Monday 29 May 2023

NGHĨ VỤN TỪ CON HẼM (Lê Huyền Ái Mỹ)

 



Nghĩ vụn từ con hẻm  

Lê Huyền Ái Mỹ

29/05/2023

https://baotiengdan.com/2023/05/29/nghi-vun-tu-con-hem/

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/05/1-35.jpeg

Ảnh: FB tác giả

 

Hôm cuối tuần, nổi cơn thèm pizza 4P, đặt chỗ Hai Bà Trưng, 12 giờ, hết. Tìm qua Lê Thánh Tôn, may mà còn. Lủi vô hẻm 15, con dốc thoai thoải y như bên Hàn Quốc, hàng quán san sát, thực khách Nhật, Hàn, Việt nhộn nhịp. Cũng là quận 1, mặc cho mấy mặt tiền im ỉm, xao xác, nơi những con hẻm này, mọi thứ vẫn tấp nập, thoải mái, bình yên.

 

Xong, đi bộ đến góc Thi Sách, tiệm bánh Nhật cũng đông không kém. Cũng là khách Nhật, Việt ghé mua, những món bánh, kem quen thuộc như sở thích lâu nay. Ai nấy đều nhẹ nhàng, nhanh gọn.

 

Cảm giác như một góc Sài Gòn này đang đứng ngoài những “chỉ số suy giảm”. Và tôi thích cái cách nó “thách” những thứ buộc ràng nó, chồng chất lên nó lâu nay, như một tự tánh, tay làm hàm nhai…

 

Cũng mấy hôm rày thành phố rộn ràng nghị quyết mới thay thế nghị quyết 54, tôi lướt qua các báo, tựa nào cũng tràn đầy “hy vọng” và “cơ hội”, không khác mấy 54 của 5 năm trước. 5 năm trước, ngay khi Quốc hội bấm nút thông qua, tỷ lệ cao ngất, một lãnh đạo ủy ban nói với tôi, không thực hiện được đâu.

 

5 năm sau, bài học kinh nghiệm còn tươi rói, “tổng công trình sư” 54 còn ngồi ngay đó, nhưng đúng dịp thảo luận nghị quyết thay thế 54, ông lại chọc cho dư luận dậy sóng bởi những phát biểu đúng chất “khoa học đãng trí”. Thật là “lỗi định mệnh”.

 

Giờ, cái thiếu (nên dẫn tới cái yếu) của 54 là cách thức nào để thực hiện 27 cơ chế đặc thù trong nghị quyết mới thay thế này, là điều tiên quyết. Cái nghị quyết gọi là “cho phép TP.HCM thực hiện cơ chế đặc thù”, trong trường hợp còn chồng lấn, mâu thuẫn, xung đột với luật thì Quốc hội, Chính phủ sẽ gỡ ngay cho thành phố ra sao. Bấm nút rồi thì cùng mà “tháo nút”, “gỡ nút” nha, hông chơi “cắt nút”, vài năm sau lại “hồi tố”, truy “theo quy định của pháp luật” mà bỏ qua “thí điểm, đặc thù” nha…

 

Ví dụ, một trong 27 cơ chế đặc thù là được mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối tác công tư với dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao văn hóa. Nhưng tại Luật số 64/2020/QH14 Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, điều 4 về Lĩnh vực đầu tư thì lại không có áp dụng cho văn hóa thể thao.

 

Hôm nay, đọc phát biểu của ông bí thư thành ủy nói “Phải hành động một cách nhanh nhất có thể để triển khai, đưa nghị quyết vào cuộc sống. Phải tranh thủ mọi thời gian, khi chính sách có hiệu lực là chúng ta triển khai ngay”. Hôm trước, ông chủ tịch thành phố nói, đã chuẩn bị đội ngũ để cụ thể hóa nghị quyết mới nếu được thông qua. Ít nhất, có được hai từ khóa “hành động” và “cụ thể”.

 

Tôi đọc 2 nghị quyết của Bộ Chính trị 31-24, vẫn thế, như đã từng gần nửa thế kỷ qua, thành phố này tiếp tục là “hột nhân”, “cực tăng trưởng” của vùng; Đông Nam Bộ này cùng với Tây Nam Bộ tiếp tục gánh vác trọng trách liên vùng. Hôm qua, đọc thấy thủ tướng dự lễ khởi công đường bộ cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang; hôm kia nhìn thấy hàng loạt nhà dân, nhà kho ở An Giang, Đồng Tháp bị sạt lở xuống kênh.

 

Nay đọc thêm nghị quyết mới trình Quốc hội, TP.HCM được “cho phép” khá nhiều nội dung. Mừng rớt nước mắt cho một thành phố đã cần cù, siêng năng lại còn rất… lễ phép!

 

Nên trộm nghĩ, có khi cứ giăng giăng mặt tiền đóng cửa vậy cũng hay, có riêng gì Sài Gòn; Hà Nội, Đà Nẵng cũng “ế” đầy ra đó, để sự sống, sức sinh tồn nơi những con hẻm, nơi người ta tìm đến, quần cư, cộng cảm, tự nó nuôi lấy nó mà không chờ một sự “cho phép” nào.

 

.

14 BÌNH LUẬN  





No comments:

Post a Comment

View My Stats