Tập
Cận Bình “nắn (nhầm) gân” Joe Biden
Mạnh Kim
Jan 28, 2021
https://saigonnhonews.com/tap-can-binh-nan-nham-gan-joe-biden/
Trung Quốc đã ném đá dò
đường ngay trước và sau thời điểm ông Joe Biden làm lễ tuyên thệ nhậm chức tổng
thống. Loạt diễn biến suốt một tuần qua tại biển Đông kể từ ngày 20-1-2021 đã
phát ra những tín hiệu cụ thể mà có lẽ không cần giải mã hay phân tích gì sâu
cũng đã có thể thấy: Bắc Kinh vừa muốn thăm dò vừa muốn nắn gân ông Joe Biden.
E rằng Tập Cận Bình đang nắn… “nhầm” gân!
Bắc Kinh phát tín hiệu, và
“feedback” của Mỹ
Tối thứ Hai 25-1-2021,
khi người dân Trung Quốc đang theo dõi lãnh đạo Tập Cận Bình nói về tầm quan trọng
của hợp tác toàn cầu tại một hội nghị trực tuyến do Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ
chức, truyền thông Trung Quốc cũng cùng lúc mỉa mai một tuyên bố của Bộ Ngoại
giao Hoa Kỳ, với nội dung kêu gọi Trung Quốc “ngừng áp lực quân sự, ngoại giao
và kinh tế đối với Đài Loan”. Tuyên bố do người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned
Price đưa ra hôm thứ Bảy theo giờ Hoa Kỳ, nói về việc 13 máy bay quân sự Trung
Quốc đi vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan vào đầu ngày hôm đó. “Áp lực
gì ở đây?” – một bài báo Trung Quốc viết – “Như mọi người đều biết, việc máy
bay của Quân đội Giải phóng Nhân dân xuất hiện trong vùng trời eo biển Đài Loan
đã trở thành một chuẩn mực. Trung Quốc chẳng cần sự cho phép của ai để quyết định
bay gì và bay lúc nào”; và như vậy, phát biểu của Bộ Ngoại giao Mỹ chẳng khác
gì một “trò đùa”.
Mỹ không “đùa” và Joe
Biden không rảnh để đùa. Một trong những động thái quan trọng đầu tiên của
chính quyền Biden đối với Trung Quốc là kêu gọi Bắc Kinh tham gia đối thoại, một
cách – nói theo ngôn ngữ quen thuộc của cộng sản Trung Quốc là “có thực chất” –
với các đại diện dân cử Đài Loan, thay vì đe dọa họ. Tuyên bố mới của Bộ Ngoại
giao Hoa Kỳ nhấn mạnh: “Sự
cam kết (trong quan hệ) của chúng tôi với Đài Loan là vững như bàn thạch…, như
được vạch ra rõ ràng trong (1) Đạo luật quan hệ Đài Loan,
(2) Ba liên hợp (Three Communiques – Tam cá liên hợp
công báo, tức ba tuyên bố hỗn hợp giữa Mỹ và Trung Quốc về những cam kết của
hai nước trong quan hệ song phương và trong cách hành xử liên quan Đài Loan);
và (3) Sáu cam kết (Six Assurances – Lục hạng bảo chứng).
Tại sao là Đông
Sa?
Một số nhà phân tích cho
rằng Tập Cận Bình có thể rất ngạc nhiên trước cách dùng từ của Bộ Ngoại giao
thuộc “team Biden”, khi mà Mỹ thường thận trọng và dè dặt trong việc chọn chỗ đứng
trong việc thể hiện quan hệ với Đài Loan sao cho không làm mích lòng Trung Quốc.
Bất luận việc thể hiện thế nào, cái gọi là “Sáu cam kết” là thứ làm cho Bắc
Kinh khó chịu nhất. “Lục hạng bảo chứng” (ra đời
năm 1982 thời Tổng thống Reagan) là gì: 1/ Không ấn định ngày chấm
dứt việc bán vũ khí cho Đài Loan; 2/ Không tham vấn với Cộng hòa Nhân dân Trung
Hoa về việc bán vũ khí cho Đài Loan; 3/ Hoa Kỳ không đóng vai trò hòa giải giữa
Trung Quốc và Đài Loan; 4/ Hoa Kỳ sẽ không rút hoặc chỉnh sửa Đạo luật quan hệ
Đài Loan; 5/ Hoa Kỳ không gây áp lực để Đài Loan tham gia đàm phán với Trung Quốc;
6/ Hoa Kỳ không thay đổi lập trường về chủ quyền liên quan Đài Loan.
Tất cả cho thấy Biden
đang có cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc so với thời Tổng thống Barack
Obama. Chẳng phải tự nhiên mà Mỹ mời bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim), người được
xem là “đại sứ” Đài Loan tại Hoa Kỳ, đến dự lễ nhậm chức của ông Biden vào ngày
20-1-2021 (lần đầu tiên kể từ khi Washington cắt đứt quan hệ ngoại giao với hòn
đảo này vào năm 1979). Bà Tiêu lâu nay vốn có quan hệ tốt ở Washington, đặc biệt
với đảng Dân chủ, và bà cũng người thân tín của Tổng thống Đài Loan Thái Anh
Văn. Bà Tiêu đến Mỹ để đảm nhận vị trí này vào năm 2020, theo yêu cầu của Tổng
thống Thái.
Chủ nhật
24-1-2021, 15 máy bay Trung Quốc bay vào vùng nhận dạng phòng không của Đài
Loan (ADIZ). Điều đáng chú ý là máy
bay quân sự Trung Quốc bay giữa đảo chính Đài Loan và đảo Đông Sa (Pratas) ở
phía Tây Nam (Đông Sa cách Đài Bắc 850 km; cách cảng Cao Hùng 444 km; cách Hong
Kong 340 km…).
Trung Quốc đã triển khai
một tàu sân bay đến căn cứ hải quân tại đảo Hải Nam. Muốn đi từ căn cứ này ra Thái Bình
Dương, hải trình ngắn nhất mà tàu hải quân Trung Quốc thực hiện là đi qua Kênh
Bashi nằm giữa Đài Loan và Philippines. Trên đường đến đó, họ sẽ đi qua khu vực
gần Đông Sa – nơi đang là điểm nóng ít được chú ý trong cuộc giằng co hậu trường
giữa Mỹ và Trung Quốc. Việc máy bay quân sự Trung Quốc xuất hiện tại đây cho thấy
Trung Quốc muốn chứng tỏ khả năng có thể ném bom vào đảo chính của Đài Loan và
cắt đứt các tuyến tiếp tế tới Đông Sa. Có thể Trung Quốc đang nghĩ đến một cuộc
tấn công bất ngờ và chiếm đóng Đông Sa.
“Sự kiên nhẫn chiến
lược”
Bắc Kinh hy vọng mối quan
hệ gay gắt của họ với Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump có thể được cải
thiện sau khi Biden nhậm chức. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng
hai nước có thể hợp tác trong nhiều lĩnh vực với “sự tôn trọng lẫn nhau”. Ngay
sau khi tuyên thệ nhậm chức, Biden đã có bài phát biểu trước các viên chức
chính phủ và đề cập những lần ông gặp Tập Cận Bình trước đó. Một số tờ báo
Trung Quốc mô tả đây là dấu hiệu cho thấy chính quyền Biden coi trọng Trung Quốc
và thể hiện sự rời bỏ chính sách thời Trump. Tuy nhiên, thực tế khá “phũ
phàng”.
Người phát ngôn Nhà Trắng
Jen Psaki nói rõ rằng chính quyền Biden vẫn duy trì quan điểm cứng rắn của người
tiền nhiệm đối với Trung Quốc trong thời điểm hiện tại. Thứ Hai 25-1-2021, khi
được hỏi liệu bài phát biểu của Tập tại hội nghị trực tuyến do Diễn đàn Kinh tế
Thế giới tổ chức – trong đó ông kêu gọi hợp tác với Hoa Kỳ về chống dịch bệnh
cũng như các các vấn đề khác – có ảnh hưởng đến lập trường của Mỹ hay không.
Jen Psaki trả lời dứt khoát:
“Không! Tôi nghĩ cách tiếp cận của chúng tôi với
Trung Quốc vẫn như trước đây – trong những tháng qua, nếu không muốn nói là lâu
hơn. Chúng ta đang trong thế cạnh tranh dữ dội với Trung Quốc. Cạnh tranh chiến
lược với Trung Quốc là đặc điểm nổi bật của thế kỷ 21. Tất cả những gì chúng ta
thấy vài năm qua là tình trạng Trung Quốc ngày càng độc tài hơn ở trong nước và
quyết đoán hơn ở nước ngoài. Và Bắc Kinh đang thách thức an ninh, sự thịnh vượng
và các giá trị của chúng ta theo những phương cách đáng chú ý đến mức chúng ta
cần phải có một cách tiếp cận mới”.
Psaki đặc biệt sử dụng
thuật ngữ “sự kiên nhẫn chiến lược” (strategic patience) mà chính quyền Obama sử
dụng cho Triều Tiên, để mô tả chặng đường phía trước với Trung Quốc. Bà nói: “Chúng
tôi muốn tiếp cận vấn đề này với sự kiên nhẫn chiến lược. Chúng tôi muốn tham
gia nhiều hơn với các thành viên Cộng hòa và Dân chủ trong Quốc hội để thảo luận
con đường phía trước. Và quan trọng nhất, chúng tôi muốn thảo luận điều này với
các đồng minh”.
Ngày 17 và 18-1-2021, vài
ngày trước khi Joe Biden chính thức nhậm chức và một tuần trước khi Psaki nêu
rõ quan điểm và lập trường của tân Chính phủ Joe Biden, Bắc Kinh đã tổ chức một
cuộc họp về chính sách Đài Loan. Nhằm gửi sang Mỹ một “cảnh báo” dứt khoát,
Uông Dương (Wang Yang), chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung
Quốc, nói rằng Trung Quốc
“sẽ không cho phép bất kỳ cá nhân hoặc thế lực nào tách Đài Loan khỏi Trung Quốc
theo bất kỳ cách nào”. Trong cuộc họp trên, những người tham gia không đề
xuất kế hoạch “thống nhất hòa bình” với Đài Loan – như cách họ thường nói trước
đây, hoặc thực hiện “một quốc gia, hai hệ thống” cho hòn đảo nếu Đài Loan “trở
về” với Trung Quốc. Thật ra mô hình giả trá “nhất quốc, lưỡng chế” chẳng có ý
nghĩa gì khi xét đến những gì Hoa Lục đã làm với Hong Kong. Việc không bàn đến
sự “thống nhất hòa bình” với Đài Loan có thể ám chỉ rằng Trung Quốc có thể “thống
nhất Đài Loan” bằng vũ lực. Cần nhắc lại, cách đây sáu năm, Tập Cận Bình đã tổ
chức hội nghị thượng đỉnh lịch sử với Tổng thống Đài Loan lúc bấy giờ là Mã Anh
Cửu (Quốc dân đảng) tại Singapore.
Trong bài phát biểu (hội
nghị trực tuyến) trên Diễn đàn Kinh tế Thế giới ngày 25-1-2021, Tập dĩ nhiên
cũng đưa ra cảnh báo với Mỹ. Ông nói: “Việc xây dựng các vòng kết nối nhỏ
hay khởi sự một cuộc Chiến tranh Lạnh mới nhằm khước từ, đe dọa hoặc răn đe người
khác, nhằm cố tình áp đặt sự chia cắt, gián đoạn nguồn cung cấp hoặc thực hiện
các biện pháp cấm vận, và nhằm tạo ra sự cô lập hoặc ghẻ lạnh cuối cùng sẽ chỉ
đẩy thế giới vào chia rẽ và thậm chí đối đầu”. Tuy nhiên, đó là ngôn ngữ của
kẻ ngụy quân tử. Trung Quốc đang đẩy thế giới vào chia rẽ và thậm chí đối đầu với
nhiều quốc gia chứ không chỉ Mỹ. Và Mỹ thì đã đến lúc không thể ngồi nhìn Bắc
Kinh tác oai tác quái. Joe Biden hay bất kỳ ai làm tổng thống Mỹ thì sự nhận thức
và hành động trước mối đe dọa Trung Quốc là sự chọn lựa duy nhất phải làm. Điều
đó không chỉ nhằm giành lại vị thế chính trị trên thế giới mà còn là sự sống
còn của tương lai nước Mỹ.
--------
BÀI CŨ
Chính
sách mới của Mỹ đối với Triều Tiên: Không cần những “hội nghị rỗng tuếch”
No comments:
Post a Comment