Cổ
La Mã và nước Mỹ của Donald Trump
Lê Mạnh
HÙng
Jan 27, 2021
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/co-la-ma-va-nuoc-my-cua-donald-trump/
Kể từ khi xảy ra vụ bạo động
phá hoại tại tòa nhà Quốc Hội Mỹ, các định chế của nước Mỹ có thể nói đang đứng
trước một trong những cuộc thử thách nghiêm trọng nhất trong lịch sử nước này.
Liệu quá khứ có thể cho những bài học gì giúp giải quyết thách thức này hay
không?
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/01/A1-Nuoc-My-donald-trump-1536x1022.jpg
Nước Cộng Hòa Hoa Kỳ
đã tồn tại được một phần tư thiên niên kỷ. (Hình minh họa: Roberto Schmidt/AFP
via Getty Images)
Lịch sử tuy rằng không
bao giờ lập lại, nhưng nó cũng cho đủ những trường hợp tương tự để ta có thể
rút ra những bài học. Và những chuyện xảy ra tại Mỹ trong những năm gần đây mà
kết quả lớn nhất là vụ tấn công vào điện Capitol gợi lại cho người ta sự sụp đổ
từ từ của chế độ Cộng Hòa tại cổ La Mã trong những năm từ 133 Trước Công Nguyên
đến 27 Trước Công Nguyên.
Tuy rằng sự sụp đổ của Cộng
Hòa La Mã kéo dài đến trên 100 năm trong lúc tình trạng tại Mỹ chỉ mới xảy ra
nhưng nó có rất nhiều những điểm tương đồng. Và gốc rễ của hiện tượng Trump
không phải chỉ mới bắt đầu với Trump mà đã có từ trước đó nhiều năm.
Một trong những điểm
tương tự giữa cổ La Mã và nước Mỹ hiện nay là một sự gia tăng không lành mạnh
trong bất công kinh tế với những tiểu nông và trung nông La Mã bị phá sản phải
bán ruộng đất của mình cho các địa chủ và trở thành tầng lớp vô sản (plebeian)
sống chen chúc trong những xóm ổ chuột tại Rome. Hiện tượng tương tự tại nước Mỹ
hiện nay là những thành phố hậu công nghiệp tại các vùng Trung Tây và miền Nam
trong cái mà chính ông Donald Trump gọi là “American carnage.”
Với bất công gia tăng dẫn
đến hậu quả là một tình trạng hủ hóa càng ngày càng trắng trợn bởi những kẻ
giàu mới tại viện Nguyên Lão, nghị hội quân dân và các tòa án. Tình trạng này dẫn
đến sự nổi lên của một phong trào chính trị dân túy với những kẻ “populares”
kêu gọi trực tiếp đến đám đông để đạt lấy quyền lực chính trị và những kẻ bảo
thủ “optimates” chống lại họ. Giống như nhiều kẻ dân túy hiện nay, những kẻ
“populares” từ anh em Gracchi cho đến Julius Caesar đều là những thành phần
giàu có thuộc tầng lớp thượng lưu nhưng vẫn trâng tráo khai thác tinh thần chống
“elites” của đám đông để tích lũy quyền lực.
Cũng giống như nước Mỹ của
Trump, tại Rome lúc đó, những tiêu chuẩn hành xử chính trị dần dà đều bị đập
gãy. Bạo động chính trị trở thành thường xuyên tại Quảng Trường Forum Romanum,
nơi tập trung những cơ sở chính quyền La Mã cũng như tại các đường phố. Và bắt
đầu với Marius và Sulla quân đội bắt đầu chỉ trung thành với tướng lãnh chỉ huy
mình chứ không còn với nước Cộng Hòa nữa. Chính những lo ngại rằng chuyện này
có thể xảy ra tại nước Mỹ của Trump đã khiến cho cả mười vị cựu bộ trưởng Quốc
Phòng còn sống đưa chung ra một thông cáo cảnh cáo chống lại việc triển khai
quân đội trong việc tranh chấp bầu cử. Và nó cũng là lý do khiến cho các tướng
lãnh chỉ huy quân đội Mỹ hiện nay đưa ra một thông cáo khẳng định rằng quân đội
chỉ tuyên thệ trung thành với Hiến Pháp chứ không với bất cứ một cá nhân nào.
Một khi đã bị bẻ gãy rất
khó lập lại những cấm kỵ. Và những thiệt hại chúng tạo ra có tính tích lũy. Các
giả dối nói ra không bị trừng phạt; bạo động truyền từ lời nói sang hành động;
trung thành chuyển từ đối với đất nước sang đối với đảng phái rồi sang với cá
nhân. Dần dà nền Cộng Hòa – Hiến Pháp, các định chế, tiền lệ và tiêu chuẩn – trở
thành trống rỗng, hình thức còn đó, nhưng thực tế đã mất vì không ai còn tin
vào nó nữa.
Sau Caesar, Octavian mà hậu
thế biết dưới danh hiệu Augustus tuy rằng nắm tất cả quyền hành trong tay,
nhưng vẫn làm trò giữ tất cả những biểu tượng của thể chế Cộng Hòa La Mã kể cả
Viện Nguyên Lão, nghị hội quân dân và các chức vụ thẩm phán. Ocatavian cũng
không xưng mình là vua (Rex) mà chỉ nhận là “princeps” tức là “thứ nhất.” Nhưng
ai cũng biết là chế độ Cộng Hòa đã chết và với nó những quyền tự do của người
dân La Mã.
Điều may mắn là nước Cộng
Hòa Hoa Kỳ được những “quốc phụ” vốn thuộc rất kỹ lịch sử La Mã thành lập. Đó
là lý do vì sao Alexander Hamilton, James Madison và John Jay viết tập
“Federalist Papers” dưới bút hiệu Publius – tên người đã đứng lên lật đổ chế độ
quân chủ La Mã năm 509 Trước Công Nguyên và trở thành một trong hai vị “consul”
đầu tiên của Cộng Hòa La Mã. Đó cũng là lý do nước Mỹ đặt tên tòa nhà Quốc Hội
của mình – thành trì của dân chủ – là điện Capitol theo tên ngọn đồi Capitol tại
Rome. Đó cũng là nơi mà đám đông côn đồ của Trump phá hoại vào tuần trước.
Cái nhận thức sáng suốt
nhất mà họ tìm ra là tự do và độc lập là những đặc quyền mà mỗi thế hệ cần phải
tranh đấu để bảo vệ, chống lại những tham vọng rất người của những kẻ muốn tích
lũy quyền lực. Và đó là mục tiêu của những hỗ tương cân đối (check and balance)
trong Hiến Pháp Mỹ, cũng như những câu gọi thường xuyên trong các tác phẩm của
họ rằng mọi công dân phải luôn luôn cố gắng theo đuổi cái nhiêm vụ công dân của
mình.
Cho đến nay nền Cộng Hòa
mà họ thiết lập vẫn còn đứng vững. Nước Cộng Hòa Hoa Kỳ đã tồn tại được một phần
tư thiên niên kỷ, một nửa thời gian tồn tại của Cộng Hòa La Mã. Nó đã vượt qua
được các cuộc nổi dậy, một cuộc nội chiến, các tranh chấp chính trị và ám sát tổng
thống. Và nay nó đang phải chịu cái thử thách mà các nhà sáng lập ra nó cũng đã
dự báo trước, một cố gắng, dù rất hề, thành lập một chế độ độc tài. Hy vọng rằng
nó cũng sẽ vượt qua được những cố gắng này mà không rơi vào tình trạng của La
Mã. [qd]
No comments:
Post a Comment