Thánh
chửi, thần y, danh hài, và các ngôi sao đang lặn
Nguyễn
Quang Dy
Viet Studies
27/05/2021
http://www.viet-studies.net/kinhte/NQuangDy_ThanhChuoiThanY.html
Gần đây, dư luận ồn ào về câu chuyện “thần y”
Võ Hoàng Yên đang bị “thánh chửi” Nguyễn Phương Hằng (CEO của Đại Nam, vợ đại
gia “Dũng Lò Vôi”) tố cáo dùng bùa ngải để lừa đảo hòng chiếm đoạt tài sản.
Theo bà Phương Hằng, 14 năm qua ông Yên đã hành nghề “lang băm”, lừa đảo nhiều
người cả trong và ngoài nước, làm họ “tiền mất tật mang”. Bà còn tố cáo một số
“nghệ sỹ” đã ẩn danh nói xấu mình để bênh vực cho ông Yên.
Bà Phương Hằng cũng lên án “danh hài” Võ Hoài
Linh, không chỉ vì đồng bóng, mà sáu tháng qua đã ỉm đi gần 14 tỷ VNĐ mà những
người hảo tâm đã ủng hộ đồng bào bị lũ lụt. Về pháp lý, phải chờ cơ quan chức
năng điều tra làm rõ sự thực, nhưng nếu sự thực được phanh phui thì đây là tiếng
chuông cảnh tỉnh về một nhóm lợi ích có bóng dáng một giáo phái tà đạo mà chính
bà ấy là nạn nhân, nay đang làm thay đổi cuộc chơi (game changer).
Các loại siêu lừa
Tuy lừa đảo không chỉ có ở Việt Nam mà nước
nào cũng có, nhưng ở các nước văn minh, họ thường lừa đảo “chuyên nghiệp hơn”.
Siêu lừa Bernie Madoff bị bắt vào tháng 12/2008, sau khi công ty quản lý tài sản
mà ông ta điều hành ở Manhattan (New York) bị cáo buộc lừa đảo bằng “mô hình
kim tự tháp” (Ponzi), với số tiền lên tới 65 tỷ USD. Nhưng ở Việt Nam, họ thường
lừa đảo dân chúng một cách “thô thiển hơn”, như một đặc thù riêng.
Hai năm trước, siêu lừa Lê Xuân Giang (Chủ tịch
HĐQT Công ty Liên Kết Việt) đã bị tuyên án tù chung thân. Theo Viện Kiểm Soát,
từ tháng 3/2014 đến tháng 11/2015, Lê Xuân Giang và các đồng phạm đã sử dụng mạng
lưới bán hàng đa cấp gồm 34 chi nhánh và đại lý tại 27 tỉnh/thành, chiếm đoạt
2.090 tỷ VNĐ của hơn 68.000 người. Giang và đồng bọn đã phạm tội lừa đảo chiếm
đoạt tài sản, gây ngộ nhận rằng Liên Kết Việt là công ty của Bộ Quốc phòng,
và tổ chức lễ đón nhận bằng khen (giả) của thủ tướng chính phủ. (Lao Động,
23/12/2020).
Trước đó là vụ “nhà báo quốc tế” Lê Hoàng Anh
Tuấn phạm tội lừa đảo. Tuấn vốn lái taxi nên được nhận vào làm lái xe ở cục
Phòng chống Tham nhũng (Thanh tra Chính phủ). Vì quen với Chủ tịch Hội Luật gia
và Hội Nhà báo, nên Tuấn được kết nạp làm hội viên, và đã “thỉnh giảng” tại Học
viện Báo chí & Tuyên truyền. Tuấn còn làm “trợ lý” cho ông Võ Kim Cự (Chủ tịch
tỉnh Hà Tĩnh). Năm 2016, với danh nghĩa “Viện trưởng Viện Pháp luật & Kinh
doanh” (thuộc Hội Luật gia Việt Nam), Tuấn định ứng cử vào Quốc Hội. (VOV, 19/5/2019).
Người Việt lừa đảo không chỉ trong nước mà còn
ở nước ngoài. Năm 2016, cô gái Lê Mỹ Trúc bị bắt ở Sydney (Australia) và bị
tuyên án 18 tháng tù treo vì tội lừa đảo với số tiền là 466.000 AUD (khoảng 8 tỷ
VNĐ). Trên 300 du học sinh người Việt ở Sydney và Melbourne là nạn nhân của
trang Facebook Vi Tran, bán vé máy bay giá rẻ trên mạng. Các nạn nhân bị lừa do
mua vé máy bay giá rẻ mà không thẩm định. (Thanh Niên, 10/8/2016).
Gần đây, các vụ lừa đảo ngày càng nhiều, với
các phương thức đa dạng hơn, kết hợp truyền thống với công nghệ cao, nên càng
khó đối phó, được cảnh báo thường xuyên như một hiện tượng “bình thường mới”
(new normal). Năm 2020, tiếp theo thiên tai là đại dịch Covid, làm cho nền kinh
tế suy thoái, càng tạo điều kiện cho bọn lừa đảo hoạt động. Người ta nói “quan
tham thì dân gian”, nên tình trạng buôn gian bán lận không có gì lạ.
Các “siêu lừa” như Lê Xuân Giang, Lê
Hoàng Anh Tuấn, hay Võ Hoàng Yên, là những kẻ mạo danh (imposters), thu
hút được rất nhiều người tham gia và trở thành nạn nhân, bao gồm doanh nhân,
trí thức và văn nghệ sỹ. Trong thế giới đầy “tin vịt” (fake news), “nửa thật nửa
hư” (half truth) và “hậu sự thật” (post truth) mà Yuval Noah Harari đã cảnh
báo, các Youtubers bẩn đang mọc ra như nấm, thao túng thông tin làm nhiều người
dễ ngộ nhận.
Theo bà Phương Hằng và dư luận trên các trang
mạng, “thần y” Võ Hoàng Yên và “danh hài” Võ Hoài Linh đã thao túng một mạng lưới
lừa đảo xuyên quốc gia, vận dụng các phương thức truyền thống (như bùa ngải) và
hiện đại (như truyền thông mạng xã hội), nên khó nhận dạng và đối phó. Điều đó
vừa phản ánh sự phân hóa của cộng đồng, vừa bộc lộ hiện trạng dân trí của đất
nước. Tuy đã có nhiều bài viết về dân trí, nhưng có lẽ chưa đủ.
Bài học truyền thông và dân trí
Trong khi cộng đồng người Việt khó đoàn kết và
hòa giải, thì lại dễ chia rẽ và phân hóa theo vùng miền hay phe nhóm. Trong khi
người Việt coi nhẹ những vấn đề cốt lõi, thì lại coi trọng những vấn đề vụn vặt.
Họ thường lẫn lộn hệ quy chiếu làm thước đo giá trị, nên dễ ngộ nhận. Trong
khi bị người khác lừa, họ lại thích lừa người khác vì tưởng mình khôn ngoan
hơn. Đó là một nghịch lý làm nhiều người tinh tướng và “khôn nhà dại chợ”.
Tuy có nhiều nguyên nhân, nhưng có ba nguyên
nhân chính. Một là dân trí thấp, làm nhiều người Việt không chịu lắng nghe để học
hỏi nên dễ nhầm lẫn. Hai là giáo dục và đào tạo có lỗ hổng lớn, làm nhiều người
Việt không có tư duy độc lập và thiếu phản biện nên dễ chấp nhận. Ba là truyền
thông yếu kém, làm nhiều người Việt ít được giao lưu với thế giới bên ngoài và
thiếu kinh nghiệm quốc tế (international exposure) nên dễ bị lừa.
Thực ra, chất lượng một cộng đồng trí thức hay
văn nghệ sỹ không phụ thuộc vào số giáo sư tiến sỹ hay nghệ sỹ ưu tú và nghệ sỹ
nhân dân, mà phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm của họ đóng góp cho xã hội. Cũng
như vậy, chất lượng của một thầy thuốc hay lang băm phụ thuộc vào số người mà
anh ta cứu sống hay làm chết oan. Nghe nói hàng chục người đã chết dưới tay “thần
y” Võ Hoàng Yên. Nếu đó là sự thực thì phải truy tố như một tội
ác.
Cuộc chiến đầy kịch tính giữa “thánh chửi”
Phương Hằng với “thần y” Võ Hoàng Yên và “danh hài” Võ Hoàng Linh, cùng một số
“ngôi sao”, không chỉ phản ánh sự phân hóa cộng đồng, mà còn bộc lộ thực trạng
văn hóa và dân trí của giới Showbiz. Đằng sau hào quang của các “ngôi sao”
showbiz là một khoảng tối của dân trí thấp. Trong đó, bà Phương Hằng nổi lên
như một hiện tượng truyền thông, trong một xã hội dân sự đang hình thành. Tuy
bà sử dụng truyền thông mạng (lá cải), nhưng nó ngày càng hiệu quả và có tác động
tích cưc.
Theo các chuyên gia, bà Phương Hằng không chỉ
là một doanh nhân giàu có, mà còn là một người giỏi truyền thông. Để lôi kéo và
thuyết phục đám đông, bà đạt được 4 concepts về truyền thông (một tỷ lệ cao).
Đó là: (1) nổi tiếng, (2) có tài sản lớn, (3) biết kiện cáo, (4) biết bật mí.
Bà phát động cùng lúc 2 cuộc chiến: (1) cuộc chiến truyền thông (phương tiện)
và (2) cuộc chiến pháp lý (mục đích). Bà biết lồng ghép các thông điệp truyền
thông đúng lúc đúng chỗ, và đối đầu với giới showbiz làm phương tiện để đạt mục
đích (chơi tất tay).
Trong một cuộc chiến “đuổi cùng diệt tận”, bà
Phương Hằng biết chơi cờ, đưa mình vào thế bị bắt nạt (họ ăn hiếp em), để đối
phương bộc lộ điểm yếu (ai sập bẫy ai), nhằm phân hóa đối phương (đi với bụt mặc áo cà sa, đi
với ma mặc áo giấy). Để có chính nghĩa
(legitimacy), bà biết chiếm lĩnh điểm cao (positioning) là yêu nước và đứng về
phía người dân để “thế thiên hành đạo” (như Robinhood). Bà biết cách khai thác
điểm yếu của đối phương (như hiệu ứng bầy đàn) để công kích họ đúng chỗ (tạm ứng
niềm tin, đánh tráo khái niệm).
Trong một livestream dài ba tiếng đồng hồ (tối
25/5/2021), bà Phương Hằng đã cùng lúc thu hút được nửa triệu người xem (một kỷ
lục rất cao). Theo các chuyên gia, bà nổi nên như một ngôi sao truyền thông và
showbiz có tài, đang làm chủ cuộc chơi và dẫn dắt dư luận. Trong khi các
nettizens gọi bà Phương Hằng là “thánh chửi” thì ông “Dũng Lò vôi” gọi vợ mình
là một “chiến binh”. Đó là một nữ chiến binh xinh đẹp, thông minh và dũng cảm.
Tuy bị đám đông xúm vào tấn công, nhưng bà
Phương Hằng vẫn bình tĩnh livestream một cách chuyên nghiệp, với phong cách tự
nhiên, tự tin và nữ tính, sẵn sàng thách đấu các đối thủ “núp lùm”. Sau khi hạ
đo ván (knockout) “thần y” Võ Hoàng Yên và “danh hài” Võ Hoài Linh, chắc “thánh
chửi” không còn đối thủ. Có lẽ vì vậy, mà ông “Dũng Lò Vôi” đã tin tưởng chống
lưng cho vợ và nhường cho bà làm Tổng Giám đốc (CEO) của Đại Nam.
Lời cuối
Cách đây hơn một thế kỷ, trong khi cụ Tản Đà
than “Dân hai lăm triệu ai người lớn. Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”, thì cụ
Phan Châu Trinh đề xướng “Khai dân trí” như tư tưởng khai phóng để quốc gia khởi
nghiệp. Trong khi Nhật mở cửa canh tân thành công và cất cánh thành cường quốc
sau thời Minh Trị (Meiji Restoration) theo “Thoát Á luận” của Fukuzawa Yukichi,
thì Việt Nam vẫn “bế quan tỏa cảng”, nên trở thành thuộc địa của Pháp.
Đến nay, Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ, chưa
thoát khỏi “ngã ba đường”, thậm chí vẫn đang tụt hậu. Liệu Việt Nam có thể phát triển nếu vẫn nhốt những
người như Trần Huỳnh Duy Thức, và thả rông Võ Hoàng Yên? Nay bàn về dân
trí là hơi muộn, nhưng “muộn còn hơn không”. Việt Nam không thể tiếp cận công
nghệ 4.0 nếu vẫn theo hệ quy chiếu 0.4. Triết gia Immanuel Kant (cha đẻ của
thuyết khai sáng) đã nói: “Khai sáng là ra khỏi trạng thái vị thành niên do tự
mình chuốc lấy”. Theo nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn, “khai sáng và
trưởng thành là quá trình con người ra khỏi hang tối của tư duy, để tiếp cận
ánh sáng”.
NQD. 27/5/2021
No comments:
Post a Comment