)

Thẩm phán Phan Quang Tuệ về hưu ngày 31 tháng 12, 2012, sau 17 năm ngồi ghế Thẩm Phán Tòa Di Trú Liên Bang Hoa Kỳ. Ông từng là một luật sư tại Sở Di Trú từ năm 1988 đến 1993. Ông sinh ra trong một gia đình gia thế - thân phụ là cố Phó Thủ Tướng Phan Quang Đán, ông nội là một trong những bác sĩ Việt Nam đầu tiên, Phan Huy Thịnh.

Còn người thanh niên Phan Quang Tuệ thì thoát ra khỏi Việt Nam những ngày cuối cùng của cuộc chiến, đến Hoa Kỳ trong một tâm trạng “vừa tự ti, vừa tự tôn.”

Những ngày đầu ở Mỹ, ông làm đủ mọi thứ nghề, kể cả nghề sửa giày, nghề rửa chén nhà hàng. Cho đến một hôm: “Tôi còn nhớ một buổi trưa năm 1976 tại Washington D.C. Lúc ấy tôi làm nghề rửa chén ở nhà hàng. Vào giờ nghỉ trưa, tôi cầm khúc bánh mì, nằm ngửa mặt lên trời, bỗng nhiên nước mắt chảy dài. Lúc đó tôi 33 tuổi.”
“Tôi nhận ra được một điều, cuộc đời này là một chuỗi dài của thử thách. Thử thách lớn nhất nằm ngay trong mình đó thôi.” Thẩm Phán Tuệ nhớ lại. Và ông quyết định đi học trở lại, “để luôn luôn chuẩn bị. Để làm được việc.”

Trong những năm đầu tiên xây dựng lại cuộc đời ở đất nước mới, vừa đi làm nuôi gia đình, vừa đi học để mở đường, cầu tiến cho tương lai, ông tâm sự rằng kim chỉ nam hướng dẫn cho bản thân là câu nói ông để trước mặt trên bàn học: “If I am not for myself, who is for me? But if I am only for my self, what am I? If not now, when?” (Nếu tôi không sống cho tôi, thì ai sống cho tôi? Nhưng nếu tôi chỉ biết sống cho tôi, thì tôi là loại người gì? Và nếu không hành động ngay hôm nay, thì chờ đến bao giờ?)

Cuộc trò chuyện với ông, trước sau gì cũng sẽ quay lại vấn đề Việt Nam. Có lẽ chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ, ông tin vào “người nước ngoài” trong các vấn đề của “người nước mình.”

Sinh Viên Sĩ Quan Thủ Đức, Khóa 2/68. Sinh viên Phan Quang Tuệ ngồi hàng đầu, bên trái. (Hình: Gia đình cung cấp)

Tự nhìn nhận là “người học trò của lịch sử,” và “sinh ra trong một gia đình gắn bó với quê hương nhiều thế hệ,” ông có cái nhìn xác quyết về lịch sử và tương lai của dân tộc.

“Hãy nhìn lại cuộc chiến Việt Nam. Số phận nước mình mà người ta quyết định ở đâu ấy; ở Geneve, ở Bắc Kinh, ở Paris…”
“Nhưng làng xã mình bị cháy thì cháy ở Việt Nam. Đàn bà con gái mình bị hiếp thì bị hiếp ở Việt Nam. Con nít mình bị giết thì bị giết tại Việt Nam… còn người ta quyết định thì quyết định sau lưng mình và trên đầu mình.” Ông Phan Quang Tuệ nhận định.

Ông tin, người Việt Nam phải tự mình có tiếng nói. Và ông muốn đóng góp vào tiếng nói ấy, ngay tại Hoa Kỳ. Đó là cơ hội của ông, và cũng là võ đài của ông.

Nếu hỏi nhân vật này về những kỷ niệm trong gần 20 năm ngồi ghế thẩm phán tòa án di trú, ông sẽ không chờ đợi để kể về một câu chuyện mà ông cho là “một vinh dự” được trao vào tay ông.

