Tuesday 30 May 2023

ÔNG BƯỚC VÀO ĐÂY ĐỂ BÁC KHÁM! (Trần Sâm, RFA)

 



Ông bước vào đây để bác khám!

Bình luận của Trần Sâm
2023.05.30

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/doctor-drop-honorifics-when-talking-to-patiens-05302023100822.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/doctor-drop-honorifics-when-talking-to-patiens-05302023100822.html/@@images/b1911d1e-5e8b-45e5-b42b-2b19d7cb7112.jpeg

Bác sĩ khám bệnh cho một nữ bệnh nhân ở Bện viện Đa khoa An Phú ở Bình Dương hôm 7/9/2022 (minh họa).    AFP

 

-Thấy ghế trống thì bước lên đi. Bác mệt rồi, bác không kêu tên đâu.

 

Anh chàng bác sĩ mặt mũi trẻ măng uể oải nói với đám người đang xếp hàng chờ tiêm vắc xin.

 

Anh tự xưng với tất cả mọi người già cũng như trẻ là “Bác”. Không phải đại từ nhân xưng (bác, chú, cô, dì, thím, mợ...) nào cả. Nó là gọi tắt của “Bác sĩ”. Cách gọi này cực kỳ phổ biến trong các cơ sở y tế Việt Nam. Các cán bộ và nhân viên y tế cũng gọi nhau bằng “bác” (nuốt mất chữ “sĩ”), xưng anh/chị/em/... tùy lứa tuổi.

 

Các điều dưỡng, y công, nhân viên kỹ thuật, nhân viên văn phòng hành chính… cũng gọi như vậy. Theo họ là để phân biệt giữa các bác sĩ (chịu trách nhiệm điều trị, chữa bệnh) và những người khác cũng làm việc ở bệnh viện nhưng không có chức trách này.

 

Cách gọi này đặc thù đến nỗi nó chỉ được dùng cho các bác sĩ. Trong bệnh viện còn có các dược sĩ lo về thuốc thang, nhưng không ai gọi tắt họ là “Dược” cả. Cũng không ai gọi tắt nha sĩ là “Nha”.

 

Và thay vì xưng “Tôi”, một cách xưng hô trung dung dùng ổn cho tất cả mọi đối tượng, mọi lứa tuổi, trong mọi hoàn cảnh thì rất nhiều bác sĩ cũng quen miệng tự xưng mình là “Bác” với tất cả người bệnh. Tuy vẫn với nghĩa “bác sĩ”, nhưng ở không ít bối cảnh tương tác giữa người bệnh và bác sĩ, nó sẽ như thế này:

 

-Ông bước vào đây để bác khám.

 

-Ông ơi, ông đau ở chỗ nào? Bác tiêm cho ông nhé.

 

-Bà nghe bác dặn: xuất viện về vẫn nhớ ăn nhạt, uống nước đều đặn, không cử động đột ngột bà nhé.

 

Trước kia trong các bàn gọi tên khám bệnh của các cơ sở y tế, thường gặp cảnh nhân viên gọi tên người bệnh như sau:

 

-Nguyễn Thị A, 70 tuổi, quận Hoàn Kiếm.

 

-Lê Văn B, 60 tuổi, Bắc Giang.

 

Xét về lý, chỉ cần gọi đúng tên, tuổi, địa chỉ người bệnh là đủ. Nhưng xét toàn diện thì cách gọi này cộc lốc và phản cảm.

 

Sau này, bắt đầu từ trong các cơ sở y tế tư nhân, đã đổi cách gọi tên người bệnh rất lễ độ, dễ nghe:

 

-Xin mời  bệnh nhân Nguyễn Thị A, 70 tuổi ở quận Hoàn Kiếm.

 

-Xin mời bệnh nhân Lê Văn B 60 tuổi ở Bắc Giang.

 

 

Khi bác sĩ là… ác mẫu

 

Những ai đi khám bệnh ở bệnh viện công, đặc biệt các bệnh viện công phía Bắc, ít nhiều đều từng chứng kiến cảnh đối xử hách dịch thậm chí xấc xược của một số bác sĩ. Họ nói năng chỏng lỏn, quát mắng, chế giễu người bệnh. Thậm chí bỏ mặc người bệnh đau đớn, vòi vĩnh tiền quà, bán thuốc giả, lừa bán thêm các dịch vụ y tế đắt tiền không cần thiết. Khẩu hiệu của ngành y là lương y như từ mẫu, nhưng bác sĩ loại ấy thì là ác mẫu, mẹ ranh.

 

Nhiều năm trước xã hội cũng đã dày công phân tích việc này. Lý do người trong ngành đưa ra là quá tải công việc, một ngày phải khám liên tục đến 150-200 người thậm chí còn không có thời gian đi vệ sinh, thì sức lực đâu mềm mỏng nhã nhặn cho nổi.

 

Một số bác sĩ người Việt đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài cũng thừa nhận nguyên nhân ấy, nhưng họ bổ sung: chương trình đào tạo bác sĩ trong nước chỉ tập trung vào chuyên môn khám chữa bệnh thực thể mà không chú trọng giáo dục văn hóa giao tiếp. Còn ở các trường y nước ngoài, giao tiếp là một môn học được dạy kỹ lưỡng cho các bác sĩ.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/doctor-drop-honorifics-when-talking-to-patiens-05302023100822.html/2014-11-18t120000z_833646700_gm1eabi1eso01_rtrmadp_3_vietnam-health.jpg/@@images/42618982-aa08-4b73-8013-4576eae42419.jpeg

Một bác sĩ bế một em bé sau khi được phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba ở Hà Nội hôm 18/11/2014. AFP

 

Còn có một lý do khác.

 

Trong vài chục năm trước Đổi mới, không còn bệnh viện tư nhân mà chỉ có bệnh viện và cơ sở y tế công lập. Số lượng bệnh viện, bác sĩ, thuốc và giường bệnh đều quá thấp so với nhu cầu. Đã vào bệnh viện thì sức khỏe, sinh mạng hoàn toàn trong tay bác sĩ nên người bệnh đều nhất nhất nghe lời bác sĩ, thậm chí khúm núm, xin xỏ, van nài, lạy lục, hối lộ… để được có giường nằm riêng, tiêm nhẹ hơn hoặc được cấp thuốc tốt hơn. Vì thế, nghề bác sĩ thời đó cực kỳ danh giá. Ba điều này cộng lại vô hình trung tạo nên tâm lý hơn người ở một số nhân viên y tế, sinh ra tâm lý hống hách, cửa quyền, khinh người. Dĩ nhiên, không phải nhân viên y tế nào cũng thế.

 

Khoảng 10, 15 năm trở lại đây và nhất là ở thành thị, nghề bác sĩ không còn được trọng vọng như trước, do thu nhập chính của họ quá thấp, làm việc lại quá vất vả. Nhưng thói hống hách khinh người, chí ít là thói hành xử cộc lốc, thô lỗ hoặc vô lễ vẫn tồn tại ở không ít bác sĩ. Nó không bắt nguồn từ sự chênh lệch địa vị xã hội nữa mà chỉ là một đặc điểm của chính con người họ, không liên quan lắm đến nghề nghiệp hoặc nơi làm việc. Một người tính tình thô lỗ thì mặc áo blue trắng hay mặc vest trịnh trọng trên quan trường vẫn hành xử thô lỗ.

 

Đưa môn Văn vào yêu cầu xét tuyển trường Y?

 

4/27 trường đào tạo ngành Y ở Việt Nam được cho là cố gắng thay đổi điều này bằng việc đưa điểm môn Văn vào tổ hợp xét tuyển đầu vào.

 

Đại diện các trường trên nói học môn Văn khiến tăng khả năng truyền đạt, sự cảm thông chia sẻ-vốn là những yếu tố cần thiết ở một bác sĩ.

 

Hướng ngược lại cho rằng yêu cầu này chướng mắt và vô lý đến nỗi thậm chí đến việc nghiêm túc phản bác trên cơ sở lý luận họ cũng không thèm làm. Họ chỉ chế giễu bằng nhiều cách, phổ biến nhất là cười cợt “chắc để bác sĩ viết đơn thuốc đẹp/dễ hiểu hơn”.

 

Tôi cho rằng lập luận của bốn trường đại học nói trên là đáng khích lệ.

 

Văn học vừa là nghệ thuật, vừa là khoa học. Hơn thế, nó có thể dung hợp tất cả các ngành khoa học và nghệ thuật khác, lẫn kiến thức trong tất cả lĩnh vực. Trong văn học có cả hội họa, âm nhạc, điêu khắc, tâm lý học, xã hội học, triết học, dân tộc học, logic học… Tất cả những gì con người có thể nghĩ ra.

 

Tôi nhớ hồi nhỏ đã đọc say mê cuốn Người mặt nạ đen ở nước Al-Jabr của hai nhà văn đồng thời là nhà toán học Xô Viết cũ- Vladimir Levshin và Emilia Eleksandrova, nói về… cách giải phương trình, tìm nghiệm X. Nhưng hình thức diễn đạt lại là cuốn tiểu thuyết trinh thám hết sức hấp dẫn mô tả cuộc truy lùng một người bí hiểm luôn đeo chiếc mặt nạ màu đen che kín mặt.

 

Văn học trau dồi khả năng quan sát, vốn từ ngữ giàu có phong phú, khả năng diễn đạt chính xác, sự tinh tế trong quan sát và thể hiện, khả năng cảm thụ, phân tích và tổng hợp vượt hơn mức bình thường với những biểu hiện vi tế nhất của con người, xã hội và thế giới chung quanh. Vì thế, nó giúp nuôi dưỡng một tâm hồn nhạy cảm và giàu sáng tạo. Điều này hỗ trợ tốt cho việc nghiên cứu tất cả các lĩnh vực khoa học.

 

Trên giá sách của rất nhiều nhà khoa học, xen kẽ với sách nghiên cứu chuyên ngành là những tác phẩm văn học nổi tiếng. Trên thế giới, những nhà toán học, vật lý học, hóa học, họa sĩ, nhạc sĩ, bác sĩ… đồng thời là nhà văn xuất sắc không hề quá hiếm.

 

Ở Việt Nam thời Pháp thuộc đã có nhiều trí thức lớn trong tất cả các lĩnh vực cũng đồng thời là những diễn giả, những cây bút xuất sắc. Không chỉ trong lĩnh vực chuyên ngành, họ còn thường xuyên viết báo và hoạt động xã hội, thể hiện quan điểm, tầm nhìn, sự ưu tư của mình trước những vấn đề lớn của nhân sinh và thời cuộc.

 

Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện là một người như vậy. Tốt nghiệp Đại học Y khoa Paris vào năm 1941, ông cùng lúc chia sẻ sự quan tâm của mình vào lĩnh vực tâm lý trẻ em và phương pháp dưỡng sinh, lẫn lịch sử và văn hóa Việt Nam. Ông từng dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp và viết những cuốn sách như Lịch sử Việt Nam, Tuyển tập văn học Việt Nam, Từ điển xã hội học, Bàn về đạo Nho, Việt Nam một thiên lịch sử, Tìm lại Tổ quốc… Sách chuyên ngành của ông có: Từ vựng tâm lý, Nỗi khổ của con em, Tâm lý gia đình, Tâm lý tiểu học, Tâm bệnh lý trẻ em, Tâm lý đại cương, Từ sinh lý đến dưỡng sinh…

 

Họ là kết quả của một nền giáo dục toàn diện và chú trọng vun đắp những giá trị tinh thần bất hủ của con người

 

Nhưng, nhiều năm qua việc giảng dạy môn Văn trong nhà trường phổ thông xã hội chủ nghĩa vốn vô cùng trì trệ và cổ hủ. Ngành giáo dục định hướng học hành chỉ để thi cử. Đặc biệt, môi trường thiếu tự do trong tư tưởng, trong cảm thụ, trong tư duy và diễn đạt trên bình diện toàn xã hội chứ không chỉ trong nhà trường đã khiến các tiết học Văn vốn bay bổng và sáng tạo trở thành giờ đọc chép. Học sinh có sẵn các cuốn sách hướng dẫn làm bài, giáo viên đếm ý chính của bài luận đúng với giáo án để chấm điểm. Rập khuôn, giả tạo, nhàm chán và quay lưng với thực tế muôn màu của đời sống. Học sinh từ đó xem thường môn Văn, ngành Văn học.

 

Cho nên mới có sự giễu cợt nông cạn rằng giỏi môn Văn để viết đơn thuốc đẹp hơn.

Một thực tế khác của cuộc sống nơi thiên đường Việt Nam là phần đông xã hội thần tượng những người giỏi kiếm tiền. Bất chấp thủ đoạn, tham ô hay đánh đĩ, cứ miễn nhiều tiền thì nghiễm nhiên được ca ngợi và tôn vinh. Một người nói tục chửi bậy như mưa rào, nếu nghèo thì bị chửi ngay là đồ mất dạy. Nhưng nếu nhiều tiền thì lại được xuýt xoa rằng “anh ấy bình dân, giản dị, hòa đồng”. Ha ha ha!

 

Một xã hội kim tiền thì làm sao biết nhìn nhận, đánh giá và vun bồi những giá trị tinh thần cao cả như giúp đỡ, chia sẻ, cống hiến và hy sinh?


Bác sĩ cũng sinh ra lớn lên, được giáo dục trong xã hội đang đảo lộn hệ thống giá trị này. Cái gốc không được đắp dựng làm sao ngọn có thể nẩy chồi? Từ bé đã thấy người lớn xem đồng tiền là tiên là phật, trưởng thành thấy cấp trên ăn hối lộ thùi thụi, nịnh trên nạt dưới, mua quan bán tước như bán lá rau thì dù làm ngành Y đi nữa, sao có thể quý trọng nhân tâm?

 

Không chỉ môn Văn

 

Bốn trường đại học nói ở đầu bài đã nhìn nhận vấn đề hơi hạn hẹp khi cho rằng có thể giải quyết hiện tượng kém giao tiếp, thiếu thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ… ở một số nhân viên y tế chỉ đơn giản bằng việc xét tuyển thêm điểm môn Văn.

 

Ngành y là ngành đặc thù vì sự tương tác giữa người bệnh và nhân viên y tế đặc biệt cao. Công việc của nhân viên y tế không chỉ là điều trị, chữa bệnh mà còn là chăm sóc, giúp hồi phục. Mà thể xác và thể phách của con người gắn chặt không rời nhau, nên muốn cơ thể tiếp nhận tốt quá trình điều trị thì người bệnh phải cảm thấy được bác sĩ thấu hiểu và quan tâm, từ đó đặt hết lòng tin vào người chữa bệnh. Họ sẽ tự nguyện và nỗ lực tuân thủ điều trị. Một ánh mắt thân tình, một bàn tay siết chặt, một câu nói êm ái của người bác sĩ, người điều dưỡng cũng có tác dụng với người bệnh như những liều thuốc đặc trị. Đôi lúc còn hơn.


Nhưng sự chia sẻ tế, cảm thông, thấu hiểu… phải xuất phát từ tấm lòng thực sự chân thành và quan tâm đến người bệnh/người khác. Đó mới là nền tảng của câu “lương y như từ mẫu”. Phẩm chất ấy phải được dạy dỗ, rèn giũa từ tấm bé trong nhà trường, trong gia đình. Phải được xã hội liên tục tái khẳng định, xem là tiêu chuẩn mặc nhiên của con người. Môn Văn chỉ là một hợp phần trong ấy; ngoài môn Văn, các môn xã hội, nghệ thuật khác được dạy từ nhỏ đều có tác dụng giúp sớm hình thành một tâm hồn chân-thiện-mỹ.

 

Còn nếu văn hay chữ tốt, nói năng con kiến cũng bò ra, nắm bắt tâm lý như thần nhưng lại mọc trái tim đen chằm chằm xem người bệnh là những mỏ tiền, thì đó là quân vô lại, phường lưu manh giả danh trí thức.

 

Nên, muốn có những thiên thần áo trắng (hay áo xanh công nhân, áo đỏ phòng cháy chữa cháy hay áo vàng công an…) thực sự, giải pháp vẫn không thể tách rời việc cải tổ toàn bộ nền giáo dục từ cấp mầm non đổ đi và khôi phục hệ thống giá trị vốn đã bị đảo lộn tơi bời ở Việt Nam.

_______

 

Tham khảo:

https://congan.com.vn/doi-song/4-truong-dai-hoc-dua-mon-ngu-van-vao-xet-tuyen-nganh-y_147574.html

 

----------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.





No comments:

Post a Comment

View My Stats