Monday 29 April 2013

THẾ NÀO LÀ DÂN CHỦ HÓA ? (Ngô Nhân Dụng - Bauxite VN)




Ngô Nhân Dụng
29-4-2013

Năm ngoái nước Miến Điện (Myanmar) bắt đầu tiến trình dân chủ hóa; sau khi chính quyền quân phiệt mời bà Aung San Suu Kyi và đảng Liên minh Dân tộc Dân chủ do bà lãnh đạo tham dự cuộc bỏ phiếu, dù chỉ bầu có một phần vào Quốc hội. Hiện tượng này cũng giống như cuộc bầu cử năm 1989 tại Ba Lan, trong đó Công đoàn Đoàn Kết (Solidarnosc) lần đầu tiên tham dự cuộc bầu cử, chỉ bầu 35% Quốc hội (Sejm). Cả hai lần, các nhóm đối lập với chính quyền đều thắng lớn. Năm đó, Ba Lan cũng sống trong tình trạng “thiết quân luật.” Dưới quyền một “Hội đồng Cứu quốc,” hầu hết các bộ trưởng, các chủ tịch địa phương, và phần lớn chức quản đốc các doanh nghiệp nhà nước đều do quân nhân nắm giữ. Các cuộc tranh cử trên diễn ra mặc dù cả đảng bà Suu Kyi và công đoàn của ông Walesa đều chưa được công nhận là hợp pháp. Cả hai cuộc bỏ phiếu trên đều chỉ diễn ra sau khi những người đang cầm quyền tại hai quốc gia đã gặp gỡ, thảo luận với những người đối lập; và tại mỗi nước, chính quyền cũng như bên đối lập đều tin tưởng vào thiện chí của nhau trước khi bắt tay tiến hành dân chủ hóa.

Miến Điện cũng giống Tây Ban Nha
Tiến trình dân chủ hóa tại hai nước trên được các nhà nghiên cứu chính trị học gọi là “reforma pactada – ruptura pactada,” có nghĩa là “thỏa hiệp để xóa bỏ và để cải tổ.” Danh hiệu này quen viết bằng chữ Tây Ban Nha, bởi vì đã được áp dụng lần đầu tại nước này. Có lẽ việc thay đổi chế độ ở Miến Điện giống trường hợp tương tự ở Tây Ban Nha năm 1976, nhiều hơn là giống Ba Lan năm 1989. Bởi vì Ba Lan bắt đầu dân chủ hóa do các cuộc đình công làm áp lực của Công đoàn Solidarnosc, được dân cả nước ủng hộ. Năm 2012, Liên minh Dân tộc Dân chủ ở Miến Điện chưa tạo được một thế đối lập rộng rãi như vậy; chính quyền quân phiệt Miến không bị thách thức mạnh mẽ như đòi thay đổi ngay như ở Ba Lan. Có một điểm tương đồng là tại cả hai nước người dân đều lo ngại trước thế lực của nước ngoài, Liên Xô vẫn đè nặng trên vùng Đông Âu và Trung Quốc có thể thao túng chính quyền Miến Điện.
Điểm tương đồng đáng kể nhất là tại Tây Ban Nha cũng như ở Miến Điện, việc khởi động tiến trình dân chủ hóa đều do ý những người đang nắm quyền xướng xuất. Họ không bị một áp lực nào từ quần chúng, như Tướng Jaruzelski tại Ba Lan. Chính quyền Tây Ban Nha đang đứng vững, dân chúng hài lòng về các tiến bộ kinh tế; Tây Ban Nha cũng không trải qua những cuộc thua trận nhục nhã, như khi cuộc đảo chính để bắt đầu dân chủ hóa diễn ra ở Bồ Đào Nha vào năm 1974, sau khi nước này thất bại trong cuộc chiến giữ thuộc địa tại Angola, Mozambique và Guinea. Tây Ban Nha không bị một quốc gia nào nhòm ngó, như những hành động di dân và khai thác tài nguyên mà Trung Quốc đã thi hành đối với Miến Điện. Nếu dân Tây Ban Nha có bất mãn, thì lý do chính là họ thấy quốc gia mình còn quá lạc hậu so với các nước cùng ở phía Tây châu Âu.

Tây Ban Nha còn khác Miến Điện một điều nữa, là tình trạng phe dân chủ chưa được kết tụ lại. Khi bắt đầu thực hiện dân chủ hóa, Thủ tướng Aldofo Suárez không thấy một lãnh tụ đối lập nào có vai trò tiêu biểu như bà Suu Kyi tại Miến. Nhiều đảng phái đã hoạt động còn đang bị cấm, nhiều lãnh tụ chính trị bị cầm tù nhưng họ không đồng ý với nhau. Đảng Cộng sản vẫn còn theo đường lối Nga Xô không thể hợp tác với đảng Xã hội; lại càng không thể nói chuyện với các nhóm dân chủ khác. Trong số các đảng này không có ai nổi bật lên để có thể coi là đại diện phe dân chủ. Vì thế, ông Suárez không thể mời một nhân vật hay riêng một đảng nào đứng ra thảo luận với mình về một “reforma pactada – ruptura pactada,” để bắt đầu tiến trình dân chủ hóa. Muốn tìm ra người đối thoại, Suárez thấy chỉ có một cách danh chính ngôn thuận, là tổ chức bầu cử cho dân chúng chọn người đối thoại với mình! Hai lần lên ti vi sau khi nhậm chức vào giữa ăm 1976, ông đề nghị với toàn dân cùng bắt đầu dân chủ hóa, và hứa hẹn sẽ tổ chức một cuộc bầu cử Quốc hội trong vòng một năm. Ông cam kết mọi người sẽ tự do bỏ phiếu kín, ai cũng được tranh cử, được thông tin đầy đủ về các ứng cử viên cho dân chúng biết!

Công đóng góp của Aldofo Suárez rất đáng kể; vì không có gì thúc bách chính quyền Tây Ban Nha phải bắt đầu dân chủ hóa ngay. Tướng Franco chết vào cuối năm 1975, sau khi đưa vua Juan Carlos lên ngôi, tái lập chế độ quân chủ lập hiến. Kinh tế Tây Ban Nha lúc đó đã phát triển đều, trong những năm từ 1961 đến 1970 đạt tỷ lệ tăng trưởng 7,3%, tốc độ nhanh nhất ở Châu Âu. Dân chúng cũng không mấy người quan tâm đến việc cải tổ chính trị, mà quân đội thì chắc chắn không muốn thay đổi; vì chế độ của Tướng Franco dựa trên quân đội, hậu quả của cuộc nội chiến thời 1930. Nhưng Suárez nhấn mạnh vẫn phải tổ chức bầu cử tự do, vì sau 40 năm “xã hội Tây Ban Nha đã thay đổi”.

Công việc của Suárez khó khăn hơn ông Thein Sein, Tổng thống Miến Điện rất nhiều. Suárez phải vận động ngay trong nội bộ đảng cầm quyền để họ ủng hộ chương trình cải tổ. Trước hết Suárez phải thuyết phục Quốc hội (Cortes) biểu quyết Luật Cải tổ Chính trị, mà đại đa số dân biểu đều thuộc một đảng, Movimiento Nacional. Khó khăn, bởi vì các đại biểu sẽ phải thông qua một đạo luật mà họ biết trước hậu quả là những địa vị họ được đang hưởng sẽ bị mất. Nhưng đạo luật Cải tổ Chính trị đã được thông qua (425 thuận, 59 chống), vì chính các đại biểu Quốc hội cũng biết “xã hội đã thay đổi”.

Việc thông qua đạo luật Cải tổ Chính trị cốt cho dân chúng và các người đối lập thấy rằng những người cầm quyền thực tâm muốn thay đổi. Để bảo đảm không ai có thể bị kéo thụt lùi quá trình dân chủ hóa, Suárez còn đưa ra đạo luật trưng cầu dân ý vào cuối năm 1976. Có 77% các cử tri hợp lệ đi bỏ phiếu và 94% đồng ý về đạo luật mới này – là những tỷ lệ rất cao.

Một tuần lễ sau đó, Suárez gặp gỡ những lãnh tụ đối lập, dù các đảng phái còn chưa được hợp thức hóa. Ông mời họ cộng tác tham dự cuộc bầu cử; kể cả lãnh tụ đảng Cộng sản Carillo, sau khi ông này mới được thả ra khỏi tù. Hành động can đảm nhất của Suárez là, vào tháng Tư năm 1977, ông đã chính thức chấp thuận đảng Cộng sản được hoạt động, sau khi họ bị đặt ra ngoài vòng pháp luật hơn 40 năm. Cuộc nội chiến vẫn còn ám ảnh trong ký ức mọi người dân, nhất là trong quân đội. Các tướng lãnh phản đối mạnh mẽ. Khi Bộ trưởng Hải quân từ chức, không một vị tướng nào chịu lên thay, phải mời một đô đốc hồi hưu ra làm việc. Suárez đã biện hộ cho quyết định của mình; bày tỏ quyết tâm tôn trọng các quy tắc dân chủ: “Tôi không theo chủ nghĩa cộng sản, tôi còn chống lại chủ nghĩa này hoàn toàn. Nhưng tôi là một người dân chủ, một người dân chủ thành khẩn. Cho nên tôi tin rằng nhân dân chúng ta đã đủ trưởng thành để sống trong một xã hội nhiều đảng phái. …Trong cuộc sống chung với nhau, một trong số những quyền và bổn phận của chúng ta là chấp nhận ngay cả người đối kháng với mình (adversario). Nếu cần phản đối ai thì phải thực hiện điều đó qua cuộc cạnh tranh, theo cung cách văn minh”. Tháng Sáu năm 1977, cuộc bầu cử Quốc hội tiến hành, mở rộng cho tất cả các đảng. Ngay cả một đảng Tân phát xít (Fuerza Nueva) cũng được chính thức tranh cử và có một người đắc cử, dù đảng này chính thức chủ trương bác bỏ thể chế dân chủ! Quốc hội được bầu lên đã thảo luận và thông qua một bản Hiến pháp mới; bản Hiến pháp được đưa ra trưng cầu dân ý vào cuối năm 1978 để chính thức ban hành.

Nước Tây Ban Nha đã đi những bước rất nhanh trong tiến trình dân chủ hóa. Và tiến đến trình độ vững chắc; đã được cả xã hội chấp nhận và không ai muốn quay ngược lại tiến trình. Đến năm 1982 khi ông Filipe González, đảng Xã hội, lên làm Thủ tướng thì coi như chế độ dân chủ đã thật sự vững vàng. Một viên đại tá đứng đầu cuộc đảo chính hụt năm 1981 đang bị giam, nhưng tòa án đã phán quyết cho ông ta vẫn được điều động cuộc vận động tranh cử của đảng của ông là Solidaridad Espanola, làm việc ngay từ trong nhà tù! Quy tắc dân chủ đã được tôn trọng, mà người dân không thiệt thòi gì cả. Đến năm 1985, có 76% dân chúng Tây Ban Nha nói họ hãnh diện về cuộc chuyển hóa từ chế độ độc tài sang dân chủ. Năm 1993, 79% dân chúng đồng ý rằng “Dân chủ là thể chế tốt nhất cho nước ta”.
Chúng ta không thể đoán trước tiến trình dân chủ hóa ở Miến Điện có thể đi nhanh, với những bước vững chắc như ở Tây Ban Nha hay không. Bởi vì dân chủ hóa là một quá trình phức tạp. Không phải cứ xóa bỏ một chế độ độc tài xong là một xã hội bắt đầu trở thành dân chủ.

Nới lỏng tự do chưa phải dân chủ hóa
Một ngộ nhận thông thường là người ta không phân biệt hai thứ trông từ ngoài thấy giống nhau: Nới lỏng tự do không có nghĩa đã là dân chủ hóa; mặc dù chúng ta biết muốn dân chủ hóa thì ngay bước đầu phải nới lỏng tự do.
Tại nhiều nước độc tài, chính quyền có thể ban bố một số quyền tự do cho dân chúng được hưởng, nhưng không chắc từ đó sẽ tiến tới dân chủ hóa. Thí dụ, người ta có thể giảm bớt (hoặc bãi bỏ) việc kiểm duyệt các phương tiện truyền thông đại chúng như báo, đài, và internet, một hành động mà chính quyền Miến Điện đã làm. Chính quyền Miến Điện đã cho phép cả những người làm báo từ nước ngoài được trở về xuất bản báo ở trong nước. Họ cũng đã trả tự do cho nhiều tù nhân chính trị; đã cho phép dân được tập họp tự do hơn trong các hội đoàn, đảng phái; tóm lại là chấp nhận trong xã hội phải có các ý kiến và tổ chức đối lập. Tất cả các hành động trên có thể gọi là “nới lỏng tự do” (liberalization).

Nới lỏng tự do rất đáng hoan nghênh, nhưng chưa đủ gọi là dân chủ hóa (democratization). Vì dân chủ hóa là một tiến trình chính trị với những đặc tính cụ thể và rõ ràng, không thể thiếu được.

Trước hết, dân chủ hóa nghĩa là người dân có khả năng thay đổi những người đang nắm quyền hành. Cụ thể, là phải cho mọi người được tham dự vào những cuộc bầu cử tự do; người dân được lựa chọn, ai thắng phiếu sẽ lên cầm quyền; và luật bầu cử không có các hàng rào chính trị ngăn cản những người ứng cử. Dân chủ hóa chỉ thành tựu khi nào đại đa số dân chúng và những người hoạt động chính trị thỏa thuận được với nhau về những thủ tục, thể thức để bầu cử những người nắm quyền; khi các chính phủ là do chính người dân bầu lên; khi chính quyền đó có thể đưa ra và thực hiện các chính sách mà không bị một thực thể nào khác chi phối, dù là một đảng chính trị, là quân đội hay một tổ chức nào khác. Quan trọng nhất là trong guồng máy điều hành quốc gia, những người nắm quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp tự họ có thể hành động mà không bị chi phối bởi các quyền kia; lúc đó mới có thể coi việc dân chủ hóa đã thành tựu.

Năm 1985 ông Mikhail Gorbachev và Bộ Chính trị đảng Cộng sản Liên Xô đã ban bố các chính sách glasnost và perestroika, dù họ không bị một áp lực bên ngoài nào thúc đẩy; nhưng chủ ý của họ chỉ là nới lỏng các quyền tự do trong xã hội xô viết, chứ không có ý định tiến tới, và chắc chắn không có kế hoạch tiến tới dân chủ hóa. Điều này phải chờ đến năm 1990.
Vào năm 1976 Tây Ban Nha thực sự bắt đầu dân chủ hóa ngay, điều này không thể phủ nhận.
Miến Điện cũng bắt đầu dân chủ hóa từ năm ngoái, song song với việc nới lỏng tự do. Vì giới quân nhân ở Miến Điện đã chấp nhận cho những người đối lập được tranh cử, cho dân được bỏ phiếu tự do, ít nhất đã được một lần rồi. Nhưng tại Miến Điện chúng ta còn phải chờ coi bản Hiến pháp độc tài có được tu chính hay không, bà Aung San Suu Kyi có được tranh cử Tổng thống hay không. Vì theo Hiến pháp Miến Điện hiện nay thì một người lấy vợ hay chồng ngoại quốc, con có quốc tịch nước khác sẽ không được phép ứng cử Tổng thống. Phải chờ đến cuộc bỏ phiếu năm 2015 mới biết tiến trình dân chủ hóa tại Miến Điện sẽ đi được thêm bước nào nữa.

Miến Điện và Tây Ban Nha đều đối diện với một vấn để giống nhau, là có các sắc dân thiểu số rất đông, tập trung ở những vùng riêng, thường xung đột với chính quyền của khối đa số, và có nhiều người chủ trương giành quyền tự lập hoặc ly khai. Nếu Miến Điện vượt qua được thử thách đó bằng cách sử dụng các “khí cụ” của thể chế dân chủ, như Tây Ban Nha đã làm được, thì mới có thể coi là tiến trình dân chủ hóa hoàn tất.

Từ việc cho phép người dân bầu cử tự do còn phải đi thêm nhiều bước nữa mới có thể coi là hoàn tất công việc dân chủ hóa. Nhưng sau khi đã hoàn tất rồi, cũng phải thêm nhiều thời gian nữa mới có thể nói là chế độ dân chủ đã vững vàng. Chúng ta cũng không quên rằng nhiều khi một nước thiết lập thể chế dân chủ rồi sau đó quay ngược lại, sống dưới một chế độ độc tài, như khi Hitler lên nắm quyền trong thể thức bầu cử, dân chủ và tự do, nhưng tự biến thành một nhà độc tài, hậu quả rất tai hại cho dân tộc Đức. Tại Tây Ban Nha, công việc dân chủ hóa có thể coi là hoàn tất khi một Quốc hội, do dân tự do bầu lên, ban hành bản Hiến pháp mới năm 1976. Nhưng phải đến năm 1982, sau khi có một cuộc đảo chính hụt, đảng Xã hội thắng cử và lên cầm quyền thay cho đảng khác, mới coi như thể chế dân chủ tại Tây Ban Nha đã vững vàng, năm năm sau khi bắt đầu. Sau đó, không còn ai muốn nói tới việc đi ngược lại tiến trình dân chủ nữa. Tại nhiều nước khác ở Âu châu như Rumania, Bulgaria, hay ở Nam Mỹ như Brazil, Chile, Argentina, công cuộc dân chủ hóa đã đòi hỏi thời gian dài hơn nữa.

Khi nào thì dân chủ hóa xong?
Khi nào thì một tiến trình dân chủ hóa có thể coi là hoàn tất? Nói theo Giuseppe di Palma, tiến trình này hoàn tất khi nào mọi người mặc nhiên đồng ý rằng thể chế dân chủ là “cuộc chơi duy nhất đáng theo đuổi” (the only game in town), như ông trình bày trong cuốn sách về Chuyển hóa sang Chế độ Dân chủ”, (To Craft Democracies: An Essay on Democratic Transition, Cambridge University Press, 1991).

Dân chủ hóa thành công khi đã thành “luật chơi duy nhất” được mọi người chấp nhận, không ai muốn theo “lối chơi khác” trong cuộc cạnh tranh chính trị.

Chúng ta cần xác định với nhau rằng Dân chủ không phải là một “chủ nghĩa” mà cũng không nên coi là một “lý tưởng.” Nó bao gồm những “luật chơi,” những thủ tục, thể thức do luật định, để người dân tự do lựa chọn họ muốn đưa ai lên nắm chính quyền. Dân Chủ lo giải quyết vấn đề hình thức chứ không phải nội dung của cuộc sống chung trong xã hội. Nội dung của chế độ, sẽ thiên về công bằng xã hội hay ngả sang đề cao tự do; hoặc pha trộn hai khuynh hướng đó theo tỷ lệ nào, các “công thức” pha chế này phải do các đại biểu của dân quyết định, theo đúng các thủ tục dân chủ. Họ sẽ thảo luận với nhau trong thời gian thành lập thể chế dân chủ; rồi sau đó, nếu muốn, người ta sẽ còn thay đổi các công thức cũ để tạo ra những cách pha chế mới. Thể chế dân chủ cho phép một xã hội thay đổi, và chắc sẽ còn thay đổi mãi, vì chúng ta biết cuộc sống loài người luôn luôn biến chuyển. Nhưng các quyết định trong quá trình thay đổi phải được thực hiện trong vòng các thể thức dân chủ. Khi nào mọi người, hay đại đa số mọi người, đồng ý với nhau là chỉ có luật chơi dân chủ là tiện nhất, thích hợp và đáng theo nhất, khi đó có thể coi là tiến trình dân chủ hóa đã thành tựu.

Phải cẩn thận nhắc nhở lẫn nhau như vậy, vì nhiều người có thể hiểu lầm rằng cứ tổ chức bầu cử tự do xong là đã dân chủ hóa. Bầu cử tự do là điều kiện tất yếu, nhưng không đủ. Thí dụ như ở Chile. Tại Chile, Tướng Augusto Pinochet lên cầm quyền sau một cuộc đảo chính, bản Hiến pháp năm 1980 của ông được chấp thuận trong một cuộc trưng cầu dân ý; trong đó hứa hẹn sau tám năm; nếu được dân đồng ý, mới kéo dài thêm tám năm nữa. Năm 1988, ông Pinochet vẫn được Hội đồng Quân đội đưa ra làm ứng cử viên Tổng thống duy nhất, nhưng ông chỉ được 43% số phiếu; và có 55% dân chúng từ chối.

Tuy thể chế dân chủ đã thành hình tại Chile từ năm 1989, nhưng sau đó hơn mười năm vẫn chưa thể coi là tiến trình dân chủ hóa đã hoàn tất; vì những ràng buộc của quá khứ. Mặc dù bị thua phiếu, nhưng Tướng Pinochet đã làm đủ mọi cách để bảo vệ quyền hành. Ông mời các đảng đối lập thảo luận về tu chính hiến pháp, hai bên đã đồng ý thay đổi 54 điều, nhưng còn để lại nhiều điều di lụy về sau. Bản Hiến pháp tu chính được trưng cầu dân ý vào tháng Bảy năm 1989, hơn 91% dân chấp thuận, đến cuối năm thì bầu cử Tổng thống mới. Ông Patricio Aylwin, đại diện cho 17 chính đảng trong liên minh Concertación đã đắc cử với 55% số phiếu. Ông cầm quyền bốn năm, liên minh Concertación gồm cả đảng Dân chủ Thiên chúa giáo và đảng Xã hội tiếp tục nắm quyền; năm 2009 mới có một vị Tổng thống thuộc đảng khác.

Ông Pinochet trao quyền cho vị Tổng thống mới vào năm 1990, nhưng vẫn giữ chức tổng tư lệnh quân đội trong một thời gian dài, mà chính phủ mới không thể thay đổi vì các điều được ghi trong hiến pháp. Các chức tư lệnh hải quân, không quân và tư lệnh cảnh sát cũng vậy, cho đến năm 1998 mới hết hạn. Ngân sách quân đội cũng được đặt nằm ngoài thẩm quyền của vị Tổng thống dân cử, mà chỉ do vị tư lệnh quyết định. Ông Pinochet còn ảnh hưởng trên Tòa án Bảo hiến, với bảy thẩm phán được ông phong nhậm từ trước, và theo luật họ chỉ về hưu khi đến tuổi 75! Với tư cách “nghị sĩ suốt đời” trong Thượng viện, một địa vị dành cho các cựu Tổng thống, ông được miễn tố, mặc dù rất nhiều người dân muốn đưa ông ra xét xử về các tội về nhân quyền. Phải đến năm 2000, ông mới bị tước mất quyền miễn tố, và Bộ Tư pháp chuẩn bị đưa ông ra tòa. Nhưng sau đó, ông kiện lên Tối cao Pháp viện, và việc truy cứu được bãi bỏ vì tòa án coi là ông bệnh nặng; phần lớn các vị thẩm phán tòa tối cao đều do ông bổ nhiệm từ trước. Năm 2005 ông mới tự bỏ vai trò nghị sĩ suốt đời; một năm trước khi ông chết.

Nhìn vào trường hợp Chile thì chúng ta thấy quá trình dân chủ hóa không thể hoàn tất dễ dàng, khi những người cầm quyền trong chế độ cũ vẫn còn giữ được các đặc quyền. Tại hai nước Bulgaria à Romania sau năm 1989 cũng vậy. Chính những người đang cầm quyền đã quyết định thay đổi chế độ tại hai nước này; sau khi họ lật đổ người cầm đầu đảng ở Bulgaria, và hạ sát lãnh tụ ở Romania. Nhưng nhờ đóng vai chủ động khởi xướng việc thay đổi, họ có thể điều khiển tất cả quá trình dân chủ hóa, trì hoãn việc cải tổ kinh tế, bảo vệ được các đặc quyền của họ và đồng đảng. Vì vậy, tiến trình dân chủ hóa tại hai nước này tiến rất chậm.

Tại Bulgaria, ngay cả khi một liên minh các đảng dân chủ đối lập (Lực lượng Dân Chủ Thống nhất, UDF) thắng cử và lên cầm quyền năm 1992, chính họ cũng không hành sử theo đúng tinh thần dân chủ, vì vẫn muốn “trừng phạt” các nhân vật của “chế độ cũ” bằng những biện pháp không theo đúng quy tắc tôn trọng nhân quyền và thủ tục pháp lý. Chương trình cải tổ kinh tế bị trì hoãn cho đến năm 1997 mới được tiến hành; năm 2002 Hội đồng Châu Âu mới chính thức coi Bulgaria là đang theo kinh tế thị trường. Một hậu quả là nền kinh tế của Bulgaria, cũng như Romania, đều tiến rất chậm so với các nước chung quanh. Năm 2009, Bulgaria là nước nghèo nhất trong cộng đồng Âu châu (EU); ông Ognian Shentov, một nhà nghiên cứu chính trị nhận xét: Cảm tưởng chung của người dân là buồn chán, vì thấy cuộc thay đổi vẫn chưa hoàn tất!”.

Chile may mắn hơn hai nước Bulgaria à Romania ở vài điểm, nhờ di sản của quá khứ thuận lợi hơn cho việc chuyển hóa. Tuy tiến trình dân chủ hóa ở Chile tiến chậm, nhưng tại nước này đã có những yếu tố giúp cho xã hội vẫn tiến bộ mặc dù trên mặt nổi thì thế lực của chế độ cũ vẫn cố duy trì các đặc quyền của họ. Nhìn vào nước Chile, từ trước thời Pinochet đảo chính (năm 1973) người dân đã tạo được tập quán sống theo lối dân chủ. Giới kinh doanh được tự do, các đảng phái chính trị đã thành hình, và một xã hội công dân rất năng động được phát triển với các hiệp hội đoàn thể tự nguyện. Với ba thành phần nằm trong phần nước ngầm ở bên dưới đó, việc thay đổi thể chế chính trị ở mặt nổi chỉ tạo thêm cơ hội cho quốc gia phát triển nhanh hơn và hòa hợp hơn. Ngược lại, hai nước Bulgaria à Romania không có những nền tảng của một xã hội kinh tế (các doanh nghiệp tư), một xã hội chính trị (các đảng phái) mà cũng không có được một xã hội công dân đầy đủ để thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa thành công. Chỉ sau khi thể chế đã thay đổi, các doanh nghiệp tư và các đảng chính trị ra đời, người dân bắt đầu ý thức quyền công dân của mình bằng việc thành lập các tổ chức, phong trào tự nguyện, khi đó quá trình dân chủ hóa mới được thúc đẩy tiến nhanh hơn. Nhưng cuối cùng thì, sau khi được tự do, người dân nước nào cũng biết phải làm gì để sống xứng đáng trong một ch dân chủ. Vì vậy, bước đầu tiên để dân chủ hóa là phải nới lỏng tự do, trả lại các quyền công dân căn bản cho mọi người.

N.N.D.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN




No comments:

Post a Comment

View My Stats