Phạm
Xuân Đài
Monday,
April 29, 2013 4:35:11 PM
LTS: Nhạc sĩ Lê Văn Khoa
chính thức ra mắt CD bản nhạc giao hưởng "Việt Nam 1975" của ông vào
dịp 30 tháng 4 năm 2005, dù là ông đã hoàn tất công trình này từ 10 năm trước,
1995. Cho đến nay đây là tác phẩm âm nhạc duy nhất viết trong thể loại này, mô
tả những gì mà biến cố 30 tháng 4, 1975 đã mang lại cho đất nước và dân chúng
miền Nam Việt Nam.
Để
hiểu rõ hơn nội dung và ảnh hưởng của tác phẩm lớn này, mời quý độc giả theo
dõi bài phỏng vấn sau đây với nhạc sĩ Lê Văn Khoa, do nhà văn Phạm Xuân Đài
thực hiện, trong dịp tưởng niệm ngày 30/4 năm nay, 2013.
***
Phạm
Xuân Đài:
Thưa nhạc sĩ Lê Văn Khoa, được biết tác
phẩm âm nhạc giao hưởng "Việt Nam 1975" của nhạc sĩ là một công trình
dài hơi: viết trong vòng 10 năm, hoàn tất năm 1995, chính thức phát hành đĩa
nhạc năm 2005, được nhiều người cho là một công trình "viết lịch sử bằng
âm nhạc". Xin nhạc sĩ cho biết động lực nào đã thúc đẩy nhạc sĩ sáng tác
nhạc phẩm này?
Nhạc
sĩ Lê Văn Khoa:
Biến cố 1975 có thể nói là biến cố trọng đại nhất của nhân loại đã giáng xuống
dân tộc ta, nhất là người dân Miền Nam Việt Nam. Chưa có dân tộc nào phải đột
ngột liều chết bỏ xứ ra đi như thế. Tôi là một người dân của Miền Nam, vì vậy
tôi thấy cần phải ghi lại phần lịch sử mà mình đã sống qua. Vì biết sẽ có nhiều
người ghi lại biến cố này bằng văn viết, tôi quyết định ghi lại bằng âm nhạc
với nhiều thể loại, nhạc cho piano độc tấu, cho đơn ca với dàn nhạc giao hưởng,
cho hợp ca với dàn nhạc giao hưởng. Nhưng để đưa câu chuyện của chúng ta đi xa
hơn vùng ảnh hưởng của tiếng Việt, tôi viết nhạc không lời dưới thể loại nhạc
lớn của thế giới: Nhạc Ðại Giao Hưởng (Symphony). Việc này đòi hỏi rất nhiều
công sức để viết và rất nhiều tốn kém để thực hiện, mà tôi không được một sự hỗ
trợ nào. Tôi bị giằng co mãi nhưng vẫn âm thầm làm việc đến 10 năm mới hoàn tất
kịp kỷ niệm năm ly hương thứ 20 (1995).
Phạm
Xuân Đài:
Nội dung chính của Giao hưởng Việt Nam
1975 là gì?
Nhạc
sĩ Lê Văn Khoa:
Cái tên "Việt Nam 1975"
cho người nghe biết CD nhạc này là câu chuyện đã xảy ra trên đất nước Việt Nam
vào năm 1975. Tôi vẽ những bức tranh bằng âm thanh để tả một Việt Nam thanh
bình, rồi bị miền Bắc tấn chiếm, cả triệu người bỏ xứ, vượt biển ra đi vì không
chịu sống với cộng sản. Họ đến được vùng đất mới và lớn tiếng ca ngợi tự do.
Tôi
dùng nhiều chất nhạc Miền Nam để nói lên câu chuyện đã xảy ra trên miền đất
này. Vì là nhạc không lời, có thể có nhiều người không đủ kiên nhẫn để tìm
hiểu, tôi xin phép nêu vài gợi ý để khi nghe nhạc, người nghe sẽ hiểu nhiều
hơn, thấy lý thú hơn và thông cảm với người viết nhạc hơn. Bốn hành âm
(movement) đầu là những bức tranh Việt Nam thanh bình với hội hè đình đám, với
thú vui và tình tự trong đêm trăng. Ba hành âm sau tôi muốn đi vào tâm tình mà
giờ đây đã trở thành lịch sử cận đại của Việt Nam. Ðó cũng là mục đích chính
của tác phẩm này.
Người
nghe “thấy” gì trong hành âm thứ năm có tên Trong Ðêm Thâu (In the Depth of the
Night)?
Sau
phần dẫn nhạc, tiếng đàn độc huyền (đàn bầu) nỉ non, đơn độc âm thầm trong đêm
vắng để nói lên tâm tình của người dân nghĩ đến thân phận mình trong hoàn cảnh
bấp bênh của đất nước. Thình lình tiếng pháo kích nổ vang cắt đứt dòng tư tưởng
của người. Xin lưu ý, trong âm nhạc người ta dùng nhạc để diễn tả hoặc nói lên
hình ảnh hay âm thanh ngoại lai chứ không dùng sound effects như trong phim
ảnh. Sau đó trong tiếng của giun dế giữa đêm khuya, ta nghe tiếng bước chân rụt
rè đầy ác ý của kẻ gian. Qua vài âm thanh ngắn ta biết những kẻ đó là người
cộng sản Bắc Việt. Lần lần tiếng bước mạnh bạo hơn, đông người hơn với sự đốc
thúc của cộng sản quốc tế (một vế nhạc bài Quốc Tế Ca) và cộng sản Trung Hoa,
đoàn quân trong bóng đêm mở cuộc tấn kích.
Có
người hỏi tôi tại sao phải qua tận Nga (Ukraine) để thu thanh nhạc. Xin nghe
mẩu chuyện gay cấn khi thu thanh bài nhạc này:
Lúc
đó tôi ở trong phòng kỹ sư âm thanh xuyên qua khung kính lớn, theo dõi ban nhạc
dợt trong phòng bên cạnh. Khi ban nhạc chơi đến chỗ có trích đoạn bài Quốc Tế
Ca, nhiều nhạc sĩ cau mày. Lúc câu nhạc ấy được lập lại, ngắn hơn, thôi thúc
hơn, gần như toàn ban nhạc ngưng đàn, nhiều người đứng lên, quơ tay, lớn tiếng
nói gì đó với nhạc trưởng. Tôi trong phòng cách âm nên không nghe họ nói gì, mà
dù có nghe cũng không hiểu vì họ nói với nhau bằng tiếng Ukraine. Thấy dáng
điệu của họ tôi sợ. Sợ cho việc thu thanh bất thành, đồng thời cũng sợ bị hành
hung. Bà nhạc trưởng ôn tồn giải thích cho họ và một lúc sau họ ngồi xuống và
chơi nhạc tiếp. Tới bài Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa, họ chơi rất hùng hồn như họ
đang ở ngoài chiến trường, muốn dùng câu nhạc này đè bẹp quân cộng sản.
Khi
ông phụ tá nhạc trưởng bước vào phòng thu, tôi hỏi việc gì xảy ra bên ngoài.
Ông nói với tiếng Anh hạn chế, rằng khi chơi câu nhạc Quốc Tế Ca, nhạc sĩ nổi
giận, chống lại và đòi bỏ về. Họ nói họ đã hát bài đó từ nhỏ, chơi nhạc đó cả
đời và thù ghét nó, tưởng đâu được thoát mà bây giờ còn bị chơi nữa. Bà nhạc
trưởng giải thích với họ là miền Nam Việt Nam bị cộng sản dưới sự đốc thúc của
cộng sản quốc tế, đã tấn công, nhưng họ gặp sự phản công mãnh liệt của quân dân
Miền Nam trong đoạn nhạc kế tiếp. Nhạc sĩ vỡ lẽ và ngồi xuống chơi tiếp. Xin
nhớ thời điểm thu thanh này là lúc có sự tranh chấp dữ đội của phe thân Nga và
phe thân Tây Phương. Ứng viên Tổng Thống, người thân Tây Phương bị đầu độc suýt
chết.
Trong
hành âm thứ Sáu: Trên Biển Cả (On High Sea), tôi muốn tạo cuộn phim cảnh người
thoát đi bằng đường biển bằng âm nhạc. Nhạc khởi đầu đơn sơ, âm u cho thấy họ
đi từ dòng sông nhỏ, ngoằn ngoèo, khi ra đến cửa biển, nhạc bùng sáng với cảnh
rộng mênh mông. Họ đi trên mặt biển dưới ánh nắng chói chang, mệt mỏi, bơ phờ,
chán chường. Nhưng mây đen thình lình kéo tới với gió bão, sấm chớp vang động,
nhưng con người cố thu hồi sinh lực và ý chí chiến đấu chống trả để dành phần
sống. Nhạc chuyển qua đầy cương quyết và bi tráng.
Hành
âm cuối: Ca Ngợi Tự Do (Hymn to Freedom), phần dẫn nhạc hơi dài vì nó không
phải chỉ dẫn vào phần hợp ca. Tôi muốn gom lại nội dung câu chuyện, cho tiếng
đàn Cello độc tấu thét lên tiếng đau thương, phẫn nộ lẫn căm hờn. Dàn violin
tiếp theo lời an ủi, vỗ về để xoa dịu thương đau. Sau đó toàn ban nhạc và ban
hợp ca tiếp theo hòa thanh vang lên lời ca tụng tự do như sấm động, tất cả bay
bổng lên trời xanh, vượt đi như nghìn cánh chim bay vút lên cao, cho tự do bay
bổng.
Phạm
Xuân Đài: Chọn hình thức nhạc
cổ điển để thể hiện bản nhạc này, phải chăng ông đã chọn con đường khó mà đi:
khó trình diễn, khó phổ biến, khó thưởng thức, và chắc là khó hiểu đối với
quảng đại quần chúng... Xin ông cho biết lý do?
Nhạc
sĩ Lê Văn Khoa:
Vâng đúng vậy. Biết rằng nhiều người sẽ đi con đường phổ thông, họ dễ thành
công hơn, và như vậy, họ vô tình bỏ rơi thành phần tuy không đông bằng nhưng
không kém quan trọng, giới thưởng thức nhạc không lời, không nói, không hiểu
tiếng Việt. Hiện nay họ là người khác chủng tộc, nhưng trong tương lai con cháu
chúng ta cũng có thể sẽ nằm trong thành phần này và nhạc không lời sẽ nhắc nhở
chúng lai lịch của ông cha và động lực họ phải ly hương. Tôi nghĩ mình không
chỉ giới hạn phần lịch sử kinh thiên động địa này trong vòng ngôn ngữ của loài
người, nên chọn loại nhạc không lời để diễn tả. Nói cho cùng, âm nhạc cũng là
một loại ngôn ngữ, một thế giới ngữ. Ngoài ra tôi hy vọng Symphony Việt Nam 1975 trở thành một thứ tượng đài lưu động. Nó ở
với người dù bất cứ nơi nào. Nó luôn luôn nhắc đến giai đoạn lịch sử 1975 không
riêng của người Việt mà của cả thế giới, bằng chứng là sự có mặt của người Việt
trong mọi sinh hoạt khắp năm châu, và nơi nào có người Việt, nơi đó có lễ kỷ
niệm 30 tháng Tư. Tôi viết nhạc không lời để chúng ta không bỏ qua một kẽ hở
nào để nói cho thế giới biết thực trạng của Việt Nam. Chúng ta nói cho nhau
nghe thì nhiều rồi, thiết nghĩ cũng nên nói cho người ngoài biết. Nhạc không
lời thì không có biên giới.
Nhạc sĩ Lê Văn Khoa
trên nhật báo The Orange County Register sau buổi trình diễn đầu tiên
với Pacific Symphony Institute Orchestra ở Orange County Performing Arts Center, 3 tháng Sáu, 1995. (Hình: Lê Văn Khoa cung cấp)
với Pacific Symphony Institute Orchestra ở Orange County Performing Arts Center, 3 tháng Sáu, 1995. (Hình: Lê Văn Khoa cung cấp)
Phạm
Xuân Đài:
Cho đến nay, kết quả sự phổ biến và đánh
giá của giới thưởng ngoạn lẫn giới chuyên môn về Giao hưởng này ra sao?
Nhạc
sĩ Lê Văn Khoa:
Ngay sau buổi trình diễn đầu tiên do Pacific Symphony Institute Orchestra ở
Orange County Performing Arts Center, chiều thứ Bảy 3-6-1995 các báo Anh ngữ
trong vùng như Los Angeles Times, Orange County Register, Costa Mesa Pilot đều
có bài tường thuật với lời khen ngợi.
Liên
tiếp mấy năm sau đó Pacific Symphony Orchestra đã trích diễn nhiều lần tại Miền
Nam California. Dàn nhạc giao hưởng ở Springfield, Connecticut và Houston,
Texas có trích diễn. Năm 2005 The Royal Melbourne Philharmonic Orchestra có trích
diễn nhiều hành âm. NK Festival Orchestra trích diễn nhiều lần, Vietnamese
American Philharmonic trích diễn năm 2008, Kyiv Symphony Orchestra đã trình
diễn ở Ukraine (2005) và Washington D.C. (2010).
Bảo
tàng viện quốc gia Úc lưu giữ CD này từ năm 2005, để các học giả, các nhà sưu
tầm khảo cứu.
Tiến
Sĩ Dmytro nêu một câu hỏi cho nhạc trưởng Alla Kulbaba sau buổi trình diễn nhạc
Lê Văn Khoa như sau: “Xét theo khía cạnh
bà luôn luôn trình diễn những tác phẩm âm nhạc phức tạp, bà nghĩ thế nào về
buổi trình diễn đêm nay?”
Bà
Alla Kulbaba, nhạc trưởng chính của Ukranian National Opera, và cũng là một
nhạc trưởng của Kyiv Symphony Orchestra, phát biểu như sau: “Thưa ông, trên điểm này tôi không muốn chỉ
nói đến buổi trình diễn đêm nay mà thôi... Tôi muốn nói đến Nhà Soạn Nhạc Lê
Văn Khoa. Tôi tiếp xúc với ông lần đầu trong khi thu thanh đại tấu khúc
(Symphony Việt Nam 1975) của ông. Trên thực tế ông đã minh chứng ông là một
nghệ sĩ tân thời qua đại tấu khúc của ông... Tác phẩm ấy nói về cuộc chiến
tranh Việt Nam và trong tác phẩm ấy ông khai triển như là nhà viết đại tấu khúc
có tài, chứng tỏ ông không chỉ là người viết nhạc nhẹ mà là soạn nhạc gia với
thể loại lớn. Symphony là loại nhạc lớn và ông đã viết thật lý thú. Tác phẩm
rất sôi nổi với những khai triển của nó. Soạn nhạc gia hành sử thể loại kỳ thú
và nó đúng là thể loại symphony cổ điển với nhiều hành âm. Làm việc với tác
phẩm này thật thú vị.”
Nhạc trưởng All
Kulbaba điều khiển Kyiv (Kiev) Symphony Orchestra and Chorus trình diễn khúc
“Ca Ngợi Tự Do” từ Symphony Việt Nam 1975 (Ukraine 2005). (Hình: Lê Văn Khoa
cung cấp)
Nhạc
trưởng Andrew Wailes, một trong ba vị nhạc trưởng lừng danh của Úc cho biết: “Symphony Việt Nam 1975 là một tác phẩm rất
hùng tráng. Hiển nhiên những ai hiểu được lịch sử và văn hóa Việt Nam thì sẽ
cảm nhận nó một cách sâu sắc hơn. Ðây là một sáng tác theo thể loại nhạc giao
hưởng Tây Phương bởi lẽ tác giả sử dụng cả dàn nhạc đại hòa tấu, sử dụng âm
điệu và nhạc cụ Tây Phương, nhưng lại có thêm cả âm nhạc dân tộc và nhạc cụ
Việt Nam chơi chung với dàn nhạc. Tôi không biết gọi tên cho đúng nhạc cụ đó là
nhạc cụ gì, đó là cây đàn một dây (độc huyền cầm) của Việt Nam. Tác phẩm này
hết sức hùng tráng và tôi tin chắc là mọi người sẽ thích lắm. Như chúng tôi
được biết, trong lịch sử 150 năm của ban đại hòa tấu và hợp xướng Royal
Melbourne Philharmonic thì đây là lần đầu tiên chúng tôi trình diễn âm nhạc
Việt Nam. . . Ðây cũng là lần đầu tiên ban nhạc này được một nhạc sĩ Việt Nam
(Lê Văn Khoa) điều khiển, lần đầu tiên chúng tôi cùng trình diễn với ban hợp
xướng người Việt, và nói chính xác thì đây là lần đầu tiên chúng tôi đệm cho
một ban hợp xướng đa văn hóa. Có nhiều điều làm cho buổi trình diễn này mang ý
nghĩa đặc biệt với chúng tôi. Âm nhạc cũng rất khác biệt với loại nhạc mà chúng
tôi thường trình diễn. Tôi rất nôn nóng trình diễn âm nhạc của một dân tộc thuộc
một nền văn hóa khác, có một lịch sử khác với chúng tôi...”
Ba
ngày sau đêm trình diễn Symphony “Việt Nam 1975”, đúng ra là sáng sớm ngày
25-10-2005, trong chương trình The Breakfast Club bằng tiếng Anh của đài Phát
Thanh Quốc Gia ABC, có tường trình chương trình nhạc đêm 22-10-2005. Xướng ngôn
viên nhiều lần nhắc lại và nhấn mạnh đó là một chương trình nhạc “Symphony Việt
Nam 1975” thật vĩ đại, khán giả chật kín thính đường rộng lớn Town Hall.
Nhạc
Trưởng Andrew Wailes tái xác nhận đây là lần đầu ông trình diễn một đại tấu
khúc Việt Nam. Ông cho biết: “Symphony
Việt Nam 1975 là một tác phẩm rất lý thú. Ðây là một tác phẩm thật hay . . . .
Như những tác phẩm giao hưởng lớn trên thế giới, nó kể một câu chuyện thật đẹp.
Ðây là nhạc về con người thật, về một quốc gia thật. Bắt đầu từ những bài dân
nhạc diễn tả một quốc gia thanh bình, hào hùng, rồi bị cộng sản xâm chiếm. Nhạc
chuyển lần sang âm thanh rất mới, diễn tả sự bất an, đầy bối rối. Người ta chia
tay nhau ra đi đến đất nước mới để tìm tự do. Trong hành âm cuối “Ca Ngợi Tự
Do”, nhạc dàn ra một bài hợp ca thật hay. Nhạc thật lộng lẫy, đồ sộ, thật vĩ
đại. Symphony Việt Nam 1975 là một tác phẩm lớn để thưởng thức.”
Ông
giải thích thêm: “Trong nhạc phẩm này đàn
violin của chúng tôi phải uốn âm thanh vào phân nửa của bán cung cho phù hợp
với âm thanh độc đáo của nét nhạc dân tộc Việt Nam. Việc này thật khác thường.
Tiết nhịp thì diễn tấu khá dễ dàng và hòa âm thì có nhiều hợp âm thứ. Nhạc rất
hay, rất sắc xảo, tinh vi, có những đoạn thật mong manh, chúng tôi phải hết sức
cẩn thận để không đàn quá mức vì sợ phá vỡ không khí êm ả của nhạc.”
Hai nhạc trưởng
Andrew Wailes và Lê Văn Khoa điều khiển dàn nhạc The Royal Melbourne
Philharmonic Orchestra và ban Hợp Ca Cộng Ðồng Người Việt trong chương trình
đánh dấu năm ly hương thứ 30 của người Việt (Australia 2005). (Hình: Lê Văn
Khoa cung cấp)
Nhạc
Trưởng Edward Cumming của Pacific Symphony Orchestra, Hoa Kỳ, xác nhận: “Khi đàn bầu, sáo và khánh (glockenspiel)
quyện lại, tôi thấy nhạc Việt và nhạc Tây Phương ôm choàng lấy nhau, gắn bó
nhau. Ðó là cái ôm siết chặt của văn hóa Ðông-Tây.”
Ngoài
yếu tố lịch sử đã tạo được qua buổi hòa nhạc, Nhạc Trưởng Edward Cumming nhắc
lại Khúc Giao Hưởng “Việt Nam 1975” của Lê Văn Khoa là tác phẩm âm nhạc nói lên
lịch sử cận kim của Việt Nam, ba trích đoạn của tấu khúc này đã được dàn nhạc
Pacific Symphony Institute Orchestra, cũng do ông điều khiển, đã trình diễn
tháng Sáu năm 1995 tại Orange County Performing Arts Center ở Costa Mesa.
Qua
lời phát biểu của ba nhạc trưởng, một ở Âu, một ở Úc và một ở Mỹ, hẳn ông thấy
ý tưởng ban đầu của tôi là đúng. Tôi nghĩ những vị nhạc trưởng này chưa hề nghe
một bản nhạc phổ thông Việt Nam nào và nếu không có Symphony Việt Nam 1975 chắc
họ không biết nhạc Việt ra sao. Họ xác nhận lịch sử tang thương của ngày
30-4-1975 và tiếp chúng ta nói lên bằng tiếng nói âm nhạc cho những người cùng
giới, cùng đẳng cấp với họ và như thế câu chuyện của chúng ta được loan ra xa
hơn, rộng hơn để tiếng kêu gào, đòi hỏi tự do do cho người dân Việt được vang
dội lớn hơn.
Nhạc sĩ Lê Văn Khoa
(phải) trong buổi trả lời phỏng vấn nhà văn Phạm Xuân Đài tại Nhật Báo Người
Việt. (Hình: Uyên Nguyên/Người Việt)
Phạm
Xuân Đài:
Năm nay nhạc sĩ đã ở vào tuổi 80, ông còn
những dự tính nào cho tương lai không?
Nhạc
sĩ Lê Văn Khoa:
Ðối với tôi dường như tương lai hay hiện tại không có gì khác nhau, ngày nào
cũng là tương lai và ngày nào cũng là hiện tại, vì lúc nào tôi cũng làm việc.
Tôi vẫn còn dạy nhạc, rất muốn mở lớp sáng tác nhạc cho người lớn và cho trẻ em
để tạo một thế hệ tương lai tốt hơn thế hệ của tôi. Tôi muốn khai triển thêm
lối hội học hay những buổi nói chuyện thân mật, để một số người có thể đi sâu
hơn vào lãnh vực hiểu và bình giảng âm nhạc đúng nghĩa. Nhiều người khuyến
khích tôi viết hồi ký, tôi cám ơn và cho biết tôi không có đủ thì giờ đi tới
thì làm sao có thì giờ đi lui. Có lẽ vì hiểu tôi như thế nên nhiều thân hữu đã
đứng ra gom góp một số bài của tôi viết về âm nhạc, về nghệ thuật, và bài của
rất nhiều người viết về nhận định, về kỷ niệm với tôi, về tôi, gom lại làm một
quyển sách đồ sộ, lấy tên là LÊ VĂN KHOA, MỘT NGƯỜI VIỆT NAM, sẽ ấn hành trong
năm nay. Tôi nghĩ đó là một tài liệu khá đầy đủ về tôi, mời đồng bào đón xem để
chia sẻ cùng tôi những quan niệm, những hoạt động về âm nhạc và nghệ thuật mà
tôi đã thực hiện trong suốt quãng đời đã qua của tôi.
Phạm
Xuân Đài: Xin cảm ơn nhạc sĩ
Lê Văn Khoa đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.
---------------------------------------
Mời nghe vài đoạn trong Symphony
Việt Nam 1975 :
---------------------------------
SYMPHONY
“VIETNAM 1975” CỦA
NHẠC SĨ LÊ VĂN KHOA ĐÃ THÀNH TỰU
(Đã được phát biểu tại hai buổi ra mắt tại Quận Cam ngày 22 và 23 tháng Tư 2005)
NHẠC SĨ LÊ VĂN KHOA ĐÃ THÀNH TỰU
(Đã được phát biểu tại hai buổi ra mắt tại Quận Cam ngày 22 và 23 tháng Tư 2005)
PHẠM PHÚ MINH (tức nhà văn Phạm Xuân Đài, chủ bút nguyệt
san Thế Kỷ 21)
Thưa
quý vị,
Tôi
đọc trên tờ flyer giới thiệu đĩa nhạc Symphony Việt Nam 1975 dòng chữ này: “Niềm hãnh diện của người Việt sau 30 năm
ly hương: Symphony VietNam 1975 đã thành tựu.”
Tôi nghĩ đó là một câu nói rất đúng để chỉ về một biến cố trong tháng Tư năm 2005 này. Biến cố này không phải là một cuộc xuống đường rầm rộ, một buổi meeting đông người, hay một hình thức nào như cộng đồng của chúng ta vẫn thường làm liên quan đến việc tưởng niệm ngày mất Miền Nam vào tay Cộng Sản 30 tháng Tư 1975. Đã nhiều năm qua chúng ta tưởng niệm trong sự ân hận, đau buồn, nhưng năm nay, như câu của tờ flyer mà tôi vừa trích dẫn, chúng ta cảm thấy một sự hãnh diện. Một niềm hãnh diện rất chính đáng, cho tất cả mọi người, vì những nỗi niềm sâu kín của tập thể tị nạn chúng ta đã được một người nói hộ một cách trọn vẹn, bằng một phương tiện nghệ thuật rất cao, là nhạc cổ điển Tây phương. Đó là Giao hưởng khúc 1975 của nhạc sĩ Lê Văn Khoa.
Từ
biến cố 1975 đến nay là 30 năm. Trước đó 30 năm là chiến tranh. Từ 1945 đến nay
là 60 năm, trong đó Việt Nam trải qua 30 năm chiến tranh, 30 năm hòa bình.
Chúng ta đang đứng trước những con số rất tròn trịa. Từ thời điểm này, chúng ta
có thể đưa mắt nhìn về quá khứ để xem với những biến cố lớn lao như vậy, đất
nước Việt Nam đã có sản sinh ra những tác phẩm nghệ thuật nào, về văn, về thơ,
về nhạc, về họa tương xứng với tầm vóc của các biến chuyển lịch sử mà chúng ta
đã sống hay không. Xứng đáng với tầm vóc của lịch sử, kiểu như cuốn trường
thiên tiểu thuyết Chiến Tranh và Hòa Bình của Leon Tolstoi vẽ nên một bức bích
họa vĩ đại của đất nước và dân tộc Nga thời kỳ đầu thế kỷ 19 trước sự xâm lăng
của Napoleon, hay là bản Giao hưởng Ouverture 1812 của Tchaikowsky mô tả cụ thể
về biến cố này, hoặc cuốn tiểu thuyết Cuốn Theo Chiều Gió của Margarete
Mitchell nói về cuộc chiến tranh Nam Bắc của nước Mỹ vào giữa thế kỷ 19 cùng
tác phẩm điện ảnh quay theo tiểu thuyết này. Hoặc xa hơn về quá khứ của nước
Trung Hoa, thời Tam Quốc sở dĩ còn lưu lại trong trí nhớ của biết bao thế hệ
chính là nhờ bộ tiểu thuyết lịch sử Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, hoặc
chuyến du hành thỉnh kinh có một không hai sang Ấn Độ của nhà sư Trần Huyền
Trang đời nhà Đường mãi mãi còn sống động đến bao đời sau chính là nhờ bộ
trường thiên tiểu thuyết Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân. Nhìn lại nước ta, những tác
phẩm lớn nói về các giai đoạn lịch sử quan trọng rất thiếu vắng, trong quá khứ
đã thế, mà trong hiện tại cũng thế. Cuộc chiến kinh thiên động địa xảy ra trên
nước Việt Nam của chúng ta ròng rã 30 năm, dưới đủ mọi hình thái, chỉ được ghi
lại trong những tác phẩm hạng nhỏ và trung về bề rộng lẫn bề sâu, cả bên này
lẫn bên kia. Sau khi chiến tranh chấm dứt, trong 30 năm cai trị của đảng cộng
sản đã xảy ra biến cố vĩ đại độc nhất vô nhị trong lịch sử nước Việt Nam từ
thời lập quốc cho đến nay, là cuộc đào thoát quy mô toàn cầu của dân tộc Việt
Nam trốn chạy chủ nghĩa này, cũng chưa có một tác phẩm nào nói lên cho xứng
đáng cái đau khổ như biển, cùng cái ý chí bằng trời của khát vọng tự do nơi
người dân đi tị nạn. Chúng ta đã có rất nhiều hình thức tưởng niệm, gợi nhớ các
biến cố này, bằng tượng đài, bằng sách báo, bằng lễ lạc, nhưng cái chúng ta
thiếu nhất vẫn là tiếng nói của nghệ thuật ở một tầm mức cao, vì chỉ loại này
mới có thể trường tồn như một chứng tích trong nhiều thế hệ sắp tới.
Nhưng chính trong thời điểm 30 năm này chúng ta bỗng có tin vui! Khúc “Giao hưởng Việt Nam 1975” đã thành tựu! Khúc giao hưởng ấy đến với chúng ta kịp lúc vào thời điểm chúng ta đang bồi hồi tưởng nhớ đến bao biến cố nước mất nhà tan đã xảy ra từ cái tháng Tư oan nghiệt ấy, biết bao thảm cảnh tù tội đọa đày, biết bao sóng gió trùng khơi, trong vòng 30 năm qua! Chúng ta đã có một tác phẩm nghệ thuật chân chính, cao cấp, lớn lao nói hộ cho chúng ta hầu như tất cả những nỗi niềm mà mỗi người trong chúng ta vẫn hằng cưu mang ôm ấp mà không tự mình bộc bạch ra hết được. Hôm nay, chính nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã làm công việc ấy cho tất cả chúng ta, với “Khúc Giao Hưởng Việt Nam 1975” của ông.
Dùng phương tiện diễn đạt là nhạc giao hưởng Tây phương, một phương tiện phong phú nhất để diễn tả bằng âm thanh những trạng thái khác nhau của cuộc sống, nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã làm sống lại cả một giai đoạn lịch sử của Việt Nam. Dựa trên nhiều làn điệu dân ca dân nhạc, ông đã kể lại cho chúng ta nghe một thời thanh bình của đất nước chúng ta nó như thế nào, cuộc sống êm đềm của dân chúng với các rước xách hội hè, với tình yêu trai gái, và sức sống tươi vui của dân chúng bàng bạc khắp nơi. Nhưng rồi chiến tranh tới, chúng ta nghe những bước chân khẽ khàng của những kẻ gây chiến qua những dòng nhạc ngập ngừng bí mật, nhưng cuối cùng cũng biết đó là ai với tiếng vọng của bài Quốc tế ca từ xa xa, rồi Tiến quân ca, rồi bài Xì Lai quốc ca của Trung Cộng, rồi cuộc chiến bùng lên với sức kháng cự của quân dân miền Nam với những giai điệu thật là hùng tráng. Nhưng rồi cuộc chiến tàn với sự thất bại của Miền Nam, tác giả đã diễn tả ngắn gọn nhưng với tất cả tâm tư của người trong cuộc, đến nỗi giáo sư sáng tác nhạc Gary Smart của đại học Wyoming đã phát biểu rằng: “Câu nhạc ngắn sau đoạn giao tranh trong hành âm Trong Đêm Thâu thật sự đánh động tâm tư con người.”
Nhưng cuộc bại trận chỉ mới là bắt đầu của bi kịch. Kể ra, nói
về bi kịch thì cả một Miền Nam sau 1975 là một bi kịch lớn lao, cả nước đang no
đủ bỗng trở thành nghèo đói, đang có nhà cửa bỗng trở thành kẻ vô gia cư, đang
có tài sản bỗng trở thành vô sản, đang tự do bỗng thành tù tội. Người ta đang bức tử
một xã hội tự do thành một trại lính có tên gọi là xã hội chủ nghĩa. Người dân
không chịu nổi, họ phải ra đi. Họ đi đâu? Phần lớn họ đi ra biển, tìm đường đến
với thế giới bên ngoài. Và hàng triệu người đã ra đi, nhắm mắt gởi thân phận
mình cho đại dương có thể rất hiền từ mà cũng có thể rất hung tợn. Cả một lớp
người ra đi này đã tạo nên một khúc bi tráng ca độc nhất vô nhị trong lịch sử
Việt Nam, nói cho loài người từ thiên cổ cho đến ngàn sau rằng con người chỉ có
thể sống đầy đủ với tư cách một con người nếu họ được tự do. Trong cuộc đi tìm
tự do vĩ đại này, dân tộc chúng ta đã trả một cái giá không phải là nhỏ: khoảng nửa triệu người đã chìm sâu dưới
lòng đại dương trước khi họ thấy bến bờ tự do. Quý vị phải nghe hành âm số
6 “Trên Biển Cả” để sống với tất cả nỗi khủng khiếp này, để thấy thân phận nhỏ
nhoi của con người trước sự gào thét của sóng gió biển khơi, nhưng đồng thời Lê
Văn Khoa cũng cho chúng ta một cảm giác rất lạ lùng trong hành âm này, đó là sự
vươn lên của ý chí, càng bị vùi dập thì con người càng mạnh mẽ, chúng ta sẽ rõ
ràng nghe được sự hùng tráng vẫn tiềm ẩn trong tự thâm tâm chúng ta, và nó đã
được khơi dậy, khiến chúng ta hào hứng, chúng ta đầy niềm tin vào mình, vào
đồng bào của mình và vào nhân loại, và chúng ta sẽ chảy nước mắt trong nỗi hân
hoan bí ẩn ấy, nó bỗng dưng xuất hiện giữa cảnh những chiếc thuyền bé nhỏ đang
nghiêng ngả giữa sóng gió vô tình của biển cả. Lê Văn Khoa với dòng nhạc của
ông trong hành âm 6 đã gợi được sự tự hào ấy nơi con người, con người đầy sức
mạnh có thể làm chủ lấy mình giữa thiên nhiên và giữa xã hội, dù phải trải qua
nghịch cảnh cho tới đâu.
Với
tư cách là những con người tị nạn, chúng ta biết ơn nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã hiến
tặng cho chúng ta tác phẩm này, một tác phẩm ca ngợi đất nước và con người Việt
Nam, và điều quan trọng nhất là làm bừng sống phẩm giá của con người.
-------------------------------------
Lê Văn Khoa và cuộc chiến cho danh dự người Việt
Phạm Kim
Vinh
Nhân
dịp Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ sắp tổ chức một đêm nhạc quy mô nhằm vinh danh nhạc
sĩ Lê Văn Khoa vào ngày 11 tháng 10 năm 2008 sắp tới, chúng tôi xin giới thiệu
cùng bạn đọc bài viết rất công phu về con người hoạt động văn hóa Lê Văn Khoa
do Luật sư Phạm Kim Vinh tức bình luận gia Trương Tử Phòng của báo Chính Luận
ngày trước, sáng lập viên và là Tổng thư ký Hội Phổ Biến Văn Hóa Việt Nam, viết
từ năm 1987.
Từ đó đến nay, đã 21 năm qua, nhạc sĩ Lê Văn Khoa vẫn không một phút nào ngơi nghỉ trên con đường hoạt động nhằm phát triển nghệ thuật và văn hóa Việt Nam tại hải ngoại. Ngoài những thành tựu trước năm 1987 mà nhà văn Phạm Kim Vinh nhắc đến trong bài này, chúng ta còn biết nhiều hoạt động khác của nhạc sĩ Lê Văn Khoa trong thời gian sau này, ngày càng sáng chói rực rỡ hơn, như "Bản giao hưởng Việt Nam 1975" và CD Memories đạt được tiếng vang quốc tế, cùng rất nhiều buổi trình diễn âm nhạc, nhiều khóa đào tạo và triển lãm nhiếp ảnh v.v... làm phong phú đời sống văn hóa của người Việt Nam tị nạn và góp phần giúp thế giới, nhất là người Mỹ, hiểu biết văn hóa Việt Nam hơn.
Bấm
vào đây để xem toàn bộ bài viết của LS Phạm Kim Vinh
(pdf)
Mời xem toàn bộ tài liệu :
No comments:
Post a Comment