Chậm
mua vắc-xin: Việt Nam “ngủ quên trong chiến thắng”?
RFA
28/05/2021
“Khống chế dịch COVID-19 thì chúng ta đi đầu nhưng tạo
ra miễn dịch cộng đồng thì chúng ta có vẻ đi sau” - TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã thẳng
thắn lên tiếng về tình trạng chậm trễ trong việc mua sắm, tìm kiếm các nguồn vắc-xin
chống COVID của Việt Nam tại một cuộc tọa đàm về chống dịch bệnh COVID và phát
triển kinh tế do Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam tổ chức ngày 26/5 vừa qua.
Tỷ lệ tiêm vắc-xin
thuộc hàng thấp nhất thế giới
Các trang mạng xã hội của Việt Nam trong những
ngày gần đây thường xuyên chia sẻ hình ảnh những chiến sỹ áo trắng mang trên
mình bộ đồ bảo hộ, lả đi vì kiệt sức sau nhiều giờ lấy mẫu xét nghiệm, chăm sóc
bệnh nhân nhiễm COVID-19 hoặc cảnh các doanh nghiệp đóng cửa, hàng ngàn công
nhân tại Bắc Giang phải giam mình trong các khu cách ly tập trung, xa gia đình,
không có thu nhập và cả những hình ảnh người dân tại các tỉnh, thành lo lắng F0
đang ở trong cộng đồng .v.v.
Qua những hình ảnh, thông tin đó, rất nhiều ý
kiến cho rằng lẽ ra cả hệ thống y tế, doanh nghiệp và người dân Việt Nam không
phải oằn mình như vậy nếu như Chính phủ tập trung, dồn lực như khẩu hiệu “chống
dịch như chống giặc” vào cuộc chiến tìm mua vắc-xin ngừa COVID-19.
Theo thống kê của trang Our World in
Data, Việt Nam hiện đang là quốc gia có tỉ lệ tiêm vắc-xin chống COVID-19 thấp
nhất trong các nước ASEAN. Tính đến ngày 26/5, cả nước mới tiêm được 1,03 triệu
liều, tương đương với khoảng 1,06% dân số đã được tiêm trong khi tỷ lệ này của
Singapore là 36, 1%, Campuchia 14,1%, Lào: 8,45% hay ở Myanmar, một quốc gia
đang có những bất ổn về chính trị cũng đã có tới 3,26% dân số đã được tiêm chủng.
Tính trên toàn thế giới, Việt Nam nằm trong nhóm 30 quốc gia có tỷ lệ dân số được
tiêm vắc xin thấp nhất thế giới.
Tính đến 26/5/2021,
Việt Nam đứng thấp nhất khu vực ASEAN và thuộc hàng 30 quốc gia có tỷ lệ tiêm
chủng vắc-xin thấp nhất thế giới. Ảnh: RFA/printscreen
Trao đổi với RFA, ông Võ Trí Thành,
nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng Việt Nam
đã đạt được nhiều thành công trong ba đợt dịch đầu tiên nhưng đã chậm chân
trong vấn đề vắc-xin và đây là một khiếm khuyết không thể phủ nhận:
“Xét cho cùng vắc-xin mới là quan trọng nhất
để giải quyết vấn đề dịch bệnh. Có thể nói đây là khiếm khuyết của Việt Nam. Lẽ
ra chúng ta phải chú trọng tới vắc xin ngay từ đầu. Mặc dù mình có nghiên cứu,
mình cũng tự đang sản xuất và thử lâm sàng rồi tìm mua bên ngoài qua các kênh
khác nhau nhưng rõ ràng là chậm” - ông Thành nói.
Trước đó, ngày 17/5, TS toán học Nguyễn Ngọc
Chu trên trong một
status trên trang Facebook với hơn 66.000 người theo dõi, cũng cho rằng
để người dân Việt Nam không phải “sống cảnh nơm nớp” như hiện nay thì cần phải
có vắc-xin. (Trích thông tin trên Facebook của tiến sĩ Chu như sau):
“Những biện pháp truy vết, khoanh vùng, cách ly,
đóng cửa chỉ đưa đến lời giải cục bộ, không giải được bài toán toàn cục. Muốn
giải bài toán toàn cục - giải quyết gốc rễ tai hoạ dịch bệnh COVID-19 – chỉ có
thể là miễn dịch cộng đồng”
Mặc dù ghi nhận những nỗ lực và thành tựu chống
dịch của Việt Nam nhưng ngày càng có nhiều ý kiến thẳng thắn chỉ ra sự chậm trễ
trong chiến lược vắc-xin của Việt Nam.
Vì sao chậm?
Trao đổi với RFA, TS Mạc Văn Trang, người
có hơn 30 năm làm việc tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nói rằng theo ông có
hai lý do chính khiến Việt Nam chậm chân trong vấn đề vắc xin, đó là:
“Một là có thể cũng chủ quan vì Việt Nam chống lây
nhiễm COVID-19 thành công. Đến nay mới chết khoảng hơn 40 người và công tác
khoanh vùng, dập dịch hạn chế quản lý được. Hai và là vấn đề chủ yếu là thiếu
tiền. Tôi thấy Chính phủ cứ mặc cả nước này, nước nọ. Người ta viện trợ cho thì
rất hoan nghênh còn mua thì cứ đàm phán lên, đàm phán xuống rất là chậm”
Ông Trang cũng nói thêm rằng vì ngân sách hạn
chế nên gần đây Việt Nam đã phải khuyến khích xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp
tài trợ đồng thời yêu cầu mỗi cán bộ công chức đóng góp một ngày công để mua vắc-xin.
Cho đến nay, toàn bộ
số vắc-xin đã và đang sử dụng của Việt Nam đều do Chương trình COVAX cung cấp. Ảnh:
Reuter
TS Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) đã tự giải thể,
trong cuộc trao đổi với RFA cũng cho rằng thiếu tiền là nguyên nhân chính dẫn đến
sự chậm trễ của Việt Nam. Ông viện dẫn cách đây ba tháng, cựu Thủ tướng Nguyễn
Xuân Phúc đã từng nêu
vấn đề vắc-xin và coi đây là giải pháp quan trọng, giao bộ Y tế làm đầu
mối, thế nhưng đã ba tháng trôi qua, dịch tăng mà vaccine thì chưa có nhiều.
Tuy vậy, TS Nguyễn Quang A kết luận: “Việt
Nam không đủ tiền lúc đó và bây giờ cũng còn khó khăn. Mà có tiền cũng khó mua
được”.
Ngoài ra ông cũng đoán chừng rằng Chính phủ Việt
Nam trong thời gian vừa qua không làm quyết liệt việc mua vaccine vì nghĩ rằng
Việt Nam đang cố gắng làm vắc-xin trong nước. Đặc biệt, trải qua ba đợt dịch đầu
tiên, Việt Nam đều kiểm soát khá tốt nên “cứ từ từ là có thể mua được”.
Ông Nguyễn Quang A cũng cho rằng vắc-xin là vấn
đề phức tạp, không đơn thuần là vấn đề y tế mà còn là vấn đề chính trị và địa
chính trị. Theo ông, một trong những nguyên nhân khiến các nước trong khu vực
có trình độ phát triển tương đương hoặc thấp hơn Việt Nam như Campuchia, Lào
hay Philippines có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn Việt Nam vì “các nước này đã nhận
được hàng triệu liều vắc- xin của Trung Quốc”.
“Việt Nam có điểm đặc biệt là rất gần
với Trung Quốc. Hai nước núi liền núi, sông liền sông, là láng giềng tốt với 16
chữ vàng nhưng không thấy Việt Nam mua được vắc-xin của Trung Quốc. Không biết
Chính phủ Việt Nam không thích vắc-xin của Trung Quốc hay Chính phủ Trung Quốc
không muốn bán cho Việt Nam – TS
Nguyễn Quang A
Trong một cuộc họp đầu tuần này, tân Thủ tướng
Việt Nam Phạm Minh Chính đã yêu cầu các cơ quan chính phủ quyết
liệt hơn, nỗ lực lớn hơn và hiệu quả hơn trong chiến lược vắc-xin,
“triệt để tiết kiệm chi tiêu thường xuyên để bảo đảm ngân sách tối đa cho việc
mua vắc xin” đồng thời đề xuất cơ chế để huy động mọi nguồn lực và đóng góp của
người dân, doanh nghiệp và tổ chức trong và ngoài nước.
Với phát biểu mới của thủ tướng Việt Nam, TS
Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng những chuyển đổi về chiến lược phòng chống COVID-19 mà
ông Phạm Minh Chính đưa ra là rất đáng ghi nhận. Ông vui mừng vì tân Thủ tướng
đã đưa tiêm chủng trở thành ưu tiên số một - điều mà Việt Nam chưa từng làm trước
đây. Ông nói ông có ấn tượng rằng Chính phủ mới của tân Thủ tướng Phạm Minh
Chính là một Chính phủ hành động, Chính phủ “nói ít làm nhiều” và ông hy vọng
điều này sẽ trở thành phong cách của Chính phủ mới.
No comments:
Post a Comment