Bỉ
hướng đến lên án ‘‘tội ác diệt chủng’’ người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc
Trọng
Thành -
RFI
Đăng ngày: 22/05/2021 - 16:30
Quốc Hội Bỉ nghe nhân chứng cáo buộc Bắc Kinh
« diệt chủng » người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương ; Mỹ ra luật chống
kỳ thị người gốc Á ; hàng chục triệu dân nghèo Ấn Độ bị loại khỏi hệ thống
tiêm ngừa Covid ; Đức nâng mạnh mức cắt giảm khí thải – khối G7 ngừng tài
trợ cho than đá ngay từ năm nay ; ban nhạc rock nổi tiếng Gojira của Pháp
tái xuất với album Fortitude. Trên đây là các chủ đề chính tạp chí Thế Giới Đó
Đây tuần này.
Một trại giam người
Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 23/04/2021. © AP/Mark
Schiefelbein
Từ nhiều năm nay, giới bảo vệ nhân quyền đã
lên án các đàn áp tàn bạo nhắm vào cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ, theo đạo Hồi, ở
Tân Cương, Trung Quốc, nhưng việc Quốc Hội một số quốc gia lên án « tội
ác diệt chủng » của Bắc Kinh nhắm vào cộng đồng này ở cấp độ mới chỉ bắt
đầu từ ít tháng nay. Tiếp theo Quốc Hội Canada, Quốc Hội Hà Lan (cuối tháng
2/2021), và Quốc Hội Anh (cuối tháng 4/2021), đến lượt Quốc Hội Bỉ xem xét ra
nghị quyết lên án « tội ác diệt chủng » do Bắc Kinh tiến
hành. Ngày 18 và 19/05 vừa qua, Hạ Viện Bỉ thảo luận về đề nghị công nhận nạn
diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ. Cuộc họp, dự định diễn ra ngày 04/05, bị hoãn lại
do hệ thống internet ở Bỉ bị tin tặc tấn công trên quy mô lớn. Cuộc tấn công diễn
ra chỉ hai tiếng đồng hồ trước giờ khai mạc cuộc họp dự kiến.
Nhân chứng
Qelbinur Sidiq
Nhân chứng về tội ác đối với
người Duy Ngô Nhĩ trước Quốc Hội Bỉ của bà Qelbinur Sidiq, hiện đang tị nạn tại Hà Lan, gây xúc động
mạnh. Bà Qelbinur Sidiq, từng bị buộc dạy tiếng Hoa cho người Duy Ngô Nhĩ
trong các trại giam, hiện đang tị nạn tại Hà Lan. Trên làn sóng của RFI,
Qelbinur Sidiq thuật lại tình cảnh trong các trại giam người Duy Ngô Nhĩ ở
Tân Cương, cùng những cảm nhận, suy nghĩ và hy vọng của bà :
« Tại các trại này, phụ nữ và đàn ông
bị cạo trọc, họ đều bị xích, vẻ mặt yếu ớt và bệnh tật. Mỗi khi nghĩ đến gương
mặt họ, tôi lại khóc. Tôi đã được cử đến một trại giam phụ nữ. Ngày đầu tiên
tôi chứng kiến cảnh một thiếu nữ khoảng 18 đến 20 tuổi chết. Cô ấy bị chảy máu
quá nhiều do kinh nguyệt, nhưng không có ai trong trại quan tâm đến cô ấy cả.
Những người bị giam giữ cho tôi biết là các thiếu nữ
này bị những kẻ coi tù cưỡng hiếp. Khi các cai ngục ăn uống cùng nhau, họ kể
cho nhau nghe đã cưỡng hiếp những cô gái ấy như thế nào.
Chính tôi, vào năm 2019, cùng với hàng trăm phụ nữ
Duy Ngô Nhĩ khác, đã phải đợi bốn giờ đồng hồ dưới trời mưa, để chờ bị triệt sản.
Lúc đó tôi đã 50 tuổi. Tôi trở thành tàn phế trong suốt phần đời còn lại của
mình. Không bao giờ tôi có thể quên điều đó.
Hiện tại, người chị em của tôi và các anh em tôi bị
công an thẩm vấn. Hai tuần gần đây, công an Trung Quốc đã gọi điện cho tôi, đe
dọa tôi, để tôi không dám lên tiếng. Tôi tố cáo các tội ác của chính quyền
Trung Quốc, với cái giá là sinh mệnh của gia đình tôi.
Tôi kêu gọi tất cả các quốc gia, kể cả Bỉ, công nhận
các tội ác chống lại người Duy Ngô Nhĩ như ‘‘tội ác diệt chủng’’. Tôi hy vọng
là cộng đồng quốc tế sẽ xử lý một cách thực sự vấn đề này ».
Giam
cầm, cưỡng bức lao động, triệt sản, hãm hiếp, hành hạ đủ kiểu, giết hại hay đưa
đi mất tích, đưa cán bộ vào sống trong từng gia đình để buộc người Duy Ngô Nhĩ
phải theo văn hóa Hán là những điều mà giới bảo vệ nhân quyền tố cáo từ nhiều
năm nay. Nhà Trung Quốc học Vanessa Frangville (Đại học
Tự do Bruxelles - ULB) cảnh báo với các dân biểu Bỉ về chính sách « hủy
diệt có hệ thống » của Bắc Kinh nhắm vào sắc tộc Duy Ngô Nhĩ, có thể
tiêu diệt hoàn toàn sắc tộc này trong vòng « một hoặc hai thế hệ ».
Theo vị chuyên gia này, đã có gần 3 triệu người Duy Ngô Nhĩ (trên tổng số hơn
10 triệu dân cư) bị đưa vào các trại cải tạo ở Tân Cương, những năm gần đây.
Cho đến nay, Bắc Kinh ngăn chặn mọi điều tra độc
lập của Liên Hiệp Quốc. Theo giới quan sát, trong hiện tại, mục tiêu đưa chính
quyền Trung Quốc ra tòa án quốc tế là bất khả thi. Duy nhất có con đường hiệu
quả là Quốc Hội các nước lên tiếng tố cáo nạn diệt chủng ở Tân Cương. Về phía
Hoa Kỳ, tháng Giêng 2021, ngay trước khi tổng thống Joe Biden nhậm chức, ngoại
trưởng Mike Pompeo của chính quyền tiền nhiệm đã trực tiếp lên án « tội
ác diệt chủng » người Duy Ngô Nhĩ. Ông Joe Biden, khi còn là ứng cử
viên tổng thống, đã ra một thông báo hồi tháng 8/2021, lên án « tội ác
diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ của chính quyền độc tài Trung Quốc ».
Mỹ ra luật chống kỳ
thị người gốc Á
Hôm qua, 20/05/2021, tổng thống Hoa Kỳ thông
qua luật chống thù hận chủng tộc liên quan đến đại dịch Covid-19 (COVID-19 Hate Crimes Act). Luật được đưa ra trong bối cảnh
tình trạng kỳ thị nhắm vào các cộng đồng người Mỹ gốc Á gia tăng, kể từ đầu đại
dịch. Luật dự kiến lập ra nhiều đường dây điện thoại khẩn, để kịp thời hỗ
trợ cư dân gốc Á không nói được Anh.
Thông tín viên Anne Corpet tường trình từ
Washington :
« ‘‘Tôi tự hào là hai bên Dân Chủ và Cộng
Hòa đã đoàn kết để hành động’’, tổng thống Joe Biden nói. Với một sự ủng hộ hiếm
có của lưỡng đảng Hoa Kỳ, mà dự luật đã được thông qua tại Quốc Hội. Bạo lực chống
lại các cộng đồng gốc châu Á tại Mỹ gia tăng kể từ khi đại dịch Covid 19 xuất
hiện, đại dịch mà tổng thống tiền nhiệm Donald Trump gọi đó là do ‘‘virus Trung
Quốc’’ gây ra.
Trong bài diễn văn nói trên, đương kim tổng thống đã
lên án các cuộc tấn công đáng phẫn nộ này và kêu gọi người Mỹ phải có thái độ.
Ông Joe Biden nói : ‘‘Mỗi khi chúng ta im lặng, mỗi khi chúng ta để cho
thù hận bùng lên, chính là chúng ta đã phản bội lại những gì tạo thành bản sắc
Hợp chủng quốc của chúng ta. Tôi thực sự nghĩ rằng : chúng ta không thể để
cho cái nền tảng ấy bị sói mòn, như đã từng xẩy ra trong một số giai đoạn trong
lịch sử, như điều này vẫn còn tiếp tục tái diễn. Hận thù không có chỗ tại Hoa Kỳ !’’.
Bạo lực nhắm vào các cộng đồng gốc châu Á nhiều khi
đẫm máu. Tại Atlanta, cách nay hai tháng, một tay súng đã sát hại 6 phụ nữ ở ba
cửa hàng mát xa châu Á ».
Tổng thống Joe Biden đặc biệt chú ý đến
việc tên gọi virus gây bệnh Covid-19 có thể làm gia tăng sự thù hận, và các
hành động kỳ thị chủng tộc nhắm vào người gốc Á. Chưa đầy một tuần sau khi nhậm
chức, ông Joe Biden đã ra một Bản ghi nhớ ngày 26/01/2021, lên án nạn kỳ thị nhắm
vào người gốc Á, dân các đảo Thái Bình Dương, và yêu cầu bộ trưởng Y Tế cân nhắc
sử dụng các mô tả phù hợp, « hạn chế sử dụng các ngôn từ có thể gây kỳ
thị về mặt chủng tộc ». Theo nhiều nhà quan sát, từ virus Vũ Hán, hay
virus Trung Quốc bị lạm dụng có thể góp phần làm gia tăng tâm lý bài châu Á.
Khí hậu : G7
ngừng tài trợ than đá, Đức nâng mạnh mục tiêu cắt giảm khí thải
Khối bảy cường quốc công nghiệp thế giới (G7)
và nhiều thành viên của khối đang có thêm nhiều nỗ lực trong cuộc chiến khí hậu.
Ngày 20/05, bộ trưởng Môi trường Đức, Canada, Mỹ, Pháp, Nhật và Anh, cam kết
gia tăng nỗ lực cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Than đá bị chỉ đích
danh là thủ phạm số một.
G7 cam kết « có các biện pháp cụ thể
nhằm chấm dứt dùng tiền công để tài trợ cho than đa từ đây đến cuối năm ».
Tuyên bố được đưa ra nửa năm trước thượng đỉnh Khí hậu COP 26 tại Glasgow, Anh
quốc, được coi là cơ may cuối cùng để quốc tế đạt đồng thuận về các biện pháp cụ
thể nhằm hướng đến mục tiêu không để nhiệt độ Trái đất tăng quá từ 1,5° C đến
2°C so với thời tiền công nghiệp. Chủ tịch COP 26, Alok Sharma, đã hoan nghênh
« một bước tiến quan trọng hướng đến một nền kinh tế toàn cầu trung hòa
về khí thải ».
Thượng đỉnh G7 lần tới, do Anh đăng cai, sẽ diễn
ra từ ngày 11 đến 13/06. Thủ tướng Anh đặt hàng một báo cáo độc lập về G7 và tiến
trình chuyển sang kinh tế Xanh. Báo cáo do kinh tế gia nổi tiếng Nicholas
Stern, trường London School of Economics chủ trì, công bố hôm 10/05, khuyến cáo
khối G7 đầu tư 10.000 tỉ đô la từ đây đến 2030, cho công cuộc phục hồi và
chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh.
Tại Đức, đầu tuần trước, chính phủ Đức đã
thông qua mục tiêu khí hậu mới. Thông tín viên Pascal Thibault tường trình từ
Berlin :
« Đêm hôm qua, dinh thủ tướng tại
Berlin ‘‘bốc lửa’’. Chí ít thì đây cũng là ấn tượng để lại từ các hình ảnh mà tổ
chức bảo vệ môi trường Greenpeace chiếu lên tường nhà dinh thủ tướng Đức. Người
ta có thể đọc được những dòng chữ như sau ‘‘vì quyền của các thế hệ tương lai,
hãy bảo vệ khí hậu ngay từ bây giờ’’.
Tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace tiến hành hoạt
động nói trên chỉ vài giờ trước khi chính phủ Đức thông qua dự luật tăng
cường các biện pháp về trung hạn của nước Đức, chống lại xu thế khí hậu bị hâm
nóng.
Văn bản năm 2019, có hiệu lực cho đến 2030, đã cần
phải đến nhiều tháng thảo luận kỳ công giữa hai đảng bảo thủ và xã hội – dân chủ.
Lần này thì chính phủ chỉ cần hai tuần lễ, sau khi Tòa Bảo Hiến ra quyết định,
yêu cầu phải có các cam kết hành động vì khí hậu cụ thể cho giai đoạn kể từ
2030 trở đi. Chính thành công của đảng Xanh trong các thăm dò dư luận, và thời
điểm gần sát ngày bầu cử đã giải thích lý do vì sao chính phủ Đức lại nhanh
chóng khẳng định một cách rõ ràng lập trường vì môi sinh đến như vậy.
Khí thải gây hiệu ứng nhà kính cần phải giảm 65% trước
năm 2030 so với năm 1990, trong lúc chỉ tiêu trước đó chỉ là 55%. Và mục tiêu
trung hòa về khí thải gây hiệu ứng nhà kính được xác định là 2045, tức sớm hơn
5 năm so với mục tiêu cũ. Các biện pháp cụ thể sẽ còn phải được làm rõ,
nhưng hệ quả sẽ là rất lớn đối với ngành công nghiệp nặng, lĩnh vực chế tạo xe
hơi, giao thông vận tải hay nhà cửa. Các loại năng lượng tái tạo sẽ phải được
phát triển nhanh hơn, việc từ bỏ than đá cũng sẽ phải sớm hơn ».
Ấn Độ - Covid
: Hàng chục triệu dân nghèo bị loại khỏi hệ thống tiêm ngừa
Tại Ấn Độ, theo số liệu của chính quyền, những
ngày gần đây đại dịch Covid vẫn tiếp tục lan rộng, với khoảng 4.000 người chết
mỗi ngày, cùng 300.000 nghìn người nhiễm mới. Bên cạnh tình trạng thiếu
vac-xin, việc đông đảo dân nghèo không có điều kiện tiêm chủng là mối lo ngại lớn.
Nếu hàng chục triệu dân tại những nơi nguy cơ lây nhiễm cao không được tiêm chủng,
đại dịch khó có hy vọng sớm được khống chế.
Thông tín viên Sébastian Farcis tường trình từ New
Delhi :
« Naveen bán dưa bở và dưa hấu trong một
ngõ nhỏ thuộc một khu phố nghèo ở phía nam thủ đô New Delhi. Người bán dưa 50
tuổi này suốt ngày tiếp xúc với đủ loại người. Ông muốn tiêm chủng, nhưng không
biết làm thế nào để được tiêm. Naveen có một chiếc điện thoại rẻ tiền. Ông chia
sẻ : tôi nghe nói là phải gọi điện thoại cho họ, nhưng không biết như thế
nào. Tôi sẽ làm khi nào họ thông báo cho tôi.
Tại Ấn Độ, những người muốn được chích ngừa phải
đăng ký trên mạng. Việc này đòi hỏi phải có một chiếc điện thoại, internet được
kết nối, và cũng phải biết được cách thức đăng ký. Thủ tục này khiến hàng chục
triệu người dân Ấn Độ không thể có điều kiện tiêm chủng. Nitin Kumar, một người
lái xích lô, với thu nhập một đô la một ngày, là một trong số họ. Ông
nói : tôi không có điện thoại, không có thẻ căn cước. Ông đặt câu hỏi :
ai có thể giúp được tôi đây ? Người đạp xích lô này than thở : chính
những người giàu có mang virus từ nước ngoài về, còn người nghèo thì phải chịu
khổ vì dịch bệnh.
Các bệnh viện công có hỗ trợ những người nghèo nhất
đăng ký tiêm chủng. Nhưng điều đó không thuyết phục được Rajesh Kumar, một người
lái xe ba bánh. Ông nói : tôi vất vả lắm mới tìm được đồ ăn trong những
ngày gần đây. Tôi không có thời gian để mất vào chuyện đó. Lẽ ra chính quyền phải
tổ chức tiêm chủng cho chúng tôi tại những nơi chúng tôi làm việc, chẳng hạn
như tại các cây xăng, như thế sẽ dễ dàng cho chúng tôi hơn.
Tính đến hiện tại, mới chỉ có khoảng 3% dân số Ấn
Độ được tiêm chủng đủ liều ».
« Fortitude » -
Tiếng thét vì hành tinh: Sự trở lại của ban nhạc Gojira
Trong lĩnh vực văn hóa, sự trở lại đầu tháng
5/2021 của ban nhạc rock nổi tiếng của Pháp Gojira, với album thứ bảy mang tên
« Fortitude » (tạm dịch là sự kháng cự ngoan cường),
được báo chí và giới âm nhạc tại Pháp hồ hởi đón nhận.
Le Monde có bài « Điệu rock metal gào
rú của Gojira, một tiếng thét vì hành tinh ». Trang mạng văn hóa
Telerama cũng nhìn nhận tương tự : « ‘‘Fortitude’’ của Gojira, một
tiếng gầm của rock vì hành tinh và nhân loại ». Còn theo France Info,
« Với album mới này, hành tinh hơn bao giờ hết trong tâm hồn của ban nhạc
Gojira ».
Gojira là một trong số ít ban nhạc
rock Pháp có nhiều dân hâm mộ bên kia Đại Tây Dương. Nhiều nhạc phẩm của
Gojira lên án xã hội tiêu thụ, tàn phá môi trường. Sáng tác của Gojira cũng
mang đậm chất tâm linh. Nhạc phẩm thứ nhất trong album vừa ra mắt
« Born
For One Thing » lấy cảm hứng từ các triết gia Tây Tạng và Thái
Lan, mà nhạc sĩ Joe Duplantier, người soạn lời cho các ca khúc của nhóm, được
thừa hưởng từ những trang sách tuổi thơ.
No comments:
Post a Comment