Sat, 04/27/2013 - 14:44 — VietTuSaiGon
Có lần, ông tôi nằm trên giường bệnh và nói
lớ mớ, anh em tôi không ai hiểu ông nói gì, ông ngoắc tôi lại gần, rồi thều
thào dặn: “Ba mươi tháng Tư năm nay, chắc ông không làm được như mọi năm, con
nhớ, cứ nghe tiếng chó sủa đêm phía sau nhà thì mang một ít thuốc lá, bánh, áo
giấy và đường ra cúng nhé! Họ về đó, năm nào cũng thế…”. Chưa kịp hiểu gì thì
ông đã qua đời. Cũng từ đó, cứ 30 tháng Tư, tôi lại làm theo lời ông dặn nhưng
vẫn không rõ lắm “họ” mà ông đã nói là ai. Mãi cho đến mười một năm sau, lúc
này tôi đã ngấp nghé tuổi trung niên.
Lúc tôi được biết rõ chuyện này cũng là lúc
bà sắp qua đời, bà cũng gọi tôi đến bên giường và nói thì thào vào tai tôi:
“Sau nhà mình là một nghĩa trang đã bị phá hủy trong những ngày mới thay đổi
chế độ, nghĩa trang đó chôn những người lính Nghĩa quân và Biệt kích, trong
thời gian làm kinh tế hợp tác xã, họ bắt ông của con phải ra đào mộ, lấy đất
làm gạch. Chỉ bắt ông con vì ông con là lính nghĩa quân thời Pháp và bác Hai
của con là sĩ quan chế độ cũ. Hồi đó nếu ông từ chối thì nhà mình khó mà sống
cho yên. Ông con nhắm mắt mà bốc họ đi. Bốc xong, mấy ông cán bộ đưa cốt đi đâu
bà cũng không rõ. Chỉ nhớ là mỗi đêm, vong hồn về đốt đuốc sáng choang ngoài hố
gạch, nói chuyện rì rầm cả đêm. Họ linh lắm. Ông của con chỉ biết thắp hương
khấn vái xin họ thương tình mà tha thứ cho tình cảnh của ông. Họ về báo mộng,
cho ông biết là họ bỏ qua tội của ông, họ hiểu hết, họ không trách. Nhưng họ
cần áo quần để mặc, họ thèm đường bát và thuốc lá… Con nhớ mà cúng mỗi năm nhé,
và nhớ cầu nguyện cho họ siêu thoát…”.
Lời dặn của ông và câu chuyện của bà trước
lúc lâm chung khiến tôi buồn mấy ngày và cứ suy nghĩ miên man về thân phận con
người, thân phận của những chiến binh đã hy sinh thân xác cho lý tưởng, cho quốc gia, dân tộc. Có thể nói rằng
họ là những chiến binh không may, mộ phần của họ không được chăm sóc tử tế bởi
bàn tay đồng đội, bàn tay người thân. Sau một biến cố lịch sử, mọi việc đảo
lộn, thân phận của người sống cũng người người đã khuất cũng trở nên phiêu hốt,
bất định. Và cũng có thể nói rằng đó là một sự không may mắn mang tính lịch sử.
Nhưng, nếu chỉ nói thế thì e rằng sự thiếu
sót này không thể nào bỏ qua, và sự hời hợt trong nhận xét cũng là một cái tội,
chí ít là cái tội với người đã nằm xuống. Hai miền Nam – Bắc nước Mỹ, sau chiến
tranh, họ vẫn có một nghĩa trang chung của hai phía, họ cũng có những cuộc hòa
giải để cho thấy rằng không có bên nào chiến thắng cũng như không có bên nào
thua trận. Mà chiến thắng lại thuộc về nước Mỹ, một nước Mỹ yêu chuộng hòa bình
và dân chủ, văn minh thuộc vào bậc nhất địa cầu. Rất tiếc, Việt Nam thì mọi
chuyện vừa buồn cười vừa chảy nước mắt.
Sau ba mươi mấy năm kêu gọi hòa giải, hòa
hợp dân tộc, cái người ta dễ nhìn thấy nhất đó là hàng triệu số phận bị đắm
chìm vì những chủ trương, chính sách cấm cửa, không cho thi đại học vì có lý
lịch là con em của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, mọi cơ hội hoàn toàn đóng kín
trước mắt những người có liên quan đến chế độ cũ. Và, mãi cho đến bây giờ,
những căn nhà bị cướp trắng, những người vợ, người con của chiến bính Việt Nam
Cộng Hòa bị xua đuổi ra đường vẫn chưa bao giờ có cơ hội bước chân vào căn nhà
cũ của mình. Nhưng đó là chuyện vẫn chưa đáng kinh hãi lắm.
Đáng kinh hãi hơn
cả là những ngôi mộ liệt sĩ Việt Nam Cộng Hòa bị bỏ hoang, bị đào bới và những
nghĩa trang bị chiếm đất để trồng cây lâu năm, cây lấy gỗ mà ai cũng có thể nhận
biết là cây đó nhanh tươi tốt như vậy nhờ bởi hút xác người. Thật là hãi hùng khi nghĩ rằng
người chết phải thêm một lần chết dần chết mòn bởi rễ cây đang từ từ nhấm nháp
xương cốt, từ từ xâm thực toàn bộ mộ phần của họ. Nhưng, mức độ kinh hãi vẫn
chưa dừng ở đó, người ta còn nghĩ đến việc mở đường, xây dựng công trình lên đó
và xóa sạch dấu vết của chế độ cũ. Giật sập tượng đài, đào bới mộ, hoang hóa
nghĩa trang, đó là tất cả những gì có được trong cuộc hòa giải hòa hợp dân tộc
này!
Đến lúc này, tôi phải tự hỏi liệu cái nền
giáo dục mà tôi đã học ở đó trong quãng thời gian không ngắn của đời người có
phải là nền giáo dục của con người? Vì nếu là nền giáo dục của con người thì
phải dạy cho người ta biết yêu thương, biết kính trọng, nghiêng mình trước vong
linh người đã khuất và biết động lòng trắc ẩn trước cái chết đồng loại. Nhưng
không, suốt ba mươi mấy năm nay, người ta vẫn chưa ngưng hành hạ những ngôi mộ
liệt sĩ đối phương, người ta vẫn chưa ngừng tung hê chiến thắng, người ta vẫn
không ngừng rót rượu uống mừng, mặc cho mấy triệu đồng bào phải cúi mặt giấu
nước mắt.
Thêm một 30 tháng 4 nữa, thêm một năm dài
của những oan hồn còn vương vấn đâu đó nơi dương thế bởi chưa tìm được sự chăm
sóc ấm áp của người thân hoặc bị cư xử quá tệ bạc và tàn nhẫn. Thêm một năm
nữa, không có hy vọng gì vào một xứ sở mà ở đó, lòng cừu thù đã lậm vào máu
thịt và não trạng, sự hận thù không từ bỏ cả với người chết… Lại một 30 tháng 4
nữa, chó đang sủa sau nhà, và trụ sở ủy ban phường đang có văn nghệ ăn mừng
chiến thắng!
No comments:
Post a Comment