Tình hình dịch bệnh ở Việt Nam
Nguyễn
Ngọc Như Quỳnh
31/05/2021
https://baotiengdan.com/2021/05/31/tinh-hinh-dich-benh-o-viet-nam/
Đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam được giới quan sát nhận
định là làn sóng thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4/2021.
Chỉ trong vòng 1 tháng Việt Nam đã ghi nhận được
gần 3.000 ca đã nhiễm COVID-19 (cao hơn tổng số ca trong ba đợt bùng dịch trước
đây cộng lại).
Tức những ca xuất hiện sau khi đã có xét nghiệm
chẩn đoán nhằm triển khai các biện pháp khoanh vùng, cách ly, truy vết tiếp xúc
/ di chuyển… để hạn chế dịch lây lan nhanh trong cộng đồng. Đây là phương pháp
mà Việt Nam đã thành công trong ba đợt bùng dịch trước đây và có thể gọi tên là
phương pháp chống dịch không can thiệp y tế.
Nhưng với đợt bùng dịch lần này bởi các đợt
lây nhiễm từ nhiều nguồn được cho là nhập cảnh vào Việt Nam trong tháng 4 mang
theo nhiều biến thể phức tạp của virus đang được ghi nhận ở nhiều quốc gia –
trong đó Ấn Độ là nơi đáng chú ý.
Các biện pháp cách ly khi nhập cảnh, xét nghiệm
nhiều lần và “xả trại cách ly” sau 14 ngày cho thấy đã không hữu hiệu với những
ca nhiễm các biến thể mới của virus. Và đây chính là nguồn lây lan cho cộng đồng
đối với đợt dịch 27/4 lần này ở nhiều khu vực tập trung là các khu công nghiệp
(nơi có các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh làm việc).
Sự chủ quan bởi tâm lý thành công của Hà Nội đối
với phương pháp chống dịch không can thiệp y tế ghi dấu ấn Việt Nam trong bản đồ
chống dịch suốt hơn một năm qua cùng với Đài Loan, Singapore, Hong Kong, Trung
Quốc… đã khiến cho chính quyền chủ quan và lơ là trong những ngày cuối tháng
4/2021.
Và đây có thể tạm xem là khởi nguồn của đợt
lây lan, phát tán dịch ra nhiều tỉnh thành tại Việt Nam.
Trong bốn biến thể được WHO ghi nhận là “nguy
hiểm hơn biến thể gốc” và rất đáng theo dõi để có thể kiểm soát dịch tễ và đại
dịch, Việt Nam đã ghi nhận trong các ca có hai biến thể nguy hiểm hàng đầu là
biến thể ghi nhận tại Anh Quốc (B.1.1.7); biến thể ghi nhận được tại Ấn Độ
(B.1.617.2).
Đáng chú ý hơn bởi thông tin chính thức từ bộ
y tế Việt Nam cho thấy họ ghi nhận được biến thể mới trong các ca ở Việt Nam.
Biến thể mới lây lan nhanh chóng, phát tán dễ dàng trong không khí để lây lan
nhanh hơn so với từ giọt bắn, sau khi lây nhiễm biến thể này sản sinh cơ thể
nhanh và mạnh khiến cho “hàm lượng” virus trong dịch cổ họng, mũi tăng cao hơn
so với biến thể gốc / khác, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho virus phát
tán và lây lan mà không cần phải tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh (nếu
nhiều người ở trong cùng một không gian kín, lưu thông không khí kém, độ ẩm
cao).
Biến thể mới ghi nhận ở Việt Nam được các
chuyên gia đánh giá là sự kết hợp lai hay chính xác là một người / hay nhiều
người bị nhiễm cả hai biến thể (B.1.1.7 và B.1.617.2) vào cơ thể. Hai biến thể
này tự tái tổ hợp với nhau và sinh ra biến thể mới như đã ghi nhận.
Đặc tính chung của coronavirus là khả năng
trao đổi với nhau về nguyên liệu di truyền của chúng – hay còn gọi là sự tái tổ
hợp của virus. Trong hầu hết các trường hợp trao đổi này không có gì đáng ghi
nhận. Nhưng nếu một cá thể bị lây nhiễm hai hay nhiều hơn các biến thể của
virus cùng một lúc thì rủi ro cao hơn. Đây chính là chỉ dấu lây nhiễm cộng đồng
sâu, và đủ lớn để có thể ghi nhận các ca lây nhiễm hai / hay nhiều hơn các biến
thể của virus.
Sự tái tổ hợp sinh biến thể mới này cũng đã
ghi nhận được ở Anh Quốc trong thời gian qua và trong nhiều trường hợp như thế
này, việc này không tạo ra các kết quả lâm sàng đáng lo ngại. NHƯNG rủi ro
trong những trường hợp đặc biệt (như sự tái tổ hợp để sinh ra biến thể lai giữa
hai biến thể được cho là nguy hiểm trong danh sách WHO này) chính là điều cảnh
báo cho việc lây lan nhanh, mạnh (chỉ trong 1 đến 2 ngày là có thể lây lan cho
nhiều người khác – và không cần phải tiếp xúc gần / trực tiếp vì chỉ cần cùng ở
trong một không gian kín, ít gió, ẩm là nguy cơ lây lan có thể được xem như cho
tất cả mọi người), và nguy hiểm hơn hết chính là sự tái tổ hợp như thế này là
cơ hội rất tốt, tạo ra một hay nhiều biến thể với tính độc hại rất cao.
Đó là lý do tại sao phải quyết liệt có các biện
pháp dịch tễ mạnh mẽ để hạn chế tối đa sự lây lan vốn dĩ đã rất dễ dàng của biến
thể mới này trong cộng đồng. Vì nếu không làm tốt, cơ hội cho biến thể này lây lan,
có thêm cơ hội sinh sôi và nếu gặp biến thể nào khác để trao đổi di truyền thì
sự tái tổ hợp của biến thể này sẽ dẫn đến kết quả thế nào, chắc chưa một chuyên
gia nào có thể tìm được câu trả lời lúc này.
Một khi sự tái tổ hợp của coronavirus diễn ra
trong diện rộng, nhanh, và nếu chúng tái tổ hợp với nhiều vật liệu di truyền của
nhiều biến thể trong điều kiện như thế sẽ là điều kiện “tuyệt vời” cho các thay
đổi lớn, mạnh, và nhanh của coronavirus. Lúc đó câu chuyện tái tổ hợp với biến
thể buộc phải sang trang mới. Đến lúc đó, trang mới đó chỉ có thể là một trang
tồi tệ hơn những gì đã và đang diễn ra trong hơn 15 tháng qua.
Những gì tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19 lần
này vẫn đang còn ở phía trước và chưa ai biết được câu trả lời cho câu hỏi “khi
nào đại dịch kết thúc?”
Luôn ghi nhớ: không có vùng an toàn trong đại
dịch, và không có độ tuổi an toàn trong đại dịch.
Xin nguyện chúc nhau bình an!
-BT-
P/s: Tình hình dịch bệnh ở Việt
Nam không chỉ là mối quan tâm riêng của Việt Nam bởi nó là an ninh sức khỏe cộng
đồng, an ninh quốc gia mà nó còn là mối quan tâm của khu vực, của thế giới.
Việt Nam là một trong những thành phần của chuỗi
cung ứng toàn cầu (và đang gia tăng sức mạnh ảnh hưởng của họ lên chuỗi cung ứng
này). Cho nên, một cú trượt chân, một cú hụt hơi của Việt Nam cũng có ảnh hưởng
không nhỏ đến chuỗi cung ứng toàn cầu và nhất là an ninh khu vực.
Việt Nam đã chọn tham gia vào trục vaccine
phương tây do Hoa Kỳ và EU chủ xị. Và đây là một quyết định không thể tốt hơn
cho Việt Nam trong tình hình này. Bởi ngoài tính ưu việt của công nghệ vaccine
mà các quốc gia này đang nắm giữ cho thấy, sự vượt trội về chất lượng lẫn hiệu
quả của vaccines, các quốc gia này có dư khả năng hỗ trợ các quốc gia khác như
Việt Nam về tài chính, kỹ thuật, công nghệ.
EU, Australia, Nhật Bản đã và đang hỗ trợ và
tài trợ cho Việt Nam để có thể chuẩn bị cho chương trình tiêm chủng đại trà
vaccine COVID-19 một khi vaccines về Việt Nam. Ngoài hệ thống kho lạnh âm sâu,
cần thiết phải có cơ sở hạ tầng để triển khai tiêm chủng trên diện rộng và Việt
Nam đã và đang nhận được sự trợ giúp như thế để sớm nhất có thể tiêm chủng
nhanh chóng.
Hoa Kỳ sẽ không thể rời mắt khỏi Việt Nam và
Việt Nam đã nằm trong danh sách ưu tiên để có được vaccines sớm nhất từ Hoa Kỳ.
Đại sứ quán và lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt
Nam vừa hoàn tất chương trình tiêm chủng vaccine Pfizer / BioNTech cho nhân
viên ngoại giao đoàn, nhân viên địa phương và cả nhân viên các đơn vị cung ứng
dịch vụ cho họ.
Chống dịch bằng phương pháp không can thiệp y
tế đã và đang mất đi ít nhiều tác dụng vì nếu kéo dài sẽ khó duy trì “phong độ”.
Chỉ có biện pháp chống dịch bằng phương pháp can thiệp y tế trực tiếp bằng
vaccine mới có thể thành công được.
Quý 4/2021, Việt Nam sẽ có thể triển khai
chương trình vaccine từng bước để 2 quý đầu 2022, Việt Nam có thể tăng tốc về
vaccine.
Từ đây cho đến lúc có được mũi tiêm vaccine đại
trà đầu tiên, mọi người phải bị ảnh hưởng ít nhiều bởi các biện pháp phòng ngừa
dịch tễ cộng đồng.
Giãn cách xã hội đã được áp dụng ở thành phố lớn
nhất Việt Nam và đáng ra phải được làm sớm hơn – nhưng cũng vừa đúng lúc.
Những ai có chút của ăn của để và không cần phải
chạy ăn từng bữa sẽ không mấy khó nằm nhà, hạn chế đi lại, ngừng buôn bán làm
ăn trong 2 tuần. Nhưng với nhiều người lao động ngoài kia sẽ khó muôn vàn, cái
khó chồng cái khó và chồng cái khó thì hai tuần đúng là dài như đại dịch.
Nếu bạn đang buôn bán, cung ứng hàng như yếu
phẩm, xin đừng tăng giá, bán đủ số lượng vừa đủ cho một khách hàng, đừng đầu cơ
tích trữ…nếu đủ sức bán huề vốn cho người khó, người nghèo xin mở lòng, nếu
giúp được người khổ hơn xin chút lòng nhân…
Xin bình tâm, quan sát và mở lòng với nhau vì
chúng ta, hết thảy chúng ta không ai có thể tự thoát ra khỏi đại dịch này khi
mà người khác chưa thoát.
No comments:
Post a Comment