Sunday 31 January 2021

CÁC TỔ CHỨC ĐẤU TRANH CHO VIỆT NAM và HƯỚNG HOẠT ĐỘNG THỜI CHÍNH QUYỀN JOE BIDEN (Giang Nguyễn)

 



Các tổ chức đấu tranh cho VN và hướng hoạt động thời chính quyền Joe Biden   

Giang Nguyễn
2021-01-29

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/human-rights-organizations-direction-under-a-biden-administration-01292021162230.html

 

Tại Việt Nam trong những năm qua, chính quyền Hà Nội gia tăng đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến, mạnh tay bắt bớ và tuyên án nặng nề đối với những tiếng nói đối lập, công khai, thẳng thắn chỉ trích những sai lầm của Nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam. Biện pháp trấn áp mạnh thêm trước sự kiện lớn của Đảng là Đại Hội thứ 13.

 

Quãng thời gian tình hình nhân quyền Việt Nam bị cho là xuống dốc cũng là thời kỳ Tổng thống Donald Trump nắm chính quyền ở Mỹ. Đến ngày 20 tháng 1, tân Tổng thống Joe Biden nhậm chức và có những chính sách khác với người tiền nhiệm. Liệu nhiệm kỳ của ông Biden có giúp góp phần gì cho công cuộc đấu tranh cho dân chủ- nhân quyền tại Việt Nam?

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/human-rights-organizations-direction-under-a-biden-administration-01292021162230.html/@@images/23730730-88f3-4c1e-be28-fedf0f044d38.jpeg

Tân Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden

 

Những tổ chức mà Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc nhận định rằng đây là cơ hội mở ra cho giới đấu tranh một số chiều hướng vận động mới.

 

Bà Grace Bùi, nhân viên của tổ chức The 88 Project chuyên vận động cho những tù nhân lương tâm trong lao tù Việt Nam, chia sẻ rằng thời gian qua quả thật là một thử thách cho tổ chức mà bà tham gia:

 

Grace đã làm việc về nhân quyền dưới hai, ba người tổng thống rồi. Khi nói đến Tổng thống Trump thì trong bốn năm qua, chính quyền Mỹ không có quan tâm vào vấn đề này. Do đó rất là khó khăn để làm việc với chính phủ Mỹ về nhân quyền. Nó rất là chậm. Mặc dù tòa đại sứ ở Việt Nam làm việc rất là tốt, và họ báo cáo tất cả những cái gì mình báo cáo cho họ. Nhưng mà sự quyết định, lên tiếng hay không là từ Bộ Ngoại giao chứ không phải là từ Tòa Đại Sứ Mỹ”.

 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc tổ chức Cứu Người Việt Biển (BPSOS), thì chính quyền Tổng thống Trump có những điều mà ông đặc biệt quan tâm, điển hình như vấn đề tự do tôn giáo. Hiểu được ưu tiên của mỗi chính quyền, BPSOS đã đặt trọng tâm nỗ lực vận động của tổ chức họ ở điểm đó. Ông nói:

 

“Trong thời Tổng thống Trump họ đã đẩy mạnh vấn đề tự do tôn giáo trên toàn thế giới. Chúng tôi đã hợp tác với vài trăm tổ chức lớn nhỏ tại Hoa Kỳ để vận động và tiếp xúc với toán chuyển tiếp của hành pháp mới, để đề nghị với họ là nên tiếp tục chính sách của hành pháp Trump như thế nào trong lĩnh vực bảo vệ quyền tự do tôn giáo hay niềm tin trên toàn thế giới. Một ví dụ mà chúng tôi nghĩ hành pháp Biden sẽ làm tốt hơn hay là quan tâm nhiều hơn đó là quyền của người lao động, trong đó có một mảng là chống buôn người. Thứ hai là đòi hỏi những quốc gia hợp tác với mình đặc biệt Việt Nam cần phải tuân thủ những công ước về quyền lao động của quốc tế. Trước đây thời ông Obama thì đã tập trung cái này rất nhiều nhưng thời ông Trump thì lại không để ý bằng trước đó thì bây giờ chúng tôi nghĩ rằng là hành pháp Biden sẽ quay trở lại với chính sách chú tâm về quyền của người lao động. Thì đấy là một lĩnh vực mà chúng tôi lại mở lại trong thời gian tới đây”.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/human-rights-organizations-direction-under-a-biden-administration-01292021162230.html/000_8z79ud.jpg/@@images/83aa83aa-a37e-4e0d-a81a-51fd3f693210.jpeg

Tổng thống Joe Biden nhậm chức ngày 20 tháng 1, 2021. AFP

 

Ngoài chương trình nhấn mạnh vào quyền lao động, ông Thắng chia sẻ rằng BPSOS cũng sẽ đẩy mạnh mảng vận động Hoa Kỳ về các biện pháp chế tài chiếu theo Đạo Luật Magnitsky toàn cầu. Luật Magnitsky quy định chế tài với các cá nhân, quan chức mà Hoa Kỳ cho là vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới. Nó đã được áp dụng với quan chức tham nhũng, bạo hành tại nhiều quốc gia. Đây là lãnh vực BPSOS đã đẩy trong thời gian qua dưới nhiệm kỳ Tổng thống Trump nhưng đạo luật Magnitsky chưa từng được áp dụng đối với quan chức Việt Nam. Tiến sĩ Thắng giải thích:

 

“Một lĩnh vực nữa mà chúng tôi đang thúc đẩy là làm sao Hoa Kỳ phải áp dụng những biện pháp chế tài cá nhân đối với những giới chức vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng, mà chúng ta gọi là Luật Magnitsky toàn cầu. Dưới thời Tổng thống Trump thì sử dụng rất là mạnh mẽ và rất rộng rãi nhưng lại bị tạo ra một ấn tượng là chỉ dành cho những quốc gia đối nghịch. Và những thể chế thân thiết mà cũng vi phạm nhân quyền hết sức trầm trọng, thì lại không áp dụng các biện pháp ấy. Thành ra nó trở nên một công cụ chính trị hơn là công cụ bảo vệ nhân quyền. Ví dụ như Việt Nam, chúng tôi đã nộp rất nhiều hồ sơ nhưng đã không được cứu xét. Tuy nhiên ở dưới thời của tổng thống Biden, tôi hy vọng có sự thay đổi”.

 

 

Đối với Đảng Việt Tân, một tổ chức cổ võ cho dân chủ đa nguyên tại Việt Nam, thì Đảng Cộng Hòa hay Đảng Dân Chủ nắm quyền ở Hoa Kỳ không quan trọng. Ông Hoàng Tứ Duy, phát ngôn nhân của Việt Tân chia sẻ thêm về kế hoạch làm việc sắp tới:

 

“Việt Tân chủ trương đấu tranh cho một nước Việt Nam tự do và dân chủ. Để đạt được mục tiêu đó thì chúng tôi sẵn sàng làm việc với mọi chính phủ Tây phương và đặc biệt là chính phủ Hoa Kỳ để vận động cho nhân quyền và chống bất công tại Việt Nam. Thực sự tôi thấy là có hai thử thách lớn đối với phong trào. Đầu tiên là vấn đề đàn áp chính trị. Chúng ta biết trong thời gian qua rất nhiều nhà dân chủ, nhà hoạt động đã bị bắt, vậy thì thời gian tới làm sao chúng ta vận động chính phủ Hoa Kỳ có những biện pháp mạnh hơn và cụ thể hơn đối với vấn đề trù dập các tiếng nói lương tâm. Tôi nghĩ là sự quán Hoa Kỳ ở Việt Nam có thể chủ động hơn trong các vấn đề theo dõi các phiên tòa, lên tiếng, đi thăm các gia đình Tù nhân Lương Tâm, đi đến những nơi như là Đồng Tâm tìm hiểu thêm về vấn đề vi phạm nhân quyền”.

 

Ông Duy cũng cho biết, mảng tự do internet hiện là cơ hội mà Việt Tân sẽ tiếp tục triển khai, khi các gã khổng lồ công nghệ như Google và Facebook đang bị quốc tế chỉ trích vì kiểm duyệt nội dung trên các nền tảng xã hội :

 

“Với tình hình trong vài năm vừa qua có vấn đề kiểm duyệt internet, đặc biệt sau khi có Luật An ninh mạng của Cộng sản Việt Nam, thì đây là lúc không chỉ bên hành pháp, mà các nhà lập pháp của Hoa Kỳ phải làm sao có những sức ép lên những các công ty lớn như Google và Facebook để không hợp tác với Cộng sản Việt Nam về vấn đề kiểm duyệt. Thật sự vai trò của các công ty internet và technology lúc này cũng đang được nhiều người xem xét lại về bổn phận, trách nhiệm của họ đối với xã hội ra thế nào? Thì một trong những điều mà tôi nghĩ mọi người đồng ý là những công ty này không nên hợp tác với chế độ độc tài để kiểm duyệt. Đó là điều mà chúng tôi sẽ đẩy mạnh trong thời gian tới”.

 

Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) đã nhiều lần đề cập về sự đồng lõa của các gã khổng lồ trong hoạt động trù dập tiếng nói đối lập trên mạng của chính quyền Việt Nam. Ân xá Quốc tế đã lập ra một trang mạng với nhan đề “Những ưu tiên về nhân quyền cho chính quyền Biden”, trong đó đưa ra 80 đề nghị chính sách để củng cố nhân quyền trên toàn thế giới. Ví dụ, Amnesty kêu gọi sự trở lại của Hoa Kỳ với các thể chế đa phương thay vì một chính sách ngoại giao đơn phương như trong thời kỳ Trump.

 

Ân xá Quốc Tế viết trong báo cáo đề nghị với Tổng thống Biden rằng:

 

“Ngành ngoại giao Hoa Kỳ trước đây đã đóng vai trò quan trọng trong việc lên án các vi phạm nhân quyền trên khắp thế giới và mở rộng quyền cho các báo cáo viên đặc biệt đến các quốc gia có chính phủ thường xuyên vi phạm nhân quyền, chẳng hạn như Belarus và Eritrea. Hoa Kỳ phải dựa trên những thành tựu này để xây dựng và đảo ngược các chính sách gần đây đã làm suy yếu tiến bộ đa phương về vấn đề nhân quyền”.

 

Trong lĩnh vực Tù nhân chính trị, Amnesty kêu gọi chính quyền Biden đảm bảo rằng Bộ Ngoại giao và các tòa đại sứ lên tiếng cho các TNLT.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/human-rights-organizations-direction-under-a-biden-administration-01292021162230.html/2021-01-27t210944z_1953578215_rc2lgl9fu0fv_rtrmadp_3_usa-blinken.jpg/@@images/3c122e61-013b-4ff9-a74c-6f234c48a6e3.jpeg

Hình minh hoạ. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken ở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 27/1/2021. Reuters

 

The 88 Project cũng đã nộp cho Bộ Ngoại giao một chương trình đề nghị tương tự. Bà Grace Bùi từ Bangkok chia sẻ, The 88 Project kỳ vọng nơi các công chức mà Biden đã và sẽ bổ nhiệm vào Bộ Ngoại giao và các cơ chế hành pháp khác:

 

“Đối với nhiệm kỳ của Tổng thống Biden, thì họ đã nói rất là nhiều về nhân quyền và hiện bây giờ Grace cũng đang chuẩn bị một số yêu cầu để gửi vào trong Bộ Ngoại giao qua Tòa Đại sứ Mỹ ở Việt Nam. Grace nghĩ là nó sẽ được quan tâm nhiều hơn trong bốn năm tới và có rất là nhiều hy vọng là Mỹ sẽ can thiệp nhiều hơn vào nhân quyền của Việt Nam. Grace đã gửi một số yêu cầu chính phủ Mỹ cần phải làm gì cho nhân quyền tại Việt Nam, thì Grace đã gửi cho họ mới sáng nay”.

 

Danh mục các yêu cầu thì có rất nhiều, bà Grace nói, nhưng quan trọng nhất là yêu cầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cần phải thường xuyên gửi các nhà ngoại giao đến các trại giam để thăm hỏi tình hình của các tù chính trị, cũng như đòi chính quyền Việt Nam phải cho phép họ được tham dự các phiên tòa xét xử những tiếng nói bất đồng chính kiến. The 88 Project cũng thúc giục Bộ Ngoại giao hỗ trợ đòi trả tự do cho một vài trường hợp, như đối với TNLT Trần Huỳnh Duy Thức, và đảm báo người tù có quyền chọn lựa muốn ở lại trong nước và không tự động bị trục xuất khi được thả.

 

“Một điều nữa là mình nói về vấn đề một tòa án công bằng. Hiện giờ khi họ bị bắt thì họ ở trong tù rất là lâu. Cái luật là có bốn tháng để điều tra. Nhưng có nhiều người ở một, hai năm cũng chưa có xử án nữa. Do đó chính quyền Việt Nam phải thu ngắn cái thời gian đó và phải có những tòa án công bằng cho họ, chứ không phải là tòa án bỏ túi”.

 

Nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, Hoa Kỳ đã theo đuổi chính sách “America First” và vì vậy, giới đấu tranh cho dân chủ nhân quyền tại các quốc gia khác đã uyển chuyển xây dựng những quan hệ ‘đồng minh’ khác. Đây có lẽ là bài học cho tương lai. Bà Grace Bùi nói, The 88 Project dự kiến làm việc với các tòa đại sứ của các quốc gia ở Châu Âu và các quốc gia khác nhiều hơn.

 

Ông Kenneth Roth của tổ chức Theo Dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) gần đây nhận định rằng:

 

“Bốn năm qua cho thấy Washington là một nhà lãnh đạo quan trọng nhưng không phải quá thiết yếu trong vấn đề nhân quyền. Nhiều chính phủ khác xem việc rút lui của Trump là động cơ để quyết tâm hơn, thay vì họ tuyệt vọng. Và họ đã tăng cường bảo vệ nhân quyền. "

 

Vài ngày trước khi Tổng thống Biden nhậm chức, vào hôm 13 tháng 1, Human Rights Watch đã ra thông cáo báo chí kêu gọi chính quyền Biden trở lại làm việc với đồng minh để bảo vệ nhân quyền trên thế giới.

 

Các tổ chức đấu tranh nói họ không thể chắc chắn rằng ông Biden sẽ cứng rắn với Việt Nam hơn về vấn đề nhân quyền. Tuy nhiên Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng nhận xét, nhân quyền là một trong các mối quan tâm của vị tân ngoại trưởng của Tổng thống Biden, ông Antony Blinken:

 

“Chúng tôi ở trong một tập hợp trên 200 tổ chức để vận động Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp chế tài. Tổ chức điều hợp là tổ chức Human Rights First, thì ông Blinken lại là phó chủ tịch. Thì chúng tôi tin rằng là ông Tân Ngoại trưởng Blinken sẽ có một cách nhìn trung dung hơn”.

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats