Sunday, 31 January 2021

VIỆT NAM : TƯ TƯỞNG "PHẢN ĐỔI MỚI" CHIẾN THẮNG TẠI ĐẠI HỘI 13? (Trọng Thành - RFI)

 


Việt Nam: Tư tưởng ‘‘phản Đổi Mới’’ chiến thắng tại Đại hội 13 ?

Trọng Thành  -  RFI / Thế Giới Đó Đây

 Đăng ngày: 30/01/2021 - 16:01

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-%C4%91%E1%BA%B7c-bi%E1%BB%87t/20210130-vietnam-tutuong-phan-doimoi-chienthang-o-daihoi13-khong

 

Trong lúc Đại hội ĐCS Việt Nam đang họp, chuẩn bị thông qua đường lối và bầu bán nhân sự, cựu viện trưởng Viện Xã Hội Học Việt Nam, ngày 29/01/2021, giáo sư Tương Lai, công bố một bài viết lên án đích danh lãnh đạo đảng Nguyễn Phú Trọng, phơi bày một số tranh đấu quyết liệt về ý thức hệ trong nội bộ Đảng. Tân tổng thống Mỹ ra sắc lệnh loại bỏ cách gọi virus Trung Quốc trong các văn bản của chính quyền để chống nạn kỳ thị người châu Á.

 

https://s.rfi.fr/media/display/be9cb2dc-5fd7-11eb-8af8-005056bff430/w:980/p:16x9/2021-01-26T020515Z_631628594_RC2EFL9GNYDA_RTRMADP_3_VIETNAM-POLITICS-CONGRESS.webp

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi khai mạc Đại hội đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ 13, Hà Nội, ngày 26/01/2021. Via REUTERS - VNA

 

Chính quyền Trung Quốc rầm rộ quảng bá cho ngành xuất khẩu trang thiết bị y tế, với hơn 200 tỉ khẩu trang phòng dịch được bán khắp thế giới, trong lúc đoàn quốc tế tìm nguồn gốc dịch bệnh bắt đầu làm việc tại Vũ Hán. Lần đầu tiên, Liên Hiệp Quốc điều tra về thái độ của người dân toàn cầu về nguy cơ Biến đổi khí hậu và đòi hỏi hành động khẩn cấp. Trên đây là các chủ đề chính của Tạp chí Thế giới Đó đây của RFI cuối tháng Giêng 2021.

 

 

Cương lĩnh 91 - phương tiện duy trì quyền lực

 

Đại hội đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ 13 đang diễn ra từ ngày 25/01/2021. Sự kiện quan trọng 4 năm một lần đối với đảng cầm quyền tại Việt Nam dường như ít được công chúng theo dõi thực sự, bởi các thông tin bị kiểm soát chặt, danh sách nhân sự cấp cao được coi là tuyệt mật. Theo nhiều nhà quan sát, các vấn đề đường lối quan trọng nhất của Đảng, có ảnh hưởng quyết định đến đất nước trên thực tế, đã không được thảo luận trong công chúng, cho dù, về mặt hình thức báo chí chính thống đăng tải các văn kiện dự thảo, và kêu gọi dân chúng góp ý kiến.

 

Theo nhiều nguồn tin không chính thức, ông Nguyễn Phú Trọng đang là ứng cử viên duy nhất vào chức vụ tổng bí thư, cho dù quá tuổi quy định nhiều năm và mắc nhiều bệnh nặng, và gần như chắc chắn sẽ tái đắc cử.

 

Ngày 29/01/2021, giáo sư Tương Lai, cựu viện trưởng Viện Xã Hội Học, người từng có dịp tham gia soạn thảo đường lối của Đảng, hoặc gần gũi với giới lãnh đạo tối cao, công bố một bài viết hé lộ những xung đột quyết liệt trên thượng tầng quyền lực của Đảng những năm gần đây, và vai trò của ông Nguyễn Phú Trọng, từ khi chưa là tổng bí thư đến khi nắm chức vụ này, rồi dần dần bằng nhiều phương cách, mà trước hết là bằng việc kiên quyết khôi phục toàn diện Cương lĩnh 91, đã từng bước nắm gần như trọn vẹn quyền lực. Một số trang mạng đã đăng tải bài viết, mà nhiều nhà quan sát cho là hiếm hoi này, vén lộ phương thức duy trì quyền lực của ông Nguyễn Phú Trọng.  

 

Mời quý vị theo dõi một trích đoạn của bài viết : « suốt từ Đại hội VII cho đến Đại hội XI là sự giằng co xung đột xung quanh Cương lĩnh 91. Có lúc Đổi Mới thắng thế rất mạnh, có lúc Đổi Mới lại bị kẹt”… Lược bỏ các giai đoạn soạn thảo Cương lĩnh để chỉ nói về Đại hội X với những điều chỉnh về Cương lĩnh 91 về tính chất của Đảng với những khẳng định trở lại quan điểm của Đại hội II ở Việt Bắc : Đảng là Đảng của giai cấp công nhân đồng thời là Đảng của dân tộc… Đưa Nguyễn Phú Trọng lên tức là đưa người có tư tưởng cực đoan nhất về Cương lĩnh 91. Thậm chí trong tranh luận gay gắt về sở hữu, với tư cách là người điều hành cuộc thảo luận tại Đại hội (X), Nguyễn Phú Trọng đã có ý định lấy lại chế độ công hữu. May mà có những ý kiến mạnh mẽ của nhiều đại biểu phản bác lại… nên thủ đoạn thâm hiểm ấy của Trọng không thành... (Phải chăng vì thế mà Nguyễn Phú Trọng, với quyền lực Tổng Bí thư, đã rất ngặt nghèo trong việc lựa chọn đại biểu đi dự Đại hội từ cấp cơ sở, cấp tỉnh, đặc biệt là cấp trung ương… trên thực tế là sự sắp đặt của khoá trước cho nhân sự khoá sau với chi phối của một số người đang có quyền lực trong tay, dưới sự thao túng của Trọng) » (phần im đậm là của tác giả trong bài viết).

 

Về bài viết của giáo sư Tương Lai về ông Nguyễn Phú Trọng và cuộc tranh đấu quan điểm trên thượng tầng quyền lực Việt Nam, trả lời RFI, nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang đưa ra một số nhận xét :

 

Nhà báo Võ Văn Tạo - Nha Trang

« Tôi đã được đọc bài của ông Tương Lai. Ông ấy bình luận về nhân vật hiện nay đương là tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, trong đó có nói đến cái gọi là Cương lĩnh 91. Tôi hiểu rằng, giai đoạn đó có một cuộc đấu tranh rất dữ dội giữa trường phái cấp tiến, thực tế với trường phái giáo điều, cổ hủ, duy ý chí trong nội bộ chóp bu đảng Cộng Sản Việt Nam. Sau khi chủ nghĩa Mác-Lênin sụp đổ, Liên Xô tan rồi, những người cộng sản Việt Nam tìm tòi một hướng đi mới về mặt lý thuyết. Một cách khách quan nhất, mình có thể nhận định là, trong bài viết này, ông ấy đã kể lại những câu chuyện có thực, theo lăng kính của ông ấy, của người trong cuộc, trong giới chóp bu của đảng Cộng Sản Việt Nam. Về tư tưởng, về lý thuyết, bài viết này cũng giúp cho công chúng ngoài Đảng hiểu được về những thực tế gọi là thâm cung bí sử, cung đình của Hà Nội trong lịch sử khá gần bây giờ, chứ không phải xa xôi, từ khi ông Trọng lên tổng bí thư.

 

Có được các mô tả ấy là rất tốt, rất cần với xã hội Việt Nam hiện nay, nhưng cũng phải hiểu rằng người đủ tầm làm được những tổng kết trong lĩnh vực này là không nhiều. Tôi nói ví dụ như bài của ông Tương Lai chỉ bó hẹp trong nội bộ của đảng Cộng Sản Việt Nam thôi. Nếu muốn chứng minh cho thuyết phục hơn nữa, ông phải mở rộng liên hệ với khối xã hội chủ nghĩa sau khi sụp đổ, trong đó có Liên Xô, là mô hình tương đối thất bại. Không còn là cộng sản nữa, nhưng vẫn độc tài, cho nên tiềm năng đất nước chưa phát huy hết. Nhưng ví dụ, cũng trong tình trạng Cộng sản bị sụp đổ, có những quốc gia tương đối khá thành công, như Ba Lan. Ba Lan hòa nhập với Liên Minh Châu Âu sớm nhất, và các tiến bộ về đời sống kinh tế của họ là nhanh nhất. Cần phải có một cái nhìn tổng quát như thế, để thành một mẫu số chung, mà người ta có thể học hỏi. Tức là nhìn vào sự vật có tính chất toàn cầu, thì có tính thuyết phục hơn. Để người ta mới biết được Việt Nam muốn đi lên, thì đi theo hướng thế nào… ».

 

Ngày hôm qua, lịch trình của Đại Hội đảng Cộng Sản Việt Nam đang diễn ra bất ngờ bị cản trở với sự xuất hiện của hơn 50 ca nhiễm virus Covid-19 trong cộng đồng tại nhiều tỉnh phía bắc.  Nhiều lãnh đạo tỉnh đã phải bỏ họp Đại hội để quay về địa phương. Hôm nay, do tình hình dịch có nguy cơ bùng phát, Đại hội tuyên bố sẽ kết thúc sớm một ngày (01/02).

 

 

Tân tổng thống Mỹ bỏ cách gọi « virus Trung Quốc »

 

Vẫn liên quan đến đại dịch Covid, nhưng về phương diện nhân quyền, nhiều phương tiện truyền thông trong những ngày gần đây loan tin tân tổng thống Joe Biden ra lệnh cấm gắn tên gọi Covid-19 với nguồn gốc địa lý, sau khi các cách gọi « virus Trung Quốc » và « virus Vũ Hán » bị coi là đã dẫn đến nhiều hành động kỳ thị chủng tộc nhắm vào người gốc Á tại Hoa Kỳ.

 

Sau một loạt sắc lệnh đảo ngược lại các chính sách của tổng thống tiền nhiệm Donald Trump ngay trong ngày nhậm chức đầu tiên 20/01, ngày 26/01, tân tổng thống Joe Biden đã ký một bản ghi nhớ, lên án chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, bài ngoại và tư tưởng bất khoan dung đang gia tăng đối với người Mỹ gốc Á và người dân các đảo Thái Bình Dương ở Hoa Kỳ (AAPI), đồng thời ca ngợi cộng đồng dân cư gốc châu Á và Thái Bình Dương, với khoảng 2 triệu dân, về những đóng góp quan trọng của họ trong việc phòng chống đại dịch COVID-19.

 

Bản ghi nhớ có đoạn chính phủ Liên bang cần thừa nhận rằng « việc đề cập đến đại dịch COVID-19 theo vị trí địa lý xuất phát của nó », qua hành động của một số lãnh đạo chính trị, « đã thúc đẩy tư tưởng bài ngoại. Những tuyên bố kiểu như vậy đã gây ra nỗi sợ hãi vô căn cứ và kéo dài sự kỳ thị và góp phần làm tăng tỷ lệ bắt nạt, quấy rối và các hành động tội ác do thù hận đối với những người gốc châu Á và các đảo Thái Bình Dương (AAPI) ».

 

Báo Nhật Nikkei Asia cho hay, một số nhà quan sát lưu ý, mặc dù tên của tổng thống Donald Trump không được đề cập đến, nhưng việc nhắc đến « các nhà lãnh đạo chính trị » chịu trách nhiệm về việc này có ngụ ý nói về việc việc cựu tổng thống thường xuyên sử dụng « virus Trung Quốc » để chỉ virus corona chủng mới, hiện đang khiến toàn cầu chao đảo.

 

Ngay sau việc đòi hỏi loại trừ các cách gọi mang tính kỳ thị nói trên, ngày 27/01, tân chính quyền Joe Biden khẳng định cuộc điều tra về nguồn gốc dịch bệnh Covid phải được đẩy nhanh. Hiện tại một phái đoàn chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang bắt đầu công việc tại Vũ Hán, nơi dịch bệnh bùng phát đầu tiên. Về mặt chính thức, WHO khẳng định hiện còn quá sớm để khắng định nguồn gốc virus.

 

 

Quốc tế điều tra virus ở Vũ Hán, Bắc Kinh thông báo xuất 220 tỉ khẩu trang

 

Khả năng dịch bệnh Covid-19 có nguồn gốc từ Vũ Hán là một trong những hướng ưu tiên của điều tra hiện nay. Chính quyền Trung Quốc bị cáo buộc đã phản ứng chậm trễ với dịch, và thậm chí giấu dịch, khiến cộng đồng quốc tế mất đi vài tuần lễ quý giá để kịp đối phó.  Tuy nhiên, dù dịch bệnh có nguồn gốc từ Vũ Hán hay không, thì có một thực tế là, trong khi thế giới điêu đứng về đại dịch, chính quyền Trung Quốc có thể vui mừng khẳng định họ là nguồn cung cấp trang thiết bị y tế số một thế giới.

 

Bắc Kinh công bố các con số hàng xuất khẩu đầy ấn tượng đúng vào lúc phái đoàn quốc tế đến điều tra tại Vũ Hán. Thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :

 

« Trung Quốc đã cung cấp trung bình gần 40 khẩu trang trên một đầu người, tính trên toàn thế giới, người phát ngôn ngành Hải Quan Trung Quốc thông báo cách nay 2 tuần. Sau khi tính toán lại, con số này thực ra là 34. Điều này không quan trọng, vì số lượng nói trên đã là hết sức lớn. Bộ Thương Mại Trung Quốc đã dẫn lại số liệu này trong thông điệp hôm nay.

 

Đối với Bắc Kinh, đây là một ‘‘đóng góp quan trọng cho cuộc chiến toàn cầu chống dịch bệnh’’. Khoảng 220 tỉ khẩu trang phẫu thuật này, cùng với hơn 2 tỉ 300 triệu bộ quần áo bảo hộ và một tỉ bộ xét nghiệm, đã được xuất khẩu trong năm 2020, là điều hết sức quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc. Các mặt hàng xuất khẩu này cho phép kinh tế Trung Quốc giữ được tăng trưởng trong thời gian hậu Covid.

 

Đây cũng là phương thức giúp Bắc Kinh làm cho thế giới quên đi là những ổ dịch đầu tiên được phát hiện tại Trung Quốc. Một năm sau trận dịch Vũ Hán, trong lúc một phái đoàn của Tổ chức Y tế Thế giới đến điều tra về nguồn gốc virus Sars-Cov-2, thì các nhà máy của ‘‘công xưởng thế giới’’ lại tiếp tục cung cấp các phương tiện bảo vệ trước đại dịch viêm phổi. Từ kim tiêm cho đến vac-xin, hay máy trợ thở. Tổng cộng đã có đến 271 nghìn máy trợ thở đã được bán cho các bệnh viện trên khắp thế giới hồi năm ngoái ».

 

 

Biến đổi khí hậu : Lần đầu tiên, LHQ thăm dò dư luận toàn cầu

 

Chống biến đổi khí hậu đang trở nên ngày càng cấp bách. Hôm 27/01 vừa qua, Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) công bố cuộc thăm dò dư luận đầu tiên trên quy mô toàn cầu về vấn đề này. Kết quả cho thấy hai phần ba dân cư được hỏi ý kiến cho rằng cần phải hành động gấp để hãm đà biến đối khí hậu và hạn chế các hậu quả.

Trả lời RFI, bà Sarah Bel, phụ trách truyền thông tại châu Âu của UNDP, cho biết một số xu hướng chính :

 

« Các xu hướng lớn liên quan đến tuổi tác, nhưng đặc biệt đến trình độ học vấn. Số lượng người nhìn nhận khí hậu là vấn đề khẩn cấp tăng vọt theo trình độ học vấn. Và điều này không liên quan đến quốc gia hay khu vực. Dù bạn là công dân Boutan, Congo hay Pháp. Nếu như bạn có trình độ học vấn hết trung học trở lên, thì ý thức về hành động khẩn cấp vì khí hậu trở nên gần như là hiển nhiên. Ví dụ như tại châu Phi, 80% cư dân có trình độ học vấn trên trung học hiểu rõ chuyện này. Xu thế lớn thứ hai là : tuổi càng trẻ thì ý thức về tính khẩn cấp khí hậu càng cao. Có đến 70% cư dân dưới 18 tuổi cho rằng đây là vấn đề khẩn cấp toàn cầu, so với 58% ở người hơn 60 tuổi. Và chúng ta cũng cần thừa nhận rằng, tỉ lệ nhận thức về tính khẩn cấp khí hậu đều rất cao ở mọi lứa tuổi ».

 

Cuộc điều tra của cơ quan phát triển Liên Hiệp Quốc mang tên « People's climate vote » được tiến hành tại 50 quốc gia, chiếm 56% dân số thế giới. Trong số hơn hai triệu người trả lời, hơn 1,2 triệu khẳng định khủng hoảng khí hậu là vấn đề cấp bách.

 

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats