27/05/21
https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/21598-hanh-huong-v-c-i-ngu-n
Có những địa danh mà nhiều người bảo rằng chỉ
cần đến "xem" rồi chết cũng được. Thời trung học, không rõ từ đâu,
tôi cũng nghe được câu : "Xem Ba Lê rồi chết" (voir Paris et mourir)
! Thời trai trẻ, chỉ biết và chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp, lúc nào tôi cũng
mơ được một lần đặt chân đến nơi thường được mệnh danh là "kinh thành ánh
sáng" đó. Mãi đến đầu thập niên 1980, giấc mơ của tôi mới thành hiện thực.
Dòng sông Seine chảy lững lờ xuyên qua thành phố Ba Lê, nếu so với những dòng
sông mà tôi đã từng chiêm ngắm ở Việt Nam của tôi, thật ra cũng chẳng bề thế và
thơ mộng lắm. Chỉ có điều là khi học địa lý của mẫu quốc, vì đã mơ được một lần
tận mắt ngắm nhìn dòng sông này, cho nên lần đầu tiên đi dọc theo bờ sông, phải
nói là tôi đã ngây ngất. Ngây ngất chỉ vì mình đã "mục sở thị" điều
mình đã mơ được thấy ! Cùng với dòng sông Seine, còn có vô số những di tích lịch
sử khác của Ba Lê mà tôi cũng cảm thấy "ngây ngất" khi đặt chân tới.
Đặc biệt, với tôi là một tín đồ công giáo, nhà thờ Đức Bà Ba Lê (Notre Dame de
Paris) là nơi đã ghi lại một dấu ấn rất mạnh. Thú vị nhứt có lẽ là giây phút
tôi đứng dưới chân tháp nơi mà văn hào Victor Hugo (1802-1885) đã cho người gù
Quasimodo kéo từng hồi chuông.
https://live.staticflickr.com/65535/51206800298_2ea9094366.jpg
Cũng may, tôi đã "xem" Ba Lê mà vẫn
còn sống nhăn để tiếp tục mơ được "xem" nhiều nơi khác trên thế giới.
Năm 1985, bước chân lãng du đã đưa tôi đến La Mã. Học lõm đôi ba câu tiếng Ý,
tôi lại nghe có người bảo "Xem La Mã rồi chết" (vedere Roma e dopo
morire). Mà quả thật, với tôi La Mã là một trong những thành phố đáng
"xem" nhứt. Ở đâu tôi cũng nhìn thấy những di tích lịch sử. Tôi đã bỏ
ra nguyên một tháng mà vẫn chưa "xem" hết những di tích lịch sử ấy.
https://live.staticflickr.com/65535/51207361639_2037217a42.jpg
Ý còn có một thành phố khác mà người ta cũng bảo
đến "xem" rồi chết cũng đáng. Đó là Napoli (Naples), thành phố lớn thứ
ba của nước Ý. Tôi lại học thêm một câu tiếng Ý khác : "Hãy đến xem Napoli
rồi hãy chết" (Vedi Napoli e poi muori). Sợ chết quá cho nên tôi không dám
đến Napoli mà lại lên tận miền Bắc Ý để "xem" cho bằng được một thành
phố nổi tiếng khác của Ý là Venezia (Venise). Tại đây, người ta cũng bảo :
"xem Venezia rồi chết" (Vedere Venezia e morire). Thật đáng đồng tiền
bát gạo để đến "xem" thành phố thời trung cổ này. Được xây dựng trên
hơn một trăm hòn đảo nhỏ, cả thành phố là một công trình kiến trúc trên nước.
Đi đâu cũng thấy nước. Vốn sinh ra và lớn lên bên cạnh hai con sông cho nên với
tôi, "xem" Venezia cũng giống như trở về quê nhà.
https://live.staticflickr.com/65535/51207361624_c9bddf46d1.jpg
Thế giới có vô số nơi để "xem" rồi
chết cũng được. Nhưng tôi chưa được "xem" bao nhiêu thì tuổi đời
không còn bao nhiêu nữa. Nay trước khi "về cội", có một nơi ở Úc Đại
Lợi mà tôi luôn nghĩ phải là nơi cuối cùng phải đến "xem" một lần rồi
chết cũng được. Đó là núi "Uluru" hay còn gọi là Ayers Rock (Hòn đá
Ayers), nơi được xem là linh thánh nhứt của người thổ dân Úc. Được Tổ chức Giáo
dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) xem là một di sản của thế
giới mà một công dân Úc như tôi không đến "xem" quả là một thiếu sót
lớn.
https://live.staticflickr.com/65535/51205882727_c0d0097df7.jpg
Tuần qua, một dịp may hiếm có đã đến : tôi được
cơ hội tháp tùng một người thân lái xe từ Sydney đi xuyên qua biên giới của 3
tiểu bang NSW, Victoria và Nam Úc để đến Alice Springs, một thành phố thuộc
Lãnh Thổ Bắc Úc (Northern Territory). Trước khi đến Alice Springs, chúng tôi dừng
lại Uluru. Thật ra, với riêng tôi, Uluru mới là điểm đến trong cuộc hành trình
dài gần 4000 cây số từ bờ biển phía Đông đến tận trung tâm của nước Úc. Tại đây
có cả một xa lộ dài 250 cây số và một phi trường chỉ dành riêng để phục vụ
khách du lịch muốn đến Uluru. Giữa sa mạc mênh mông, dòng xe qua lại cũng chỉ
chuyên chở toàn khách du lịch đến xem Uluru. Nhưng tôi không xem việc đến
"xem" Uluru như một chuyến du lịch mà là một cuộc hành hương và hành
hương về cội nguồn. Tôi không chỉ đến đây để "xem" hòn đá vĩ đại này
đổi màu tùy theo ánh nắng mặt trời. Tôi cũng chẳng đến đây để chụp một tấm hình
lưu niệm. Tôi chiêm ngắm hòn đá linh thiêng này để trở về cội nguồn của người
thổ dân, những người đã từng có mặt tại Úc Đại Lợi cả 40 ngàn năm. Và hiểu theo
một ý nghĩa nào đó, họ cũng là những người có một nền "văn hóa" riêng
đáng được tôn trọng.
https://live.staticflickr.com/65535/51207660440_554b2157a0.jpg
Mới đây Đài truyền hình CNN của Mỹ đã sa thải
một nhà bình luận vì cho rằng người da đỏ tại Hoa Kỳ chẳng có một nền "văn
hóa" nào cả. Nhà bình luận này là ông Rick Santorum, một người đã từng
tham gia vào cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc hồi năm 2016 dưới lá cờ của Đảng Cộng
Hòa. Lý do ông Santorum bị Đài CNN chấm dứt hợp đồng là vì, lên tiếng trong một
đại hội của những người bảo thủ, ông khẳng định rằng trước khi người da trắng đến
định cư tại Bắc Mỹ, người bản địa da đỏ chẳng có bất cứ nền văn hóa nào cả hay
văn hóa của họ chẳng ăn nhập gì với văn hóa Mỹ (1).
Phần lớn người Úc da trắng cũng đã từng nghĩ
như thế về người thổ dân. Trong cuốn phim tài liệu có tựa đề "Lịch sử Châu
lưu trong máu của tôi" (In my blood it runs) được thực hiện hồi năm 2019,
một nhà làm phim người Úc là bà Maya Newell đã cho thấy một ý thức và một cái
nhìn khác của chính người thổ dân. Cuốn phim được mở đầu với cảnh một giáo viên
giơ cao cuốn truyện bằng tranh vẽ có tựa đề "The Australia Book" được
soạn thảo hồi năm 1952 rồi đọc : "Tại Vịnh Botany, (thuyền trưởng) Cook cập
bến lần đầu tiên tại một đất nước mới. Sau đó ông cho thuyền đi dọc theo bờ biển,
đến đâu vẽ bản đồ đên đó... Tại một hòn đảo ở Mũi York, ông giương cao cờ Anh
Quốc. Và ông tuyên bố toàn bộ vùng đất mới này thuộc về nước Anh".
Một cậu bé thổ dân 10 tuổi tên là Dujuan đã
giơ tay phản đối : "Bài học trên đây dành cho người da trắng chớ không phải
người thổ dân. Người này (thuyền trưởng Cook) đến trên một chiếc thuyền và ông
ta là người da trắng đầu tiên đặt chân đến Úc Đại Lợi. Người thổ dân đã bảo họ
đi và tìm một vùng đất khác, bởi vì đây là đất của họ (người thổ dân). Nhưng họ
(người da trắng) đã không nghe" (2).
Bài học mà cậu bé thổ dân Dujuan đã "dạy"
cho người da trắng cũng chính là bài học mà cậu đã học được từ cha mẹ, ông bà
và tổ tiên của họ. Đây là bài học mà nhà làm phim Newell cũng đã cố gắng tiếp
thu khi đến sống với gia đình của Dujuan tại một vùng ngoại ô của Alice Springs
trong nhiều tuần lễ để thực hiện cuốn phim tài liệu về cuộc sống của người thổ
dân. Dân số của thành phố này có khoảng 30 ngàn người, trong số này có 20 phần
trăm là người thổ dân. Hầu hết những người thổ dân tại Alice Springs đều phải sống
trong các trung tâm tạm cư được thiết lập vào thập niên 1960, khi Chính phủ Úc
cưỡng bách họ phải rời bỏ đất đai của họ. Người thổ dân tại Alice Springs sống
chẳng khác nào người tỵ nạn ngay trên chính quê hương của họ, dưới sự theo dõi
và giám sát rất chặt chẽ của cảnh sát. Tại đây, hầu hết các xe cảnh sát đều là
những chiếc xe thùng dùng để săn lùng và chuyên chở những người phạm pháp. Trước
cửa một tiệm bán bia rượu bên cạnh trung tâm thương mại Woolworths, suốt ngày
lúc nào tôi cũng thấy có 2 viên cảnh sát túc trục để xét giấy tờ tùy thân của
khách hàng. Và dĩ nhiên, đa số khách hàng là người thổ dân. Không béo phì vì thức
ăn nhanh (fast food), thì người thổ dân cũng bị nghiện ngập, bị tiểu đường loại
hai hay mắc phải những chứng bệnh khác do những thứ đồ ăn, thức uống và vi khuẩn
mà chính người da trắng đã mang tới.
"Ánh sáng văn minh" hay "văn
hóa" của người da trắng đã bứng người thổ dân ra khỏi môi trường sống tự
nhiên của họ và truyền cho họ vô số bệnh tật và tệ nạn xã hội chưa từng có trước
khi người da trắng đặt chân đến Úc Đại Lợi. Theo thống kê, mặc dù con số thiếu
niên thổ dân tuổi từ 10 đến 14 chỉ chiếm có 6 phần trăm số thiếu niên Úc trong
độ tuổi này, nhưng 70 phần trăm thiếu niên phạm pháp hiện đang bị giam giữ
trong những trung tâm cải huấn trên toàn quốc Úc lại là thiếu niên thổ dân.
Riêng trong Lãnh thổ Bắc Úc, tình hình lại càng tồi tệ hơn : tính đến cuối
tháng Ba năm nay, cứ 33 thiếu niên Úc bị giam giữ, có đến 31 em là người thổ
dân.
Mục đích của hành hương là để sám hối. Hành
hương đến Hòn đá Uluru thánh thiêng của người thổ dân Úc và nhìn cảnh họ lang
thang suốt ngày trên các đường phố Alice Springs rồi liên tưởng đến nạn kỳ thị
chủng tộc mà người Mỹ gốc Phi Châu hiện đã và đang gánh chịu từ ngày quốc gia
được gọi là Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ được thành lập, tôi thấy không thể không làm
một cuộc sám hối. Sám hối là bởi lẽ, trong suốt cuộc sống, ít hay nhiều tôi cũng
đã từng nuôi dưỡng sự miệt thị và ngay cả thù hận đối với những người không
cùng màu da, văn hóa, ngôn ngữ hay tôn giáo với tôi. Ở Mỹ hiện nay không chỉ có
"thượng đẳng da trắng" mà còn có cả "thượng đẳng da vàng" nữa.
Tôi thường dễ quên mất một chân lý tối thượng trong cuộc sống. Đó là loài người
liên đới chặt chẽ với nhau và nhứt là, bên kia màu da, ngôn ngữ, văn hóa, tôn
giáo và trình độ phát triển, tất cả mọi người có mặt trên đất này đều giống
nhau. Chỉ xét về bộ "gen", dù thuộc chủng tộc nào, mọi người đều giống
nhau đến 99 phần trăm. Còn xét về những nhu cầu cơ bản, cách suy nghĩ và cảm
xúc, ở đâu và thời nào con người cũng giống nhau và chia sẻ chung một định mệnh.
Năm 1963, sau khi bị bắt và ngược đãi vì cuộc tranh đấu bất bạo động cho các
quyền dân sự tại Hoa Kỳ, cố mục sư Martin Luther King đã gởi đi từ nhà tù một
lá thư trong đó ông khẳng định rằng tất cả chúng ta đều là thành phần "của
một mạng lưới liên đới và hỗ tương, liên kết với nhau trong cùng một định mệnh".
Cũng năm đó, không đầy một năm sau cuộc khủng hoảng tại Cuba qua đó Hoa Kỳ và
Liên Xô suýt tiêu diệt nhau và cũng hủy diệt cả thế giới, cố Tổng thống John F.
Kennedy đã gởi cho nhà lãnh đạo Liên Xô một lá thư trong đó ông nói : "Tất
cả chúng ta cùng thở chung một không khí. Tất cả chúng ta đều trân quý tương
lai của con cái chúng ta. Và tất cả chúng ta đều phải chết" (3).
Tổng thống tiên khởi của Sénégal, ông Leopold
Sédar Senghor (1906-2001), có làm một bài thơ với tựa đề "Bài thơ gởi người
anh em da trắng của tôi" (Poème à mon frère blanc) như sau :
Này người bạn da trắng thân mến của tôi ơi,
Khi sinh ra, tôi đã đen,
Khi lớn lên, tôi đã đen.
Khi ra dưới mặt trời, tôi vẫn đen,
Khi tôi bệnh, tôi vẫn đen,
Rồi khi tôi chết, tôi sẽ vẫn đen.
Còn anh, người da trắng,
Khi sinh ra, anh đỏ hồng,
Khi lớn lên, anh đã trắng,
Khi ra dưới mặt trời, anh đỏ au,
Khi gặp lạnh, anh tái xanh,
Khi sợ hãi, anh xanh lè,
Khi lâm bệnh, anh vàng lẹt,
Và khi chết, anh trở nên xám ngắt.
Như vậy giữa hai chúng ta,
Ai là người da màu ?
(bản dịch của tác giả Phạm Hồng Lam) (4).
(Xin được tiếp tục bài thơ để kết thúc bài viết
này)
Và bạn ơi xin được hỏi :
Dù khác biệt màu da,
Chẳng lẽ, chúng ta không có cùng cội nguồn ?
Chu Văn
(27/05/2021)
--------------
Chú thích :
(1) Jack Shafer, Rick
Santorum and CNN’s ‘Trumping Heads’ Problem, Politico Magazine, 25/05/2021
(2) Vibeke Venema, The 'smart and cheeky'
Aboriginal boy teaching Australia a lesson, BBC News, 08/05/2021
(3) Ashley Pallathra & Edward
Brodkin, Why
Do We Hate ?, Psychology Today, 22/05/2021
(4) Phạm Hồng Lam, Chính
chúng ta có kỳ thị chủng tộc không ?, DCV Online, 05/05/2021
No comments:
Post a Comment