Với Tổng Trưởng Tư Pháp Alberto Gonzalez (trái), tháng Tám, 2007, tại Washington D.C.(Hình: Gia đình cung cấp)

Có một cặp vợ chồng nghệ sĩ người Uzbekistan, chồng là nghệ sĩ sáng tác, vợ là ca sĩ hát các sáng tác của chồng. Trong thời gian sống tại quê nhà những năm tháng sau khi quốc gia này tách khỏi Liên Bang Xô Viết, người chồng sáng tác bài hát có tựa đề “Khi Mặt Trời Mọc Trên Quê Hương Tôi,” có nội dung phê phán chính quyền. Hậu quả là hai người bị bắt. Riêng người chồng bị công an hành hung, đập nát cả hai bàn tay. Hai người tìm cách trốn ra nước ngoài, vào đến Mỹ, và xin được cấp quy chế tị nạn. Họ bị giam trong nhà giam của Sở Di Trú Hoa Kỳ khá lâu. Cho đến một hôm, một xấp hồ sơ gồm rất nhiều trường hợp cần xét xử được đưa đến tay Thẩm Phán Phan Quang Tuệ. Ông đọc qua hồ sơ và quyết định ưu tiên xét đến trường hợp hai vợ chồng nghệ sĩ này.

“Nhìn họ, tôi cứ liên tưởng đến Lê Uyên – Phương của Việt Nam.” Thẩm Phán Phan Quang Tuệ nhớ lại. “Tôi tự hỏi, tại sao trường hợp của họ như thế mà lại cứ phải ở tù. Họ ở tù đã lâu, và họ không có tiền để thuê luật sư.”
Ngày xét xử, ông dùng tất cả những quyền được luật pháp cho phép, quyết định nhanh chóng ban quy chế tị nạn chính trị cho hai vợ chồng này.

“Tôi nhớ đã nói với họ như thế này ngay sau khi đưa ra phán quyết: Chào mừng ông bà đến với nước Mỹ. Kể từ hôm nay, hãy sáng tác thật nhiều, đi bất cứ nơi đâu quý vị thích, hãy hát thật nhiều nơi, và hãy phổ biến thật xa những sáng tác của quý vị.”
“Và hôm nay tôi là người được vinh dự ban phán quyết này, nhân danh chính phủ Hoa Kỳ.” Thẩm phán Tuệ kể lại.

Liệu có thể nào tách rời tâm tư Việt Nam trong con người Phan Quang Tuệ ra khỏi quyết định vừa đưa ra hay không? Khó! Chính cá nhân thẩm phán Phan Quang Tuệ cũng từng là người tị nạn, và ông đã chạy ra khỏi một đất nước mà chế độ mới cũng độc tài y hệt cái đất nước của đôi nghệ sĩ mà ông vừa đưa ra phán quyết.

Bản thân là một di dân, một người tị nạn, thẩm phán Phan Quang Tuệ có những kinh nghiệm riêng khi xét xử các trường hợp di trú, đặc biệt là những trường hợp trục xuất liên quan đến người gốc Việt.

Thẩm Phán Phan Quang Tuệ trước khi về hưu, tháng 12, 2012. (Hình: Gia đình cung cấp)

“Tôi gặp khó khăn, những khó khăn nội tâm, khi phải xử những vụ liên quan đến người Việt Nam.” Thẩm Phán Tuệ chia sẻ.

“Thâm tâm, tôi không muốn một người Việt nào phải ra trước tòa.” Ông tâm sự, và so sánh trường hợp của người Việt Nam với các sắc dân khác. “Trong khi nhiều người ở nhiều nước khác chỉ muốn được như người Việt mình, tức là muốn được hợp thức hóa, muốn được cái thẻ xanh, được giấy phép đi làm, một số người Việt lại làm những hành động đưa đến việc bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ.”

Trong cái nhìn tổng thể đối với cộng đồng di dân gốc Việt tại Mỹ, ông Thẩm Phán cho rằng người Việt Nam chỉ mới “thành công mang tính cá nhân” chứ chưa đạt đến sự thành công nền tảng như nhiều sắc dân khác.

“Người Việt mình hay phân biệt, và hay quên những cuộc tranh đấu của người đi trước. Liệu chúng ta có biết rằng chúng ta hưởng rất nhiều từ các phong trào vận động dân quyền của người da đen? Nên nhớ rằng, thành tựu của người da đen đã trở thành một thứ định chế.” Ông phân tích, và đặt câu hỏi: “Chúng ta mang lại được định chế nào cho xã hội này?”

Đặt vấn đề thiết lập các định chế cộng đồng, trách nhiệm xã hội, thẩm phán Phan Quang Tuệ nhắc lại dư luận liên quan đến quyết định sắp đến của ông: Tranh cử vào chức vụ Dân Biểu Liên Bang Hoa Kỳ vào năm 2014.

“Người ta hỏi tôi, sao không để lớp trẻ làm việc ấy.” Ông kể.

“Nói như vậy là sai.” Ông trả lời dư luận như vậy. “Chuyện của mình, mình làm, chuyện của lớp trẻ, lớp trẻ làm. Điều sai lầm lớn nhất là cứ phải bảo người khác làm cái này, làm cái kia.” Ông tâm sự.
Rồi kết luận: “Một cuộc đời có ích là cuộc đời biết chia sẻ, cả thành công lẫn thất bại.”

Nhưng có lẽ, đối với ông, khái niệm “thành công” và “thất bại” dường như cũng là tương đối. Khi một người luôn muốn “ở trên võ đài,” “không về hưu khỏi cuộc sống,” thì liệu “thành công” và “thất bại” có ý nghĩa đến đâu?

Câu chuyện với ông trước sau gì rồi cũng quay lại đề tài Việt Nam: “Quá khứ không quên được, nhưng phải vượt qua được thử thách của quá khứ, mới xây dựng được tương lai.”

Trầm ngâm giây lát, ông trả lời câu hỏi về viễn tượng tương lai của một Việt-Nam-không-Cộng-Sản: “Không có chế độ nào khó xây dựng bằng chế độ dân chủ. Không phải cầm lá phiếu đi bầu là xong. Những định chế cần thiết lập. Tòa Án cần thiết lập. Luật pháp cần thời gian thử thách. Án lệ cần thời gian thử thách. Mình cần một, hai thế hệ nữa.”

Thế còn hiện tại thì sao? Trong vai trò của một trí thức, là hậu duệ của “nhiều thế hệ gắn bó với quê hương,” thẩm phán Tuệ đặt nặng vai trò của trí thức dấn thân.

“…Nhọc nhằn của cả một thế hệ di dân đầu tiên cần được củng cố và bảo vệ bởi tiếng nói ôn tồn, hiểu biết, và cân nhắc của người sĩ phu.” Ông viết trong một bài diễn văn được phát biểu hồi năm 2008.
Rồi ông nhắc lại câu nói nổi tiếng của tướng Robert E. Lee, viên bại tướng miền Nam trong cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ, với binh sĩ của mình: “Trở về nhà, hãy là một công dân tốt như từng là một chiến sĩ dũng cảm.”

Công dân tốt là để xây dựng. Mọi cuộc chiến tranh đều là tàn phá. “Thế hệ này phải xây dựng cho các thế hệ chưa sinh ra.” “Thế hệ chưa sinh ra,” cụm từ ông nhắc đến bốn lần trong cuộc nói chuyện.

“Niềm hy vọng cho những thế hệ chưa sinh ra là ai, nếu không phải là những người đang sống?” Một câu hỏi, cũng là một câu trả lời.

Và ông quyết định tiếp tục cuộc hành trình của một kẻ sĩ dấn thân, theo một câu ghi trong hồi ký của thân phụ mình: “La raison de lutter est la meilleure raison d'esperer” (Lý do tranh đấu là lý do để hy vọng).

--------------------------------

Thẩm Phán Phan Quang Tuệ về hưu ngày 31 tháng 12, 2012, sau 17 năm làm việc tại Tòa Án Di Trú San Francisco. Từ năm 1988 đến 1993, ông là luật sư tại Sở Di Trú Hoa Kỳ. Ông từng phục vụ hai năm trong vai trò Thẩm Phán Luật Hành Chánh tại Sacramento, California.
Là một luật sư tại Việt Nam từ trước 1975, sang Hoa Kỳ, sau khi làm nhiều nghề khác nhau, ông trở lại học luật vào năm 1981. Ông bắt đầu hành nghề luật tại tiểu bang Iowa từ năm 1986. Ông từng là Thẩm Phán Hành Chánh tại Sở Lao Động Iowa từ 1985 đến 1987, Phụ Tá Bộ Trưởng Tư Pháp Tiểu Bang từ 1987 đến 1988, trước khi dọn về định cư tại California.


Bài liên quan




No comments:

Post a Comment

View My Stats