Chiến
dịch vận động tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh 2022
Minh Đăng
May 17, 2021
Một chiến dịch rầm rộ kêu gọi tẩy chay Thế vận hội
Bắc Kinh 2022 (tổ chức từ ngày 4-2 đến ngày 20-2-2022) đang ráo riết được thực
hiện. Các nhóm nhân quyền thế giới – lên án Bắc Kinh trước tình trạng đàn áp
man rợ nhằm vào cộng đồng thiểu số Duy Ngô Nhĩ – đang kêu gọi tẩy chay toàn diện
Thế vận hội mùa đông 2022 ở Bắc Kinh, một động thái có thể gây áp lực lên Ủy
ban Olympic quốc tế (IOC), các vận động viên, nhà tài trợ và liên đoàn thể
thao.
AP ngày 17-5-2021 cho biết,
một liên minh đại diện người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, người Hong Kong và
nhiều tổ chức khác đã ra tuyên bố hôm thứ Hai 17-5-2021, kêu gọi tẩy chay Thế vận
hội Bắc Kinh. “Thời gian để nói chuyện với IOC đã kết thúc” – Lhadon Tethong
thuộc Viện Hành động Tây Tạng (Tibet Action Institute) cho biết trong một cuộc
phỏng vấn độc quyền với AP. “Đây không thể là cuộc thi đấu thể thao như bình
thường hoặc liên quan vấn đề kinh doanh như bình thường; nó không dành cho IOC
và không dành cho cộng đồng quốc tế”. Năm 2020, các nhóm nhân quyền đã tổ chức
vài cuộc gặp với đại diện IOC nhằm gây áp lực.
Cá nhân bà Lhadon Tethong từng bị giam giữ và
trục xuất khỏi Trung Quốc vào năm 2007 – một năm trước Thế vận hội Mùa hè Bắc
Kinh 2008 – vì can tội tổ chức chiến dịch vận động nhân quyền cho Tây Tạng.
Tethong nói rằng tình hình nhân quyền tại Tây Tạng hiện nay thậm chí tồi tệ hơn
giai đoạn 2008, và nếu để Trung Quốc tiếp tục tổ chức một sự kiện thể thao như
Thế vận hội thì mặc nhiên cộng đồng quốc tế chấp nhận những sai trái mà Trung
Quốc đang làm.
Việc khởi động chiến dịch tẩy chay Thế vận hội
Bắc Kinh 2022 diễn ra một ngày trước cuộc điều trần chung tại Quốc hội Hoa Kỳ,
khi các nghị Mỹ xem xét vấn đề Thế vận hội Bắc Kinh cùng các hồ sơ nhân quyền
Trung Quốc; và chỉ vài ngày sau khi Ủy ban Olympic và Paralympic Hoa Kỳ nói rằng
việc tẩy chay sẽ không mang lại ý nghĩa gì và chỉ làm tổn thương các vận động
viên. Phần mình, IOC nhiều lần nói rằng họ phải “trung lập” và đứng ngoài chính
trị. Cơ quan này, có trụ sở tại Thụy Sĩ, về cơ bản là một doanh nghiệp kinh
doanh thể thao, kiếm được khoảng 75% thu nhập từ việc bán bản quyền phát sóng
và hơn 18% từ các nhà tài trợ. Họ cũng có quy chế quan sát viên tại Liên Hợp Quốc.
Bộ ngoại giao Trung Quốc dĩ nhiên chỉ trích việc
“chính trị hóa thể thao” và nói rằng bất kỳ cuộc tẩy chay nào cũng sẽ “thất bại”.
Trung Quốc luôn mồm bác bỏ các cáo buộc diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ. Tuy
nhiên, một báo cáo gần đây của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rõ rằng “tội ác diệt chủng
và tội ác chống lại loài người” đã diễn ra trong năm qua với những chiến dịch
đàn áp người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi và các dân tộc thiểu số khác ở Tây Tân
Cương.
Tethong đang đưa ra ý tưởng đề xuất các thành
viên liên minh có thể vận động sự ủng hộ từ 15 nhà tài trợ hàng đầu của IOC,
cùng hệ thống truyền hình NBC của Mỹ – vốn mang lại khoảng 40% tổng doanh thu
cho IOC, cũng như các liên đoàn thể thao, các nhóm xã hội dân sự và “bất kỳ người
nào lắng nghe”. Tethong muốn xoáy mạnh vào vấn đề đạo đức, rằng liệu có thể tảng
lờ và không hề cắn rứt lương tâm được không, khi tổ chức một sự kiện thể thao
quốc tế dựa trên tinh thần thiện chí, mà “nước chủ nhà lại đang phạm tội diệt
chủng ngay bên ngoài khán đài?”. Trong các cuộc họp với IOC, các nhà hoạt động
cho biết họ đã yêu cầu được xem các tài liệu mà Trung Quốc đưa ra cho IOC với
những cam kết liên quan các điều kiện nhân quyền; tuy nhiên, IOC đã không cung
cấp. IOC từng đưa ra những yêu cầu về nhân quyền vào vài năm trước, trong hợp đồng
với nhà tổ chức Thế vận hội Paris 2024, nhưng họ lại không đặt ra những yêu cầu
tương tự đối với Bắc Kinh!
Từ sau khi vào Tòa Bạch Ốc, Nội các Biden đã
đánh động rất mạnh vấn đề nhân quyền Trung Quốc, với sự ủng hộ của các đồng
minh. Tuần trước, các nhóm nhân quyền và một số quốc gia phương Tây do Hoa Kỳ,
Anh và Đức dẫn đầu một lần nữa lại cáo buộc Trung Quốc phạm tội nghiêm trọng đối
với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ và yêu cầu Bắc Kinh không cản trở các chuyên gia
Liên Hợp Quốc tiếp cận vụ việc. Tại cuộc họp, Đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc,
Barbara Woodward, nói rằng tình hình Tân Cương là “một trong những cuộc khủng
hoảng nhân quyền tồi tệ nhất thời đại chúng ta”, rằng “bằng chứng đã cho thấy
có một chương trình đàn áp nhắm vào các nhóm sắc tộc cụ thể”, rằng “những biểu
đạt tôn giáo đều bị hình sự hóa, trong khi ngôn ngữ và văn hóa Duy Ngô Nhĩ bị
phân biệt đối xử một cách có hệ thống và quy mô”.
Tháng 3-2021, Chính quyền Biden đã trừng phạt
hai quan chức Trung Quốc, vì vai trò của họ trong các vụ vi phạm nhân quyền đối
với người dân tộc thiểu số ở Tân Cương. Wang Junzheng, Bí thư Đảng ủy Quân đoàn
Sản xuất và Xây dựng Tân Cương, và Chen Mingguo, Giám đốc Sở Công an Tân Cương,
đã bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ cấm vận bởi tội “giam giữ tùy tiện và lạm dụng thể chất
nghiêm trọng, trong số các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng khác nhằm
vào người Duy Ngô Nhĩ”. “Trong bối cảnh quốc tế lên án các trường hợp vi phạm
nhân quyền của Trung Quốc ngày càng tăng, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vẫn tiếp
tục thực hiện tội ác diệt chủng và tội ác chống lại loài người ở Tân Cương” –
Ngoại trưởng Antony Blinken cũng mạnh mẽ lên tiếng – “Chúng tôi sẽ tiếp tục sát
cánh với các đồng minh trên thế giới để kêu gọi chấm dứt ngay lập tức tội ác của
CHND Trung Hoa và đòi công lý cho nhiều nạn nhân”.
No comments:
Post a Comment