Hoa
Kỳ phải ngừng làm người biện giải cho chính phủ Netanyahu
TNS Bernie
Sanders - New York Times
Nhã Duy, chuyển ngữ
17/05/2021
https://baotiengdan.com/2021/05/17/hoa-ky-phai-ngung-lam-nguoi-bien-giai-cho-chinh-phu-netanyahu/
“Do Thái có quyền tự vệ.” Đây là những lời mà
chúng ta hay nghe mỗi khi chính phủ Do Thái trả đũa các cuộc tấn công bằng phi
đạn từ Gaza bằng sức mạnh quân sự khổng lồ của mình, từ cả phía nội các Dân Chủ
lẫn Cộng Hòa.
Chúng ta hãy nói cho rõ ràng. Chẳng ai tranh
cãi rằng Do Thái hay bất kỳ chính phủ nào không được quyền tự vệ hoặc bảo vệ
người dân của mình. Vậy sao cụm từ này cứ được lặp đi lặp lại năm này qua năm
khác, từ cuộc chiến này đến cuộc chiến khác? Và tại sao một câu hỏi hầu như chẳng
bao giờ được đặt ra là, “người dân Palestine có những quyền gì?”.
Và tại sao chúng ta dường như chỉ chú ý đến bạo
lực ở Do Thái và Palestine mỗi khi đạn pháo rơi xuống Do Thái?
Trong thời điểm khủng hoảng này, Hoa Kỳ nên
thúc giục một lệnh ngừng bắn ngay lập tức. Chúng ta cũng nên hiểu rằng, trong
khi Hamas phóng phi đạn sang các khu vực Do Thái là hoàn toàn không thể chấp nhận
được, thì cuộc xung đột hiện nay không khởi đầu bằng chuyện bắn những phi đạn
đó.
Các gia đình người Palestine tại khu vực
Sheikh Jarrah thuộc Jerusalem đã phải sống dưới nguy cơ bị đuổi khỏi nhà trong
nhiều năm trời, chịu đựng một hệ thống pháp luật được kiến tạo nhằm tạo điều kiện
dễ dàng cho việc cưỡng chế di dời họ. Và trong những tuần qua, những người cực
đoan đã gia tăng những nỗ lực tống xuất họ.
Bi thảm thay, những vụ tống xuất đó chỉ là một
phần của hệ thống đàn áp về kinh tế và chính trị to lớn hơn. Trong nhiều năm trời,
chúng ta đã chứng kiến sự lấn chiếm ngày càng sâu rộng của Do Thái tại West Bank và Đông
Jerusalem, tiếp tục phong tỏa dải Gaza khiến đời sống người Palestine ngày càng
trở nên khốn đốn hơn. Với khoảng hai triệu dân tại Gaza, 70% thanh niên thất
nghiệp và chẳng có mấy hy vọng gì cho tương lai.
Hơn
nữa, chúng ta đã thấy chính phủ của Benjamin Netanyahu đang loại trừ và đối xử
tàn nhẫn các công dân Palestine tại Do Thái, theo đuổi các chính sách được dàn
dựng nhằm ngăn chặn khả năng có được một giải pháp hai quốc gia và thông qua
các luật lệ gây bất công có hệ thống giữa người Do Thái và Palestine cùng là
công dân Do Thái.
Không phải để bào chữa cho các cuộc tấn công của
Hamas nhằm khai thác tình trạng bất ổn tại Jerusalem hoặc sự thất bại của nhà cầm
quyền tham nhũng và yếu kém Palestine mà gần đây đã hoãn các cuộc bầu cử quá hạn
từ lâu, nhưng thực tế là Do Thái vẫn là nhà cầm quyền có chủ quyền duy nhất
trên đất Do Thái và Palestine, thay vì chuẩn bị cho hòa bình và công lý thì họ
đã củng cố sự kiểm soát bất công và phi dân chủ của mình.
Trong hơn một thập niên nắm quyền cánh hữu tại
Do Thái, ông Netanyahu đã nuôi dưỡng một loại chủ nghĩa dân tộc kỳ thị ngày
càng cố chấp và độc đoán. Trong nỗ lực điên cuồng nhằm duy trì quyền lực và
tránh bị truy tố tội tham nhũng, Netanyahu đã hợp pháp hóa phe nhóm bằng cách
đưa Itamar Ben Gvir và đảng Jewish Power cực đoan của ông vào chính phủ. Thật
là sốc và đáng buồn khi một đám đông kỳ thị chuyên tấn công người Palestine
trên các đường phố Jerusalem mà giờ đây lại có đại diện tại nghị viện.
Những xu hướng nguy hiểm này không phải chỉ có
tại Do Thái mà trên khắp thế giới, ở châu Âu, châu Á, Nam Mỹ và ngay chính tại
Hoa Kỳ này, chúng ta cũng đã thấy sự trỗi dậy của các phong trào chủ nghĩa dân
tộc độc tài tương tự. Các phong trào này khai thác sự thù hận sắc tộc và chủng
tộc để xây dựng quyền lực cho một số ít lũng đoạn hơn là sự phồn thịnh, công bằng
và an bình cho nhiều người. Trong bốn năm qua, những phong trào này đã có một
người bạn như vậy trong Bạch Ốc.
Đồng thời, chúng ta cũng đang chứng kiến sự trỗi dậy của một thế hệ mới của những nhà
hoạt động muốn xây dựng xã hội dựa trên những nhu cầu con người và sự bình đẳng
chính trị. Chúng ta đã nhìn thấy những nhà hoạt động này trên đường phố nước Mỹ
vào mùa Hè năm ngoái sau vụ sát hại George Floyd. Chúng ta thấy họ tại Do Thái.
Chúng ta thấy họ tại các vùng lãnh thổ của người Palestine.
Với một tân tổng thống, Hoa Kỳ giờ đây có cơ hội
phát triển một cách tiếp cận mới với thế giới, cách tiếp cận dựa trên công lý
và dân chủ. Bất kể đó là việc giúp các nước nghèo có được thuốc chủng ngừa họ đang
cần hay lãnh đạo thế giới chống lại sự biến đổi khí hậu hoặc tranh đấu cho dân
chủ và nhân quyền trên toàn cầu, Hoa Kỳ phải lãnh đạo bằng cách thúc đẩy sự hợp
tác hơn là xung đột.
Tại Trung Đông, nơi mà chúng ta viện trợ cho
Do Thái gần bốn tỷ đô la mỗi năm thì chúng ta không thể cứ là những người biện
giải cho chính phủ cánh hữu của Netanyahu, cũng như thái độ phản dân chủ và
phân biệt chủng tộc của họ. Chúng ta phải thay đổi đường lối và áp dụng một
cách tiếp cận công bằng, cái cách gìn giữ và củng cố luật pháp quốc tế liên
quan đến việc bảo vệ dân thường, cũng như luật lệ hiện hành của Hoa Kỳ đã quy định
rằng việc viện trợ quân sự của Hoa Kỳ không được để xảy ra những vi phạm nhân
quyền.
Đường lối này phải công nhận rằng, Do Thái có
quyền tuyệt đối được sống trong hòa bình và an ninh, nhưng người Palestine cũng
được vậy. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng Hoa Kỳ có vai trò to lớn trong việc giúp đỡ
người Do Thái và người Palestine để xây dựng tương lai đó. Nếu Hoa Kỳ trở
thành một tiếng nói tín cẩn về nhân quyền trên toàn cầu, chúng ta phải duy trì
các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền một cách nhất quán, ngay cả khi có khó
khăn về mặt chính trị.
Chúng ta phải công nhận rằng những quyền của
người Palestine là quan trọng. Mạng sống của người Palestine là quan trọng.
_____
Thượng
Nghị Sĩ Bernie Sanders là một người Mỹ gốc Do Thái.
No comments:
Post a Comment