Thursday, 28 January 2021

NƯỚC MỸ THỜI BIDEN : CHÍNH SÁCH NÀO CHO KHU VỰC TRUNG ĐÔNG? (Thùy Dương - RFI)

 


Nước Mỹ thời Biden : Chính sách nào cho khu vực Trung Đông ?

Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 28/01/2021 - 10:55

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210128-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-m%E1%BB%B9-th%E1%BB...trung-%C4%91%C3%B4ng

 

Theo câu ngạn ngữ « Chính sách là con người », sự lựa chọn đội ngũ lãnh đạo trong chính quyền của tân tổng thống Mỹ Joe Biden phần nào có thể dự báo chính sách của tân chính quyền Mỹ, trong đó có chính sách ở khu vực Trung Đông.

 

https://s.rfi.fr/media/display/f5759e56-6133-11eb-a1f9-005056bff430/w:900/p:16x9/0ecbc227fe0b72846cd14a19bdcd93af7422274f.webp

Tân tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức nhậm chức ngày 20/01/2021, nhiều nước Trung Đông đang chờ xem chính sách của Washington ở khu vực liệu sẽ thay đổi theo chiều hướng nào. MANDEL NGAN AFP

 

Việc ông Biden lựa chọn những cộng sự thân cận như Tony Blinken làm ngoại trưởng, Jake Sullivan lãnh đạo Hội đồng An ninh Quốc gia và Avril Haines làm giám đốc Tình báo Quốc gia tạm thời khiến chúng ta có thể tin tưởng là xu hướng mới của đội ngũ hoạch định chính sách của Mỹ trong khu vực Trung Đông sẽ phù hợp với tuyên bố về ý định của tổng thống Joe Biden và phó tổng thống Kamala Harris, cũng như quan điểm công khai của họ về một số hồ sơ.

 

Trên đây là nhận định của nhà nghiên cứu địa chính trị Lina Kennouche, được đăng trên trang mạng Pháp Info Du Jour ngày 21/01/2021.

 

 

Israel có thể trông chờ vào chính quyền Biden ?

 

Về hồ sơ hóc búa giữa Israel và Palestine, đội ngũ lãnh đạo trong chính quyền Biden chắc chắn sẽ không từ bỏ những thành tựu của chính sách « sự đã rồi » được khởi xướng dưới chính quyền tiền nhiệm, bắt đầu từ việc chuyển đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem và công nhận việc Israel sáp nhập Cao nguyên Golan. Phó tổng thống Kamala Harris, một người công khai ủng hộ Israel, sẽ là người bảo vệ nhiệt thành đường lối đó.

 

Bà Kamala Harris từng công khai tái khẳng định cam kết của Joe Biden trong việc duy trì sự ủng hộ vô điều kiện đối với Israel và đảm bảo ưu thế quân sự cho Israel. Thời trẻ, bà đã hoạt động trong một hiệp hội của Israel phụ trách việc trồng cây ở những nơi chỉ còn là tàn tích làng mạc của người Palestine và tham gia vào các cuộc chiến pháp lý nhằm trục xuất các gia đình Palestine khỏi Đông Jerusalem. Tình bằng hữu, sự ủng hộ và ngưỡng mộ của phó tổng thống Kamala Harris dành cho Israel khiến mọi người tin rằng việc bảo vệ các lợi ích an ninh của Israel sẽ tiếp tục là mối ưu tiên của Washington, chứ không chỉ là một giải pháp cho vấn đề Palestine.

 

Ngoài ra, cho dù tân tổng thống Joe Biden không thân thiết với thủ tướng Israel như người tiền nhiệm Donald Trump, nhưng dù sao ông vẫn là đồng minh và là « người bạn tuyệt vời của Israel », như thủ tướng Banyamin Netanyahou từng tuyên bố trên Twitter khi chúc mừng tổng thống đắc cử Biden. Việc Biden ít gần gũi với Netanyahu hơn so với người tiền nhiệm là không đủ để cho rằng ông sẽ đảo ngược các quyết định của Donald Trump. Tuy nhiên, việc tân tổng thống Mỹ, theo quan điểm truyền thống của đảng Dân Chủ, tuyên bố ủng hộ « giải pháp hai Nhà nước », cho thấy ông có thể sẽ cho mở lại lãnh sự quán Mỹ ở Đông Jerusalem, đưa Hoa Kỳ trở lại đóng góp ngân sách cho Cơ quan Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA) và tái khẳng định sự ủng hộ đối với chính quyền Palestine, vốn đã tuyên bố nối lại hợp tác an ninh với Israel.

 

Dù vậy, những phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ, Tony Blinken, cũng củng cố giả thuyết theo đó Mỹ sẽ duy trì viện trợ quân sự vô điều kiện cho Israel. Bản thân chủ tịch của JStreet - tổ chức ủng hộ giải pháp hai Nhà nước - cũng thừa nhận rằng việc « quay trở lại cách tiếp cận cân bằng về Israel » không phải là ưu tiên của Biden.

 

Nhà trí thức người Mỹ gốc Palestine, Rachid el-Khalidi, giáo sư Đại học Colombia, trong cuốn sách « Những kẻ môi giới lừa dối : Mỹ đã phá hoại hòa bình ở Trung Đông như thế nào » đã nhận định chính sách của Washington là không đổi. Theo ông, đằng sau bài phát biểu gây ảo ảnh về giải pháp hai Nhà nước, thời nào cũng vậy, chính quyền Mỹ đều tán thành chính sách « sự đã rồi » và gây áp lực đối với Palestine khiến Palestine phải đàm phán trong những điều kiện bất lợi nhất.

 

 

Liệu Mỹ có quay lại thỏa thuận hạt nhân Iran không ?

 

Trong hồ sơ Iran, Biden tiếp nối chính sách của Barack Obama, người tin rằng để chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc, cần phải xoa dịu căng thẳng với Teheran. Thế nhưng, việc sưởi ấm mối quan hệ Mỹ - Iran trước hết liên quan đến việc Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân 2015 hoặc đàm phán lại để đưa vào Thỏa thuận những điều khoản hạn chế chương trình tên lửa đạn đạo của Iran.

 

Hạn chế sức mạnh tên lửa đạn đạo của Iran dường như là một vấn đề trọng tâm bởi sức mạnh tên lửa đạn đạo của Iran có thể làm thay đổi quy tắc trò chơi chiến lược trong khu vực, đơn cử là vụ tấn công của Teheran nhắm vào hai tàu dầu ở eo biển Hormuz hồi tháng 06/2019. Do đó, khó có khả năng tân chính quyền Mỹ, trong bối cảnh địa chính trị đã thay đổi, sẽ chấp nhận trở lại thỏa thuận 2015 một cách đơn giản.

 

Vấn đề là liệu ông Biden có thể hiện sự linh hoạt chiến thuật thông qua việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và tạm chấp nhận khuôn khổ Thỏa thuận hạt nhân 2015 để rồi sau đó đàm phán lại với Teheran, hay liệu ngay từ đầu tân tổng thống Mỹ sẽ cứng rắn về nội dung chính của thỏa thuận mới, trong đó bao gồm cả các hạn chế đối với chương trình tên lửa đạn đạo của Iran.

 

Về phần mình, Teheran kiên quyết phản đối ý tưởng đàm phán lại, nhưng cho biết họ sẵn sàng tuân thủ trở lại đầy đủ các cam kết trong Thỏa thuận hạt nhân 2015 nếu các lệnh trừng phạt Iran được dỡ bỏ.

 

 

Vậy còn Ả Rập Xê Út có lo ngại gì không ?

 

Liên quan đến Ả Rập Xê Út và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, cách tiếp cận giữa Trump và Biden rõ ràng sẽ khác nhau : Ông Trump lựa chọn theo cách chưa từng có và đáng chú ý là đến thăm Riyad ngay sau khi nhậm chức, còn Joe Biden, trong chiến dịch tranh cử, đã gọi Ả Rập Xê Út là một « Nhà nước bất hảo ».

 

Các tuyên bố của Biden như vậy đã cho thấy mối quan hệ giữa Mỹ với Ả Rập Xê Út và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất xấu đi thực sự. Đây là hai quốc gia đã tài trợ cho chiến dịch tranh cử của Donald Trump hồi năm 2016 vì sợ sẽ vấp phải chính sách như của Barack Obama. Việc Obama không còn ủng hộ các chế độ Mubarak và Ben Ali, cho dù đây là các đồng minh của Washington, chấp nhận Tổ chức Anh Em Hồi Giáo và chìa tay cho Iran, là những điều khiến chính quyền Riyad bận tâm.

 

Việc Ả Rập Xê Út, do bối cảnh chiến lược biến động, đẩy mạnh quan hệ với Matxcơva và Bắc Kinh, những đối thủ cạnh tranh chính của Hoa Kỳ, có thể mở đường cho việc đa dạng hóa quan hệ đối tác. Biden không hề có thiện cảm với hoàng thái tử Ả Rập Xê Út, Mohamed bin Salman, và các quan điểm hiếu chiến của ông, và phản đối cuộc chiến ở Yemen. Dù vậy, quan hệ đối tác chiến lược với Riyad, vốn cũng phản ánh tầm quan trọng lợi ích của tổ hợp công nghiệp-quân sự trong việc định hình chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, vẫn vững chắc.

 

 

Còn đối với Irak, Syria và Liban, chính sách của tân chính quyền Mỹ sẽ ra sao ?

 

Đối với Irak, tân tổng thống Mỹ dường như là một nhân vật có thể gây ra nhiều vấn đề, bởi ông Biden đã ủng hộ Mỹ can thiệp vào Irak hồi năm 2003, thúc đẩy kế hoạch chia Irak thành ba Nhà nước. Ngày nay, trong bối cảnh Mỹ - Trung cạnh tranh và Washington ưu tiên ngăn chặn sức mạnh của Bắc Kinh, việc rút quân Mỹ khỏi khu vực dường như là không thể tránh khỏi, cho dù sẽ gây chia rẽ sâu sắc chính quyền Mỹ, bởi Bagdad có tầm quan trọng trên bàn cờ khu vực. Còn đường hướng chính sách của Biden ở Irak thì vẫn chưa rõ ràng, nhưng chắc chắn Mỹ sẽ phải duy trì khả năng chống lại ảnh hưởng của Iran trong khu vực.

 

Trong khi đó, cách tiếp cận của tân chính quyền Mỹ về vấn đề Syria vẫn là một ẩn số lớn, và cũng sẽ gây tác động mạnh đến triển vọng đàm phán với Iran. Nếu Washington có ý định nối lại đối thoại với Teheran, Mỹ sẽ nhấn vào những điểm yếu của Iran, đặc biệt là liên quan đến Syria. Đối với Hoa Kỳ, điều cần thiết vẫn là ngăn chặn ảnh hưởng của Iran trong khu vực ; trong khi đó cuộc chiến của Trump nhằm làm suy yếu tiềm lực quân sự của Teheran cho đến nay rõ ràng vẫn thất bại. Rất có thể là cuộc tấn công thời Biden nhắm vào Iran, trong khi vẫn tìm cách đàm phán, cũng sẽ khiến Iran gặp khó khăn trên lãnh thổ Syria. Đạo luật Caesar, đặc biệt quy định việc phong tỏa các khoản viện trợ tái thiết và biện pháp trừng phạt chế độ Damas và tất cả những cá nhân và doanh nghiệp hợp tác với Damas, vẫn là một công cụ thiết yếu để duy trì áp lực lên chính phủ Syria của tổng thống Bashar Al-Assad.

 

Cuối cùng, đối với Liban, tân chính quyền Mỹ có thể sẽ tỏ ra ít cứng rắn hơn. Như tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng nói với đồng nhiệm Mỹ hồi tháng 08/2019, đường lối của ông Trump - « bóp nghẹt Liban để bóp nghẹt Hezbollah » - đã hoàn toàn phản tác dụng. Tân chính quyền Mỹ có thể tạo ra sự khác biệt bằng cách trở lại một chính sách gây áp lực nhắm rõ ràng hơn vào lực lượng Hezbollah ... Tuy nhiên, hiện giờ vẫn còn quá sớm để làm sáng tỏ những ý định, chính sách cụ thể mà tân chính quyền Mỹ Joe Biden sẽ thực hiện.

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats