Saturday, 30 January 2021

CUỘC HÓA RỒNG VÀ GIỚI TINH HOA KỸ TRỊ (Nguyễn Xuân Xanh)

 



Cuộc hóa rồng và Giới tinh hoa kỹ trị    

Nguyễn Xuân Xanh

30 Tháng Một, 2021

https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/cuoc-hoa-rong-va-gioi-tinh-hoa-ky-tri/

 

Hiền tài là nguyên khí quốc gia

Thân Nhân Trung

 

*

Những dân tộc nào bị tuột lại trong hoạt động công nghiệp, trong ứng dụng cơ khí và hóa công nghiệp, trong việc chọn lựa cẩn thận và chế biến các vật liệu thiên nhiên; dân tộc nào không có sự quý trọng một hoạt dộng như thế, xuyên suốt các tầng lớp nhân dân, tất yếu sẽ xa lìa khõi sự phồn vinh.

Alexander von Humboldt 

 

*

Trong tầng lớp lãnh đạo xã hội của Hàn Quốc, trí thức làm thành khối quan trọng nhất của dân tộc. Đối với bất kỳ xã hội nào trải qua một giai đoạn chuyển đổi quan trọng trong lịch sử của mình, trí thức đóng một vai trò to lớn.

Park Chung Hee

 

*

Lời nói đầu. Trong một số văn kiện Đại hội Đảng lần XIII toát ra một sự đổi mới căn bản trong chiến lược sử dụng, đãi ngộ một cách xứng đáng người tài của đất nước, cũng như muốn có một cuộc đầu tư mạnh mẽ vào con người và cơ sở hạ tầng trí thức. Một đoạn viết:

 

“Ngoài ra, cần phải coi các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành là thuộc cán bộ cấp chiến lược; bởi họ hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực tinh thần, cung cấp những căn cứ, luận cứ khoa học để xây dựng các quyết sách, qua đó tác động vào công tác lãnh đạo chiến lược của Đảng, Nhà nước, mặc dù có những người không thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Như vậy, có thể nói, cán bộ cấp chiến lược là tầng lớp “tinh hoa” của đất nước, những người ở tầm cao trí tuệ, có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín để điều hành đất nước phát triển.”

 

Và đoạn khác:

 

“Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Có cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của trí thức. Trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng. Thực sự tôn trọng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức”. 

 

Dường như lần này có một sự thay đổi sâu sắc trong nhận thức về vai trò của trí thức, các nhà khoa học công nghệ đối với sự phát triển kinh tế. Dự thảo có lẽ nói nhiều nhất về vai trò người tài trong cuộc chấn hưng công nghiệp hóa, nhu cầu cần thiết đãi ngộ họ thỏa đáng để họ đóng góp tốt nhất. Một thời cơ mới cho khoa học công nghệ đã tới?

 

Tôi có viết một số bài học lịch sử, và báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần số ngày 31-1-2012 – nhân Đại hội Đảng lần thứ XIII – có chủ đề rất hay “Thế kỷ 21: Quý giá nhất là nhân tài” đã chia sẻ một phần trong đó:

 

- https://i1.wp.com/rosetta.vn/nguyenxuanxanh/wp-content/uploads/sites/6/2021/01/Cuoc-hoa-rong-va-Gioi-tinh-hoa-ky-tri_0001-scaled.jpg?resize=723%2C1024&ssl=1

- https://i1.wp.com/rosetta.vn/nguyenxuanxanh/wp-content/uploads/sites/6/2021/01/Cuoc-hoa-rong-va-Gioi-tinh-hoa-ky-tri_0001-scaled.jpg?resize=723%2C1024&ssl=1

 

Đối với Việt Nam, nhân tài lại càng quý hơn bao giờ hết vì nó còn hiếm và phát triển còn rất khó khăn. Sau bản thảo đầu tiên, tôi tiếp tục tu chỉnh và bổ sung đáng kể tại nhiều nơi, và đưa vào một số hình ảnh lịch sử. Dưới đây là bài viết đầy đủ.

 

Xem thêm các bài

 

KHOA HỌC LÀ ĐỊNH MỆNH CHÚNG TA (2017)

 

SỨC Ỳ CỦA Ý THỨC KHOA HỌC VIỆT NAM (2019)

 

và bài Francis Bacon-Fukuzawa Yukichi-(Trung Hoa) và Việt Nam của tôi trong một quyển sách chuyên đề nhiều tác giả có tên Việt Nam – Hôm nay và Ngày mai sắp ra mắt (2021).

 

[1]

Thứ nhất, các quốc gia đã bứt phá không phải thuần túy dựa trên sức mạnh của nông nghiệp, hay thương mại. Anh quốc là quốc gia mạnh nhất về thương mại thế giới từ thế kỷ 16, 17, nhưng cuối cùng họ thực hiện được cuộc cách mạng công nghiệp lịch sử từ giữa thế kỷ 18 dựa lên sự phát minh máy hơi nước và thiết bị dệt tiên tiến. Chính cuộc cách mạng này mới tạo cho họ sức mạnh thần kỳ và ảnh hưởng chính trị to lớn, biến họ thành “đế chế mặt trời không bao giờ lặn”. Cuộc cách mạng công nghiệp sau đó đã lan tỏa sang các quốc gia châu Âu, sang Pháp, Đức, Hoa Kỳ, và cuối cùng sang Nhật Bản những thập niên cuối thế kỷ 19. Từ giữa thế kỷ 20, sau Thế chiến II, cuộc cách mạng công nghiệp một lần nữa diễn ra toàn cầu với cường độ chưa bao giờ có.

 

Cái gì là động cơ của các cuộc cách mạng trên? Đó là công nghệ, đổi mới sáng tạo kỹ thuật, đầu tiên ở Anh, rồi khám phá trong khoa học, sau đó ở Đức. Các ngành khoa học cơ bản, và dĩ có nhiên giáo dục đại học trong đó, vào cuộc nâng cao sức mạnh nền kinh tế lên bội phần. Hóa học cơ bản đã giúp Đức như quốc gia đi sau đã trở thành bá chủ về phân bón, các chất nhuộm, và dược phẩm.

 

Để tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đất nước cần nhiều chất xám tài năng ở các mặt trận nóng bỏng khoa học, công  nghệ và giáo dục. Thanh niên phải được giáo dục để trở thành “lực lượng xung kích” của đổi mới sáng tạo, tính chất của thời đại chúng ta đang sống, và đã gây nên những cơn bão hi-tech từ Tây sang Đông. Thế giới để lại rất nhiều thí dụ điển hình. Tôi xin chia sẻ vài trong số đó, như ở Đức, Mỹ, Nhật Bản và ở Đài Loan như những gợi ý.

 

[2]

Phổ. Phổ ở thế kỷ 19, tiền thân của nước Đức sau này, đã phải tiến hành cuộc đại cải cách toàn diện sau khi thua trận trước Napoleon chỉ trong một đêm. Về giáo dục, nhà vua lúc đó đã có những nhà tư vấn xuất sắc, như Wilhelm von Humboldt nhằm xây dựng một kế hoạch tổng thể để cải cách toàn diện nền giáo dục đã lỗi thời, từ trung học đến đại học. Một trong những di sản của ông để lại là mô hình đại học lấy nghiên cứu khoa học và học thuật (Wissenschaft) làm trung tâm. Mô hình đó đã làm nên sức mạnh của Đức, và được thế giới sao chép, từ Mỹ đến Nhật Bản.

 

Ngoài ra Phổ còn có nhà khoa học tự nhiên tên tuổi thế giới là Alexander von Humboldt, em của Wilhelm. Ông là cha đỡ đầu cho chương trình phát triển các ngành khoa học tự nhiên thông qua mối quan hệ rất thân tình với nhà vua. Hai ông đã đóng góp to lớn vào sự vươn lên của Đức thành cường quốc khoa học, góp phần rất lớn cho sự bứt phá công nghiệp cuối thế kỷ 19.

 

Tiếp nối cao trào khám phá khoa học, cuối thế kỷ 19, Adolf von Harnack, chủ tịch của Viện hàn lâm Phổ, đã đề xuất với Vua Wilhelm II thành lập một chuỗi viện nghiên cứu khoa học nằm ngoài đại học, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển khoa học cơ bản cũng như ứng dụng, cũng như để giữ vững vị trí hàng đầu của nước Đức. Tổ chức này về sau có tên Hội Max Planck (Gesellschaft), hiện nay gồm trên 80 viện thành viên nghiên cứu đủ mọi ngành khoa học, kể cả khoa học xã hội và nhân văn.

 

https://i1.wp.com/rosetta.vn/nguyenxuanxanh/wp-content/uploads/sites/6/2021/01/Wilhelm-von-Humboldt.png?resize=295%2C300&ssl=1

Wilhelm von Humboldt (1967-1853)

 

https://i0.wp.com/rosetta.vn/nguyenxuanxanh/wp-content/uploads/sites/6/2021/01/Alexander-von-Humboldt.png?resize=217%2C300&ssl=1

và Alexander von Humboldt (1769-1859)

 

https://i1.wp.com/rosetta.vn/nguyenxuanxanh/wp-content/uploads/sites/6/2021/01/Adolf-Harnack.png?resize=190%2C300&ssl=1

Adolf Harnack (1851-1930)

 

 Mọi lực lượng phải được đánh thức và phải được trao cho một vị trí xứng đáng. Nguồn gốc sinh đẻ không còn là độc quyền cho chức vị. Nếu cho nó quá nhiều quyền thì cả một lực lượng lớn trong lòng quốc gia sẽ ngủ yên không phát triển và đôi cánh vươn lên của tài năng sẽ bị làm tê liệt bởi các quan hệ bẩn chật. Trong khi một Đế chế suy tàn trong bệnh hoạn yếu đuối, thì một Caesar có lẽ đi cày trong cái làng thống khổ nhất của ông và một Epaminondas (tướng tài của Hy lạp trước công nguyên) phải nuôi thân chật vật bằng lao động của hai bàn tay mọn của mình. Người ta vì vậy phải xử dụng đến  những biện pháp đơn giản và hữu hiệu hơn để mở ra cho thiên tài một con đường, bất kể thiên tài từ đâu đến. Người ta cũng phải mở cánh cửa khải hoàn cho các lự lượng công dân… Thời đại mới cần hành động và sức mạnh tươi mát hơn là tên tuổi và địa vị.

 

Cuộc Cách mạng (Pháp) đã biến cả sức mạnh quốc gia của nhân dân Pháp thành hành động, …biến sức sống trong con người và sức mạnh của của cải thành một loại tư bản phát triển lan nhanh, và bằng cách đó đã  phá vở các quan hệ cũ của các nhà nước với nhau và sự cân bằng dựa trên đó. Nếu các nhà nước khác muốn lập lại thế cân bắng này, họ phải mở cửa và sử dụng  những biện pháp (cách mạng) đó.

Tướng tài August von Gneisenau (1760–1831) của Phổ

Trong Nước Đức thế kỷ XIX (tái bản lần IV có gì mới?)

 

Xem thêm sách ĐẠI HỌC: Giới thiệu sách ĐẠI HỌC

 

Hoa Kỳ. Bên kia bờ Đại Tây Dương, nước Mỹ sau Thế chiến II đã có một cuộc phát triển ngoạn mục trong khoa học, nghiên cứu, ảnh hưởng lên toàn bức tranh kinh tế. Điểm xuất phát là Tổng thống Franklin Roosevelt khi ông đặt câu hỏi vào lúc chiến tranh sắp kết thúc thắng lợi: Làm sao để phát triển quốc gia đem lại sự phồn vinh cho nhân dân và an ninh quốc gia thời hậu chiến? Câu hỏi đó được đặt cho Vannevar Bush, cố vấn khoa học cao cấp của ông. Đây là một câu chuyện nổi tiếng của nước Mỹ. Bush là một kỹ sư tài năng đa dạng từng phục vụ trong những chương trình quân sự chống lại Đức, đặc biệt chương trình Manhattan chế tạo bom nguyên tử.

 

Vannevar Bush (không liên quan đến các tổng thống Bush) đã “dâng sớ” lên tổng thống về kế hoạch phát triển khoa học hậu chiến, có tên “Science – The Endless Frontier”, “Khoa học – Biên giới vô tận”, một bản kiến nghị chiến lược đi vào lịch sử. Theo ông,

-Khoa học cơ bản được quan niệm là “ngân hàng tri thức” và cần được phát triển một cách hệ thống và ưu tiên để ảnh hưởng lên sự phát triển công nghệ, kinh tế quân sự và y tế;

 

-Nghiên cứu khoa học được đưa về chủ yếu cho các đại học nghiên cứu (đúng theo mô hình đại học Humboldt);

 

-Công việc nghiên cứu khoa học được dựa trên sự hợp tác đối tác (partnership) chiến lược giữa các đại học, viện nghiên cứu khoa học một bên, và chính phủ liên bang Mỹ một bên. Chính phủ liên bang có nhiệm vụ cung cấp ngân quỹ cho các đại học nghiên cứu theo những tiêu chuẩn cạnh tranh khách quan.

 

Nhận thức cơ bản của Bush là sự phi-tập trung hóa và hợp tác đối tác với các định chế sẵn có. Ông nhận thức rằng, công việc nghiên cứu ngay cả trong lãnh vực quốc phòng, đã vượt khỏi năng lực của các phòng thí nghiệm quân sự. Nhà nước phải sử dụng nguồn lực trí thức mênh mông ở các đại học. Nhà nước không thể ôm đồm những công việc quá lớn đối với nhà nước. Nhân dân mới là người có đủ năng lực để đáp ứng sự phát triển quốc gia. Nhà nước sẽ trả chi phí cho việc nghiên cứu khoa học cơ bản cũng như các cơ sở nghiên cứu cần thiết dưới sự quản lý của đại học. Các nhà khoa học không phải là những nhân viên trực tiếp của nhà nước, và họ cũng không bị kiểm soát bởi ai trừ nơi họ làm việc.

 

https://i2.wp.com/rosetta.vn/nguyenxuanxanh/wp-content/uploads/sites/6/2021/01/Vannevar-Bush.png?w=512&ssl=1

Vannevar Bush (1890-1974) với chiếc máy differential analyzer do ông khởi công chế tạo năm 1927, một máy điện toán analog có thể giải phương trình vi phân với 18 biến độc lập. Với quan niệm về một chiếc máy tính với bộ nhớ mà ông gọi Memex (công bố trong bài viết có tên As We may think năm 1945 ở tạp chí The Atlantic), Bush còn ảnh hưởng mạnh mẽ lên Douglas Engelbart – cha đẻ của hệ hình máy tính cá nhân ra đời năm 1968 tại Thung lũng Silicon, tiền đề cho một cuộc cách mạng mới (Xem Dẫn nhập trong Bí mật Thung lũng Silicon).

 

Kiến nghị chiến lược của Bush lên tổng thống Mỹ Truman năm 1944 (lúc đó Roosevelt đã mất) là một đề xuất thiên tài để mở ra thời kỳ mới phát triển khoa học ồ ạt được gọi là Big Science trong thời hậu chiến, tạo nền tảng cho sự phồn vinh và thế mạnh quân sự của Mỹ.

 

Đề xuất đó là một cuộc cách mạng, và định hình chính sách khoa học của Mỹ thời hậu chiến. Nó có tầm quan trọng rất lớn trong hai lãnh vực phát triển dân sự (kinh tế) và quốc phòng. James B. Conant, chủ tịch nổi tiếng của Harvard lúc đó, và là thành viên của Ủy ban Nghiên cứu Quốc phòng Quốc gia (National Defense Research Committee, viết tắt NDRC, được thành lập năm 1940) phục vụ cho mục tiêu quốc phòng và giúp chiêu mộ các nhà khoa học hàng đầu phục vụ các nỗ lực chiến tranh, đã mô tả tính độc đáo của kiến nghị như sau:

 

Tôi không bao giờ quên sự ngạc nhiên của tôi khi nghe bản kiến nghị có tính cách mạng này. Các nhà khoa học được huy động cho nỗ lực quốc phòng tại các phòng thí nghiệm của họ. […] Sáng kiến của Bush bảo đảm rằng một phần lớn của công việc nghiên cứu vũ khí sẽ được thực hiện bởi những con người không phải là công chức của chính phủ liên bang, cũng không phải là binh sĩ; họ sẽ là những người nhân viên (employees) của một hợp đồng hợp tác.

 

Nhật Bản. Quốc gia này có một câu chuyện khác cũng đáng tham khảo đầu thế kỷ 20. Ngành vật lý hiện đại Nhật Bản phải đợi một nhà lãnh đạo hàng đầu, Yoshio Nishina, từ châu Âu trở về trong những năm 1920 mới có những bước phát triển rực rỡ. Ông là một “nhà truyền giáo cơ học lượng tử” và mang theo văn hóa khoa học châu Âu về trồng. Chính ông, qua các mối quan hệ tốt, đã mời được Werner Heisenberg và Paul Dirac về Nhật Bản để giới trẻ tiếp cận trực tiếp những năm cuối 1920. Lúc đó Heisenberg và Dirac còn trẻ lắm nhưng đã rất nổi tiếng. Ông được ví là “Christopher Columbus của ngành Vật lý Nhật Bản”. Hideki Yukawa, nhà vật lý hạt giải Nobel đầu tiên của Nhật Bản năm 1949, cho rằng, nếu không có Nishina thế hệ ông không thể có những thành tựu sáng chói trong ngành vật lý hạt. Tomonaga, nhà vật lý giải Nobel thứ hai, viết trong điếu văn: “Ông ấy đã làm chúng tôi ý thức về các phương pháp của nghiên cứu vật lý”. Vâng, người ta thừa nhận rằng, nếu không có Nishina, “hai nhà vật lý này (vừa nói) có thể không bao giờ phát triển tiềm năng của họ đầy đủ nhất”. Với những giải Nobel đầu tiên, Nhật Bản đã hóa rồng về vật lý, và từ đó, giáo dục và nghiên cứu khoa học của họ nằm trên những nền tảng vững chắc. (Xem Tự truyện của Hideki Yukawa sắp tới)

 

https://i0.wp.com/rosetta.vn/nguyenxuanxanh/wp-content/uploads/sites/6/2021/01/Yoshio-Nishina.png?resize=278%2C300&ssl=1

Yoshio Nishina (1890-1951)

 

Đài LoanCâu chuyện này khá ngoạn mục và gần gũi với người Việt Nam. Trong cuộc công nghiệp hóa, Chính phủ Quốc Dân Đảng biết hợp tác với các cá nhân, sử dụng khôn ngoan các nhà kỹ trị (technocrats) trong đó có những nhà siêu-kỹ trị như K. Y. Yin (kỹ sư) và K. T. Li (nhà vật lý), và có những chuyên gia giỏi tư vấn về chính sách, như những nhà kinh tế học gốc Hoa tại những đại học hàng đầu của Mỹ như Cornell (Sho-chieh tsiang và Ta-chung Liu), Yale (John Fei), và Princeton (Gregory Chow). Lực lượng trí thức được rèn luyện tốt đóng vai trò nòng cốt. Các công chức kinh tế (economic bureaucrats) là những người có năng lực và được giáo dục tốt nhất của Đài Loan. Trong số 44 nhà lập kế hoạch kinh tế trong những năm 1950 và 1960 có đến 43 người tốt nghiệp đại học; 52% có bằng cao sau cử nhân tại Mỹ, và 9% cũng như thế tại châu Âu. Ngay trong Thế chiến II, hàng trăm sinh viên và kỹ sư sáng giá nhất ở TQ được gửi đi sang Mỹ và châu Âu để được đào tạo ở trình độ cao cấp để phục vụ trong những vị trí hành chính quan trọng cho TQ thời hậu chiến. Sau 1949 phần lớn những người này trở về Đài Loan và đóng một vai trò rất quan trọng cho cuộc cải cách kinh tế. Họ có kế hoạch với tầm nhìn xa.

 

Ở giai đoạn quyết định để bứt phá diễn ra vào những năm 1980, họ lập chiến lược phát triển các ngành công nghiệp cao để làm nên cổ máy tăng trưởng mới, và tiến lên bắt kịp (catch-up). Năm 1979 khi Sun Yun-suan (Tôn Vận Tuyền), một kỹ sư điện và chính khách có ảnh hưởng, người giám sát sự chuyển đổi kinh tế của Đài Loan từ nông nghiệp lên công nghiệp, trở thành thủ tướng Đài Loan, ông tìm cách tăng cường và định chế hóa sự hỗ trợ cho các đề án hi-tech, đặc biệt ngành bán dẫn. Ông giao cho Li Kwoh-ting (1910-2001), viết tắt K.T. Li (Lý Quốc Đỉnh), một chính khách có ảnh hưởng vô cùng lớn trong chính quyền, từng là bộ trưởng bộ kinh tế rồi tài chính, sau đó thành bộ trưởng không bộ, thành lập một nhóm tư vấn chính sách độc lập cao cấp có tên STAG (Science and Technology Advisory Group), để hoạch định chính sách và hướng đi mới để chuyển đổi cơ cấu kinh tế. STAG chiêu mộ được khoảng 15 người từ những chuyên gia cao cấp gồm những người Hoa ở Mỹ và cả người Mỹ làm việc từ các công ty như Bell Labs, IBM và một số đại công ty công nghệ khác. Họ được gọi với cái tên các “sư ngoại quốc” (foreign monks). Các sư này có nhiệm vụ tư vấn cho chính phủ thiết kế các chính sách để tăng tốc sự phát triển khoa học và công nghệ tại Đài Loan. Nhóm gặp nhau hai lần một năm để xem xét các đề xuất đầu tư và rút ra kiến thức về sự phát triển công nghệ toàn cầu. Chủ trương phát triển mạnh công nghệ cao của họ, đặc biệt đề án công nghiệp sản xuất rất lớn IC: VLSI (Very large-scale integrated circuits). Nhóm STAG quả quyết rằng, nếu Đài Loan không phát triển công nghệ cao kịp thời, thì các công ty vừa và nhỏ sẽ dễ bị tổn thương và “làm mồi” cho các cty sản xuất đa quốc gia. Năm 1984, đề án cuối cùng được phê duyệt. Và thực tế, sự xuất hiện của các VLSI đánh dấu một cột mốc mới trong sự phát triển kinh tế của Đài Loan (và tương tự ở Hàn Quốc). Các “sư ngoại quốc” cũng giúp củng cố một chiến lược công nghệ nhằm giới hạn sự can thiệp trực tiếp nhà nước, trong sự tin tưởng vào khu tư nhân và các cơ hội thị trường. Về giáo dục, STAG cũng khuyến khích đào tạo nhiều kỹ sư, để họ ra ngoài thành lập công ty riêng để thử thách và lấy kinh nghiệm. Việc này có tác dụng phát triển mạnh mẽ năng lực chế tạo của khu vực tư nhân với tốc độ chưa từng thấy sau đó.

 

https://i1.wp.com/rosetta.vn/nguyenxuanxanh/wp-content/uploads/sites/6/2021/01/Li-Kwoh-ting.png?w=519&ssl=1

Li Kwoh-ting (Lý Quốc Đỉnh, 1910 – 2001), một trong những nhà “siêu kỹ trị” của

Đài Loan đã giúp đất nước này hóa rồng

 

K.T. Li chính là người được giao cho trọng trách xây dựng khu công nghiệp Tân Trúc. Ông được xem là “người cha của thần kỳ kinh tế” Đài Loan, và được báo New York Times đánh giá là “Cha đỡ đầu của nền công nghệ” ở Đài Loan, giúp chuyển đổi nền kinh tế từ nông nghiệp sang một trong những nhà sản xuất công nghệ thông tin và viễn thông. Li từng giữ những chức vụ quan trọng trong Bộ Kinh tế, Bộ Tài chính, và sau đó là Bộ trưởng mà không có bộ để giải quyết những vấn đề liên-bộ, và thực hiện chương trình phát triển khoa học và công nghệ. Ông cũng giữ chức Tư vấn cấp cao cho Tổng thống. Li có tầm nhìn cho rằng chỉ có công nghệ cao là con đường tốt nhất để bảo đảm kinh tế Đài Loan tiếp tục phát đạt.

 

Từ những năm 1980 Đài Loan tái cấu trúc nền kinh tế. Đó cũng chính là giai đoạn quốc gia này tiến lên công nghiệp ICT như một cỗ máy tăng trưởng mới. Họ xác định quá trình tiến lên công nghệ cao, và quá trình bắt kịp (catch-up) cho Đài Loan.

 

Để tạo ra cỗ máy tăng trưởng mới, Đài Loan nỗ lực xây dựng một Viện Viện nghiên cứu công nghệ công nghiệp ITRI (Industrial Technology Research Institute) vào năm 1973 như sự chuẩn bị. Viện này là sự tập hợp các kỹ sư tinh hoa nhằm nghiên cứu, mua công nghệ, phát triển và giúp hình thành các startups tư nhân. Sự ra đời của ITRI là cột mốc quan trọng cho sự phát triển ngành điện tử và công nghệ cao, là nơi ấp trứng các đổi mới sáng tạo của Đài Loan. Đó là một trong những sứ mệnh của ITRI.

 

Thứ hai, năm 1980, họ thành lập khu công nghiệp cao ở Tân Trúc (Hsinchu), có tên gọi Công viên Công nghệ dựa trên khoa học Tân Trúc HSIP (Hsinchu Science-based Industrial Park, hay gọi tắt Khu Khoa học Tân Trúc, HSP) dựa theo sự mô phỏng của Thung lũng Silicon, California. Công viên này nằm gần hai đại học Thanh Hoa và Giao Thông, giống như mô hình Thung lũng Silicon nằm gần hai đại học Stanford và UC Berkeley.  Hơn 16.000 nhân viên hoạt động trong các công ty ở HSP là tốt nghiệp từ ITRI từ năm 1973, trong đó 81% vào khu vực tư nhân, và hơn 5.000 hoạt động trong ITRI, đặc biệt trong những công nghiệp bán dẫn và ngoại vi máy tính. Trong số này có Morris Chiang, người từ Mỹ về, chủ tịch của TSMC, là Cty bán dẫn Đài loan sau này thống trị việc sản xuất chip cho thế giới; Robert Tsao (chủ tịch UMC), và Ming-Kai Tsai (chủ tịch MediaTek). Morris Chiang là người đã thuyết phục thành công tổng thống Đài Loan chọn chính sách đóng vai thứ hai (second mover) làm chiến lược, làm nhà sản xuất chip chuyên nghiệp cho cho Thung lũng Silicon nơi có rất nhiều những công ty chip không có cơ sở sản xuất (fabless companies).

 

Chính hai định chế trên đã giúp cho kinh tế Đài Loan cất cánh và đất nước này hóa rồng vào cuối thế kỷ 20, đầu 21. Cuối thập kỷ 1990, tức chỉ sau 2 thập niên thực hiện, ngành công nghệ IT của Đài Loan cất cánh, vượt qua cả Singapore và Malaysia, hay Thái Lan là những nơi có sự phát triển ngành công nghiệp điện tử khởi sắc từ đầu. Đài Loan cuối cùng, chung với Hàn Quốc, tiếp nối đàn sếu bay cùng với Hoa Kỳ và Nhật Bản, theo thuật ngữ của nhà kinh tế học Nhật Bản Akamatsu. (Xem chi tiết trong phần Tân Trúc và Cuộc hóa rồng của Đài Loan trong sách Bí mật Thung lũng Silicon sắp xuất bản tại nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh)

 

[3]

Những câu chuyện trên đã tự “biết nói”. Việt Nam cần một giới kỹ trị tinh hoa tham gia trong chính quyền, và một lực lượng nhà khoa học, công nghệ, nghiên cứu chuyên nghiệp kết nối với sản xuất, cũng như cần những đại học tinh hoa phục vụ cho các mục tiêu trên.

 

Họ là những người phải am tường sự phát triển khoa học, công nghệ thế giới để xác định chiến lược tiến lên và bắt kịp và xác định các đối tác chiến lược để hợp tác. Nhà nước nên dành cho họ qui chế độc lập, và an toàn chính trị để họ hoạt động lâu dài. Xây dựng một số định chế để thực thi chương trình công nghiệp hóa, phát triển công nghệ cao và giám sát thực hiện.

 

Chúng ta thật sự phải học một cách nghiêm túc, trung thực, để nhìn thấy đúng sự thật cần phải học hỏi, như những nhà cải cách Nhật Bản Minh Trị từng làm trong chuyến đi sứ mệnh Iwakura diễn ra những năm bắt đầu đổi mới 1871-73. Với con mắt sắc bén của lòng yêu nước, của cái học Khổng giáo đượm chất men khai sáng phương Tây, họ đã nhìn và phân tích thế giới phương Tây chính xác để lập kế hoạch cải cách lịch sử có một không hai ở châu Á một cách thành công. Phẩm chất hàng đầu của mọi người là tính trung thực, khách quan, óc phán đoán, và nhìn nhận đúng sự thật một cách khoa học, và có một nền tảng đạo đức, tính chính trực và lòng yêu nước không lay chuyển. Yêu nước và đạo đức là những giá trị và động cơ thúc đẩy hàng đầu của giới lãnh đạo các quốc gia-đi-sau để bảo đảm cuộc chấn hưng đất nước thành công. Nếu không, mọi thứ giống như tòa nhà xây trên cát.

 

Không có công nghiệp hóa theo đúng tiêu chuẩn thế giới, không có cuộc tiến lên công nghệ cao như các quốc gia đi trước từng làm mà lịch sử đã lập đi lập lại bao lần, không có một giới tinh hoa kỹ trị tài năng và yêu nước để lập ra chính sách, một đội ngũ đông đảo nhà khoa học, công nghệ tinh hoa được đầu tư đích đáng để thực hiện cuộc công nghiệp hóa, không có một chính sách kiến tạo phát triển (developmental) khôn ngoan của nhà nước có tính “dẫn dắt” và truyền cảm hứng đối với giới doanh nhân, thì không thể vượt qua khỏi bẫy thu nhập trung bình. Một cuộc hóa rồng không có thể thiếu những tính chất tổng hợp trên.

 

Xem thêm bài Nhà nước đổi mới sáng tạo (2018)

 

Giới tinh hoa khoa học, công nghệ, cần được hồi sinh mạnh mẽ sau một thời gian như “ngủ đông” và tự chuẩn bị, được tạo điều kiện tốt nhất để tham gia vào việc xây dựng đất nước, để ngày càng đâm chồi và thăng hoa, góp phần cao nhất của họ vào cuộc chấn hưng của đất nước. Họ là nguyên khí, là báu vật của quốc gia. Việt Nam không thiếu tài năng, chỉ cần có chính sách để đánh thức và sử dụng họ. Hãy “Thực sự tôn trọng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức”, đừng “hành chánh hóa” mà hãy để họ có đủ tự do, tự chủ, chính trị có thể dẫn dắt khôn ngoan nhưng đừng can thiệp thô thiển vào. Khoa học có tính cách mạng và độc lập của nó mà mọi thể chế chính trị hay văn hóa nếu muốn khai thác để nó phục vụ, cần phải tuân thủ những quy luật khách quan của nó. Không có khách quan, không có khoa học.

 

[4]

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố: “Chúng ta sẽ làm nên kỳ tích mới”. Thế giới từng có kỳ tích sông Rhine của Đức, kỳ tích vịnh San Francisco của Hoa Kỳ (Thung lũng Silicon), kỳ tích sông Hàn của Hàn Quốc, kỳ tích Tân Trúc của Đài Loan, kỳ tích “Sư tử biển” của Singapore, Việt Nam sẽ có kỳ tích gì? Thống kê về nhân sự dự đại hội cho thấy trình độ cán bộ của Đảng được nâng lên, trong số 1.587 đại biểu dự ĐH Đảng có: -Giáo sư, phó giáo sư chiếm tỷ lệ 4,47%; – Tiến sĩ chiếm tỷ lệ 12,54%; -Thạc sĩ chiếm tỷ lệ 54,69%;-Trình độ đại học chiếm tỷ lệ 32,77%. Tuy nhiên, văn bằng là tốt, có học là quý, nhưng chưa hẳn tấm bằng xác định hàm lượng của tính sáng tạo của chủ nhân. Chắc chắn Nhật Bản Minh Trị không có nhiều bằng cấp cao như thế trong chính phủ, nhà nước, nhưng họ học từ thực tế và tự học, năng động và sáng tạo. Hãy nghe cựu bộ trưởng giáo dục Singapore Shanmugaratnam từng tuyên bố với tác giả Fareed Zakaria của quyển sách “Bảo vệ giáo dục khai phóng”, rằng “Cả hai chúng ta đều có chế độ (trọng đãi) nhân tài. Quí vị có chế độ nhân tài tài năng (talent meritocracy), phía chúng tôi là chế độ nhân tài thi cử (exam meritocracy). Có một số tính chất của trí tuệ mà chúng ta không thể kiểm tra tốt được, như tính sáng tạo, óc tò mò, đầu óc phiêu lưu, tham vọng. Trên hết, nước Mỹ có một nền văn hóa học thách thức tri thức quy ước, kể cả khi nó bao hàm việc thách thức quyền lực. Đây là những lãnh vực mà Singapore phải học hỏi từ Mỹ.”

 

Xem Tại sao cần giáo dục khai phóng?(2018)

 

Văn hóa đọc của người Việt ai cũng biết còn khá khiêm tốn, sách vở khai sáng về khoa học, công nghệ, giáo dục còn khá khiêm tốn, và văn hóa đọc so sánh với Nhật Bản Minh Trị lại càng khiêm tốn xa. Một quyển sách khai sáng về phương Tây bán ra hàng vài trăm nghìn bản trên dân số khoảng 30 triệu lúc đó, trong khi cùng một loại sách bán ra tại Việt Nam chỉ được vài nghìn bản trên dân số gấp 3 lần. Tri thức còn quá khiêm tốn thì lấy đâu sức mạnh để xây dựng đất nước? Văn hóa đọc sách của người Nhật từ thời Tokugawa đã là thần kỳ, vào thời Minh Trị lại càng thần kỳ hơn. Chính cái thần kỳ đó đã nhanh chóng dẫn đến thần kỳ kinh tế của họ.

 

Xem 

Tại sao người Nhật mê đọc sách? (2012)

Người Việt có mê đọc sách?(2019)

và Tại sao phải làm sách và đọc sách?(2020)

 

Đảng cần phát động môt phong trào đọc sách khai sáng về khoa học, công nghệ, giáo dục đại học, về văn hóa lịch sử sáng tạo của phương Tây trong toàn dân. Cần phải có nhiều những loại sách này. Phải chuẩn bị tâm thế cho tuổi trẻ để đổi mới sáng tạo. Muốn có một thế hệ đổi mới sáng tạo, nhà nước trước tiên phải là nhà nước đổi mới sáng tạo và học hỏi. Một người đọc ít sách, ít chịu học hỏi, giống như một chiếc xe có ít xăng, khó chạy xa được. Nhà nước cũng chưa ra một tuyên bố khuyến khích việc đọc sách và có ý tưởng sáng tạo mới. Từ nỗi sợ hãi những cái mới có thể bị quy kết là “dị giáo”, khó có một phong trào đọc sách để học hỏi cái mới được.

 

Xem Nhà nước đổi mới sáng tạo (2018)

và Giáo dục nào cho tương lai (2016)

 

Mặc dù tất cả những điều nói trên, chúng ta vẫn rất hy vọng một nền tảng mới sẽ được xây dựng lên cho một sự phát triển mạnh mẽ, sáng tạo hơn theo hướng thần kỳ Việt Nam. Xứ sở này là đất nước của những tài năng, tiềm năng, những con người cần cù, thông minh, hiếu học, dũng cảm, kiên cường, cần phải hóa rồng để bay theo các quốc gia công nghiệp hóa đi trước. Họ rất xứng đáng để hưởng sau khi phải đổ bao nhiêu máu.

 

TRONG một bài tới, tôi sẽ trình bày “chiến lược” của Đặng Tiểu Bình khi ông lên nắm quyền để phát triển khoa học, công nghệ trong toàn Đảng và toàn Xã hội, đồng thời đẩy lùi căn bệnh của chủ nghĩa “chém gió” ngự trị trong chính trị từ thời Mao Trạch Đông. Bài Francis Bacon-Fukuzawa Yukichi-(Trung Hoa) và Việt Nam sắp tới sẽ giúp chúng ta hiểu nhiều hơn tại sao khoa học, công nghệ Trung Quốc lại phát triển như vũ bão một khi những rào cản chính trị đã bị dẹp bỏ.

 

25-30/1/2021

Bottom of Form

 

Bottom of Form

 

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats