Saturday, 27 April 2013

LÝ LUẬN & CUỘC SỐNG NGÀY CÀNG XA NHAU, PHẢN BỘI NHAU (Đoàn Vương Thanh)




Đoàn Vương Thanh
28-4-2013

Xưa nay lý luận chỉ có thể đúng khi nó có tác dụng soi đường cho thựctiễn. Nếu chừng nào nó xa rời thực tiễn, xa rời cuộc sống thì nó trở thành vật cản, trở thành tai hại và cứ nhắm mắt theo nó thì cuộc sống sẽ đi vào bế tắc, thậm chí những thành quả mà trước đó có thể bị mai một hoặc mất đi.

Ở Việt Nam ta, từ lâu, mỗi khi đảng viên mới được kết nạp, dứt khoát phải đi học một lớp “bồi dưỡng đảng viên mới” với những bài học lý thuyết gần như bất biến, nói về “Đảng kiểu mới” về “sự ra đời và hoạt động của Đảng”, “sự cần thiết phải có đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam” và toát lên một cách tổng hợp là kể lể công lao của Đảng, coi Đảng như một vị cứu tinh, đảng chỉ có đúng không bao giờ sai, hoặc “trung ương đúng, đường lối chủ trương, chính sách của Đảng lúc nào cũng đúng, chỉ có chỉ đạo, thi hành là sai và có sai, thậm chí nghiêm trọng…” Và dấu ấn để “trói” đảng viên vào với Đảng là lời thề “tuyêt đối trung thành” với Đảng, nguyện hi sinh phấn đấu đến hơi thở cuối cùng cho sự nghiệp của Đảng !” Chính cái đó đã tạo nên những con người của Đảng, lúc đầu rất trung thành, và trong thực tế có nhiều đồng chí nêu gương hi sinh trước bom đạn, trước đòn tra tấn dã man của quânthù, giữ vững khí tiết. Nhiều đồng chí thể hiện sự thương yêu đồng chí, thương yêu nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân.

Đảng giáo dục đảng viên và quần chúng trung kiên theo đảng phân biệt rõ bạn thù, thậm chí chỉ mặt từng loại kẻ thù từ bên ngoài và từ bên trong. Phải chấp hành chủ nghĩa Mac-Lenin, chủ nghĩa Lenin, sau này lại còn tôn thờ chủ nghĩa Mao Trạch Đông, tức là Maoits. Tất cả toát lên là phân chia giai cấp, không chỉ hai thành phần giai cấp bóc lột và giai cấp bị bóc lột mà còn chẻ nhỏ, “cụ thể hóa” tiêu chuẩn từng giai cấp nữa, để khi “đánh” cho trúng. Một thời khẩu hiệu “Trí phú địa hào, đào tận gốc, chốc tận rễ” không những “tiêu diệt” những tên trùm sỏ mà còn tiêu diệt cả những kẻ liên quan. Trong việc giải quyết mâu thuẫn đối kháng giữa “giai cấp bóc lột” ở nông thôn là địa chủ, phú nông, còn phân ra cụ thể: “địa chủ cường hào gian ác”, “địa chủ cường hào gian ác đầu sỏ”, “địa chủ thường” địa chủ kháng chiến” thậm chí có nơi còn có “địa chủ kiêm tư sản”, “địa chủ phản động”…nghĩa là muốn tiêu diệt giai cấp địa chủ phải tiêu diệt đủ
loại địa chủ.

Với phú nông cũng vậy, có phú nông bóc lột, có phú nông lao động. Cả đến trung nông, nghĩa là người nông dân chịu khó lao động có bát ăn bát để, cũng là “trung nông lớp trên, trung nông lớp dưới. Trung nông không được liệt vào “giai cấp bị bóc lột”. Chỉ có bần nông và cố nông mới là giai cấp bị bóc lột, vì thế họ nghèo nhất ởnông thôn, bị áp bức nhất ở nông thôn. Nay nhờ có cách mạng, đúng ra nhờ có giảm tô, cải cách ruộng đất mới được chia ruộng , mới được mở mày mở mặt, phải gọi họ là cốt cán, phải đưa đi đào tạo trở thành cán bộ nòng cốt lãnh đạo ở nông thôn. Khi phân chia các loại thành phần, Đội cải cách ruộng đất không căn cứ vào cái gì cả, chủ yếu là căn cứ vào lời khai của mấy ông bà, cô cậu cốt cán, mà khi về làm việc giảm tô cải cách, Đội đã dựa vào họ. Như ở quê tôi, đội đã “dựa” vào cả ngụy binh, cả gái làm tiền.

Cái mớ lý luận về giai cấp đấu tranh ấy hoành hành ở nước ta khá nhiều năm, gây ra vô vàn tai hại, khi biết sai lầm, đảng chỉ sửa những cái đảng cho là đã sai, còn những điều làm mất cả tình làng nghĩa xóm, hỏng cả tình máu mủ… thì không. Con gái, con dâu đấu tố vu khống cha mẹ mình, cha mẹ chồng, bới móc ông bà cụ kỵ nhà chồng để lại sự oán ghét năng nề đến mấy chục năm chưa hề phai nhạt thì đảng chưa bao giờ đặt vấn đề sửa sai và sửa sai đến nơi đến chốn.

Độ khoảng ba bốn thập kỷ gần đấy, nghĩa là sau thống nhất nước nhà, những mớ lý luận cũ rích từ thời tám hoánh nào , thậm chí từ hồi cải cách giảm tô, từ khi thực hiện “cải tạo tư sản” vẫn được mang ra áp dụng. Nhưng thực tế cuộc sống, đặc biệt ở miền Nam, dân không chịu “nuôt” cái lý luận gàn dở của đảng, nên không tiếp thu và không thực hiện một cách tự giác mà chủ yếu là bị bó buộc, bị cường quyền áp đảo. Ngày nay, những nhà lý luận “cộm cán” có bằng Tiến si lý luận hẳn hoi không chỉ lên lớp về “chủ nghĩa xã hội” đối với cán bộ đảng viên và lớp trẻ trong nước mà còn đi “rao giảng” ở một Trường Đảng cao cấp nước bạn, làm cho người hàng xóm nghe mà rùng mình ghê sợ.

Từ ngày “đổi mới và hội nhập” cái mớ lý luận cũ của ta tỏ ra không thích hợp, phải chuyển đổi, nhưng chủ yếu vẫn là chuyển về những nguyên tắc của chủ nghĩa tư bản mà thôi, chứ có sáng tạo ra thứ chủ nghĩa nào khác hơn đâu. Những người đã qua các lớp “bồi dưỡng chính trị” cho cán bộ đảng viên ở ta đều được nghe giảng về những nguyên tắc lớn của hai thứ chủ nghĩa này. Chủ nghĩa tư bản là “người bóc lột người”, chủ nghĩa xã hôi” ngàn lần tươi đẹp hơn, xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xây dựng mọt xã hội công bằng dân chủ gấp vạn lần chủ nghĩa tư bản.

Ta thử nhìn qua lại một chút xem sao. Bây giờ ở Việt Nam không còn giai cấp tư sản theo kiểu cũ nhưng lại xuất hiện giai cấp tư sản kiểu mới, mà phương tây gọi là “tư bản đỏ”, thực hiện “xóa bỏ khoảng cách giầu nghèo” nhưng ta lại đào sâu hơn, giãn độ ngăn cách xa hơn giữa giầu và nghèo, để rồi lại “la lên” “xóa đói giảm nghèo”. Vậy ở Việt nam ta đang theo Đảng xây dựng chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa tư bản?

Xây dựng chủ nghĩa xã hội với nền kinh tế quốc hữu hóa đất đai, nhà máy, công nông trường xí nghiệp, toàn bộ là “quốc doanh” nhưng quốc doanh đâu có biết quản lý, cung cúc chấp hành lệnh trên, chỉ lo thu vén cá nhân, dựa dẫm vốn liếng của Nhà nước để mọi thứ đều thua lỗ.

HTX nông nghiệp cả làng bậc thấp rồi lên bậc cao, tất cả là “cha chung không ai khóc” chẳng ai có sáng tạo, chẳng ai chịu làm việc cho ra hồn, lúc nào cũng hô hào thi đua, hết “phong trào Đại Phong” lại “phong trào 5 tấn” mà năng suất cây trồng, năng suất lúa vẫn cứ tụt dài, đồng đất thì hoang hóa, sản lượng lương thực èo ẹt ở con số không đủ ăn, công lao động gia trị bằng 2 lạng thóc, cái nghèo cái đói cứ theo rịt người nông dân. Thế mà chỉ thực hiện hai lần “khoán” khoán 100 và khoán 10, nông dân một phần được cởi trói, bà con cả nước đã làm ra 45 triệu tấn thóc, trong khi ruộng canh tác lại bị thu hồi hàng vạn ha cho “dự án”, lại có 7,5 triệu tấn lương thực quy gạo xuất khẩu.

Tuy nhiên đấy mới chỉ nhìn sơ qua vào nông nghiệp hay rộng ra một chút là “tam nông thôi”, chứ còn các mặt kinh tế khác hễ cứ dính vào “quốc doanh” là y như đổ bể, thụt két, lỗ vốn, nợ xấu, nợ công…nghĩa là làm không có lời mà chỉ có rạn nứt và đổ vỡ. Nói ra thì lại bảo tại “suy thoái kinh tế toàn cầu” nó ảnh hưởng. Ngụy biện. Vậy mà những nhà lý luận lâu nay không thấy có phát kiến gì mới để mà soi đường, để mà ngăn cản sự suy thoái?

Một tầng lớp cán bộ các cấp từ những người chưa giầu hoặc còn là người nghèo nay bỗng “đứng dạy sáng lòa” để rồi có tiền hàng trăm tỷ xây dựng biệt thự, xây dựng nhà thờ tổ, cho các con đi học nước ngoài và cho con “phè phưỡn” ở đâu đó, mấy năm trở về bố đã chọn cho những cái ghế “ngon” rồi tha hồ mà sung sướng. Vậy các nhà lý luận của ta bây giờ, giải thích thế nào về phân chia giầu nghèo mới, phân chia giai cấp mới và có cần tiến hành đấu tranh giai cấp nữa hay không ?

Độ khoảng hai chục năm nay, chúng ta được LHQ ghi nhận “thành tích “xóa đói giảm nghèo”, nhưng lại không thấy ghi nhận “xóa no giảm giầu” nguyên nhân gây ra các giai cấp đối kháng nhau, sinh ra đấu tranh giai cấp?…

Vậy thời đại hiện nay, mô hình của chủ nghĩa xã hội ở nước ta là những vấn đề gì ? Kinh tế thì trở lại những yếu tố thị trường của tư bản chủ nghĩa, xã hội thì phân chia đẳng cấp, phân chia giầu nghèo ngày càng sâu sắc, các quan chức từ xã trở lên trở thành “giai cấp khác”, còn nhân dân lao động vẫn là “giai cấp lao động”. Giai cấp công nhân để tạo ra nhân tố lãnh đạo cách mạng có còn không? Công nhân, nhân viên trong thời buổi kinh tế thị trường không khác mấy kẻ đi làm thuê cho các ông chủ lớn nhỏ trong mọi lĩnh vực, trong mọi doanh nghiệp, làm tốt chưa chắc được khen, làm chưa tốt bị đuổi việc ngay lập tức.

Xã hội đã và đang hình thành ‘tầng lớp đại gia” ăn không bao giờ hết của ngon vật lạ, ở không bao giờ hết nhà, biệt thự và vi la, đi toàn xe con trị giá hàng nghìn con trâu của nông dân, con cái đi học, chơi game ở nước ngoài…Những điều này đang diễn ra tại xã hôi xã hội chủ nghĩa của chúng ta, các nhà lý luận thử giải thích xem sao !

Chúng ta không chỉ có nạn nói dối hoành hành, nạn tham nhũng hoành hành, xã hội đen đang làm loạn đất nước mà còn tạo ra rất nhiều giai tầng xã hội không còn ở cái mức “trí phú địa hào” nữa mà là những ông vua lớn nhỏ. Nhiều khi, tôi hơi lẩn thẩn nghĩ đến nước ta hiện có 9068 xã, phường, thị trấn, thì có đến gần 19.000 “ông vua, bà chúa” ở cơ sở, ấy là chưa nói đến các “ông vua bà chúa cấp huyện, quân, thị xã, thành phố tỉnh thuộc trung ương. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh, cho đến giám đốc các sở bây giờ cũng trở thành “những ông vua địa phương, vua ngành” cát cứ rất dữ dội. Vậy kính nhờ các nhà lý luận thử đưa ra những luận điểm để dùng lý luận soi sáng thực tế xem sao!

Vậy mà CNXH, cái danh hiệu hão huyền của đất nước, nhiều người góp ý bảo bỏ đi vì nó chưa có thì vẫn bị “các nhà lý luận bảo thủ” khư khư giữ lấy.Giữ lấy cái không có, cái mà thế giới loài người đã vứt nó vào đống rác rồi , hỡi ôi…

Tác giả gửi cho quechoa.vn
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả




No comments:

Post a Comment

View My Stats