Ngọc Hân - VOA
29.04.2013
http://www.voatiengviet.com/content/ky-niem-ngay-30-thang-4-thuyen-nhan-viet-nam-tu-nan/1651015.html
Khu trại tị nạn ở Galang, Batam, Indonesia. (Ảnh: Masgatotkaca)
SYDNEY, AUSTRALIA — Văn khố Thuyền nhân Việt Nam, một tổ chức
thiện nguyện cộng đồng tại Melbourne, tiếp tục đẩy mạnh chương trình trùng tu
mộ phần thuyền nhân tại các trại tị nạn ở Đông Nam Á, như là một nỗ lực đáng kể
về phương diện truyền thống đạo đức và tín ngưỡng của dân tộc, cũng như là một
đóng góp quan trọng vào việc bảo tồn di sản của người Việt ở nước ngoài.
Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975 – và trong cả hai
thập niên kế tiếp – hàng triệu người Việt đã vượt biển, vượt biên tìm tự do.
Ngày nay, người ta thường chú ý đến tập thể cựu thuyền nhân, ‘bộ nhân’ đã sống
sót và định cư thành công ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Úc. Cũng trong hai thập
niên đen tối ấy, trên 300 ngàn thuyền nhân Việt Nam đã tử nạn trong rừng sâu,
trên biển cả và tại các trại tị nạn ở Đông Nam Á. Rải rác khắp nơi tại các trại
tị nạn cũ – từ Thái Lan, Malaysia đến Indonesia và Philippines, hàng ngàn ngôi
mộ thuyền nhân đã bị bỏ quên – cho đến khi tổ chức Văn khố Thuyền nhân Việt Nam
phát động chương trình thăm viếng và trùng tu mộ phần cho những đồng bào xấu
số.
Văn khố Thuyền nhân vừa kết thúc chuyến công tác hai
tuần lễ tại Bidong, Galang và Bataan – là những địa danh tại Đông Nam Á rất
quen thuộc của trên hai triệu người Việt nước ngoài và thân nhân của họ trong
nước. Chúng tôi đã hỏi ông Trần Đông, Giám đốc Văn khố Thuyền nhân, về chuyến
công tác này và kế hoạch dự trù cho những ngày tháng sắp tới.
Ngọc Hân: Thưa ông Trần Đông, ông vừa hoàn tất chuyến
đi công tác tại Đông Nam Á. Phái đoàn gồm những ai, kéo dài trong bao lâu và đã
đi đến những nơi nào thưa ông?
Ông
Trần Đông: Thưa cô Ngọc Hân và kính chào quý thính giả của Đài
Tiếng Nói Hoa Kỳ. Trong chuyến đi công tác vừa qua, phái đoàn của chúng tôi gồm
một số thành viên từ nhiều nơi tại Úc châu và tại Hoa kỳ. Thời gian là hai tuần
lễ và chúng tôi đã đi qua khu trại Galang cũng như đến trại Bataan của
Philippines gần thủ đô Manila. Cuối cùng là chấm dứt với sáu ngày đêm ở tại Đảo
Bidong của Malaysia.
Ngọc
Hân: Chi phí trong
hai tuần là bao nhiêu và Văn khố Thuyền nhân có trang trải nổi không thưa ông?
Ông
Trần Đông: Trong chuyến công tác này thì chi phí đi về Galang
nhẹ, chi phí đi về Bataan cũng không nhiều. Tuy nhiên chi phí để mua dụng cụ
máy móc và các trang thiết bị để sử dụng cho mục tiêu là công tác tại đảo
Bidong trong 6 ngày 6 đêm thì tương đối cao với trị giá khoảng 60 ngàn Úc kim
thưa quý vị.
Khu mộ
tưởng niệm các thuyền nhân tị nạn ở Galang
Ngọc
Hân: Như vậy Văn
khố Thuyền nhân tìm đâu ra nguồn tài trợ này thưa ông Trần Đông?
