Sunday, 23 May 2021

VIRUS VŨ HÁN ĐÃ LÀM THAY ĐỔI THẾ GIỚI (Đỗ Duy Ngọc)

 



VIRUS VŨ HÁN ĐÃ LÀM THAY ĐỔI THẾ GIỚI 

Đỗ Duy Ngọc

21/05/2021 lúc 10:11 

https://www.facebook.com/doduyngoc/posts/10158319278598635

 

Tôi sinh ra trong thời Pháp thuộc, thời Việt Minh kháng chiến 9 năm chống Pháp. Lớn lên trong cuộc chiến tranh hai miền Nam, Bắc. Chứng kiến chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược ở biên giới phía Bắc và bọn Pôn Pốt ở biên giới Tây Nam. Nhiều người thân, bạn bè tôi đã chết trong các cuộc chiến tranh đó. Bản thân tôi cũng đã phải sống và là chứng nhân của các cuộc chiến. Tôi cũng đã xem, đã đọc nhiều cuốn phim, nhiều cuốn sách viết về hai cuộc thế giới đại chiến. Tôi cũng thường theo dõi cuộc chiến ở Trung Đông, Afghanistan, Iran, Irac... Cuộc chiến nào cũng gây đau thương, mất mát, khổ đau, tàn phá, chết chóc. Thế nhưng, ở thế kỷ 21, cơn dịch bệnh Virus Vũ Hán có lẽ là một cuộc chiến tồi tệ nhất, khốn nạn nhất. Tất cả cuộc chiến tranh khác, kẻ thù thấy rõ rệt, chiến trường nằm ở tuyến đầu. Bom có rơi, đạn có nổ nhưng đều có thể nhìn thấy. Virus Vũ Hán thì không, nó vô hình, vô ảnh hay người ta chỉ có thấy nó dưới kính hiển vi. Nó có trong hơi thở, nó bay trong không khí, không ai nhận diện được chúng và ai cũng có thể mắc bệnh và chết vì bệnh. Nó không phân biệt tiền tuyến, hậu phương. Nó có mặt mọi nơi và tấn công con người mọi lúc.

 

Trong các cuộc chiến tranh, dù trong khói bom hay trong khi không tiếng súng, dù trong máu đổ đầu rơi người ta có thể ôm nhau, bắt tay nhau, gần gũi nhau. Dịch bệnh Vũ Hán không cho phép điều đó. Nó không cho phép con người được gần nhau, được bắt tay nhau, được ôm nhau. Chưa bao giờ trong lịch sử loài người, con người không thể biểu lộ tình thân với nhau bằng những cử chỉ thân tình. Cuộc chiến Virus Vũ Hán cũng không cho phép con người được tụ hội, phải cách xa nhau.

 

Loài người từ xa xưa ở chung nhau trong hang động, tiến lên sống riêng từng gia đình nhưng vẫn gắn bó nhau bằng tình nghĩa láng giềng. Xóm làng cũng bị cách chia và bây giờ khi có dịch bệnh, mỗi căn nhà, mỗi gia đình trở thành một ốc đảo không dám liên hệ với nhau. Ngay trong mỗi căn nhà đó, người nhiễm bệnh cũng bị cách ly không được tiếp xúc với mọi người. Vợ chồng, cha con, ông cháu bị cách ly, không tiếp xúc, không gần gũi khi dịch bệnh. Mọi phương tiện để các nước, các vùng đất đến vơi nhau, giao thông với nhau cũng bị hạn chế hay cấm tuyệt đối. Những con phố vắng xe, những phi trường không bóng người. Thế giới đã bị thay đổi hoàn toàn, cách thể hiện tình cảm của con người với nhau cũng bị đổi thay. Không ôm, không hôn, không bắt tay, không chạm vào nhau. Tình thân của loài người bây giờ chỉ còn là ánh mắt.

 

Trong các cuộc chiến tranh trước, chợ vẫn họp, sinh hoạt bình thường vẫn tiếp diễn. Nhưng trong cuộc chiến Virus, tất cả điều đó bị hạn chế tối đa. Con người vốn là một quần thể gắn bó, tương quan với nhau, giờ đây bị cắt chia, bị tách rời ra. Trước đây người chết còn được nắm tay người thân, được tẩm liệm, chôn cất đàng hoàng đúng lễ nghi. Giờ người chết dịch không còn được thế, người ta sẽ ra đi trong cô đơn không có một người thân, chôn cất vội vàng không có một nghi lễ. Thế giới, nhân loại bị xáo trộn trầm trọng. Chưa bao giờ con người lại khát khao một vòng tay ôm không e ngại, một cái bắt tay thắm thiết không sợ hãi như bây giờ.

 

Bởi thế, giải thưởng báo chí World Press Photo lần thứ 64 được trao cho tấm ảnh chụp bà lão Rosa Luzia Lunardi (85 tuổi) được y tá Adriana Silva da Costa Souza ôm hôn tại nhà dưỡng lão Viva Bem, São Paulo, Brazil, vào ngày 5 tháng 8. Cái ôm là cử chỉ đơn giản hàng ngày là việc làm cần thiết của con người. Tuy nhiên, điều đó đã bị cấm suốt thời gian dài từ khi con Virus Vũ Hán khốn kiếp xuất hiện. Cái ôm đầy tình người dù phải qua lớp nhựa bảo vệ. Hình ảnh đó nói lên bi kịch của thời chúng ta đang phải chịu đựng. Với bức ảnh này, nhiếp ảnh gia người Đan Mạch Mads Nissen đã minh họa hậu quả bi thảm nhất của đại dịch Virus Vũ Hán toàn cầu này bên cạnh hàng triệu nạn nhân của nó: sự cô đơn của những người già, nỗi đau khổ của những người thiệt thòi nhất trong xã hội.

 

Những hình ảnh bi thương ở Ấn Độ trong cơn đại dịch cũng cho loài người thấy rõ nỗi đau và sự tàn khốc của dịch bệnh. Thượng đế cho mỗi người có một khuôn mặt khác nhau để nhận diện, để phân biệt. Nhưng trong cơn đại dịch, mỗi người phải che mặt để tránh nhiễm bệnh, người thân khó nhận ra nhau, cả thế giới xuất hiện với khẩu trang, một hình ảnh chỉ có trong cơn sốt dịch Virus Vũ Hán.

 

Thế giới đang đổi thay, tư duy của mỗi con người cũng đang đổi thay, quan niệm sống cũng đang đổi thay, tất cả đã bị phải thay đổi vì dịch bệnh. Nếu dịch bệnh này xuất phát từ một âm mưu, từ một kế hoạch huỷ diệt của một tổ chức, một nhóm người nào đó thì họ đã thành công. Dịch bệnh không những gây chết chóc mà còn gây một nỗi sợ hãi kinh hoàng cho cả nhân loại. Nó khiến cho con người không còn sống như cũ, sinh hoạt như cũ nữa. Và cả trật tự thế giới đang và sẽ có những biển chuyển không còn như trước đó. Chưa bao giờ con người cảm thấy sợ hãi và cô đơn như bây giờ. Đây có phải là dấu hiệu của một cuộc tận thế của loài người sẽ đến.

 

21.5.2021

DODUYNGOC

 

Hình ở cuối trang https://www.facebook.com/doduyngoc/posts/10158319278598635

 

35 BÌNH LUẬN 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats