Saturday, 27 April 2013

CHỌN CÁI CHẾT ĐỂ GIẢM GÁNH NẶNG CHO GIA ĐÌNH (TX - Thông Luận)




Cập nhật lần cuối ngày Thứ bảy, 27 Tháng 4 2013 20:27

Chiều ngày 24/04/2013, lúc 15 giờ, như thường lệ cậu Đinh Phát Ngân, học sinh lớp 8 tại Cà Mau, mở cửa vào thì phát hiện mẹ là bà Nguyễn Thị Mỹ Nhân treo cổ chết trong phòng ngủ, bên cạnh là một bức thư tuyệt mệnh đầy bốn trang giấy học trò.

Trong bức thư tuyệt mạng, bà Nguyễn Thị Mỹ Nhân cho biết việc "chọn bà cái chết là để cho chồng bớt gánh nặng tiền thuốc men cho vợ, dành phần tiền này lo cho các con ăn học vì bản thân bệnh nặng, sức khỏe tinh thần đều suy sụp, vì muốn phù hộ cho chồng con khỏe mạnh, trúng số độc đắc và cuối cùng là để chính quyền địa phương xót thương mà cấp cho chồng con chị cái sổ hộ nghèo hoặc cận nghèo".

Cái chết thương tâm của bà Nguyễn Thị Mỹ Nhân, 48 tuổi, ngụ tại ấp 5, xã An Xuyên, thành phố Cà Mau, đã khiến nhiều người hàng xóm phải giật mình thảng thốt. Đọc bức thư tuyệt mệnh của bà để lại cho chồng con, ai cũng rơi nước mắt. Do quá nghèo và bệnh tật, một người mẹ đã chọn cái chết để giảm gánh nặng cho chồng con, và để các con có điều kiện tiếp tục con đường học vấn.

Chồng bà, ông Đinh Hoài Bảo cho biết vợ ông bị viêm dây thần kinh số 7, giật méo miệng, thêm suy tim, suy thận, mỗi ngày tốn 140.000 đồng tiền thuốc men. Vợ ông có nói nếu bà chết đi sẽ tiết kiệm được khoản này và còn được mọi người đi phúng điếu sẽ kiếm thêm được chút ít tiền nữa cho chồng con tiếp tục cuộc sống, tiếp tục việc học hành.

Nghèo chính là thủ phạm của cái chết bà Nguyễn Thị Mỹ Nhân. Gia tài của gia đình bà được cha mẹ hai bên cho năm công đất ruộng. Việc trồng trọt thất bát, cộng thêm căn bệnh của bà, năm công đất phải bán đi để trả nợ nần và lo việc học cho các con. Cả hai vợ chồng có chung hoài bão là nuôi ba đứa con trai ăn học thành tài để có một tương lai khá hơn, không để giống như cha mẹ. Với quyết tâm này, hai ông bà đã làm đủ mọi nghề để nuôi con, khi thì phụ hồ, khi thì bán rau cải, bánh mì ngoài chợ… Năm 2011, sức khỏe bà Mỹ Nhân suy kiệt, bà xin giúp việc nhà cho một gia đình ở Cà Mau.

Ông Bảo kể khi nghe chính sách hỗ trợ của nhà nước, bà liền làm đơn xin được giúp và xin vay tiền cho các con tiếp tục học hành. Ấp, xã chứng thực hoàn cảnh khó khăn của bà nhưng khi lên Ngân hàng Chính sách của thành phố Cà Mau thì bị từ chối vì gia đình bà không có sổ hộ nghèo. Về địa phương bà xin xác nhận hộ nghèo nhưng không được vì gia đình bà có hai lao động chính, thu nhập 5 triệu đồng/tháng (chồng 3 triệu đồng, bà 2 triệu đồng), tức 1 triệu đồng/nhân khẩu/thyáng, như vậy là không được. Vì theo quy định hiện hành tại xã, muốn được xác nhận được xét cấp sổ hộ nghèo thì bình quân thu nhập phải dưới 401.000 đồng/nhân khẩu  và hộ cận nghèo thì bình quân thu nhập phải từ 520.000 đồng đến 401.000 đồng/nhân khẩu. Qua hai cách tính này, gia đình bà Mỹ Nhân không thuộc vào diện nào cả.

Trong tháng 3-2013, sau một ngày đi khám và điều trị bệnh, bà bị mất luôn công việc giúp việc nhà. Tự thấy mình là gánh nặng cho gia đình, bà quyết định chọn cái chết và chỉ mơ ước một điều là được chính quyền cấp sổ hộ nghèo cho gia đình bà.

Hoàn cảnh thương tâm của gia đình bà Nguyễn Thị Mỹ Nhân cũng là hoàn cảnh chung của hàng triệu gia đình Việt Nam nghèo khó khác trong nước. Giữa lúc mỗi ngày có hàng ngàn quan chức nhà nước, đại gia ném tiền qua cửa sổ trong những chốn ăn chơi, phô trương một cách thách thức sự giàu sang của mình, hàng triệu người dân cùng khổ khác sống trong cảnh nghèo khó cùng cực trước sự dửng dưng của chế độ.

Người dân cùng khổ tự hỏi : Còn gì là chủ nghĩa xã hội, còn gì chủ nghĩa Mác-Lênin và còn gì tư tưởng Hồ Chí Minh như Điều 4 (sửa đổi, bổ sung Điều 4) Hiến pháp xác nhận ?

Những điều khoản khác của hiến pháp ở đâu ? Cuộc thảo luận sửa đổi hiến pháp sẽ thay đổi gì đời sống những người dân cùng khổ ?

Còn ai tin nhà nước bảo đảm cuộc sống ấm no như Điều 3 (sửa đổi, bổ sung Điều 3) viết : "Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện".

Điều 21, Dự thảo Hiến pháp 1992 (sửa đổi 2013) : "Mọi người có quyền được sống" còn ý nghĩa gì ?
"Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội" như Điều 35 (sửa đổi, bổ sung Điều 67) viết hay không ?

Hiện nay không còn ai tin vào Điều 41 (sửa đổi, bổ sung Điều 39, Điều 61) về "quyền được bảo vệ sức khỏe; bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh".

Trường hợp của bà Nguyễn Thị Mỹ Nhân thì rõ ràng Điều 62 (sửa đổi, bổ sung Điều 39, Điều 40) : "Nhà nước ban hành chính sách đầu tư, phát triển sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân; huy động các nguồn lực để xây dựng nền y tế hiện đại, công bằng, hiệu quả; phát triển nền y học Việt Nam theo hướng kết hợp đông y và tây y, phòng bệnh và chữa bệnh; thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân và tạo điều kiện để mọi người dân được chăm sóc sức khỏe; ưu tiên thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe cho đồng bào miền núi, hải đảo, dân tộc thiểu số và các vùng đặc biệt khó khăn khác" hoàn toàn không đúng với sự thực, vì tất cả mọi người dân, dù giàu hay nghèo, đều phải bỏ tiền túi ra để được chửa bệnh và để con cái học hành như tại những nước tư bản mà chính quyền cộng sản Việt Nam từ trước đến nay hằng nguyển rũa.

TK


No comments:

Post a Comment

View My Stats