Cuộc
ngưng chiến tạm thời ở Gaza
21/05/2021
https://www.voatiengviet.com/a/gaza-hamas-israel-ngung-chien-tam-thoi/5899300.html
https://gdb.voanews.com/557C7F4B-2CF5-46E1-9F4D-9B22E9FC1836_cx0_cy8_cw0_w650_r1_s.jpg
Hoang tàn sau 11
ngày máu lửa ở Gaza.
Chính phủ Israel và Đảng Hamas cai trị Dải
Gaza đã đồng ý ngưng bắn sau 11 ngày máu lửa. Đây là cuộc chiến khốc liệt nhất
giữa hai phe kể từ năm 2007 khi đảng Hamas nắm chính quyền. Hamas cho biết hơn
230 người Palestine chết, trong đó có 65 trẻ em. Israel có 12 người thiệt mạng,
hai trẻ em.
Theo tin của chính phủ Israel, Hamas đã bắn
hơn 4,000 hỏa tiễn, hơn 400 rớt ngay trên đất Gaza, phần còn lại thì 90% bị hỏa
tiễn phòng không của Israel bắn nổ trước khi tới đích. Đổi lại, Israel đánh bom
và hỏa tiễn mấy trăm lần vào Dải Gaza. Quân đội Israel cho biết họ chỉ nhắm
đánh vào các ổ chế bom và hỏa tiễn, phá hủy các địa đạo gần biên giới, và tấn
công chỗ cư ngụ của các lãnh tụ Hamas. Sau 11 ngày bắn phá, Israel có thể không
còn mục tiêu nào đáng tấn công nữa.
Mặc dù cuộc chiến xảy ra bất ngờ đối với thế
giới, nhưng cả hai bên đều chờ cơ hội này từ lâu. Quân Israel đã đánh nhau ở Dải
Gaza bốn lần, tấn công vào hai lần, lần chót năm 2014. Mỗi lần, Ai Cập đều đứng
ra hòa giải. Ngày Thứ Năm, trước khi hai bên tuyên bố ngưng chiến, Tổng thống Mỹ
Joe Biden đã điện thoại với Tổng thống Ai Cập, Abdel Fattah Al Sisi.
Đứng về mặt thuần túy quân sự, những trái hỏa
tiễn do phe Hamas bắn sang Israel gây thiệt hại không đáng kể. Nhưng Hamas cần
phải bắn vì lý do chính trị. Ngược lại, Israel cũng không thể bỏ qua cuộc tấn
công vô hiệu quả này, không để lỡ một cơ hội hủy diệt tối đa tiềm năng quân địch.
Hamas chờ một lý do chính đáng phóng hỏa tiễn
qua Israel để ép buộc các nước Á Rập và Hồi Giáo không được quên tình trạng dân
Palestine sống “không quê hương” từ năm 1948. Trong năm 2020, nhiều nước Á Rập
trong vùng theo giáo phái Sun Ni đã bắt đầu giao hảo với Israel sau khi được
chính phủ Mỹ hứa sẽ bán cho họ các vũ khí tối tân vẫn bị từ chối. Nếu cứ tiếp tục
theo đà này thì dân Palestine sẽ bị các quốc gia đồng chủng và đồng đạo bỏ
quên! Hamas cũng cần nâng cao uy tín của mình đối với dân Palestine ở vùng Tây
Ngạn sông Jordan, nơi một chính quyền do đảng Fatah đối nghịch với họ cầm đầu. Cơ
hội đó tới khi cảnh sát và quân đội Israel phong tỏa Thánh đường al Aqsa, khi
dân Palestine tới đó biểu tình phản đối một vụ đuổi nhà.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu cũng đang chờ một
cơ hội đánh tan rã lực lượng Hamas sau sáu, bảy năm yên ổn. Chính phủ Israel biết
rằng nhóm Hamas đã lợi dụng thời gian ngưng chiến để chế tạo hỏa tiễn, huấn luyện
quân cảm tử, củng cố sức mạnh, đào các địa đạo tiến đến gần biên giới với
Israel, chờ ngày chạm súng trở lại. Ông Netanyahu còn có lý do riêng. Sau mấy lần
dân Israel bỏ phiếu trong vòng hai năm, ông có thể mất ghế thủ tướng nếu các đảng
đối lập thỏa hiệp được với nhau lập một chính phủ mới. Cuộc chiến tranh gần hai
tuần khiến các đảng đó không đạt được mục tiêu này. Cuộc chiến ngắn ngủi cũng
nâng cao uy tín của Netanyahu. Ông cần tỏ thái độ quyết liệt với “quân thù” để
sẵn sàng chờ dân đi bỏ phiếu lần nữa.
Ông Netanyahu đã trả lời trên một đài ti vi Mỹ:
Nếu Washington hay New York bị tấn công thì quý vị sẽ làm gì? Câu nói này dễ
chinh phục dân Mỹ vì họ nhớ lại vụ phá tan hai tòa cao ốc ở New York ngày 11
tháng 9 năm 2001, đưa tới hai cuộc chiến tranh Afghanistan và Iraq.
Chính phủ Joe Biden bị lâm vào tình tạng bất
ngờ, bối rối khi bom đạn, hỏa tiễn lại nổ lên ở Trung Đông. Israel là đồng minh
gắn bó nhất của Mỹ, hơn tất cả các nước khác, từ Âu châu qua Nhật Bản, Hàn Quốc.
Từ khi Israel lập quốc, năm 1948, hai nước luôn luôn song hành. Israel là đồng
minh đáng tin cậy nhất của Mỹ ở vùng Trung Đông. Các nước Á Rập, ngay cả Ai Cập,
Saudi, hay một nước Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ, có thể bỏ nước Mỹ, nhưng Israel thì
không. Vì thế, các chính phủ Mỹ luôn luôn dùng quyền phủ quyết bảo vệ Israel tại
Hội đồng An ninh Liên Hiệp Quốc.
Mặt khác, trong đảng Dân chủ rất nhiều người
nhiệt liệt ủng hộ ý nguyện lập quốc của dân Palestine, đã được ghi trong các thỏa
hiệp ở Camp David và Oslo, do Mỹ đứng trung gian. Khi Ông Biden kêu gọi ông
Netanyahu ngưng bắn, cánh tả trong đảng Dân chủ phản đối vì ông “quên” chỉ
trích phản ứng quá mạnh của Israel.
Ngược lại, các đại biểu Cộng Hòa lên tiếng phản
đối ông Biden không kết án nhóm Hamas gây sự trước. Thỏa hiệp ngưng bắn, bắt đầu
sáng Thứ Sáu ở Gaza, giúp ông Biden thoát cả hai gọng kìm dư luận trong nước.
Nhưng cuộc ngưng bắn này sẽ chỉ tạm thời; ai
cũng biết như thế.
Đảng Hamas sẽ còn tiếp tục cai trị Dải Gaza và
biến vùng đất này thành một mục tiêu cho đại pháo và hỏa tiễn của Israel trong
tương lại. Đó là “lẽ sống còn” của Hamas. Đảng này đã tổ chức các vụ ôm bom tự
sát trong những năm 1990 và 2000. Các vụ bạo động này giúp cho Hamas thắng cử
năm 2007, vì khiến cho Israel phải rút quân đội và thường dân ra khỏi Dải Gaza
sau khi đã chiếm đóng từ năm 1967. Năm 2009, họ trục xuất đảng Fatah ra khỏi
Gaza; lãnh tụ Mahmoud Abbas chỉ còn cai trị khu vực Tây Ngạn. Ông ta mất cả
Jerusalem, nơi người Palestine muốn chia đôi với Israel để làm thủ đô. Bắn hỏa
tiễn sang Israel, Hamas không chỉ nhắm đánh kẻ địch mà còn muốn làm rõ tình trạng
bất lực của Abbas, nâng cao vai trò lãnh đạo của họ.
Nhưng Hamas là một chính quyền thối nát và độc
đoán, không làm được một việc gì ích lợi cho dân. Từ năm 2007 Israel và Ai Cập
cùng phong tỏa kinh tế Dải Gaza, nhưng nhiều nước Á Rập và Hồi Giáo vẫn viện trợ.
Hai triệu người Palestine ở Gaza sống trong 140 dặm vuông (140 square-miles).
Hãy tưởng tượng trong Công viên Square-Mile ở Fountain Valley, California, cho
15,000 người vào đó ở, cho họ làm nhà cửa, mở hàng quán, xưởng thợ, trường học,
nhà thương, vân vân, thì chúng ta biết tình trạng dân chúng ở Gaza sống như thế
nào! Nhóm Hamas không lo các vấn đề y tế, vệ sinh, giáo dục cho dân, mà còn
dùng trường học, nhà thương và nhà ở của dân chúng làm nơi chế tạo và tích trữ
vũ khí. Khi quân đội Israel tấn công các mục tiêu này, nhóm Hamas lại có thêm một
đề tài để tuyên truyền.
Đối với ông Netanyahu thì đảng Hamas cai trị Dải
Gaza cũng hữu ích. Hamas càng làm suy yếu chính quyền của đảng Fatah thì giấc mộng
lập quốc của người Palestine càng xa vời. Các cường quốc Tây Phương từng ủng hộ
giải pháp hai quốc gia sống bên cạnh nhau, mà hai phe cũng đã thỏa thuận trong
các thỏa ước Oslo và Camp David. Nhưng từ khi nắm quyền, ông Netanyahu không
bao giờ nhắc đến chuyện “hai quốc gia” nữa. Ông làm ngược lại các thỏa ước, đổi
thủ đô từ Tel Aviv về Jerusalem, giúp tăng thêm các khu định cư của người
Israel trong vùng Tây Ngạn. Netanyahu đặt cả thế giới trước một tình trạng “đã
lỡ rồi” khó lòng đảo ngược. Còn đảng Hamas ở Gaza thì Israel còn tiếp tục chính
sách đó, dù ông Netanyahu làm thủ tướng hay không!
Cho nên cuộc ngưng bắn giữa quân đội Israel và
nhóm Hamas chỉ là tạm thời. Dân Palestine sống ở Gaza còn tiếp tục chịu thống
khổ. Giữa Israel và Hamas đã có bốn cuộc chiến và bốn lần ngưng bắn. Trong năm,
bảy năm nữa, tấn tuồng có thể tái diễn.
Tội nghiệp cho các trẻ thơ. Đài CBS News đã
chiếu hai cuộc phỏng vấn các em bé gái 10 tuổi. Em Nadine Abdel-Taif sống ở Dải
Gaza gặp nhà báo trong đống gạch đá đổ nát. Em nói, Cháu chỉ muốn được sống ít
nhất một ngày bình an. Cháu không bao giờ thấy bình an ngay ở trong nhà mình.
Cách đó mấy cây số ở bên Israel, em Renana Botzer Swissa người Do Thái nói em
“sợ quá” mỗi lần hỏa tiến bắn qua. Nhưng em coi phim phỏng vấn Nadine và nghĩ rằng
Nadine còn khổ hơn mình nhiều. Hỏi Renana nếu gặp Nadine thì em sẽ nói gì? Em bảo
“Cháu sẽ chỉ ôm chị ấy thôi, và nói cháu hiểu chị ấy khổ như thế nào.”
Các cuộc chiến tranh đều như vậy. Chỉ có một
biến cố mới trước trận chiến vừa qua, là những vụ xung đột giữa người Á Rập
trong nước Israel với người dân gốc Do Thái. Trong nước Israel có 2 triệu người
gốc Á Rập, họ chiếm gần 20% dân số. Hầu hết họ là dòng dõi những người
Palestine đã “ở lại,” không bỏ đi trong cuộc chiến tranh lập quốc năm 1948,
Israel bị tất cả các nước Á Rập chung quanh tấn công và chống cự được. Những
người Á Rập này là công dân Israel và có đủ các quyền lợi như những công dân
khác. Có ba đảng chính trị của người Israel gốc Á Rập.
Cuộc chiến vừa qua đã khích động các công dân
Á Rập của nước Israel khiến họ biểu tình phản đối chính phủ trả đũa nhóm Hamas
quá nặng nề. Nhiều người gốc Do Thái chống lại, xung đột đã bùng nổ ở nhiều
thành phố. Một ngôi đền Do Thái Giáo bị đốt, có người bị giết. Mặc dù đa số người
gốc Á Rập không đồng ý, có dân biểu Á Rập đã lên án các vụ bạo động, nhưng một
vết thương sẽ còn để lại trong xã hội Israel.
Những nhà lập quốc Israel đều là những con người
lý tưởng, họ muốn dựng lên một quốc gia tự do dân chủ trong đó tất cả các công
dân đều bình đẳng. Hai triệu người Á Rập chấp nhận các quy tắc này. Nhưng tình
máu mủ của họ đối với những người Palestine khác chắc không bao giờ xóa bỏ được.
Trong cuộc bầu cử quốc hội gần đây nhất, một đảng
lớn của dân Á Rập nổi bật lên vì họ có thể đóng vai trò giúp cho một số đảng của
người gốc Do Thái đủ túc số lập được chính phủ mới. Nếu tham gia, họ có thể ảnh
hưởng trên chính quyền mới. Nhưng chưa biết bao giờ thì một chính phủ Israel mới
chấp nhận cho người Palestine lập một quốc gia? Bao giờ thì giữa người
Palestine hai đảng Fatah và Hamas có thể đồng ý với nhau? Tất cả là chuyện xa vời.
Dân Palestine còn tiếp tục sống vô tổ quốc không biết đến bao giờ.
No comments:
Post a Comment