Sunday 28 May 2023

CÁC DÒNG TRUYỀN THỪA MẬT TÔNG ĐANG TĂNG CƯỜNG SỰ HIỆN DIỆN Ở VIỆT NAM (Văn Tâm / Luật Khoa Tạp Chí)

 



Các dòng truyền thừa Mật tông đang tăng cường sự hiện diện ở Việt Nam

VĂN TÂM  /  Luật Khoa

May 24, 2023   2:20 PM    

https://www.luatkhoa.com/2023/05/cac-dong-truyen-thua-mat-tong-dang-tang-cuong-su-hien-dien-o-viet-nam/

 

Có bàn tay của cả giới doanh nhân và một số quan chức nhà nước?

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1304/2023/05/T-y-T-ng.jpg

Đồ họa: Luật Khoa.

 

Trong lúc bạn đọc bài viết này, một nhân vật lưu vong nổi tiếng của Tây Tạng sau Dalai Lama vừa đến Việt Nam.

 

Nhà sư này là Gongma Trichen Rinpoche, 77 tuổi, người kế vị thứ 41 của giáo phái Sakya, một trong bốn giáo phái chính của Phật giáo Tây Tạng. Trong thời gian đến Việt Nam, ông và môn đồ của mình đã tổ chức nhiều nghi lễ, trong đó có lễ truyền giới cho đông đảo Phật tử. [1]

 

Không chỉ có giáo phái Sakya, các giáo phái Phật giáo Tây Tạng (Mật tông) khác như Drikung Kagyu, Drukpa Kagyu cũng thường xuyên đến Việt Nam một cách chính thức.

Một khu du lịch tâm linh đồ sộ theo dòng Drikung Kagyu mới được khánh thành ở tỉnh Lâm Đồng, bên cạnh hàng loạt các ngôi chùa, trung tâm thiền định của Phật giáo Tây Tạng tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. [2]

 

Vì sao Phật giáo Tây Tạng hay nói cách khác là các dòng truyền thừa Mật tông đang tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam?

 

.

Trung Quốc xâm lược, nhà sư lưu vong

 

Việc phổ biến Mật tông tại Việt Nam và các nước khác có liên quan đến lịch sử đau thương của Tây Tạng.

 

Tại Tây Tạng, Phật giáo chi phối hoàn toàn đời sống của người dân. Người Tây Tạng tin rằng các nhà sư chính là hiện thân của Phật. Do đó, các nhà sư được xem như những vị Phật sống với quyền năng rất cao. Họ không chỉ hoạt động tôn giáo mà còn nắm quyền điều hành đất nước. Dalai Lama được xem như vua, thống lĩnh tinh thần và điều hành toàn bộ Tây Tạng.

 

Năm 1949, chiến thắng của Đảng Cộng sản Trung Quốc trước Quốc dân đảng đã mở ra thảm kịch của Tây Tạng. Mao Trạch Đông sau khi tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã đưa quân tiến chiếm Tây Tạng vào năm 1950. Dalai Lama lúc này mới 15 tuổi.

 

Từ năm 1951 đến năm 1959 đã xuất hiện người di cư ra khỏi Tây Tạng nhưng rất chiếm tỷ lệ nhỏ, chủ yếu là doanh nhân sợ ảnh hưởng của chiến tranh. [3]

 

Vào ngày 10/3/1959, người dân Tây Tạng đã nổi dậy đòi quyền tự trị và bảo vệ Dalai Lama trước quân đội Trung Quốc, rất nhiều người hy sinh trong cuộc đàn áp. [4] Để tránh số thương vong gia tăng, Dalai Lama phải vượt biên giới đến Ấn Độ bằng đường mòn vào cuối tháng Ba.

 

Ngay sau khi Dalai Lama rời khỏi đất nước, hàng chục nghìn người Tây Tạng đã vượt biên theo ông. Ngoài ra, họ còn đến Nepal và Bhutan. Ban đầu, chính phủ Ấn Độ tạo nhiều điều kiện tiếp nhận người tị nạn Tây Tạng. Người nào đến Ấn Độ từ năm 1959 đến năm 1979, và con cái của những người này, sẽ được cấp giấy tờ cho phép ở lại đồng thời có thể dùng giấy tờ này xuất cảnh và trở về Ấn Độ.

 

Gongma Trichen Rinpoche, người đứng đầu giáo phái Sakya, mới vừa truyền giáo tại Việt Nam, cũng từng vượt biên sang Ấn Độ vào năm 1959.

 

Tuy nhiên, cho đến nay, các nhà sư Tây Tạng chưa bao giờ có cuộc sống ổn định tại Ấn Độ.

 

.

Truyền bá Mật tông đến các nước

 

Ngay sau khi đến Ấn Độ, Dalai Lama đã gấp rút xây dựng thể chế dân chủ cho cộng đồng Tây Tạng lưu vong.

 

Ông đã thành lập Chính phủ Tây Tạng lưu vong (Tibetan Government-in-Exile), bao gồm đại diện từ các giáo phái và khu vực của Tây Tạng. Việc thành lập nền hành chính của Tây Tạng ở Ấn Độ đã góp phần vào việc chăm lo cho người dân lưu vong, đồng thời tổ chức các hoạt động đấu tranh bất bạo động nhằm giành lại nền độc lập cho Tây Tạng. [5]

 

Tuy nhiên, tại Ấn Độ, người Tây Tạng, bao gồm các nhà sư, không được công nhận là người tị nạn, do Ấn Độ chưa ký công ước về tị nạn của Liên Hiệp Quốc. Đồng thời, Ấn Độ cũng không muốn gây hiềm khích với Trung Quốc nên đã không có chính sách cư trú phù hợp cho người Tây Tạng. [6]

 

Đến nay, người Tây Tạng ở Ấn Độ vẫn sống trong tình trạng pháp lý tạm bợ, mong manh, khó khăn trong tìm việc làm, mua nhà, tiếp cận tín dụng ngân hàng, thậm chí là bị một số trường đại học từ chối. Chính sách cư trú của họ có thể bị thay đổi bất cứ lúc nào. Chính điều này tạo áp lực rất lớn lên các nhà sư Tây Tạng. [7]

 

Năm 2011, có khoảng 150.000 người Tây Tạng tị nạn ở Ấn Độ, nhưng đến năm 2018 chỉ còn khoảng 85.000 người, giảm đến 44%, theo thống kê của Ấn Độ. Số người ra đi đã đến định cư ở Canada, Mỹ, Thụy Sĩ, Đức và hàng chục nước khác. [8]

 

Một lý do nữa khiến các nhà sư Tây Tạng lập trung tâm ở nước ngoài là để thu hút nguồn lực cho giáo phái của mình.

 

Các giáo phái vốn đã bị suy giảm nguồn lực hoạt động khi rời khỏi Tây Tạng, nhưng Ấn Độ cũng không phải là nơi có đông đảo tín đồ đạo Phật. Việc các nhà sư phải mở rộng hoạt động ra các quốc gia khác là rất cần thiết. Mật tông hiện nay không chỉ có tín đồ là người Tây Tạng mà còn thu nhận tín đồ từ nhiều quốc gia trên thế giới.

 

Bên cạnh tài trợ cho hoạt động tôn giáo, các nhà sư Tây Tạng khi mở rộng phạm vi hoạt động đã tranh thủ thể hiện động thái ngoại giao lên án Trung Quốc, tạo thành một mạng lưới liên kết rất chắc chắn. Cộng đồng lưu vong Tây Tạng có thể nói là một trong những cộng đồng vận động quốc tế rất thành công, duy trì được sự ủng hộ lâu dài của các tổ chức quốc tế.

 

.

Phật giáo Tây Tạng truyền vào Việt Nam

 

Nhiều thế kỷ trước, Mật tông đã ảnh hưởng đến Phật giáo Việt Nam. Nhưng dù xét ở khía cạnh nào, ảnh hưởng của Mật tông vẫn rất nhỏ, đến năm 1936 mới có một nhà sư Việt Nam được cho là đã thọ giới trực tiếp từ một nhà sư Tây Tạng, nhưng chưa lập được dòng truyền thừa nào tại Việt Nam. [9]

 

Cho đến đầu những năm 2000, vẫn chưa có nhà sư Tây Tạng nào đến Việt Nam để lập các dòng truyền thừa. Có chăng là một số nhà sư Việt Nam được thọ giới từ các nhà sư Tây Tạng và họ nỗ lực truyền bá Mật tông bằng một cách chính thức hơn.

 

Năm 2007, chính quyền cho phép người đứng đầu dòng truyền thừa Drukpa Kagyu, Gyalwang Drukpa, đã đến thăm chính thức ở chùa Hương. [10] Vị này tiếp tục có chuyến thăm Việt Nam vào năm 2008 [11], 2010 [12], 2011 [13], 2013 [14], 2014 [15], 2015 [16]. Năm 2016, ông đã tham gia lễ bổ nhiệm trụ trì chùa Tây Thiên, một ngôi chùa Mật tông của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. [17] Ba năm liên tiếp 2017 [18], 2018 [19], 2019 [20] ông đều xuất hiện trong các diễn đàn, đại lễ, Phật sự tại Việt Nam, và phải đến bốn năm sau (2023) ông mới trở lại Việt Nam một lần nữa sau đại dịch. [21]

 

Năm 2010, một vị đại sư của dòng truyền thừa Drikung Kagyu đã thăm chính thức một số nhà sư Việt Nam. [22] Năm 2015 [23] và 2016 [24], Drikung Kyabgön Chetsang, người đứng đầu dòng truyền thừa này đến Việt Nam tổ chức nhiều nghi lễ khác nhau. Đây cũng là một nhà sư lưu vong của Tây Tạng tại Ấn Độ. Ông cũng thăm Việt Nam liên tiếp vào các năm 2017 [25], 20182019 [26], 2022 [27]. Tháng 3/2023, ông đã đến dự và thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành một khu du lịch tâm linh theo dòng truyền thừa này tại tỉnh Lâm Đồng. [28]

 

Dòng Sakya là dòng Phật giáo Tây Tạng vào Việt Nam trễ nhất, bắt đầu vào năm 2017 và gián đoạn cho đến năm 2023 mới quay trở lại. [29] Tuy nhiên, trong khoảng thời gian gián đoạn này, các hoạt động tôn giáo vẫn được tiến hành thường xuyên do các nhà sư người Việt theo phái này cử hành ở trung tâm thiền tại Quận 7 và chùa của dòng này tại huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh.

 

Có thể thấy một số dòng Phật giáo Tây Tạng đã xuất hiện đều đặn tại Việt Nam trong những năm gần đây. Một số dòng còn xây dựng nhiều trung tâm thiền, thậm chí là lập chùa tại Việt Nam.

 

.

Vì sao các dòng truyền thừa Mật tông được chào đón ở Việt Nam?

 

Sự xuất hiện của các nhà sư Tây Tạng trong tất cả các chuyến thăm Việt Nam đều đã được nhà nước cho phép. Một số sự kiện còn được Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho mượn chùa để cử hành nghi lễ.

 

Có quan điểm cho rằng Việt Nam mượn nhà sư Tây Tạng để chứng minh với quốc tế rằng Việt Nam cởi mở trong vấn đề tự do tôn giáo. [30]

 

Nhận định này có thể cũng không sai khi nhiều nước ở châu Á chấp nhận các nhà sư Tây Tạng đến mở cơ sở tu tập, nhưng có lẽ còn nhiều nguyên nhân khác nữa. Trong đó, Phật giáo Tây Tạng có thể phù hợp với nhu cầu tâm linh của một bộ phận người dân.

 

Mật tông là một nhánh Phật giáo bí hiểm. Mật tông hay Kim Cương Thừa chú trọng tu tập để đạt cảnh giới giác ngộ nhanh chóng, nhánh này nổi tiếng với việc thực hành các bí thuật về thần chú, thủ ấn (bắt ấn bằng các ngón tay), tu tập bằng mandala (hình đồ mang ý niệm tôn giáo), v.v.

 

Mặt khác, theo truyền thống của Tây Tạng, các nhà sư Tây Tạng, nhất là những người đứng đầu các giáo phái được cho là hiện thân của các vị Phật.

 

Hai lý do vừa nêu trên được tìm thấy ở rất nhiều tôn giáo mới hiện nay, một phần đáng kể đến từ nước ngoài. Các tôn giáo mới này có giáo chủ lãnh đạo, họ thường tự xưng là hiện thân của Phật hay Chúa trời, đưa ra lời răn dạy, hành xử như các bậc tối cao, thiêng liêng. Hình thức tôn giáo có giáo chủ hiện thế, lại còn là hóa thân của bậc giác ngộ, đã đáp ứng nhu cầu của rất nhiều người dân.

 

Một lý do khác nữa là Phật giáo Việt Nam do các nhà sư thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam lãnh đạo đang ngày càng mất uy tín, nhất là khi dính líu đến vấn đề tiền bạc, chính trị, dần xa rời các giáo lý hay pháp môn nguyên thủy. Sự xuất hiện kịp thời của các nhà sư hải ngoại mang đến một tinh thần hoằng pháp mới. Dù vậy, Mật tông vào Việt Nam vẫn sẽ an toàn hơn khi chính quyền có thể dùng các nhà sư của giáo hội để kiểm soát các nhà sư Tây Tạng.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận một thực tế rằng Việt Nam đang có rất nhiều tôn giáo mới hoạt động, và bị chính quyền xem như một rắc rối rất lớn về chính trị, cho nên việc mời các nhà sư Tây Tạng đến Việt Nam là một ngoại lệ hiếm hoi.

 

Cho đến nay, dòng truyền thừa Gelug - dòng Phật giáo của Dalai Lama - vẫn chưa xuất hiện chính thức tại Việt Nam. Điều này có lẽ rất nhạy cảm trong vấn đề ngoại giao với Trung Quốc.

 

Trên thực tế, các hoạt động tôn giáo của Mật tông được phổ biến ở mức độ thấp, thể hiện sự cho phép có chừng mực. Ví dụ như người thủ ngôi thứ 41 của dòng Sakya, một nhân vật lưu vong nổi tiếng của Tây Tạng, đến Việt Nam suốt hai tuần nhưng vẫn không có báo chí nhà nước đưa tin. Nếu có đưa tin, báo chí thường gọi các nhà sư này là nhà sư Ấn Độ, Bhutan, chứ không gọi thẳng là nhà sư lưu vong Tây Tạng.

 

Bên cạnh đó, việc các nhà sư Tây Tạng xuất hiện tại Việt Nam có vẻ mang tính nghi lễ nhiều hơn, khi các phái đoàn này chỉ được thực hiện các hoạt động tôn giáo thuần túy trong thời hạn cho phép, thường là hai tuần. Các nhà sư Tây Tạng không được ở lại Việt Nam hay điều hành các trung tâm, chùa của mình, mà phải nhờ vào nhà sư người Việt.

 

Câu chuyện các dòng tu Mật tông đến Việt Nam một cách chính thức dường như có bàn tay của cả giới doanh nhân lẫn một số quan chức nhà nước, trước mắt là vì nhu cầu tu tập cá nhân và ý muốn quảng bá nhanh dòng Phật giáo này tại Việt Nam. Nhưng bất luận thế nào, các hoạt động tôn giáo dù được nhà nước cho phép đi nữa vẫn sẽ rất khó tạo nên tiếng vang lớn nếu không có sự tài trợ đáng kể từ những Phật tử giàu có và quyền lực.

 

======================

 

Samten Hills Dalat và các trung tâm thiền của Mật tông có nằm ngoài vòng vây kiểm soát tôn giáo?

Một ngoại lệ khác thường.

Luật Khoa tạp chí         Văn Tâm

 

“Tiêu chuẩn kép” khi ứng xử với nghề bói toán?

Chính quyền vừa công nhận vừa xử phạt người hành nghề vì mê tín dị đoan.

Luật Khoa tạp chí        Văn Tâm

 

---------

Bài liên quan

 

Khi Tây Nguyên không còn là nhà

TRẦN DUY

September 1, 2019

 

Cấm cản tôn giáo: Đâu chính, đâu tà?

VI YÊN

April 25, 2018

 

 

Tôn giáo tháng 4/2021: Hoa Kỳ đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần “quan tâm đặc biệt”

THÁI THANH

May 12, 2021

 

 

Tôn giáo tháng 9/2020: Số phận của những Thánh thất Cao Đài độc lập

TRẦN PHƯƠNG

October 10, 2020

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats