Sunday, 23 May 2021

SỔ TAY PHÓNG VIÊN - ĐẾN BIÊN GIỚI MỸ - MEXICO TÌM DI DÂN 'NHẬP CẢNH LẬU' (Kalynh Ngô/Người Việt)

 



 

Sổ tay phóng viên – Đến biên giới Mỹ-Mexico tìm di dân ‘nhập cảnh lậu’  

Kalynh Ngô/Người Việt

May 22, 2021

https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/cong-dong/so-tay-phong-vien-den-bien-gioi-my-mexico-tim-di-dan-nhap-canh-lau/

 

Buổi sáng hôm đó, như thường lệ, tôi ngồi xem tin tức từ các trang báo khác. Một video của Fox News thu hút sự chú ý của tôi với dòng chữ “Exlusive” và hình ảnh “những người khốn khổ” bước ra từ chiếc xuồng hơi đang cập vào bờ sông. Ánh mắt họ hoang mang, sợ hãi. Người đàn ông to khỏe trong nhóm người đó bật khóc.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/05/DP-So-Tay-Phong-Vien-Kalynh-1-1536x864.jpg

Thành phố Roma, Texas, giáp sông Rio Grande River giữa Mỹ và Mexico. (Hình: Kalynh Ngô/Người Việt)

 

Trong đầu tôi nghĩ: “Del Rio? Cách đây 6 giờ lái xe. Fox News làm được. Truyền thông Việt ngữ vẫn có thể làm được? Thử xem.”

 

Tôi bắt đầu cuộc truy lùng thông tin và tìm nguồn liên lạc.

 

Sau hơn 10 cú điện thoại gọi đến cơ quan “US Custom Border Protection” (CBP) ở Del Rio, tôi tìm được người phụ trách, ông Rick Pauza. Sau năm lần email qua lại, tôi nhận được email từ chối của sếp ông ấy, ông Dennis Smith.

 

“Liên quan đến các yêu cầu của cô về di dân bất hợp pháp tại các cửa khẩu, các giới chức CBP tại đây không phải là nơi có thẩm quyền giải quyết,” ông Smith viết. “Chúng tôi không thể đáp ứng yêu cầu của cô trong lúc này. Cô có thể quay phim ở những nơi công cộng gần cửa khẩu. Tuy nhiên, cô không được làm bất cứ gì trong khu vực an ninh thuộc thẩm quyền chính quyền liên bang.”

 

Tôi nhận ra họ nhầm tưởng tôi đề nghị đến CBP và phỏng vấn họ về chính sách di trú. Tôi hồi âm email giải thích kèm đường link một phóng sự mới nhất, độc quyền của Fox News, và hỏi thẳng: “Tôi cần đến chỗ này. Các ông có thể cho tôi biết vị trí nơi này ở sông Rio Grande River?”

 

Và email tôi nhận được: “Có một số địa điểm ở Del Rio công chúng và truyền thông có thể đến để chụp hình. Chúng tôi không thể hộ tống quý vị được, và chúng tôi cũng không thể chỉ cụ thể chỗ nào đến được.”

 

Đối với tôi, như thế là đủ, nghĩa là truyền thông có quyền tiếp cận những nơi đó. Nhưng sông Rio Grande River dài như thế thì biết dừng nơi nao? Chẳng lẽ đi suốt? Chừng nào mới hết? Không thể được. Lại tìm kiếm tiếp.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/05/DP-So-Tay-Phong-Vien-Kalynh-2-1536x864.jpg

Sông Rio Grande River, phía bên kia là Mexico. (Hình: Kalynh Ngô/Người Việt)

 

Một bài báo địa phương của Spectrum News 1 hiện ra với bài tường thuật những di dân bất hợp pháp ở Roma.

Roma???

 

Lại thêm một thành phố hoàn toàn xa lạ.

 

Chỉ còn cách hỏi chính tác giả bài báo.

 

Nhưng Spectrum News 1 không đăng email phóng viên.

 

Tôi “đi” vào trang nhà của trang báo, để chắc chắn người phóng viên này là của họ. Tôi lần ra tiểu sử và tài khoản mạng xã hội của ông. Đó là ký giả Adolfo Muniz. Tôi gửi một tin nhắn vào Facebook của ông với hy vọng mong manh. Một giờ sau, điện thoại “beep,” màn hình hiện lên tin nhắn của ông Muniz: “Rất vui lòng. Tôi đang bận. Tôi sẽ gọi lại vào chiều nay.”

 

Ký giả Muniz giữ đúng lời hứa. Ông giới thiệu tôi bốn người có thể liên lạc ở Roma, trong đó, Mục Sư Luis Silva của Bethel Mission Outreach Center, là người biết rõ nhất vì ông ấy chính là người giúp đỡ những chiếc xuồng “vượt biên” vào Mỹ.

 

Với tôi, vậy là đã xong 50% đoạn đường.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/05/DP-So-Tay-Phong-Vien-Kalynh-3-1536x1152.jpg

Trực thăng lượn sát trên đầu ngọn cây tại vùng biên giới. (Hình: Kalynh Ngô/Người Việt)

 

Sau khi biết chắc có sự trợ giúp của người địa phương, tôi mạnh dạn xin phép sếp “Đen” thực hiện phóng sự. Rất may mắn, ông đồng ý. Sau đó, tôi xin một thư xác nhận của cơ quan làm việc mang theo. Dù biết mình không vào bên trong cơ sở CBP, nhưng tôi muốn có để phòng thân.

 

Thêm 10% nữa.

 

Xong, đến giai đoạn tìm khách sạn. Cả thành phố Roma có đúng một cái. Không có sự lựa chọn nào khác.

Sau khi đặt phòng, tôi thuyết phục người bạn cùng đi với mình, may mắn nữa, người đó ủng hộ tôi (luôn như thế). Khi “cho phép” đi, người đó còn nói: “Chắc phải mang súng theo quá Bi.”

 

Thêm 10% nữa.

 

Trưa hôm sau, chúng tôi khởi hành. Từ Houston đến Roma khoảng 6 giờ lái xe. Chỉ có 6 giờ lái xe thôi mà như một thế giới hoàn toàn khác. Hai bên đường chỉ có đồng cỏ và đàn bò. Khi những bảng tên đường bắt đầu toàn là tiếng Tây Ban Nha thì chúng tôi biết đã vào địa phận người di dân.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/05/DP-So-Tay-Phong-Vien-Kalynh-4-1536x864.jpg

Nhân viên CBP bắt di dân lậu tại Roma. (Hình: Kalynh/Người Việt)

 

Đến lúc chữ Rio Grande River hiện ra trước mắt thì cảm giác càng … rờn rợn.

 

Mặc dù gọi là xa lộ nhưng chỉ có hai lằn đường, một đi một về. Nhà cửa hai bên đường thưa thớt, xập xệ. Cứ chạy khoảng một dặm là gặp cảnh sát. Có đoạn trực thăng quần trên đầu ngọn cây, bên dưới là hai xe cảnh sát. Chúng tôi chỉ có thể đoán là cảnh sát đang truy lùng người nhập cư lậu hoặc truy bắt người buôn ma tuý. Nhìn vào Google Maps nơi đoạn đó, tôi thấy phía sau cánh rừng bên tay phải chính là Vịnh Mexico.

 

                                                                    ***

Trước khi đến Bethel Mission Outreach Center ở trung tâm Roma, tôi vẫn chưa có cảm giác an toàn, vì không biết người mình gặp là ai? Họ dẫn mình đi đâu? Cả thành phố này chắc chắn chỉ giao tiếp bằng tiếng Tây Ban Nha. Mục Sư Silva cũng báo trước điều này. Những cuộc trao đổi qua điện thoại với ông Tony Pena, một người cũng thuộc Bethel Mission Outreach Center, cũng tiếng được tiếng mất vì ông ấy nói tiếng Anh “pha” với tiếng Tây Ban Nha.

 

Lúc gặp hai người, chúng tôi mới “thở phào nhẹ nhõm.” Qua cuộc nói chuyện thăm hỏi nhau, chúng tôi biết, và tin họ là những người phụng sự thật sự. Như lời ông Silva nói: “Tôi luôn cảm thấy tôi có một sứ mệnh (giúp di dân).”

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/05/DP-So-Tay-Phong-Vien-Kalynh-5-1536x864.jpg

Ông Tony Pena (phải) hướng dẫn phóng viên đi vào khu vực bờ sông Rio Grande River, biên giới Mỹ-Mexico. (Hình: Kalynh/Người Việt cung cấp)

 

Từ Bethel Mission Outreach Center, Mục Sư Silva và ông Pena đưa chúng tôi đến biên giới Mỹ-Mexico. Đoạn đường năm phút chạy xe đủ khắc hoạ lên một Roma lạnh lẽo, rờn rợn không khí u ám của một trong những thành phố có số người nhập cư lớn nhất Texas.

 

Bên kia đường là chiếc xe của U.S. Customs and Border Protection. Hai cảnh sát biên giới đang lục soát người của ba thanh niên ngồi gục mặt trên đường. Ông Pena ra hiệu cho chúng tôi dừng xe. Sau khi nói chuyện gì đó với hai viên cảnh sát, ông Pena nói tôi có thể ghi lại hình ảnh này nhưng không được phỏng vấn vì họ sẽ không trả lời.

 

”Ba người này bị bắt lúc đang trốn trong ngôi trường cấp hai gần đây. Họ là di dân lậu,” ông Pena nói với tôi.

Nhìn vẻ mặt của ba cậu thanh niên, tôi đoán chỉ trên dưới hai mươi tuổi. Họ ngước mắt nhìn tôi rồi vội cúi đầu xuống mặt đường. Công việc lục soát hoàn tất, họ bước lên xe cảnh sát. Tương lai họ thế nào? Đến giờ tôi chưa thể có câu trả lời.

 

Sau đó, câu chuyện người di dân ở sông Rio Grande River như thế nào, tôi kể trong video phóng sự “Họ đã vượt dòng Rio Grande River vào biên giới Mỹ xin tị nạn như thế nào?” trên Youtube của nhật báo Người Việt và bài tường thuật “Lần theo dấu vết – và chứng kiến – di dân lậu ‘băng’ qua sông vào Mỹ” đăng trên nhật báo Người Việt hôm Thứ Bảy, 22 Tháng Năm.

 

Và thế là 100% tôi đã làm xong.

 

Một kinh nghiệm khó quên trong nghề, trong đời.

 

Cảm ơn ông “Đen,” cảm ơn nhật báo Người Việt, cảm ơn bạn đồng hành.

 

Đặc biệt, xin cảm ơn ký giả Adolfo Muniz, Mục Sư Luis Silva, ông Tony Pena, và ông Rick Pauza cùng ông Dennis Smith của CBP. [đ.d.]

 

                                                    ***

 

Lần theo dấu vết – và chứng kiến – di dân lậu ‘băng’ qua sông vào Mỹ

Kalynh Ngô/Người Việt (tường trình từ Roma, Texas)

May 21, 2021

https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/littlesaigon-phong-su/lan-theo-dau-vet-va-chung-kien-di-dan-lau-bang-qua-song-vao-my/

 

*

Mỹ đóng cửa biên giới với Canada, Mexico tới cuối Tháng Sáu  

Người Việt

May 22, 2021

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats