Saturday, 30 January 2021

ĐÀN BÀ VIỆT NAM - HAI VAI HAI GÁNH (Ngô Thị Kim Cúc)

 


 

ĐÀN BÀ VIỆT NAM - HAI VAI HAI GÁNH    

Ngô Thị Kim Cúc

28/01/2021 lúc 14:35  

https://www.facebook.com/kim.ngo.7739/posts/3977235205621608

 

Đọc GÁNH GÁNH GỒNG GỒNG, hồi ký của Nữ đạo diễn Xuân Phượng, NXB Văn hóa Văn nghệ, tháng 9/2020

 

(Đăng trên NGƯỜI ĐÔ THỊ số TẾT TÂN SỬU 2021)

 

Đọc xong chữ cuối cùng, người ta sẽ đặt sách xuống và bần thần tự hỏi: Cái gì đã khiến người đàn bà này có những quyết định làm xáo trộn cuộc đời mình như vậy? Có phải chuyện đã manh nha từ những suy nghĩ ngây thơ trong trẻo của cô tiểu thơ lãng mạn đầy từ tâm, hay còn có điều gì khác?

 

Bởi, nếu không có cái ngày tháng sáu năm 1945 định mệnh ấy, khi cô nữ sinh mười sáu tuổi “theo đuôi” người cậu trốn nhà, tìm tới tổ chức Học sinh Cứu quốc Huế, thì cuộc đời cô đã diễn biến theo chiều ngược lại với những gì trong sách. Cô sẽ hoàn tất ban tú tài, nhận một công việc lương bổng cao, gia nhập vào tầng lớp trí thức sang trọng, lấy một người chồng môn đăng hộ đối, sinh con đẻ cái và hưởng thụ cuộc đời phong lưu nhàn nhã với người hầu kẻ hạ.

 

Nhưng nếu mọi việc diễn ra như vậy, sẽ không thể có nữ đạo diễn Xuân Phượng và quyển sách mà bà đã chấp bút kể lại đời mình, như công việc không thể không làm ở tuổi chín mươi: Gánh gánh gồng gồng.

 

Cái quang gánh cồng kềnh kẽo kẹt giống như một định mệnh, cứ dính chặt lấy đôi vai mỏng mảnh của người đàn bà Việt: thời bình thì gánh hàng ra chợ, gánh mạ ra đồng, gánh lúa về nhà…; thời chiến thì gánh gạo gánh con chạy loạn… Và với những người như Xuân Phượng, bà còn gánh cả một phần nước non trên đôi quang gánh nhỏ của mình, hai vai hai gánh.

 

Cô tiểu thơ lần đầu ra khỏi nhà cha mẹ, phải lập tức thích nghi với cảnh sống đói ăn thiếu mặc, nhưng như tất cả những sinh viên học sinh một lòng ra đi để Giành-Lại-Độc-Lập-Cho-Đất-Nước, cô không hề lưu tâm. Bởi ở đó, cô đã gặp được chàng trai đánh động trái tim mình, một học sinh chung chiến hào chống Pháp. Họ tự biến mình thành những tuyên truyền viên chống xâm lược, giáo viên xóa mù cho đồng bào, diễn viên tự biên tự diễn trên các sân khấu phục vụ cộng đồng…

 

Những rung động mạnh mẽ của tuổi mười bảy khiến cuộc lên đường Giành-lại-độc-lập-cho-đất-nước càng thêm đẹp đẽ, náo nức. Vậy mà, đáng ra sẽ thành chồng thành vợ trọn đời bên nhau, họ lại phải đứt ruột chia lìa. Chỉ vì “Anh là con một. Nếu anh đi theo kháng chiến thì em phải ở nhà chăm lo cho thầy mẹ…”. “Em rất tiếc, không thể được…”. “Nếu như vậy anh phải đồng ý kết hôn với một người khác do bố mẹ anh đã lựa”…

 

Sau đêm thức trắng để chuyện trò dằn vặt rồi chia tay tình đầu, cô mang trái tim tan nát về lại nơi làm việc, để hứng trận đòn-ghen-trả-thù của thủ trưởng, bác sĩ giám đốc quân y vụ liên khu 4. Bị nhốt vào chuồng trâu, bỏ đói để buộc phải hạ mình, cô cảm thấy bị xúc phạm cùng cực và tuyệt vọng tới mức quyết nhịn ăn để tìm cái chết.

 

Nên khi được thả ra, cô đã cắt phăng mái tóc dài đẫm mùi phân trâu, thả trôi trên dòng suối, để bằng cách đó, cô đoạn tuyệt với quãng đời cũ, con người cũ. Dứt bỏ suối tóc dài thân thuộc và từ đó không nuôi tóc lại, cô nữ sinh Huế hiểu rằng, phải có đủ sức mạnh để một mình đi về phía trước, không còn người yêu dấu kề bên.

 

Cô đã làm được như vậy, tiếp tục hành trình yêu nước ở một lĩnh vực khác, trong quân đội: sản xuất mìn nổ chậm, mìn hẹn giờ…

 

Những hướng dẫn trong sách hóa mà cô nhớ đinh ninh: “Hai gramme fulminate = một mạng sống”. Khi tham gia vào công việc cực kỳ nguy hiểm này, cô nhận thức được rằng, sự sống của con người quá đỗi mong manh, cái chết luôn sát kề chỉ trong gang tấc. Nhưng chính trong thời gian căng thẳng mà ngập tràn tình đồng đội này, cô tình cờ nhặt được quyển từ điển Larousse cũ nát, và đã mày mò luyện thêm tiếng Pháp, bổ sung kiến thức, nhờ đó mà sau này, cô có thêm nhiều cơ hội khi lựa chọn nghề nghiệp.

 

Rồi cô chứng kiến tai nạn kinh hoàng xảy ra với đồng đội: “Trí run rẩy đưa lên một cánh tay đã mất hẳn bàn tay, máu trào ra. Chúng tôi xúm lại, người băng bó vết thương, người chuẩn bị đò để đưa đi bệnh viện. Bỗng có vài giọt máu từ trên cao nhỏ xuống, tôi nhìn lên. Ba ngón tay của Trí còn dính vào một sợi dây điện, xanh tái và nhầy nhụa máu. Tôi ngất đi…”. Và: “Khi tỉnh dậy… Anh Hoàng đưa cho tôi ly nước. Tôi run rẩy, không nói nên lời. Rồi cứ thế, nước mắt tuôn ra…”.

 

Và trái tim cô lại thức dậy trước những chăm sóc tận tụy của chàng sinh viên dòng dõi hoàng tộc, có cha là thượng thư bộ Lễ triều đình Huế, đã cùng hai em rời bỏ ngôi biệt thự bên bờ sông Hương, tham gia kháng chiến.

 

Họ đã trở thành chồng vợ giữa chốn núi rừng, không có mặt gia đình hai bên.

 

Đứa con đầu lòng đã chào đời trong một tình cảnh quá đỗi bi thương. Buổi tối, chồng cô phải bơi qua ba con suối dữ để về thăm vợ trước khi sang Trung Quốc công tác. Vào lúc rạng sáng, cô chuyển bụng. Trong bóng tối đường rừng, mọi người khiêng cô trên võng chạy thập thõm suốt bảy cây số để tìm đò vượt sông Lô vào bệnh viện. Đưa được vợ lên đò, chồng cô chỉ bảo “Thôi em cố gắng, anh phải đi ngay sáng nay mất rồi”. “Em ở một mình sao?”… Anh thở dài, rồi nhảy vọt lên bờ…

 

“Mới hai mươi tuổi đầu, đẻ con so, xung quanh không có ai. Tôi muốn chết. Tôi bò đến sát mạn thuyền và chuẩn bị nhảy xuống sông. Một tay vừa chạm vào làn nước lạnh buốt, bỗng một cái đạp mạnh làm bụng tôi nhói lên. Tội bừng tỉnh: Mình chết nhưng đứa con có tội tình gì?...”… Cuối cùng, đứa bé trai không chờ tới bệnh viện, đã lọt lòng mẹ ngay trên con đò, được bác lái đò cắt rún bằng một mảnh nứa.

 

Không có gì ăn, không đủ sữa nuôi con, người mẹ trẻ học cách của đồng bào Cao Lan, cuốc đất trồng rau, sắn, bắp… để có cái bỏ vào bụng. Buổi tối sau giờ làm việc, cô đốt bốn cây đuốc nứa cắm bốn bên để đề phòng cọp, và với đứa con nhỏ địu sau lưng, cô cắm đầu cuốc đất, sương đêm rơi ướt cả đứa con… Khi con nhỉnh hơn, cô mang vào nơi làm việc, lấy dây rừng buộc chân con vào bàn, để con bò lê trên đất chơi với các bạn cùng hoàn cảnh.

 

Chồng là lính cứ biền biệt xa nhà, cô một mình xoay xở, chạy vạy để nuôi con. Tiểu thư Huế đã biết trồng thuốc lá, để “những ngày chủ nhật tôi theo bà con dân tộc đem bán dọc đường. Tôi ngồi bên đường câm lặng, quần áo rách rưới, tay chân nứt nẻ, đầu tóc rối bù, nét mặt xanh xao, chờ người qua lại…”.

 

Rồi cô lại chuyển công tác, ra khỏi quân đội, bởi việc sản xuất vũ khí quá nguy hiểm cho người đàn bà có con mọn. Rồi dồn dập bao nhiêu thay đổi lớn, trên khắp chiến trường… Với khẩu hiệu Tất cả cho Điện Biên Phủ, mỗi tháng gia đình cô chỉ còn nhận được 8 ký gạo thay vì 13 ký…

 

Rồi chiến thắng. Quá tưng bừng, quá vui sướng. Tất cả mọi người trong cơ quan lũ lượt rời Tuyên Quang về Hà Nội. Chồng cô bận rộn với cuộc duyệt binh lớn mừng chiến thắng ở thủ đô, không thể quay lên đón gia đình. Ba mẹ con cô “trơ trọi bên nhau trong gian nhà tranh hẻo lánh trên đồi” .

 

Không một xu dính túi, cô phải tự tìm cách mang con về Hà Nội. “Một bên đòn gánh là cái thúng với ba con gà trong lồng và cái xoong khuấy bột. Đầu bên kia Phước ngồi với một túi quần áo. Tôi địu cháu Phương sau lưng…”. Cứ vậy, gánh cả gia đình trên vai, cô lê từng bước trên con đường vắng teo dài dằng dặc, có khi bị lạc trong rừng đêm, giữa bầy đom đóm. “Tìm một gốc cây to, tôi leo lên buộc dây chằng xuống giữ hai con với cái lồng gà và nằm thiếp đi. Có lúc tỉnh choàng dậy, trời vẫn còn đầy sao. Trời càng về sáng càng buốt lạnh, áo quần ướt đẫm sương, tôi lại thất thểu ra đi…”.

 

Có lẽ những khổ ải cô chịu đựng đã động tới lòng trời, nên khi vừa nhìn thấy cổng ngôi chùa cổ ở gần con đường nhựa, cô chỉ còn đủ sức chắp tay khấn: “Cầu Trời Phật giúp đỡ cho con” rồi ngã gục luôn.

 

“Tội nghiệp đứa ăn mày với hai con”, những bà chủ Hàng Ngang-Hàng Đào đang đi viếng chùa kêu lên khi trông thấy tình cảnh ba mẹ con. Họ đã cho mẹ con cô ăn uống để hồi sức, cho ngồi chung xe để cùng về Hà Nội, và qua cuộc chuyện trò, mới hay rằng đứa ăn mày suýt chết đói kia chính là con gái ông bà đốc Cán quen biết ngày nào…

 

Năm 1954, chiến tranh chấm dứt. Hòa bình, nghĩa là sẽ không còn chết chóc, khổ đau, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp. Ai cũng nghĩ một cách mừng vui như vậy. Nhưng, đói nghèo cũng là một thứ giặc. Chiến tranh đã hút cạn kiệt sinh lực của dân tộc. Cái nghèo kéo dài, dai dẳng, gặm nhấm mọi thứ… Hà Nội đón những người kháng chiến và những người kháng chiến hòa nhập lại vào đời sống đô thị, biết bao con người đã chịu thử thách, phải tự xác định lại giá trị bản thân mình…

 

Được cấp một căn phòng mười bốn mét vuông tối om không có cửa sổ, gia đình năm người của cô đã trải qua ba mươi hai năm sống chung với mù mịt khói mùn cưa nấu ăn trong tiếng loa phường ra rả, cộng thêm việc luôn phải xếp hàng dài để chờ tới phiên được vào nhà vệ sinh. Nhà quá chật, chồng cô phải ở lại nơi làm việc, không khác hồi chiến tranh.

 

Người mẹ ba con từng bỏ dở việc học ở tuổi mười sáu giờ phải quay lại trường, lấy tấm bằng trung học. Bốn năm đèn sách ở trường đào tạo y sĩ đã đưa cô tới phòng khám Nhi khu Ba Đình với chức vụ trưởng phòng. Công việc quá nhiều, quá đa dạng, chưa kể nỗi buồn, nỗi bất lực vì không thể chữa lành cho bệnh nhân khi không có đủ thuốc. Cô kiệt sức, không kham nổi gánh nặng.

 

Nên cô lại chuyển sang phòng khám của Ủy ban Liên lạc với Nước ngoài. Chính ở đây, cô được gặp nhiều vị khách nổi tiếng, tìm đến ủng hộ Việt-Nam đang chiến-tranh-chống-Mỹ. Một trong những người khách đó là nhà điện ảnh Pháp Joris Ivens và vợ, Marceline Loridan. Với nhiệm vụ phiên dịch và chăm sóc sức khỏe cho khách, cô đã chia sẻ cùng họ hành trình hai mươi tám ngày chạy xe từ Hà Nội vào Vĩnh Linh dưới bom Mỹ, và chứng kiến bao cái chết bi thảm cũng như tinh thần không thể bị bẽ gãy của người dân suốt hai tháng thực hiện bộ phim Vĩ tuyến 17- Chiến tranh nhân dân.

 

Những điều trông thấy, cảm nhận trong thời gian làm phim đã đánh thức trong cô những hồi ức thẳm sâu từ quá khứ kháng chiến, làm nảy sinh trong cô một khao khát. Vậy là, cô từ bỏ chuyên môn ngành y của mình, chuyển sang Xưởng phim Vô tuyến Truyền hình để tập sự làm biên kịch.

 

Với sự giúp đỡ tận tình của các đàn anh và bè bạn, cộng với việc tự rèn luyện một cách nghiêm khắc và hào hứng, cuối cùng cô đã được thừa nhận trong nghề đạo diễn, qua những bộ phim được giải thưởng lớn, của cả quốc tế và trong nước. Với những hoạt động văn hóa nghệ thuật kết nối Việt Nam và các nước sau khi nghỉ hưu, cô được nhận Huân chương Hiệp sĩ Bắc đẩu Bội tinh của chính phủ Pháp.

 

Tháng 3/1975, nữ đạo diễn Xuân Phượng là một trong những nhà làm phim đầu tiên có mặt ở các thành phố miền nam, từ Huế tới Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn…

 

Cuộc tái ngộ quê hương sau gần ba mươi năm là phần thưởng lớn nhứt của cuộc đời bà. Những thước phim quý giá quay suốt duyên hải miền trung về những ngày cuối cùng của cuộc chiến, cho tới buổi lễ chuyển giao ngày 2 tháng 5 năm 1975 ở Dinh Độc Lập, là tài sản nghề nghiệp quý giá không phải nhà làm phim nào cũng có được.

 

Những phát biểu để đời của tướng lãnh hai bên trong buổi lễ bàn giao:

 

Tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố: “…Trong cuộc chiến đấu lâu dài này, không có ai là kẻ thắng ai là kẻ bại. Toàn quân và toàn dân Việt Nam là người chiến thắng, chỉ có đế quốc Mỹ xâm lược là kẻ chiến bại…”.

 

Đại tướng Dương Văn Minh: “Ngày hôm nay, đại diện cho anh em có mặt tại đây, tôi nhiệt liệt hoan nghênh sự thành công của Chính phủ Cách mạng Lâm thời trong công cuộc vãn hồi hòa bình cho đất nước…”.

 

Đất nước thì đã sum vầy, nhưng cha mẹ và cả gia đình bà đã rời Sài Gòn sang Mỹ từ những ngày cuối tháng tư. Bà chỉ gặp lại mẹ mình ở Pháp năm 1989, khi đã sáu mươi tuổi, bởi không thể xin visa vào Mỹ. Người mẹ từng lên tận căn cứ để cố khuyên can, lôi kéo con gái về lại gia đình nhưng không thành, đã không kiềm được câu hỏi mà hẳn bà đã cất giữ suốt cuộc phân ly dài mấy mươi năm: “Phượng ơi, con theo họ làm chi để cho gia đình ly tán, phải rời quê cha đất tổ hả con?”.

 

Chính câu hỏi của mẹ đã khiến bà nghĩ, Phải-viết-lại-cuộc-đời-mình…

 

--------------------------------------------

 

TRÒ CHUYỆN THÁNG 12/2020

 

*Xin bà cho biết, vì sao bà từ bỏ cuộc sống trong gia đình một công chức cấp cao của Pháp để tham gia kháng chiến?

-Một, là chuyện cô bạn người Pháp đã nhảy lên đạp bóng lá cờ An Nam trong buổi chào cờ ở trường; và hai, là chuyện anh công nhân người Thượng trong sở cà phê của cha tôi bị thương vì cuốc trúng chân, nhiễm trùng mà không được chữa trị. Tôi không chấp nhận cả hai chuyện đó.

 

*Khi cuộc sống vùng kháng chiến trở nên quá khổ cực cho con cái, đã bao giờ bà có ý định quay về thành phố?

-Cũng có lúc ý nghĩ đó hiện ra, nhưng tôi không cho phép mình làm điều đó. Vì một ngày kia, chiến tranh sẽ qua, con tôi sẽ lớn lên, và nếu con tôi biết rằng mẹ mình là kẻ đã trốn chạy.

 

*Vì sao đã cống hiến cho kháng chiến nhiều như vậy mà bà lại không phải đảng viên?

-Hai lần được gợi ý viết đơn vào đảng, hai lần tôi nhớ lại gương mặt viên bác sĩ định cưỡng bức mình và tôi thấy kinh tởm, tôi không muốn đứng chung với hắn.

 

*Bà hài lòng điều gì ở mình?

-Đó là, tôi không phản bội những gì mình đã được giáo dục, trong mọi hoàn cảnh.

 

*Và điều gì khiến bà phải tiếc?

-Là chuyện tôi đã không chia sẻ nhiều hơn với chồng mình, khi anh được gợi ý ra khỏi quân đội. Tôi hiểu nỗi đau buồn, thất vọng của anh lớn đến mức nào. Cứ nhớ hình ảnh anh quấn chăn nằm quay mặt vào tường suốt thời gian dài, không hề hé môi, quặn mình chịu đựng… Vậy mà tôi chỉ lo chạy kiếm tiền nuôi con, không chia sẻ cùng anh…

 

*Người đàn bà trong sách của bà phải đảm đương quá nhiều công việc. Thế hệ trẻ đọc sách bà, có thể nghĩ, tại sao người đàn bà phải nặng gánh như vậy, đàn bà lẽ ra phải được nâng niu, hưởng thụ nhiều hơn….

 

-Tôi luôn tôn trọng những người trẻ, tôn trọng những suy nghĩ của họ. Nhưng những gì có trong sách là tôi ghi lại cuộc đời mình, những việc làm, lựa chọn của mình, vào thời điểm đó. Tôi đã rất trung thực, để người đọc có thể hình dung về những người kháng chiến thuộc tầng lớp tiểu tư sản thành thị như tôi, vào giai đoạn lịch sử đó.

 

*Cái gì giúp bà, dù trải qua cuộc đời nhiều biến động, vẫn giữ được sức khỏe để tiếp tục làm việc ở tuổi chín mươi?

-Có lẽ, do tôi luôn suy nghĩ lạc quan, tiếp thu tốt những triết lý Phật giáo ông bà ngọai tôi đã dạy. Tôi không bao giờ cực đoan để tự đâm đầu vào tường, mà luôn giữ một khoảng cách để khi cần vẫn có thể lùi lại.

 

 

22 BÌNH LUẬN   

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats