Sunday, 28 May 2023

THẤY GÌ TỪ VỊ TRÍ CỦA VIỆT NAM TRONG DANH SÁCH KHÁCH MỜI HỘI NGHỊ G7 Ở NHẬT BẢN? (RFA)

 



Thấy gì từ vị trí của Việt Nam trong danh sách khách mời hội nghị G7 ở Nhật Bản?

RFA
2023.05.26

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/what-do-we-take-away-from-vietnam-position-on-the-guest-list-of-the-g7-summit-in-japan-05262023162455.html

 

Trong hội nghị thượng đỉnh các nước G7 từ 21 đến 22/5, 2023, tại Hiroshima, nước chủ nhà Nhật Bản đã mời nhiều nước bên ngoài nhóm tham gia với tư cách khách mời, trong đó có Việt Nam. 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/what-do-we-take-away-from-vietnam-position-on-the-guest-list-of-the-g7-summit-in-japan-05262023162455.html/@@images/d2c0b4d1-5ee0-4266-862d-a931d9d4c088.jpeg

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida bắt tay Thủ tướng Phạm Minh Chính bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Hiroshima hôm 21/5/2023 .  AFP

 

Danh sách khách mời phản ánh các mối quan tâm về an ninh toàn cầu của nước chủ nhà Nhật Bản nói riêng và nhóm G7 nói chung. Khu vực Nam Thái Bình Dương có hai đại diện là Úc và đảo Cooks, Đông Bắc Á có Hàn Quốc, Đông Nam Á có Việt Nam và Indonesia, Châu Phi có đảo Comoros, và Nam Mỹ có Brazil. Khu vực Nam Thái Bình Dương lần đầu trở thành khách mời của một hội nghị G7 với đại diện là quốc đảo Cooks. Trong các khu vực nêu trên, nội dung trong chương trình nghị sự của G7 cho thấy, đối với các nước G7, vùng Biển Đông và vùng biển Nam Thái Bình Dương có mối liên hệ mật thiết với nhau. 

 

RFA trao đổi với một số chuyên gia về mối quan hệ giữa các quốc gia khách mời và chương trình nghị sự của G7 năm 2023.

 

Đối phó với mối nguy chung: Trung Quốc

 

Tiến sỹ Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu làm việc tại ISEAS - Yusof Ishak Institute, Singapore so sánh về mối tương quan giữa hai vị khách mời Việt Nam và Ấn Độ: 

 

"Trong 10 năm trở lại đây, khi Nhật Bản làm chủ tịch G7 (năm 2016 và 2023) thì Việt Nam được mời. Còn các lần khác, khi nước khác làm chủ tịch G7, Việt Nam không được mời, ngoại trừ năm 2018 được Canada mời. Điều này là do đối với nước chủ nhà, vị trí của nước khách mời có khác nhau. Đối với Nhật Bản, trong lần làm chủ tịch năm 2016, nước này mời Việt Nam nhưng không mời Ấn Độ, còn năm nay thì mời cả Ấn Độ và Việt Nam. Đối với Nhật Bản, cả hai nước đều quan trọng, dù vai trò có khác nhau. Ấn Độ quan trọng hơn về chiến lược lớn, còn Việt Nam thì quan trọng hơn về mặt an ninh khu vực.

Nhật không mời Ấn Độ năm 2016 nhưng mời năm nay cũng có lý do. Ấn đã đẩy mạnh chính sách hướng đông và chủ động tham gia vào các sáng kiến an ninh khu vực như tái khởi động QUAD từ năm 2017."

 

Cũng về vấn đề này, TS. Nagao Satoru ở Hudson Institute cho rằng Việt Nam quan trọng với Nhật Bản và vì Nhật đang là chủ tịch của nhóm G7 nên Nhật Bản mời Việt Nam thì các thành viên G7 khác đều đồng ý. 

 

Ngoài, ra TS. Nagao Satoru còn nhận định, có những quốc gia được mời vì vấn đề cuộc chiến Ukraine, và có những quốc gia khác được mời vì chiến lược đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc. Trong đó, vị trí của Việt Nam nằm trong chiến lược số hai (tức là đối phó với Trung Quốc). Ông nói tiếp:  

 

“Trước hết, các nước được mời rất quan trọng khi G7 thảo luận về cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Các nước phương Tây đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga vì xâm lược Ukraine. Nhưng các biện pháp trừng phạt sẽ không hiệu quả nếu các quốc gia ở Nam bán cầu hợp tác. Họ cần phải nói chuyện với các quốc gia ở Nam bán cầu, thuyết phục họ và đặt câu hỏi tại sao họ không hợp tác với mình. Người ta mời các nước không thuộc G7 tham dự là vì vấn đề này. 

Đó là lý do họ mời Ukraine, quốc gia đang bị Nga xâm lược, và Brazil từ Trung Nam Mỹ. Brazil là nước chủ tịch tiếp theo của G20. Nước chủ tịch hiện tại của G20 là Ấn Độ và nước chủ tịch trước đó là Indonesia cũng được mời. 

Đặc biệt có ý nghĩa quan trọng là Comoros, quốc gia quần đảo, đại diện cho Châu Phi. Từ trước đến nay, G7 thường mời Nam Phi làm khách mời. Tuy nhiên, Nam Phi hiện nay sử dụng cảng của hải quân nước này để xuất khẩu vũ khí của Nga nên họ mời Comoros thay cho Nam Phi.”  

 

Đối với chiến lược chống Trung Quốc bành trướng, TS. Nagao Satoru cho rằng Việt Nam được mời vì mục tiêu chung là an ninh khu vực.

 

Trung Quốc đã tung tàu khảo sát xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam trước hội nghị G7 hai tuần, sau khi hội nghị G7 kết thúc thì chiến dịch khảo sát của Trung Quốc trong EEZ Việt Nam vẫn tiếp tục kéo dài đến thời điểm hiện nay. Đối với Indonesia thì đường chín đoạn của Trung Quốc cũng trùm lên cả vùng thăm dò khai thác dầu khí của nước này ở khu vực đảo Natuna. Còn Nhật Bản thì bên cạnh vấn đề Senkaku còn phải đối phó với các chiến dịch xâm nhập vùng trời liên tục của Trung Quốc gần đây.

 

TS. Nagao Satoru nhận xét về mối quan hệ của Việt Nam và Indonesia với Nhật Bản cả từ góc nhìn hiện tại và lịch sử:

 

“Nội dung quan trọng thứ hai của G7 tại Hiroshima là chúng tôi phải đối phó với Trung Quốc. Nhật Bản là quốc gia G7 duy nhất nằm ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hoa Kỳ là quốc gia toàn cầu, nằm ở cả ba đại dương: Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Đó là lý do tại sao chúng tôi muốn thảo luận không chỉ các biện pháp chống lại Nga, mà cả các biện pháp chống lại Trung Quốc. Nhìn vào các quốc gia khách mời, Ấn Độ, Úc, Việt Nam, Indonesia, Quần đảo Cooks và Hàn Quốc, tôi thấy đây đều là các quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

 

Trong đó, Việt Nam cùng với Indonesia là những quốc gia được Nhật Bản coi trọng. Thủ tướng Abe và Thủ tướng Kan đều chọn Việt Nam và Indonesia để thăm trước hết, ngay sau khi nhậm chức. Thủ tướng Kishida cũng đã đến thăm Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Ấn Độ trong những ngày đầu nhậm chức. Sở dĩ các lãnh đạo Nhật Bản chọn như vậy là do chúng tôi đang tập trung vào nhóm bộ tứ QUAD, với sự tham gia của Ấn Độ và Úc, và ASEAN với hai đại diện quan trọng là Việt Nam và Indonesia.

 

Tôi nghĩ rằng trên thực tế, xu hướng này đã tiến triển kể từ thời Thủ tướng Shinzo Abe. Thủ tướng Abe có xu hướng tập trung vào Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ và Đài Loan. Đây là những nước ít chỉ trích Nhật Bản hơn về các vấn đề lịch sử trong Thế chiến thứ hai. Lính Nhật hoặc cựu quân nhân thời đế quốc Nhật hợp tác với các phong trào độc lập ở Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ. (RFA chú thích: Sau năm 1945, hàng trăm cựu quân nhân Nhật Bản không về nước mà ở lại làm cố vấn cho Quân đội Việt Minh đánh Pháp.) Cũng tại Đài Loan, sau Thế chiến thứ hai, Nhật Bản cũng trở thành một "cố vấn quân sự" cho quân đội Đài Loan. Mối quan hệ của họ rất mạnh mẽ vì nền tảng lịch sử này của họ.

 

.

Lợi ích của Nhật Bản trong quan hệ với Việt Nam 

 

Tuy nhiên, cũng theo TS. Nagao, bên cạnh mục tiêu chung là an ninh khu vực, Nhật Bản mời Việt Nam tham gia hội nghị G7 năm 2023 còn vì lý do riêng của nước chủ nhà, là muốn thắt chặt hơn nữa quan hệ Việt Nam và Nhật Bản. TS. Nagao phân tích tiếp:

 

“Ngày nay, mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam đang ngày càng sâu sắc trên các phương diện an ninh, kinh tế và giao lưu nhân dân. Về an ninh, hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam đang ngày càng sâu rộng trong việc chống lại Trung Quốc. Nếu Nhật Bản và Việt Nam hợp tác, chi tiêu quân sự khổng lồ của Trung Quốc sẽ được chia thành hai hướng chứ không thể tập trung hẳn vào một trong hai nước. 

 

Về mặt kinh tế, các nhà máy Nhật Bản ở Trung Quốc đang bắt đầu chuyển đến Việt Nam. So sánh với Trung Quốc thì Việt Nam cũng có nhiều nhân lực chất lượng cao. Và xét về con người, nếu nhìn vào số lượng người nước ngoài ở Nhật Bản thì người Trung Quốc là nhiều nhất, tiếp theo là người Việt Nam. Các trường đại học Nhật có thể giảm sự phụ thuộc vào sinh viên Trung Quốc bằng cách tăng số lượng sinh viên từ Việt Nam. Đó là lý do Nhật Bản coi trọng Việt Nam và đó là lý do chúng tôi muốn mời Việt Nam tham gia G7.”

 

Còn theo TS. Hà Hoàng Hợp, mặc dù không phải là thành viên G7, Việt Nam có tầm quan trọng đối với cuộc họp G7 năm 2023 vừa qua tại Nhật Bản vì nhiều lý do. Trong đó, theo TS. Hoàng Hợp, về lý do kinh tế, Việt Nam là một trong những nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng ở khu vực Đông Nam Á, đóng vai trò là một đối tác thương mại quan trọng đối với các thành viên G7. Đối với các vấn đề toàn cầu, Việt Nam có một vị trí chiến lược trong khu vực Đông Nam Á, nên có thể góp mặt trong các vấn đề như chống biến đổi khí hậu, an ninh, chính trị và phát triển bền vững. Ngoài ra, Việt Nam và Indonesia có thể giúp G7 hiểu rõ hơn về Đông Nam Á và cách nhìn của vùng này về các vấn đề an ninh khu vực. Việt Nam có thể góp phần đưa ra quan điểm và các giải pháp cho các nước G7 đối với các vấn đề an ninh toàn cầu như chống khủng bố, an ninh mạng và tình hình biển Đông.

 

-----------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

·        “Không thể tin tưởng được Trung Quốc”, Việt Nam cần chuẩn bị đối phó chủ động hơn “chiến thuật vùng xám mới”

·        Diễn biến nhanh của Trung Quốc ở Biển Đông và ứng phó của Việt Nam

·        Việt Nam lo ngại về nhà hàng lẩu của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm

·        Việt Nam trong các sự kiện ngoại giao cấp tập của Nga-Trung- Nhật

·        Học giả Nhật Bản: Việt Nam không nên ‘tập quyền’ vào tay một người, cần ‘tranh luận công khai với giới bất đồng chính kiến’

 

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats