Thursday 28 January 2021

MỌI ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT về BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG CSVN (Trần Hà Linh - Luật Khoa)

 



Mọi điều bạn cần biết về Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam  

TRẦN HÀ LINH  -  LUẬT KHOA

28/01/2021

https://www.luatkhoa.org/2021/01/moi-dieu-ban-can-biet-ve-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-cong-san-viet-nam/

 

Cơ quan quyền lực thứ hai của Đảng Cộng sản được tạo ra và có thực quyền như thế nào.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/01/Capture-1024x685.jpg

Đại biểu tham dự hội nghị trung ương khóa XII, ngày 11/5/2020. Ảnh: VGP/ VnExpress

 

Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (BCHTW) là một cơ quan đầy quyền lực và dường như ngày càng nhiều quyền lực hơn.

 

Ban Chấp hành Trung ương là gì?

 

Ở bài trước, chúng ta đã biết đại hội đại biểu toàn quốc là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản, theo Điều lệ của đảng này. Nhưng đại hội chỉ diễn ra 5 năm một lần, có khi lâu hơn. Vậy trong khoảng thời gian 5 năm hoặc lâu hơn đó, cơ quan nào sẽ lãnh đạo các hoạt động của đảng? Chính là Ban Chấp hành Trung ương.

 

Nói cách khác, Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan quyền lực thứ hai của Đảng Cộng sản.

 

 

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương là những ai?

 

Có thể nói Ban Chấp hành Trung ương là nơi tập hợp những đảng viên quyền lực nhất của Đảng Cộng sản. Họ bao gồm khoảng 180 ủy viên chính thức (có quyền bỏ phiếu) và khoảng 20 ủy viên dự khuyết (không có quyền bỏ phiếu). Nói là “khoảng” vì con số thường dao động, có khi không bầu đủ, rồi có người bị khai trừ (như Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn), có người qua đời (như Trần Đại Quang), lại có những người nghỉ giữa nhiệm kỳ vì nhiều lý do khác.

 

Hầu hết các bí thư tỉnh ủy, cộng với một số phó bí thư tỉnh ủy của các tỉnh, thành lớn (như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh), cùng với bí thư đảng ủy các khối cơ quan lớn (như khối cơ quan trung ương, khối doanh nghiệp trung ương) đều sẽ được đại hội đảng bầu làm ủy viên trung ương (cả chính thức lẫn dự khuyết).

 

Ta cũng sẽ thấy thủ tướng, phó thủ tướng, các bộ trưởng, chủ nhiệm ủy ban, một số thứ trưởng các bộ lớn (như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) có chân trong Ban Chấp hành Trung ương.

 

Các cơ quan như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ là các cơ quan thuộc chính phủ, có địa vị ngang với các bộ, nên người đứng đầu các cơ quan này cũng thường là ủy viên trung ương.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/01/bac3337.jpg

Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương diễn ra vào tháng 10/2020. Ảnh: Nhật Bắc/ Báo Thanh Tra.

 

Bên phía Quốc hội, từ chủ tịch, phó chủ tịch đến chủ nhiệm các ủy ban đều có mặt đầy đủ. Một số phó chủ nhiệm ủy ban cũng có chân.

 

Phía Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao thì có viện trưởng, phó viện trưởng, còn Tòa án Nhân dân Tối cao thì có chánh án và phó chánh án.

 

Lãnh đạo của các tổ chức chính trị lớn như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên… cũng đều có chân trong “trung ương”.

 

Dĩ nhiên, các ủy viên Bộ chính trị (trong đó có tổng bí thư), Ban Bí thư, các trưởng, phó ban của đảng đều nằm trong Ban Chấp hành Trung ương.

 

 

Ai bầu ra các ủy viên trung ương?

 

Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản bầu ra các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Hầu hết ủy viên trung ương khóa mới là do Ban Chấp hành khóa cũ đề cử, rất ít khi có người “trúng vào trung ương” mà do đại hội đề cử hoặc tự ứng cử.

 

Giữa hai kỳ đại hội, Ban Chấp hành Trung ương cũng có thể tự bầu bổ sung ủy viên chính thức trong số các ủy viên dự khuyết.

 

 

Ban Chấp hành Trung ương làm những gì?

 

Là diễn đàn chính của Đảng Cộng sản, Ban Chấp hành Trung ương có một số quyền hạn sau đây:

 

·         Bầu ra các ủy viên Bộ Chính trị; tổng bí thư; các ủy viên và bí thư Ban Bí thư; các ủy viên và chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Đây là các cơ quan thường trực có quyền lực nhất trong đảng.

 

·         Tổ chức chỉ đạo thực hiện Cương lĩnh Chính trị, Điều lệ đảng, các nghị quyết của đại hội đảng, những quyết định về đối nội, đối ngoại, công tác quần chúng và công tác xây dựng đảng, cũng như triệu tập đại hội đảng.

 

 

Bao lâu thì Ban Chấp hành Trung ương họp một lần?

 

Theo Điều lệ thì Ban Chấp hành Trung ương chỉ họp thường kỳ sáu tháng một lần, nhưng có thể họp bất thường. Các cuộc họp được gọi là “hội nghị trung ương”.

 

Nếu tính mỗi năm hai lần thì 5 năm chỉ họp 10 lần, nhưng trong các khóa gần đây thì Ban Chấp hành Trung ương họp 12 – 15 lần. Có năm họp tới bốn lần (2011, 2015, 2016).

 

Không phải ngẫu nhiên mà số hội nghị thường kỳ của Ban Chấp hành lại trùng với số kỳ họp của Quốc hội. Trước mỗi kỳ họp của Quốc hội không lâu đều có một hội nghị trung ương. Hội nghị trung ương đó, cùng với các cuộc họp của Bộ Chính trị, trên thực tế sẽ quyết định nghị trình, thậm chí, cả kết quả của kỳ họp của Quốc hội. Dĩ nhiên, không phải khi nào diễn biến ở Quốc hội cũng giống với dự định của Ban Chấp hành. Trường hợp Quốc hội hoãn thông qua Luật Đặc khu (cho đến hiện tại) nhiều khả năng nằm ngoài dự kiến ban đầu của Đảng Cộng sản.

 

Hội nghị trung ương đầu tiên của mỗi khóa sẽ họp ngay trong thời gian diễn ra đại hội đảng để bầu ủy viên Bộ Chính trị, tổng bí thư và một số chức danh khác. Đại hội đảng kết thúc khi kết thúc hội nghị trung ương, các lãnh đạo mới được bầu ra mắt đại hội vào ngày cuối cùng.

 

 

Ban Chấp hành Trung ương có họp công khai không?

 

Không.

 

Ngay cả với Quốc hội – trên lý thuyết là một cơ quan dân cử – mà người dân còn bị hạn chế không được tiếp cận và giám sát đầy đủ nội dung họp, thì Ban Chấp hành Trung ương – một cơ quan của Đảng Cộng sản – càng không công khai.

 

Các hội nghị của họ diễn ra tại hội trường của Văn phòng Trung ương đảng – số 1 Hùng Vương, Hà Nội – ngay cạnh Quảng trường Ba Đình. 

 

Chỉ có một số cơ quan báo chí được ưu tiên đặc biệt như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, báo Nhân dân, báo điện tử Đảng Cộng sản, báo điện tử Chính phủ mới được phép cử người tới đưa tin một số diễn biến. Nhưng thông thường, họ chỉ đưa tin về phần khai mạc và bế mạc của hội nghị trung ương. Mọi diễn biến khác đều là bí mật.

 

Sau hội nghị, Văn phòng Trung ương đảng thường tổ chức họp báo công bố kết quả.

 

 

Ban Chấp hành Trung ương có thực quyền không?

 

Có.

 

Trước Đại hội V (1982), Ban Chấp hành Trung ương thường lép vế trước Bộ Chính trị. Lấy ví dụ Ban Chấp hành khóa III, nhiệm kỳ 1960 – 1976, hoạt động trong 16 năm nhưng chỉ tổ chức 19 hội nghị trung ương. Các quyết sách lớn khi đó đều đến từ Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/01/BCHTW-K12-vov.vn_.jpg

Bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII vào năm 2016. Ảnh: VOV.

 

Nhưng kể từ khóa V, đặc biệt là khóa VI, Ban Chấp hành họp đều đặn hơn, mỗi năm thường có ít nhất hai hội nghị. Trong các hội nghị này, Ban Chấp hành cũng đưa ra những quyết định thực sự quan trọng về chính sách và cơ cấu vận hành của Đảng Cộng sản.

 

Có thể lý giải điều này là do quyền lực trong đảng ngày càng phi tập trung hóa. Trước đây những cá nhân như Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Trường Chinh có ảnh hưởng rất lớn, thậm chí khuynh loát trong đảng, có lẽ phần lớn do điều kiện chiến tranh. Trong hoàn cảnh đó, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, hay thậm chí chỉ một vài cá nhân cũng có đủ quyền hành để ra quyết định.

 

Nhưng kể từ đầu những năm 1980, các cá nhân có công trạng đặc biệt với đảng, do tuổi cao sức yếu hoặc qua đời, ngày càng mất dần sức ảnh hưởng. Phần nữa là trong điều kiện thời bình, các địa phương có nhiều vấn đề cần quan tâm.

 

Do vậy, quyền lực ngày càng được phân tán ra cho các ủy viên Bộ Chính trị khác, rồi san sẻ sang bên chính phủ, lãnh đạo các địa phương và lãnh đạo các doanh nghiệp quốc doanh. Xu hướng phân bổ quyền lực chính trị trong đảng lẫn quyền hạn luật định trong chính quyền ngày càng tản dần về các địa phương.

 

Bên cạnh đó, những vấn đề mà nội bộ Bộ Chính trị không quyết định được thì họ đẩy ra cho Ban Chấp hành Trung ương quyết định. Khóa XI là một ví dụ, khi hai ủy viên Bộ chính trị là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cạnh tranh quyền lực khá ngang tài, ngang sức. Hội nghị Trung ương 6 năm 2012, với nghị trình kiểm điểm trách nhiệm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, có thể coi là cao trào của cuộc cạnh tranh đó, và từ đó bắt đầu xuất hiện biệt danh “đồng chí X” của ông Dũng.

 

Mặc dù quyền lực và ngày càng quyền lực hơn như vậy, nghị trình của Ban Chấp hành Trung ương cũng bị Bộ Chính trị chi phối nhiều. Hồi năm 2006, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn phải viết thư gửi Bộ Chính trị, yêu cầu cơ quan này tôn trọng quyết định của Ban Chấp hành Trung ương, không hành xử như thể là “cơ quan cấp trên” của Ban Chấp hành Trung ương.

 

Theo Điều lệ của Đảng Cộng sản, đúng là nghị trình làm việc lẫn việc ứng cử, đề cử các chức danh trong các hội nghị trung ương đều có bàn tay sắp xếp của Bộ Chính trị. Chuyện cơ quan nào trên, cơ quan nào dưới, có lẽ cần nhiều thông tin và nghiên cứu kỹ càng hơn.

 

 

 

 

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats