COVID
tái phát, người lao động tuyệt vọng
28/05/2021
https://www.voatiengviet.com/a/covid-tai-phat-nguoi-lao-dong-tuyet-vong/5906827.html
https://gdb.voanews.com/6BC30817-C180-410D-8ED2-F1CEEEC891C2_w650_r1_s.jpg
Ảnh tư liệu - Nhân
viên Y tế phun độc khử trùng khu xét nghiệm Covid-19 ở Hà Nội trong đợt bùng
phát đầu năm 2020
Covid tái bùng phát suốt gần tháng qua tại Việt
Nam với số lượng lây nhiễm lớn và trên diện rộng. Các biện pháp phòng chống dịch
nghiêm ngặt đã được triển khai tại nhiều địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh hay
Hà Nội. Giữa nỗi lo về bệnh tật, phần lớn mọi người đều có ý thức chấp hành để
bảo vệ bản thân và gia đình. Bệnh dịch tái phát, tình cảnh tuyệt vọng của người
lao động nghèo một lần nữa lại chồng chất thêm sau những khó khăn họ đã gánh chịu
trong suốt hơn một năm qua.
Chị Nguyễn Thị Hằng, một cư dân ở quận Ba
Đình, Hà Nội, cho VOA biết tình cảnh gia đình chị hiện rất khó khăn. Nhiều
tháng qua, hai người em trai của chị vốn là tài xế xe khách đường dài đã nghỉ
việc hoàn toàn. Buổi sáng, cả nhà chị chịu khó ăn muộn một chút để khỏi ăn
trưa. Gia đình chị đang dựa vào số tiền dành dụm phòng thân và thắt chặt chi
tiêu để cầm cự đến khi có thể quay trở lại làm việc như trước.
“Bây giờ mỗi xe khách đi Bắc–Nam người ta chỉ
cho trở tối đa 10 người. Thế thì người ta ăn bằng cái gì, liệu tiền vé có đủ để
chi trả tiền xăng không? Nên đâu có ai chạy xe làm gì. Hơn thế thì thời gian
này, người ta kiểm soát chặt đối với xe khách lắm, vì thời gian gần đây phát hiện
nhiều vụ người Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam được đưa đi bằng xe khách. Nên
thật sự chỉ biết nghỉ ở nhà thôi, chứ chủ xe người ta cho xe chạy để lỗ vốn
à?”chị than thở với VOA.
Chị Hằng nói không chỉ gia đình chị mà những
người hàng xóm xung quanh, vốn buôn bán lặt vặt, sống dựa vào hè phố, cũng đang
cực kỳ khó khăn kể từ khi Hà Nội cấm buôn bán vỉa hè từ đầu tháng 5 vì dịch bệnh
bùng phát.
“Bà hàng xóm nhà chị, nhà bà mãi trong ngõ,
ngày thường bán nước chè và bánh mì pa-tê vỉa hè cũng được 15-20 chiếc mỗi
ngày, rồi cả tiền thu từ trà đá nữa. Giờ cấm, chỉ cho bán mang về thì quán nước
là chỗ người ta ngồi nghỉ, bấm điện thoại mà bây giờ mua mang về chỗ làm thì
khác gì người ta mang nước chè nhà người ta đi. Mỗi ngày may lắm giờ bán được
7-8 cái bánh. Còn lại một nửa là ế, hai ngày để dồn lại mốc xanh mốc đỏ cả. Giống
như cái cây nó đã gục rồi, mà chưa kịp hồi phục lại ập thêm một đợt dịch nữa
thì đúng là gục hẳn thôi,” chị bày tỏ ngao ngán.
Với tình cảnh khó khăn của nhiều hộ dân, đặc
biệt là tại Bắc Giang và Bắc Ninh khi các loại nông sản như vải, dưa và một số
rau quả khác đang vào vụ thu hoạch, các chương trình ‘giải cứu’ lại tiếp tục được
vận động. Tuy vậy, theo chị Hằng, cách ‘giải cứu’ dựa vào sức dân lúc này là
không thể vì nhiều gia đình, cụ thể như gia đình chị, thực sự chẳng còn khả
năng để tương trợ ai.
“Thằng em chơi với mình mấy ngày vừa rồi cho bốc
một xe dưa khoảng 1 tấn giải cứu cho nông dân Bắc Giang nhưng nó chỉ đi một lần
rồi thôi, vì theo nó là người dân còn tiền đâu mà giải cứu. Đấy là tư nhân đấy.
Bây giờ chỉ có trông chờ vào nhà nước thì mới có tiền để mua nhiều thôi,” chị kể.
Đối với những gia đình có điều kiện kinh tế tốt
hơn một chút, tức là có cửa hàng mặt phố để kinh doanh, vào thời điểm này cũng
chỉ cầm cự qua ngày vì lượng khách giảm tới 2/3 vì tâm lý sợ dịch không muốn ra
khỏi nhà.
Chị Đỗ Thanh Nga, một chủ tiệm ở quận Hoàn Kiếm,
cho biết:
“ Ảnh hưởng nhiều lắm chứ. Chỗ cửa hàng của
mình đây này, một hai hôm nay mình cũng chẳng buồn về nữa, chả biết còn bán hay
đóng cửa. Nhưng khách mà người ta không được vào để chọn hàng thì ai người ta
mua. Trong hoàn cảnh này thì mỗi người, mỗi nhà phải có giải pháp để gắng gượng
thêm được lúc nào biết lúc đó thôi.”
Đối với những gia đình lao động như gia đình
chị Hằng, dịch bệnh vẫn còn rất lâu và rất xa nữa. Cơ hội để thoát dịch và phục
hồi vẫn chưa thấy khi mà vaccine đối với người dân còn là chuyện khá xa vời.
“Ngay gần như mình đây này có cái trạm y tế
nên mình biết hết. Vừa rồi họ gọi lực lượng công an ra đấy tiêm vaccine. Như vậy
là ngay công an và quân đội cũng chưa có đủ vaccine, rồi cả y bác sĩ nữa. Chưa
kể đến chuyện các ông các bà trong ngành lại dùng quan hệ để nhờ tiêm cho vợ
cho chồng, con cái, người thân của mình thì đến bao giờ mới tới lượt những người
như mình. Có khi 3 năm nữa cũng chưa có vaccine tiêm vào người cũng chưa biết
chừng,” chị Hằng bình luận.
Nhưng theo chị, đợt bùng phát này cũng có một
chút đỡ ảm đạm hơn so với lần bùng phát đầu tiên cách đây hơn một năm.
“Lại bắt đầu khó khăn như đợt bùng phát dịch lần
đầu. Nhưng có điều là cho đến nay thì người dân không hoang mang như đợt bùng
phát đầu tiên nữa. Chủ yếu là do sống với Covid suốt một thời gian dài rồi,” chị
chia sẻ.
No comments:
Post a Comment