Mon, 04/29/2013 - 23:46 — songchi
Trước khi rời VN, tôi đã sống ở Sài Gòn
suốt 34 năm kể từ năm 1975, chưa kể khoảng thời gian rải rác trước đó nữa, tổng
cộng cũng gần 40 năm. Sài Gòn đối với tôi, vì vậy, là nơi gắn bó nhất, nhiều kỷ
niệm nhất. Dù không sinh ra ở Sài Gòn, trong thâm tâm, tôi vẫn tự nhận mình là
người Sài Gòn. Và khi đi xa, cái nơi tôi nhớ nhiều nhất khi nghĩ về VN, tất
nhiên, cũng là Sài Gòn.
Đã 38 năm Sài Gòn đổi chủ và đổi tên. Đi
qua những biến cố, những thăng trầm dữ dội, những sự đảo lộn, đổi trắng thay
đen trớ trêu nhất của lịch sử kể từ cái ngày 30 tháng Tư 1975, đi qua những
giai đoạn cực kỳ khó khăn và bây giờ vẫn tiếp tục ở giữa con bão của một thời
kỳ khó khăn mới, Sài Gòn đã thay đổi nhiều. Rất nhiều.
Chỉ tính riêng dân số, Sài Gòn từ hơn 3
triệu người trước năm 1975, bây giờ đã tăng lên trên dưới 10 triệu người. Nhà
cửa xây dựng nhiều. Nhiều tuyến đường mới được mở. Nhiều khu đô thị mới được
xây. Cửa hàng, quán xá mọc lên khắp nơi. Dân số tăng gấp ba nên lúc nào cũng
đông, chật chội, từ trong hẻm nhỏ ra tới ngoài đường lớn, ở đâu và vào bất cứ
giờ nào trong ngày cũng đầy người là người.
Nhiều khách du lịch nước ngoài đến Sài Gòn
cứ ngạc nhiên không biết người dân thành phố này làm gì mà sao lúc nào cũng
thấy có người đang chạy xe ở ngoài đường hoặc ngồi trong quán café, quán nhậu
vào những giờ lẽ ra họ phải ở trong các cơ quan, xí nghiệp, nơi làm việc. Họ
không biết rằng đối với một số lượng lớn cư dân của thành phố này, mưu sinh là
ở ngoài đường chứ không phải ngồi một chỗ, ở một nơi cố định nào đó. Từ những
người buôn bán trên vỉa hè, những người bán hàng rong qua các nẻo đường cho tới
những người làm việc freelance, và không hiếm khi những cuộc trò chuyện trong
những quán café, quán nhậu cũng là thảo luận chuyện làm ăn. Đó cũng là một đặc
tính của một thành phố đang phát triển trong một quốc gia mà luật pháp và mọi
thứ chưa ổn định, chưa chặt chẽ như Sài Gòn.
38 năm trôi qua, trong diện mạo của Sài Gòn
cũng như bên trong nếp sống, nếp văn hóa của người dân có nhiều cái khác, nhiều
thứ mất đi, nhiều thứ thêm vào. Thêm đông đúc, ồn ào, ô nhiễm, thêm nạn kẹt xe,
tắc đường, những cơn ngập nặng vào mùa mưa, và tai nạn giao thông tăng lên gấp
nhiều lần. Cùng với cái thêm đó, ngày càng mất đi những khoảng không gian bình
yên hiếm hoi, những ngôi nhà với kiến trúc xưa, những khu phố cổ, những con
đường yên tĩnh với hai hàng lá me xanh ngát và sự lãng mạn trong đời sống.
Nhưng vẫn có một số đặc tính đã có từ lâu
của Sài Gòn không mất đi, ngược lại tiếp tục được củng cố để trở thành bản sắc
riêng của thành phố này. Chẳng hạn, cái tính chất mở. Sài Gòn, như tự hồi nào
tới giờ là một nơi “đất lành chim đậu”, luôn mở rộng vòng tay đón nhận người
nhập cư từ khắp nơi trên đất nước đổ về, học hành, làm việc, sinh sống. Ai cũng
có thể có một chỗ đứng nếu siêng năng, ai cũng có thể thành đạt, thành danh nếu
có tài và có chí.
Người Sài Gòn từ hồi nào tới giờ luôn luôn
cởi mở, phóng khoáng, không phân biệt người tại chỗ với người nhập cư. Nếu như
trước năm 1975, trong giới trí thức văn nghệ tràn ngập dân miền Bắc di cư và
dân miền Trung, thì bây giờ cũng vậy, trong lớp người giàu có, thành đạt lẫn
văn nghệ sĩ của thành phố rất nhiều người từ miền Bắc vào sau 1975 hoặc từ các
nơi khác đến, tạo thành lớp người Sài Gòn mới. Còn người Sài Gòn cũ thì lại ra
đi rất nhiều, những năm sau khi thống nhất, khi phong trào vượt biên đang dâng
cao.
Dù bất cứ người ở đâu đến, sau khi sống ở
thành phố này một thời gian cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều từ tính cách, lối sống
của dân Sài Gòn, phóng khoáng, rộng rãi từ suy nghĩ đến cách tiêu xài. Không
chỉ chi tiêu cho ăn mặc mà đối với các sản phẩm văn hóa, tinh thần, người Sài
Gòn cũng chịu chi nhiều nhất nước, từ sách báo, đi xem phim, xem kịch, đi nghe
ca nhạc ở phòng trà hàng đêm. Các mô hình nhà văn hóa, câu lạc bộ kiểu như Cung
văn hóa Lao Động, Nhà văn hóa Phụ Nữ, Nhà văn hóa Thiếu Nhi…cũng phát triển
mạnh nhất ở Sài Gòn-người dân rất chịu khó bỏ thời gian đi sinh hoạt, đi học
thứ này thứ kia-từ bơi, khiêu vũ, tennis, làm bánh, nấu ăn, trang điểm, học
ngoại ngữ, học đàn…đủ thứ trên đời. Dịch vụ ở Sài Gòn thì vô cùng phong phú,
còn cung cách phục vụ khách hàng thì hơn hẳn Hà Nội mấy bậc.
Cùng với tính chất mở, là tính chất tiên
phong. Cái gì ở Sài Gòn cũng xuất hiện trước, đi trước, dù không phải bao giờ
cũng về đích trước.
Tính chất hội tụ. Nếu như nước Mỹ là vẫn
được xem là một melting pot của thế giới thì Sài Gòn cũng vậy, là melting pot
của cả nước. Mọi thứ từ nơi khác khi du nhập vào Sài Gòn được hòa trộn thành
cái chất riêng của Sài Gòn. Một thành phố có lối sống nhanh, hiện đại. Ai đang
ở nơi khác, cảm thấy trì trệ chỉ cần vào Sài Gòn một thời gian, nhập vào cái
sức sống hừng hực của thành phố là lại thấy mình năng động lên. Nhưng đôi khi
Sài Gòn cũng làm người ta ngộp vì sự đông đúc, ồn ào từ sáng đến khuya, ngộp
không khí lẫn ngộp thông tin. Lại cần phải lánh đi đâu đó một thời gian để lắng
lại.
38 năm. Sài Gòn không còn là Hòn ngọc Viễn
Đông một thời. Sài Gòn, dù phát triển nhiều, nhưng lại xô bồ, ngổn ngang, hỗn
độn, do đó cũng xấu xí hơn. Cơ sở hạ tầng, quy hoạch tổng thể, đường xá, giao
thông công cộng…chưa theo kịp với đà tăng dân số. Cái sự “ngọc nát vàng phai”
ấy không chỉ nằm ở bên ngoài. Trong sự xuống dốc chung về mặt đạo đức xã hội
của cả nước, con người Sài Gòn cũng mất đi nhiều nét đẹp, thêm nhiều cái xấu,
tỷ lệ tội phạm, nạn cướp giật, tham nhũng cũng nhiều hơn, trắng trợn hơn.
Ở vào thời điểm của đầu thế kỷ XXI này, nếu
so sánh với nhiều đô thị của các quốc gia phát triển, Sài Gòn về nhiều mặt vẫn
chưa phải là một đô thị đúng nghĩa. Và ở VN cũng chả có thành phố nào đạt được
tiêu chuẩn này.
Một đô thị chưa thể gọi là đô thị khi các
phương tiện giao thông công cộng chưa phát triển, khi chưa quy hoạch thành từng
khu vực riêng biệt: khu hành chính, khu thương mại, khu công nghiệp, khu giải
trí, khu dân cư…chứ không thể khắp nơi trên thành phố nhà nào cũng mở cửa làm
ăn, buôn bán, khu dân cư ở lẫn với khu buôn bán, văn phòng, trường học, nhà
máy, quán nhậu…một cách lộn xộn bát nháo. Sài Gòn chưa có đường trên cao, hay
hệ thống metro dưới đất, rất ít nhà vệ sinh công cộng, trạm điện thoại công
cộng, thùng rác công cộng. Diện tích cây xanh, diện tích công viên quá ít tính
trên tỷ lệ dân số. Sau 38 năm Sài Gòn thậm chí còn không có được một quảng
trường lớn là nơi tổ chức các sự kiện có tầm cỡ, là chỗ cho người dân ra ngồi
chơi, có những sinh hoạt đường phố như nhiều thành phố lớn khác trên thế giới.
Hay những khu phố dành riêng để đi bộ.
Với người dân tại chỗ, một thành phố đáng
sống không chỉ vì có nhiều cơ hội học hành, làm ăn, mưu sinh, mà bên cạnh đó,
phải có một môi trường sống tốt-ít ô nhiễm, phương tiện đi lại tiện lợi, an
toàn, nhiều cây xanh, nhiều công viên tạo lá phổi xanh cho thành phố, công viên
và các quảng trường còn là những khoảng thở cho con người bớt ngộp bởi sự đông
đúc chật chội luôn hạn chế tầm nhìn, vây hãm đầu óc, không cho đầu óc tâm trí
được nghỉ ngơi. Chứ cả thành phố chỗ nào cũng đầy đặc xe cộ người chen nhau đi
lại trong khói bụi, tiếng ồn và cái nóng kinh khủng của xứ nhiệt đới từ sáng
sớm đến đêm khuya, con người ta không nổi cáu, nổi khùng, không dễ dàng trút
cái nỗi cáu bực đó vào người khác…thì mới là lạ.
Đôi khi đi qua những thành phố đẹp ở những
quốc gia phát triển, tôi lại chạnh nhớ đến Sài Gòn. Nếu kết thúc của ngày 30
tháng Tư 1975 khác đi, hoặc nếu VN đi theo một con đường khác, đất nước này đã
khác hẳn sau 38 năm và Sài Gòn, thành phố tôi yêu, cũng đã khác xa.
Dù sao, tôi vẫn yêu Sài Gòn. Đối với tôi và
có lẽ, với rất nhiều người khác, Sài Gòn chẳng bao giờ là thành phố Hồ Chí
Minh, chỉ trừ trên giấy tờ hành chính buộc phải ghi theo luật pháp nhà nước
Cộng hòa XHCN VN, Sài Gòn luôn luôn chỉ có một cái tên gọi duy nhất là Sài Gòn.
No comments:
Post a Comment