Ông
Trần Đông: Trong năm rồi, chúng tôi đã tổ chức một loạt các
cuộc gây quỹ từ Úc châu cho đến Hoa kỳ và Canada. tổng số tiền thu được khoảng
100.000 sau khi đã trừ mọi chi phí linh tinh. Trong chuyến đi vừa qua, chúng
tôi đã mua rất nhiều dụng cụ máy móc, ngay cả việc mua xi măng và đúc các cây
cột để trồng trụ đánh dấu các khu vực nghĩa trang ở tại đảo Bidong. Đồng thời
chúng tôi thực hiện hai projects cùng một lúc, đó là: ở Bidong, chúng tôi đích
thân đến đó làm việc nhưng tại nghĩa trang Galang là nơi có gần mộ thuyền nhân
thì chúng tôi thuê mướn người địa phương và cũng nhờ một anh bạn người địa
phương – đã từng cộng tác với chúng tôi trong 10 năm qua – anh đứng ra đôn đốc
và làm supervisor cho công trình đó. Công trình trùng tu nghĩa trang ở Galang
cũng tốn kém khoảng 45 ngàn Úc kim để dọn dẹp sạch sẽ cỏ trong khu nghĩa trang,
đồng thời đắp vá lại các ngôi mộ xi măng và đổ đất để các ngôi mộ được đầy lên
tại nghĩa trang Galang.
Ngọc
Hân: Còn những nơi
khác như thế nào? Phái đoàn có hoàn tất công tác như dự định không?
Ông
Trần Đông: Dạ thưa, ngoài Galang như vừa trình bày cùng quý
vị, số tiền theo bản ước tính, bản khảo giá tại địa phương đã được chúng tôi
chuyển khoản xong. Ngày 30, 31 tây, chúng tôi đến đó để giám định lại công
trình, nếu có chỗ nào không hài lòng thì yêu cầu họ làm thêm hoặc tu bổ thêm.
Sau đó chúng tôi đã đi đến Bataan. Ở Bataan chúng tôi có liên lạc trước với Ban
Quản Trị tại trại Bataan. Khu vực Bataan ngày nay đã được sửa sang lại khá
khang trang và tốt đẹp. Có thể nói khu di tích tị nạn đẹp nhất trong vùng Đông
Nam Á là Galang, thứ nhì là Bataan.
Tại Bataan, chúng tôi yêu cầu họ đốt cỏ khu nghĩa
trang thuyền nhân Việt nam bởi vì mục tiêu chính tại Bataan là chúng tôi cũng
sẽ trùng tu lại khu nghĩa trang này. Kể từ khi chúng tôi đến đây năm 2005 cho
đến bây giờ, đây là lần ghé thăm Bataan lần thứ tư, và đây là lần đầu tiên mà
chúng tôi có thể nhìn thấy toàn bộ khu vực nghĩa trang và mồ mả thuyền nhân tại
nghĩa trang này. Tổng diện tích của khu nghĩa trang là 5000 mét vuông, ăn khớp
với con số mà Ban Quản Trị cho biết. Nơi đây có trên 300 ngôi mộ và một đặc
trưng của khu nghĩa trang Bataan là cỏ tranh. Đây là loại cỏ có rễ và thân
ngầm, đến mùa tháng 2, tháng 3 và tháng 4 thì cỏ khô, có thể đốt được, nếu
không đốt thì cỏ cũng tự chết. Rồi đến mùa mưa kế tiếp thì cỏ lại mọc lên đợt
khác. Cho nên đối với Bataan kể ra hơi khó. Nếu Bidong là chỗ khó trùng tu thứ
nhất thì điểm khó trùng tu thứ nhì là Bataan.
Ngọc Hân: Ông đã từng nói rằng công tác trùng tu dự
trù chấm dứt vào năm 2015, vậy từ đây đến đó có những công tác quan trọng nào?
Ông
Trần Đông: Năm nay là năm 2013. Mục tiêu của năm nay là xem
xét lại nghĩa trang Bataan, chúng ta phải làm một cái gì. Và quan trọng nhất
đối với nghĩa trang của thuyền nhân tại Đảo Bidong là dọn dẹp sạch khu nghĩa
trang chính và lớn nhất tại Bidong là Khu F. Trong chuyến đi vừa qua chúng tôi
đã đạt được mục tiêu đó nhờ một lực lượng gồm những người từ hải ngoại về đó
được 20 người, thuê mướn thêm 10 người thợ tại Malaysia nữa cùng với lực lượng
hậu cần là 10 người. Vì vậy trong 4 ngày 4 đêm, chúng tôi đã dọn sạch xong Khu
F của nghĩa trang. Từ tháng 11 năm 1991 cho đến bây giờ là 22 năm, đây là lần
đầu tiên mà nghĩa trang Khu F được dọn sạch sẽ, chỉ còn lại các ngôi mộ và đất
mà thôi, chúng tôi đã đạt được điều đó và còn nhiều hơn nữa là một số mộ đã
được dùng máy phun nước áp suất cao để rửa sạch mộ và sơn lại thêm một số mộ.
Đồng thời cũng đã đổ xi măng tráng lại bậc thang tam cấp đi lên nghĩa trang.
Chúng tôi cũng đã dành thời gian đi lên nghĩa trang
Khu C để dọn cỏ và sơn lại bảng tưởng niệm ở nghĩa trang. Như thế mục tiêu của
giai đoạn 1 đối với Bidong đã hoàn tất, đồng thời tất cả các ngôi mộ, dù các
ngôi mộ rất đơn sơ, chỉ là các viên đá xếp lại vòng vòng thôi, tuy nhiên vẫn
phải đánh dấu chỗ nào là mộ, chỗ nào không phải mộ, để mong rằng hai mươi, ba
mươi năm sau, bất cứ ai đến cũng đều biết đâu là mộ phần, đâu là giới hạn của
nghĩa trang. Phần còn lại là chúng tôi phải tìm kiếm thêm một số mộ, mặc dù
không nhiều, ở tại Thái Lan và Hong Kong, đồng thời hoàn tất luôn những công
trình đánh dấu mộ phần thuyền nhân Việt Nam ở vùng quần đảo Anambas và Natuna
của Indonesia. Dự trù chắc chắn chính xác là sẽ hoàn tất vào năm 2015.
Ngọc Hân: Vậy ông có dự trù gây quỹ để trang trải các
chi phí này hay không?
Ông
Trần Đông: Cũng giống như năm rồi chúng tôi đã gây quỹ toàn
bộ tại Úc châu, một số nơi tại Hoa Kỳ và một số nơi tại Canada sẽ tiếp tục trong
năm nay. Tại Úc, chúng tôi sẽ tổ chức đợt gây quỹ cuối cùng tại Queensland, đợt
gây quỹ cuối cùng tại Perth và đợt gây quỹ cuối cùng tại Adelaide. Riêng
Melbourne và Sydney, sẽ còn gây quỹ nhiều đợt nữa cho đến năm 2015 để tiếp giúp
Hoa kỳ và Canada là những nơi chúng tôi có lực lượng tương đối mỏng. Những mong
chúng tôi sẽ kiếm được một ngân khoản dự trù từ 200 ngàn đến 250 ngàn Úc kim để
trang trải cho các chi phí của công tác trùng tu mộ phần thuyền nhân Việt Nam ở
Bidong, ở Bataan, ở Vùng Anambas và tìm kiếm mộ phần thuyền nhân Việt nam ở
những nơi như Thái Lan và Hong Kong, chắc chắn là những nơi đó không có nhiều.
Ngọc Hân: xin cảm ơn ông Trần Đông.
Ông
Trần Đông: xin cảm ơn cô Ngọc Hân và quý thính giả Đài Tiếng
Nói Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment