Đánh
đồng giải trí và dân trí: Vừa sai lầm, vừa tai hại
Y CHAN - LUẬT
KHOA
28/05/2021
https://www.luatkhoa.org/2021/05/danh-dong-giai-tri-va-dan-tri-vua-sai-lam-vua-tai-hai/
Ảnh: Youtube, CafeBiz. Đồ họa: Luật Khoa.
“Thế này thì còn lâu nữa dân trí mới khá lên
được.”
Cứ mỗi dịp dư luận tập trung chúi mũi vào một
sự kiện, một hiện tượng hay một nhân vật nào đó, những câu bình luận về dân trí
kiểu như trên lại thi nhau xuất hiện.
Những phát ngôn triết lý khiến người ta dễ
liên tưởng đến chuyện kẹt xe – một vấn đề muôn thuở của Việt Nam.
Mỗi khi chết dí trong đám xe cộ, hầu như ai
cũng sẵn miệng than “lại bị kẹt xe”. Không có cái cớ nào hợp lý cho chuyện đi
làm muộn, trễ cuộc hẹn, hay đổ cho tâm trạng bực bội bằng việc kẹt xe.
Vấn đề ở chỗ, như không ít người từng chỉ ra,
không ai bị kẹt xe cả.
Một khi đã xuất hiện trên đường, bạn chính
là một phần của giao thông. Nếu dòng xe bị tắc nghẽn, bạn và chiếc xe của bạn
chính là nguồn cơn của cái sự kẹt đó.
Việc than thở về kẹt xe khi bản thân mình đang
ở trên đường cũng ngớ ngẩn như chuyện ngán ngẩm về dân trí nơi ta đang sống – cứ
như thể bản thân là một thực thể hoàn toàn thoát tục, đang ở trên vườn địa đàng
hay cõi niết bàn, không dính dáng gì đến những thị phi của cuộc đời.
Câu chuyện ồn ào của showbiz Việt những ngày
qua, mà đỉnh điểm mới nhất là các video phát trực tuyến thu hút vài trăm ngàn
người xem cùng lúc của một nhân vật nổi tiếng, là một sự kiện đáng chú ý.
Nó đáng chú ý không phải vì thu hút được lượng
người theo dõi lớn. Đây là sự kiện đáng được thảo luận khi nó tạo ra quá nhiều
phản ứng sai lầm và tai hại.
Một chuyên gia truyền thông xuất hiện
trên BBC bày tỏ sự “siêu ngưỡng mộ” đối với nhân vật giàu có kia vì
“bà có trí thông minh ngôn ngữ tuyệt vời”. [1]
Một trang
dư luận viên nhanh nhảu làm một bài lẩu trộn tung tóe giữa sự kiện chống
dịch và chuyện nhân vật này tố cáo giới showbiz, xí phần cám ơn bà vì đã “chỉ
đích danh đám phản động, xấu xa, xúi giục người dân, chống phá chính quyền”, để
rồi lại tiếp tục khẩu hiệu quen thuộc kêu gọi người dân an tâm tin tưởng giao mọi
thứ cho nhà nước. [2]
Những nhân vật thường lên tiếng phản biện
chính quyền thì chia hai phe, một hào hứng theo cuộc vui, sẵn tiện khích bác để
người nổi tiếng kia “chửi giùm” ai đó, bên còn lại lắc đầu chán nản về “trình độ
dân trí của người Việt”.
Đó đều là những phản ứng mang đầy tính giải
trí. Nó không đại diện cho bất kỳ ai ngoài bản thân những người phát ngôn. Và nếu
có chỉ dấu gì hay vấn đề chi cần mổ xẻ để đóng góp cho một thể chế dân chủ
trong tương lai, nó sẽ nằm ngay ở việc soi lại chính các phản ứng đó.
Giải trí không đồng
nghĩa với dân trí
Có một quan niệm rất phổ biến: loại hình giải
trí thể hiện mức độ dân trí.
Từ quan niệm này, nhiều người chia ra các hình
thức giải trí khác nhau tương ứng với “đẳng cấp”: người có trình độ, có học thức,
có địa vị xã hội thì nên chọn loại giải trí này, kẻ không được
học hành, địa vị thấp kém, thiếu trình độ thì chỉ biết kiểu giải
trí kia.
Sự thật là, giải trí không thể hiện và cũng chẳng
liên quan gì tới khả năng trí óc.
Nghĩa gốc của “giải trí” (解智) là thư giãn, thả lỏng đầu
óc. Từ tương đương với giải trí trong tiếng Hoa là “ngu lạc” (娛樂), chỉ những gì khiến người
ta vui (ngu) và sướng (lạc).
Trong tiếng Anh, “entertainment” với nghĩa giải
trí (amusement) là những thứ “đánh lạc sự chú ý”.
Theo nghĩa đơn giản nhất, giải trí là việc để
cho bộ não không hoạt động.
Chính xác hơn, đó là các hoạt động chỉ dùng đến
hệ limbic (limbic system), phần não được xem là nguyên thủy và phát triển sớm nhất của con người. [3]
Nó chịu trách nhiệm phản ứng nhanh với các tác nhân bên ngoài, đưa ra các quyết
định tức thời và điều phối cảm xúc. Cân bằng với nó là phần thùy trán (frontal
lobes), vùng não phía trước có khả năng kiểm soát cảm xúc, đánh giá lại các tác
nhân trước khi phản ứng và kiềm chế không cho con người hành động theo bản
năng.
Mỗi người có những lựa chọn giải trí khác
nhau, nhưng điểm chung là đều ít động não, hoặc tiêu tốn năng lượng của bộ não
theo cách ít nhất có thể.
Đã không/ ít động đến não thì không có hình thức
giải trí nào là cao hay thấp, hoặc sang hay hèn.
Những thứ được gọi là loại hình giải trí “cao
cấp” hay “thượng lưu” thường nằm trong địa hạt của “nghệ thuật”.
Nghĩa gốc của “nghệ thuật”, hay “art” trong tiếng
Anh, đều chỉ “kỹ năng” (skill). Nghệ thuật, vì vậy, là những hoạt động cần một
sự nỗ lực, học hỏi và khả năng nhất định để tạo ra, truyền tải và tiếp thu.
Phân biệt giữa giải trí và nghệ thuật giúp
chúng ta thấy trên thực tế, không phải thứ gì do những “nghệ sĩ” tạo ra đều là
nghệ thuật. Phần nhiều trong số đó mang tính giải trí áp đảo, khi người thực hiện
không cần nhiều kỹ năng, còn người tiếp nhận không phải vận dụng bao nhiêu
neuron để có cảm giác hài lòng.
Tất nhiên, ranh giới giữa nghệ thuật và giải
trí rất linh động.
Cùng là diễn hài, những thứ của Charlie
Chaplin (hay vua hề Sác-lô) được xem là nghệ thuật, những màn chọc lét khán giả
trên truyền hình Việt Nam lại chỉ có thể được coi là giải trí.
Tuy nhiên, nếu khán giả xem hài Sác-lô mà
không có nhu cầu động não, chỉ cười sảng khoái trước những tình tiết trong đó,
đối với họ đây cũng chỉ là một kiểu giải trí không hơn không kém (trên thực tế,
không có bao nhiêu người xem xong các bộ phim của Charlie Chaplin mà không có một
vài suy nghĩ đọng lại, và đó chính là dấu ấn nghệ thuật của ông).
Giải trí không phải
vấn đề
Giải trí có muôn hình vạn trạng, không có cái
nào “xịn” hay “sang” hơn cái nào.
Một người thích nhảy nhót quay cuồng trong vũ
trường hay muốn yên lặng câu cá ngắm trăng, thích nằm dài trên bãi cỏ ngắm mây
hay đắm mình vào màn hình vi tính để chơi game, thích quan sát đàn kiến bò vào
hang hay ngồi hóng hàng xóm chửi nhau, tất cả đều là lựa chọn cá nhân.
Tác dụng của nó như nhau: giúp cho bản thân họ
thả lỏng đầu óc.
Câu chuyện ồn ào của giới showbiz vừa qua và
việc nhiều người chú ý vào những video phát trực tuyến đấu tố qua lại mang rất
nhiều màu sắc giải trí. Nó là những thứ giúp người ta thư giãn, có chất liệu để
chém gió với nhau, hay chỉ đơn thuần thỏa mãn óc tò mò về chuyện của người
khác.
Những sự kiện có yếu tố giải trí thu hút nhiều
người là điều hiển nhiên. Đó là cách bộ não nguyên thủy của con người
được cấu tạo, luôn ưu tiên phản ứng trước các kích thích cảm xúc với lượng
neuron tối thiểu cần huy động.
Vào năm 2016, hai nhân viên của tờ báo
Buzzfeed (Mỹ) quyết định làm một thử nghiệm: mất bao nhiêu sợi dây thun mới có thể
làm vỡ một quả dưa hấu. [4]
Họ lần lượt buộc từng cọng dây thun vòng quanh
một trái dưa hấu. Quá trình này diễn ra trong 45 phút và được phát trực tiếp
trên trang Facebook của tờ báo.
Khi video được phát trực tiếp, có thời điểm 807.000
người đã cùng lúc dán mắt vào màn hình để hồi hộp theo dõi sự kiện trọng đại
này – con số kỷ lục vào lúc đó, khi tính năng livestream của Facebook được triển
khai chưa lâu.
Trong cùng năm 2016, một video khác trên
Facebook đạt kỷ lục nhiều lượt xem nhất, với hơn 160 triệu lượt. [5]
Đó là clip dài bốn phút của một bà mẹ vô danh ở Texas, Mỹ, trong đó cô dành hai
phút đầu khoe chiếc mặt nạ đồ chơi mua cho con, và hai phút sau đeo thử để rồi
cười nắc nẻ khoái trá.
Theo thống kê của trang Brandwatch, đến thời điểm tháng
5/2021, trong top 20 các video được xem nhiều nhất trên Youtube, không cái nào
là về đề tài giáo dục, khoa học hay chính trị. [6] Tất cả đều là các video ca
nhạc giải trí. Đứng đầu bảng với 8,44 tỷ lượt xem là một clip ca nhạc dành cho
trẻ em.
Trong số các chương trình truyền hình lâu đời nhất tại Mỹ, kéo dài suốt
nhiều thập niên, tuyệt đại đa số đều là phim truyền hình, hoạt hình và các
gameshow. [7]
Bất kể ở đâu, các sự kiện giải trí hầu như
luôn thu hút sự chú ý vượt hẳn mọi hoạt động khác.
Đó là chuyện hoàn toàn tự nhiên và dễ hiểu.
Không ai đánh giá thấp trình độ trí óc của một
người khi họ dành thời gian xem quả dưa hấu bị buộc dây thun, cũng không ai lo
lắng cho dân trí Mỹ vì họ dành quá nhiều thời gian cho chuyện giải trí.
Vấn đề chưa bao giờ nằm ở nhu cầu giải trí.
Giải trí hóa mọi
thứ, đó mới là (một nửa của) vấn đề
Khi tôi nói những chuyện ồn ào của showbiz ở
trên mang màu sắc giải trí, bạn rất có thể đã phản đối.
Chuyện “thần y” bị tố lừa đảo, việc nghệ sĩ bị
vạch mặt lạm dụng tiền từ thiện, hay sức hút ghê gớm của một cá nhân có thể
khuynh đảo mạng xã hội, đó đều là những vấn đề rất quan trọng, thậm chí nghiêm
trọng, sao lại là giải trí được!
Tôi không phủ nhận mức độ quan trọng của những
chuyện đó. Và bạn cũng không thể phủ nhận mức độ giải trí của chúng.
Những chuyện quan trọng không có nghĩa là nó
không thể mang tính giải trí.
Đó không phải là vấn đề.
Vấn đề chỉ xuất hiện khi đó là cách
duy nhất mà người ta có thể thảo luận những việc quan trọng.
Trong quyển sách “Amusing ourselves to death: Public discourse in the age of show
business”, tác giả Neil Postman đã cảnh báo về tình trạng của nước Mỹ, khi
ngành công nghiệp giải trí áp đảo mọi nội dung trên truyền hình. [8]
Nhu cầu lôi kéo khán giả để có tỷ lệ xem cao,
từ đó tạo doanh thu quảng cáo khiến các nhà đài tìm mọi cách để biến các nội
dung trên truyền hình ngày càng hấp dẫn, ngày càng mang tính giải trí cao độ.
Các nội dung truyền hình, như lời của Postman,
không khuyến khích việc tư duy (thinking does not play well on television).
Cách mà người ta thực hiện chương trình không cho phép người tham gia dừng lại
để suy nghĩ, hoặc trao đổi sâu hơn với những câu hỏi kiểu “ý của anh là gì”, “bạn
lấy nguồn thông tin đó từ đâu”, hay chỉ đơn giản thừa nhận mình không biết, để
tìm hiểu thêm và sẽ quay lại đề tài này sau.
Những chương trình tin tức hay các cuộc thảo
luận về vấn đề chính trị, xã hội quan trọng cũng được làm theo tiêu chuẩn ngắn
gọn, dễ hiểu, cuốn hút, và tốt nhất là phải có yếu tố câu khách.
Postman không phản đối các chương trình giải
trí. Vấn đề ông nêu ra là khi mọi thứ, kể cả những chuyện quan trọng, đều được
giải trí hóa.
Trong bối cảnh đó, người dân sẽ tiếp nhận nó một
cách hoàn toàn thụ động, đầu óc thả lỏng, không suy nghĩ hay chất vấn gì, và để
mọi kích thích bên ngoài dẫn dắt bản thân – đúng với tính chất của giải trí.
Phần cuối sách, Postman đề cập đến hai thái cực
xã hội được hai tác giả nổi tiếng mô tả qua các tác phẩm của mình.
Một bên là xã hội độc tài nơi mọi tư tưởng đều
bị cầm tù như trong mô tả của George Orwell qua các tiểu thuyết “1984”
và “Animal farm”. Bên kia là thái cực ngược lại như mô tả của Aldous Huxley
trong “Brave
new world”, nơi mọi thứ được tự do thi triển, nhưng công nghệ giải trí lên
ngôi, và các vấn đề quan trọng đều được truyền tải qua một lăng kính hời hợt,
nhố nhăng nhưng đầy kích thích.
Theo Postman, nguy cơ nước Mỹ biến thành một
chiếc lồng ấp độc tài như Orwell cảnh báo là không cao, nhưng khả năng xã hội vận
hành theo kiểu biến tất cả thành trò giải trí là rất hiển hiện.
Quyển sách của Neil Postman được xuất bản vào
năm 1985. Gần bốn thập niên sau, những trăn trở ông nêu ra vẫn còn nguyên tính
thời sự, thậm chí còn được minh họa rõ nét hơn trong thời đại của Internet và mạng
xã hội.
Nhưng người Mỹ chỉ phải đối diện với một nửa của
vấn đề. Họ còn có một xã hội tự do nơi người dân có thể tự quyết định lựa chọn
tiếp theo của mình.
Với người Việt Nam, vấn đề nhiều hơn thế.
Chúng ta vừa có một thể chế độc tài, cấm cản người dân tham gia quyết định các
vấn đề hệ trọng của đất nước, vừa có một xã hội được giải trí hóa cao độ, nơi
người ta chỉ có thể thảo luận các chủ đề quan trọng qua các tin đồn, bằng những
video phát trực tuyến và nhờ vả tiếng nói của các KOLs (người dẫn dắt dư luận).
Sự trộn lẫn của hai thái cực trên không tạo ra
điểm cân bằng nào. Ngược lại, nó vừa củng cố quyền lực độc tôn của một nhóm người,
vừa áp đặt phần đông dân chúng trong một vòng quay lỏng óc, lại vừa tạo ra những
lỗ hổng khổng lồ không ai thèm giải đáp.
Nó giúp chính quyền thoải mái chùi tay phủi
mép, không có trách nhiệm giải trình về những khoản chi ngân sách (trong đó có
từ thiện), thay vào đó, tiếp thêm tiếng nói để dập tắt các hoạt động của xã hội
dân sự.
Nó khiến người dân nổi giận với những vụ bê bối
của giới nghệ sĩ mà quên chất vấn nhà nước vì sao không tạo điều kiện đàng
hoàng để cá nhân lập hội, từ đó có thể tổ chức các hoạt động từ thiện công
khai, minh bạch, đúng theo tiêu chuẩn của pháp luật.
Nó tạo ra những phản ứng cực đoan trái ngược,
hoặc tôn vinh thần tượng những nghệ sĩ hay nhân vật giàu có đầy quyền lực, hoặc
ngán ngẩm chê bai dân trí của số đông khi chạy theo các thần tượng.
Trong khi đó, những hiện tượng này hoàn toàn
bình thường. Ở một xã hội tự do, nơi mọi công dân đều có quyền cất tiếng nói, sẽ
có hàng triệu người đăng đàn tìm cách chia sẻ thông tin, biểu thị quan điểm của
mình, bất kể họ có phải là người nổi tiếng, có vàng ròng chất đầy nhà hay
không.
Khi đó, sẽ không mấy ai phát hoảng khi ông này
bà nọ được chú ý. Cũng không bao nhiêu người có nhu cầu nhào nặn ra những lý do
siêu tưởng để tung hô các ông bà thần tượng (thích thì thần tượng, không cần phải
đi tìm cách “lý giải hiện tượng” nào).
Câu hỏi lớn là làm thế nào xây dựng được một
xã hội như vậy.
Đó chắc chắn không phải việc của chính quyền.
Họ không bao giờ có nhu cầu để một xã hội tự do như vậy tồn tại.
Đó không phải là việc của một người nổi tiếng
đầy quyền lực nào đó. Họ không có khả năng và cũng không có nhu cầu san sẻ quyền
lực của mình cho người khác.
Đó là việc của bạn – bất kể bạn có nghĩ mình
thuộc về đám đông “dân trí thấp” hay không.
------------------------
Tài liệu tham khảo:
1. BBC News Tiếng Việt. (2021, May 26). Vì sao người Việt Nam
‘phát sốt’ với hiện tượng Nguyễn Phương Hằng?
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-57199046
2. Facebook Tifosi. (2021).
https://www.facebook.com/tifosi.hpo/posts/631638294898834
3. Rayner, G. (2016, September 25). The emotion centre is the
oldest part of the human brain: why is mood so important? The
Conversation.
4. Nashrulla, T. (2016, April 8). We Blew Up A Watermelon And
Everyone Lost Their Freaking Minds. BuzzFeed News.
5. Wagner, K. (2016, December 8). ‘Chewbacca Mom’ was the most
popular Facebook Live video this year by a mile. Vox.
https://www.vox.com/2016/12/8/13870670/facebook-live-chewbacca-mom-most-popular
6. The 20 Most
Viewed YouTube Videos. (2021).
Brandwatch.
https://www.brandwatch.com/blog/most-viewed-youtube-videos/
7. Torres, L. (2020, June 24). 58 of the longest-running American
TV shows of all time. Insider.
https://www.insider.com/longest-running-tv-shows-all-time-2018-1
8.
Amusing Ourselves to Death: Public Discourse in the
Age of Show Business: Postman, Neil, Postman, Andrew: 8601420133051:
Amazon.com: Books. (2005). Amazon.
ttps://www.amazon.com/Amusing-Ourselves-Death-Discourse-Business/dp/014303653X
No comments:
Post a Comment