Công
an lục soát điện thoại của dân và các cuộc thảo luận bị đánh cắp
YÊN KHẮC CHÍNH - LUẬT
KHOA
29/05/2021
Ảnh minh họa: Báo Hà Nội mới
Hãy tưởng tượng, bạn đang ở yên trong nhà, bỗng
nhiên vài đồng chí công an xuất hiện trước cửa yêu cầu bạn mở khóa cổng.
Lý do là họ cần kiểm tra xem trong nhà có chứa
đồ vật gì phạm pháp không.
Nếu bạn chất vấn và từ chối hợp tác, họ sẽ bảo
“không làm sai thì việc gì phải giấu giếm?!”.
Bạn sẽ làm gì tiếp theo? Ngoan ngoãn mở cửa mời
công an vào nhà tha hồ lục lọi mọi ngóc ngách để chứng minh mình trong sạch?
Khả năng cao là không.
Ngay cả khi chưa từng đọc qua một quyển luật
nào, bạn cũng biết mình có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở (một điều được ghi
nhận trong Điều 22 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam). [1]
Bạn biết rằng để khám xét nơi ở của người khác, lực lượng đại diện cho
chính quyền cần phải có căn cứ hợp lý và phải có quyết định/ lệnh bằng văn bản.
[2] Xác suất cao là cũng không có cán bộ nào dám tùy tiện đòi lục soát nhà dân
mà không có lệnh hay văn bản cho phép.
Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, được luật hóa
cụ thể như hiện tại, là một trong những tiến bộ của văn minh nhân loại – sau hàng
ngàn năm xung đột, tranh luận và điều chỉnh.
Đọc tới đây, cộng thêm tiêu đề, bạn đã đoán được
tôi định nói gì.
Có thể bạn đang lắc đầu phản đối, so sánh gì
ngu vậy, cái nhà với cái điện thoại khác xa nhau mà!
Hai thứ đó đúng là khác nhau về mặt giá trị
tài sản, nhưng hoàn toàn tương đồng về giá trị riêng tư.
À mà tôi nói sai.
Chính xác là cái điện thoại vượt xa ngôi nhà ở
vế sau.
Các đạo luật về bảo vệ quyền bất khả xâm phạm
về chỗ ở của phương Tây được đưa ra dựa trên một trong những nguyên tắc luật pháp
lâu đời nhất của họ, rằng “ngôi nhà là lâu đài của mỗi người” (a
man’s home is his castle). [3]
Cái điện thoại di động thông minh ngày nay
không phải là lâu đài. Nó đã trở thành cả một vũ trụ của mỗi cá nhân.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/05/image-34.jpeg
Chiếc điện thoại chứa đựng những thông tin riêng tư
nhất của mỗi người. Ảnh: Helpnetsecurity.com.
Người ta có thể mất vài ngày lục tung nơi ở của
một người mà vẫn không tìm đủ thông tin để dựng nên bức chân dung về người đó.
Nhưng chỉ cần vài tiếng moi hết dữ liệu từ chiếc điện thoại là có thể biết lịch
sử, hiện tại, thậm chí là cả tương lai của chủ nhân thiết bị này.
Từ các mối quan hệ, những tin nhắn cá nhân,
thông tin trao đổi về công việc, tài liệu mật của công ty, hồ sơ của khách
hàng, các tài khoản ngân hàng cho đến thói quen đi lại, lịch sử truy cập các
trang web, những dấu vết để lại trên từng ngóc ngách mạng xã hội, và tất nhiên
cả hình ảnh video riêng tư – tất cả nằm trong chiếc điện thoại của mỗi người.
Kẻ trộm có thể vào nhà và lấy đi những tài sản
vật chất. Nhưng nếu đột nhập được vào chiếc điện thoại, chúng có thể gây ra thiệt
hại gấp trăm lần, thậm chí là hủy hoại cuộc sống của không chỉ một người.
Đây không phải là chuyện mới. Khi công nghệ
phát triển, rất nhiều quốc gia đã phải cập nhật luật lệ để đảm bảo quyền của
công dân không bị tổn hại.
Việt Nam có luật về bảo vệ quyền riêng tư, như
được quy định trong Điều 21 Hiến pháp 2013. [4]
Khoản 2 của điều luật này ghi rõ: “Không ai được bóc mở, kiểm soát,
thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông
tin riêng tư của người khác.”
Luật là như vậy, nhưng thực tế là một bức
tranh hoàn toàn khác.
Rất có thể bạn đã từng nghe, chứng kiến, hoặc
chính bạn phải trải qua tình huống bị công an thu giữ điện thoại, gây sức ép buộc
bạn phải mở khóa để họ kiểm tra.
Không có bất kỳ văn bản nào, không có luật sư
chứng kiến, chỉ là yêu cầu “hợp tác điều tra” phát ra từ miệng công an. Trong rất
nhiều trường hợp, dưới áp lực của đông đảo lực lượng công quyền, người dân buộc
phải mở khóa điện thoại. Họ phải chứng minh mình “trong sạch”, “không làm gì
sai để phải giấu” – một việc hoàn toàn đi ngược lại nguyên
tắc suy đoán vô tội. [5]
Thử xem xét trường hợp mới nhất đang thu hút sự
chú ý của dư luận. Một nhóm bạn trẻ ăn uống, gây ồn ào tại nhà trong lúc dịch
COVID-19 bùng phát. Công an địa phương nhận được tin báo, đến mời tất cả về đồn.
Tại đây, công an yêu cầu cả nhóm nộp điện thoại và đọc mật khẩu truy cập. Chỉ một
ngày sau đó, clip riêng tư của một người trong nhóm bị phát tán trên mạng.
Nếu đúng như tường thuật của báo chí, việc tùy tiện đòi quyền truy cập
điện thoại của công dân trong trường hợp này là hành vi xâm phạm quyền riêng tư
nghiêm trọng. [6]
Ý thức về quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân rõ ràng
là một khoảng trắng mù mờ, cả từ phía chính quyền lẫn người dân.
Dĩ nhiên, quyền riêng tư không phải là tuyệt đối.
Nó phải được thỏa hiệp để lực lượng chấp pháp có thể truy xét tội phạm, đảm bảo
công bằng, giữ vững công lý.
Vấn đề là, điểm cân bằng đó nằm ở đâu? Trong
trường hợp nào công an được phép thu giữ và lục soát điện thoại của dân? Theo
căn cứ nào? Phải chứng minh căn cứ đó hợp lý ra sao? Quy trình xét duyệt thế
nào? Ai sẽ chịu trách nhiệm cho quyết định đó? Ai có quyền giám sát? Quyền của
công dân vào lúc đó? Vai trò của luật sư? Cán bộ sẽ bị trừng phạt như thế nào
khi lạm quyền? Hình phạt ra sao khi dữ liệu cá nhân của công dân bị lộ ra?…
Tất cả những vấn đề này, được tranh luận dữ dội ở những nước phương Tây trong nhiều
năm qua và vẫn chưa ngã ngũ, lại gần như vắng bóng trên các diễn đàn ngôn luận
của Việt Nam. [7]
Trách nhiệm lớn nhất của sự thiếu vắng này tất
nhiên nằm ở phía chính quyền, nơi kiểm soát toàn bộ hệ thống báo chí và có quyền
sinh sát với mọi diễn ngôn đi chệch hướng chỉ đạo.
Dự thảo Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân vừa
qua là một ví dụ. Dự luật này được đưa ra gấp rút, chỉ để vài tháng nhận đóng
góp ý kiến, và cho tới nay không có phản hồi nào với những
phản biện được đưa ra. [8]
Nhưng đó không có nghĩa là chúng ta ngừng lên
tiếng.
Tất cả các tiến bộ về quyền con người từ xưa đến
nay đều là kết quả của quá trình đấu tranh không mệt mỏi, đầy máu và nước mắt.
Điều tối thiểu mỗi người có thể làm là học hỏi,
tìm hiểu, và lên tiếng để giành lại các cuộc thảo luận bị đánh cắp.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài
bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.
Tài liệu tham khảo
1. Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ
nghĩa Việt Nam năm 2013. (2013). Thư viện pháp luật. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-nam-2013-215627.aspx
2. Khi nào công an được quyền khám xét
chỗ ở người dân? (2015). Thư viện pháp luật.
3. Jonathan L. Hafetz (2002). “A Man’s
Home is His Castle?”: Reflections on the Home, the Family, and Privacy During
the Late Nineteenth and Early Twentieth Centuries, 8 Wm. & Mary J.
Women & L. 175 (2002). https://scholarship.law.wm.edu/wmjowl/vol8/iss2/2
4. Xem [1].
5. Hậu, L. N. D. (2021, April 21). Nghi
ngờ hợp lý – chiếc vương miện của nền tư pháp hình sự. Luật Khoa Tạp
Chí. https://www.luatkhoa.org/2014/11/nghi-ngo-hop-ly-chiec-vuong-mien-cua-nen-tu-phap-hinh-su/
6. Cơ N. (2021, May 29). Vụ diễn viên
lộ clip “nóng”: Việc thu giữ và khám xét điện thoại có đúng luật? https://nld.com.vn. https://nld.com.vn/phap-luat/vu-dien-vien-lo-clip-nong-viec-thu-giu-va-kham-xet-dien-thoai-co-dung-luat-20210529095527973.htm
7. Morrison, S. (2020, October 21). When
is law enforcement allowed to search your phone? Vox. https://www.vox.com/recode/2020/2/24/21133600/police-fbi-phone-search-protests-password-rights
8. Chính, Y. K. (2021, March 15). Tổng
hợp các bài viết về dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân. Luật Khoa Tạp
Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/03/tong-hop-cac-bai-viet-ve-du-thao-nghi-dinh-bao-ve-du-lieu-ca-nhan/
.
No comments:
Post a Comment