Saturday 30 January 2021

MỘT PHIÊN TÒA DỊ HỢM (Hàn Vĩnh Diệp)

 


Một phiên tòa dị hợm

Hàn Vĩnh Diệp

30/01/2021

https://baotiengdan.com/2021/01/30/mot-phien-toa-di-hom/

 

(Chuyện bên lề thời cuộc)

 

Một thời gian khá dài phải cách ly bởi Covid-19, hôm rồi mấy ông phó công dân mới tụ hội trò chuyện ở quán bà Tám Lương. Sau khi mấy ông và bà Tám thăm hỏi sức khỏe lẫn nhau và gia đình, mọi người vui vẻ vì không có sứt mẻ gì lớn…

 

Ông Tám Hà rầu rĩ nói: “Thế mà cũng sắp đến ngày giỗ cụ Kình rồi đấy. Thương cụ quá”. Ông Năm xích lô giận dữ nói:

 

– Đừng nhắc đến cái chuyện kinh khủng, đáng xấu hổ đấy. Đám giỗ cụ Kình là vào ngày 3 tháng 11 Âm lịch chớ không phải cái ngày 9 tháng 1 đâu.

 

Nhắc đến chuyện này, ông Tư Nhựt kể câu chuyện đôi co giữa ông Chín Cân với bà xã nhà ổng: Hôm ấy vừa có lệnh giải tỏa, ông Chín cầm mấy tờ báo đến nhà bọn tui. Ổng nói:

 

– Anh chị đã đọc báo xem đài về phiên tòa xử bọn phản loạn ở Đồng Tâm chưa? Một phiên tòa nghiêm khắc nhưng đầy tính nhân văn, nhân đạo!

 

Bà xã tui đáp lại ngay:

 

– Nhân đạo, nhân văn cái nỗi gì? Tàn bạo, nhố nhăng, dị hợm thì có.

 

– Sao bà lại nói vậy? Dị hợm là thế nào?

 

– Dị hợm là chẳng giống ai, xử lấy được, bề trên khiến thế nào xử thế ấy, chớ chẳng có luật lệ gì cả.

 

– Ơ! cái bà này ăn nói kiểu gì vậy? Tòa người ta xử theo phép nước, theo luật pháp, xử đúng tội, đúng người, chớ sao bảo tùy tiện, dị hợm? Chắc là bà lại nghe cái bọn thù địch xuyên tạc rồi. Mình là người dân, mình phải nghe, phải đi theo đảng, theo nhà nước, chứ lại đi nghe cái bọn phản động…

 

– Cái đó thì còn tùy, đúng thì nghe. Không phải các ông nói cái gì cũng đúng cả đâu. Ông cứ đi hỏi các ông các bà dân đen trong lối phố này coi.

 

Tôi hỏi ông: Thiên hạ người ta nói rần rần cái chuyện “án bỏ túi” của các ông, có không? Bầy tui chả biết cái mặt thằng “thù địch”, “phản động” các ông thường nói nó tròn méo thế nào, cứ thực tế sao nói vậy, không rỗi hơi đâu mà nghe chuyện xuyên tạc…

 

– Thế theo các bà, thực tế là thế nào?

 

– Tui hỏi ông, vì sao nửa đêm gà gáy, công an bộ đội hàng mấy ngàn quân có cả xe tăng, thiết giáp, súng lớn súng nhỏ lại có cả chó săn nữa, càn quét vào một thôn dân lành mấy trăm dân, đột nhập vào nhà cụ Kình què cụt, giết chết rồi phanh thây cụ, bắn trọng thương bạn ổng và con gái nuôi, xịt hơi độc làm đứa chắt ổng suýt chết, bắt gần 30 người dân cả đàn bà, đàn ông, thanh niên, phụ lão vu cho họ cái tội chống đối, vơ vét tịch thu tài sản của họ.

 

Cứ cho là họ chống đối như các ông nói thì dù là công an đi nữa cũng phải có lệnh của viện kiểm sát, tòa án mới khám xét, tịch thu, bắt bớ người dân, chớ sao lại ngang ngược, tàn bạo với dân vậy?

 

Rồi cũng chính cái đám công an đó đi điều tra, lập án để tòa xử. Một vụ án kinh thiên động địa như vậy mà tòa chỉ xử mấy buổi, đã đưa ra bản án độc địa: Tử hình, chung thân con cháu cụ Kình; mấy chục năm tù với những người thân cận của cụ, số còn lại kêu án treo cho về địa phương quản lý, kêu đó là chính sách nhân đạo, khoan hồng của đảng, nhà nước?!

 

Giả sử họ có chống đối như tòa buộc tội thì thử hỏi, nửa đêm xông vào nhà, họ tưởng là cướp, chống lại thì họ đâu có sai! Còn tòa nói con cháu cụ Kình đổ xăng giết ba ông sĩ quan công an, chuyện đó chỉ có các ông tin thôi, chớ dân chẳng ai tin được chuyện tầm phào đó.

 

– Chứng cớ rành rành ra đấy, mấy sĩ quan bị chúng đổ xăng đốt thành than, không nhận diện được, ti vi đưa rõ ràng, các bà không thấy à?

 

– Thấy chớ sao không? Nhưng đó là chuyện của mấy ông dựng lên thôi chứ bầy tui chẳng ai tin. Tôi hỏi ông xác người đưa vào lò hỏa táng, hàng ngàn đô mà xương hẳn còn, đằng này mấy thau xăng mà sao cháy rụi thế được? Còn chuyện mấy ông sĩ quan, có ông chức rất to đột nhập vào nhà người ta rồi tháo chạy sao không ra cửa chính lại nhảy qua cửa sổ, cửa hẹp chắc không thể cả ba nhảy qua cùng một lượt.

 

Người trước lọt xuống hố, người sau phải dừng lại, sao vẫn cứ nhảy theo để chết chùm. Với lại, cái giếng thông gió ấy nông chèn chèn cho dù có rớt xuống thì cũng bị thương, sao không kêu cứu, quân tướng đông nghìn nghịt quanh đấy, thấy người ta đổ xăng đốt sao không xịt khí để cứu, nghe nói trong đám quan quân đấy cũng có một đội cứu hỏa mà.

 

– Nhưng, tất cả bọn chúng trước tòa đều thành khẩn nhận tội cả đấy thôi!

 

– Đúng là họ có nhận tội nhưng thành khẩn thì chưa chắc. Không biết ông có để ý không, bọn họ trước tòa mặt mũi đều bầm dập, mắt họ cứ len lén nhìn mấy ông cảnh sát đang kèm cặp bên cạnh. Ai đời mà trước tòa tất cả bọn họ – trừ bà con nuôi cụ Kình, đều nói y chang như trẻ nhỏ đọc bài học thuộc lòng cho cô giáo. Tui đoán nếu không đúng xin ông miễn cho cái tội phản động, chớ chắc chắn họ được mấy ông điều tra viên tận lực dạy dỗ nên mới có được cái cung cách hay ho kia!

 

Họ là nạn nhân, tội phạm phải đưa ra tòa chính là kẻ chỉ huy đám lính và người đã ra lệnh, cho phép chúng hành hạ, sát hại dân lành. Tui mạn phép đố ông, chớ cứ bắt mấy ông to bà lớn, cả mấy ông bà quan tòa “mặt sắt đen sì” giao cho mấy ông điều tra viên kia thử coi, chắc chẳng mấy lúc mà không thành khẩn nhận tội mình không hề làm.

Ông Chín mặt hầm hầm đứng dậy nói:

 

– Tôi không đôi co với bà nữa. Các bà mà cứ nói cái kiểu đó, không khéo lại được cái bọn thù địch, phá hoại, cấp tiền cho, như cái đám đi biểu tình chống Trung Quốc đó.

 

Ông Chín quay lưng đi, bà xã tui nói với theo:

 

– Dân đi biểu tình chống bọn xâm lược Trung Quốc là sai hả? Các ông đừng hàm hồ nói xấu họ.

 

Các cụ phó thường dân, cả mấy ông khách ngồi mấy bàn xa nãy giờ cũng dỏng tai nghe lén chuyện bà Tư, có vẻ hả hê hài lòng. ông Năm Hà xoa xoa chòm râu bạc, nhấp ngụm cà phê, rồi phán:

 

– Kể ra bà Tư nói cũng tạm được, gần đúng với sự thật đã diễn ra.

 

Bà Tám Lương chỉnh luôn:

 

– Sao lại tạm với gần. Mụ Tư Nhựt nói quá hay, quá đúng đấy chớ. Mụ này ngày thường chỉ giỏi áp chế chồng con, chớ với bà con hàng phố hiền khô, chẳng bao giờ cãi vả với ai, sao hôm ấy đối thoại với ông cựu cán bộ bự lão thành cách mạng lại lý luận sắc bén thế!

Ông Năm cười, mặc nhiên chấp nhận mình còn dè dặt, nói tiếp:

 

– Thực tình tôi cũng rất ngạc nhiên với cái cung cách xử án của tòa sơ thẩm và bản án quá cay nghiệt, độc địa ấy.

 

Ông cựu giáo chức rủ rỉ:

 

– Tôi thì chẳng ngạc nhiên chút nào. Ngay từ đầu bổn kịch ấy đã soạn sẵn, các ngành chức năng cứ thế mà diễn. Nếu tòa không xử như vậy, chẳng hóa ra việc làm của các cụ trước và sau vụ ấy là sai à! Tôi nghĩ đến tòa chung thẩm, phúc thẩm tới bổn kịch ấy cũng thế thôi!

 

Ông Năm Xích lô lên tiếng:

 

– Mọi tội lỗi đều đổ lên đầu dân tay trắng – cổ ngắn. Nếu nhà nước muốn lấy đất sinh sống của người dân để cho ai đó thì cứ bàn bạc rành mạch, trả tiền đàng hoàng, cấp đất chỗ khác cho dân mưu sinh, chứ đằng này lại muốn cướp không. Cụ Kình nắm cái lý lịch của mảnh đất đó, bà con thì đồng lòng nghe cụ. Các cấp đảng, chính quyền, đoàn thể từ thành phố, đến xã thôn đều bất lực, ra rìa cả, nên mới giở trò đem quân hùng tướng dũng đến đàn áp.

 

Họ làm thế được một công hai việc: Cướp được gần 60 ha đất, tiêu diệt người cầm đầu, đè bẹp sự phản kháng của dân làng Hoành, xã Đồng Tâm; đồng thời cảnh cáo dân các nơi khác dù có uất nghẹn cỡ nào thì chỉ làm đơn kêu oan, khiếu kiện, thậm chí tự sát, chứ đừng tập hợp lại ăn thua với đảng, nhà nước, công an, quân đội. Sách “rung cây nhát khỉ” các cụ chắc học được của sư tổ Tào Tháo đấy.

 

Bà Tám Lương kết thúc cuộc hội ngộ:

 

– Nói thế đủ rồi. Tám Lương – Thượng úy biệt động thành sài gòn năm xưa đây xin chiêu đãi các cụ và khách quen có mặt bữa tiệc trà – cà phê hôm nay; nhờ ông Tư mang giúp ly cà phê sữa và hộp bánh về cho mụ Tư.

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats