The
Economist
Đỗ Đặng Nhật Huy
biên dịch
20/05/2021
http://nghiencuuquocte.org/2021/05/20/the-gioi-hom-nay-20-05-2021/
Tổng thống Joe Biden nói với Thủ tướng Israel
Binyamin Netanyahu rằng ông muốn thấy ”từ hôm nay sự xuống thang đáng kể” cuộc giao tranh giữa Israel và các
nhóm vũ trang Palestine ở Gaza. Hiện điều này trông khá xa vời. Israel đã nã
pháo vào Lebanon sau khi nước này tấn công bằng tên lửa. Ông Netanyahu cho biết
các lực lượng Israel quyết tâm tiếp tục cho đến khi trật tự được vãn hồi.
Thị trường tiền mã hóa chao đảo dữ dội
suốt cả ngày sau khi Trung Quốc cảnh báo các tổ chức tài chính của họ không được
chấp nhận tiền mã hóa làm phương tiện thanh toán. Tin này đến trong bối cảnh họ
tiến hành thử nghiệm đồng nhân dân tệ kỹ thuật số. Bitcoin đã mất gần một phần
ba giá trị, trước khi phục hồi một nửa khoản đó. Các loại tiền mã hóa khác cũng
giảm giá trị khi hơn 8,6 tỷ đô la bị bán tháo.
Ông Biden sẽ từ bỏ các lệnh trừng phạt
đối với một đường ống gây tranh cãi đưa khí đốt tự nhiên từ Nga sang Đức. Mỹ từ
lâu đã phản đối Nord Stream 2, vì e ngại nó khiến châu Âu phụ thuộc nhiều
hơn vào Nga về năng lượng. Ngoài ra đường ống này cũng đi vòng qua Ba Lan và
Ukraine, cả hai đều đồng minh của Mỹ. Bộ trưởng Ngoại giao Đức, Heiko Maas,
hoan nghênh “bước đi mang tính xây dựng” này.
Thống đốc Texas Greg Abbott ký luật cấm hành
vi phá thai tại thời điểm thai nhi có nhịp tim — tức sớm nhất là sáu tuần.
Trong năm nay, một loạt các bang Cộng hòa đã đặt ra các luật hạn chế phá thai.
Hồi thứ Hai, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ cũng đã đồng ý xét xử một vụ án có thể làm
suy yếu quyền phá thai, trong bối cảnh có đa số bảo thủ 6-3.
Giám đốc điều hành của Colonial Pipeline,
một hãng phân phối nhiên liệu lớn của Mỹ, cho biết ông đã trả cho tin tặc
khoản tiền chuộc 4,4 triệu đô la sau khi họ xâm nhập mạng máy tính của công ty.
Trong khi đó tờ Financial Times đưa tin là dữ liệu y tế của bệnh nhân ở
Ireland đang được chia sẻ trực tuyến, sau một cuộc tấn công mạng nhằm vào dịch
vụ y tế của nước này vào tuần trước. Bên tống tiền yêu cầu gần 20 triệu đô la
tiền chuộc.
EU cho phép những người đã
tiêm chủng đầy đủ bằng vắc-xin covid-19 do WHO hoặc cơ quan quản lý y tế của khối
phê duyệt được nhập cảnh. Ngoài ra còn có du khách từ danh sách các nước có tỷ
lệ lây nhiễm thấp. Nhưng các quốc gia thành viên có thể đề ra quy tắc khắt khe
hơn nếu họ thấy phù hợp.
Hệ thống giao dịch khí thải hậu Brexit
của Anh bắt đầu hoạt động. Giá đã đạt 50 bảng Anh (71 đô la)/tấn, vượt xa mức kỷ
lục trên thị trường carbon EU tuần này. Cụ thể, các chương trình này quy định
giá cho mỗi đơn vị carbon dioxide mà các công ty tạo ra. Giá cao sẽ gây áp lực
không tương xứng lên các bên gây ô nhiễm nặng, chẳng hạn như các nhà máy thép.
Chính phủ có thể can thiệp để hạ giá.
TIÊU
ĐIỂM
Triển vọng ảm đạm
của Olympics Tokyo
Vào tháng 7 này, 15.000 vận động viên sẽ đến
Nhật Bản để tham dự Thế vận hội Olympic. Song đất nước này đang trải qua làn sóng
covid-19 thứ tư với chín tỉnh phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Hai phần ba
trong số gần 12.000 ca tử vong vì covid của Nhật là xảy ra trong năm nay.
Ban tổ chức Olympics khẳng định sự kiện sẽ diễn
ra an toàn. Các vận động viên sẽ làm xét nghiệm kháng nguyên nước bọt hàng
ngày. Không có khán giả nước ngoài. Và trong tháng tới người ta sẽ quyết định
xem người hâm mộ trong nước có được tham gia hay không.
Nhưng nhiều chuyên gia y tế cộng đồng vẫn
không bị thuyết phục. Thế vận hội sẽ chuyển hướng các nguồn lực có thể được
dùng cho xét nghiệm hoặc tiêm chủng. Hiện tiêm chủng khá chậm chạp: Nhật Bản có
tỷ lệ người dân được tiêm chủng đầy đủ thấp nhất trong OECD, một câu lạc bộ các
nước giàu. Vì vậy không quá ngạc nhiên khi hơn 80% người dân Nhật Bản không muốn
tổ chức Thế vận hội trong năm nay hoặc hủy bỏ vĩnh viễn. Nhưng chính phủ Nhật
không thể đơn phương hủy sự kiện này. Quyền lực đó thuộc về Ủy ban Olympics Quốc
tế – tổ chức muốn tiếp tục.
Ngoại trưởng Mỹ và
Nga gặp nhau
http://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2021/05/20-5-2021.jpg
Ngoại trưởng Mỹ Tony Blinken đang gặp người đồng
cấp Nga, Sergei Lavrov, tại Reykjavik trong hội nghị thượng đỉnh cấp bộ trưởng
của Hội đồng Bắc Cực. Đây là cuộc gặp gỡ trực tiếp đầu tiên của họ kể từ khi tổng
thống Mỹ Joe Biden nhậm chức vào tháng 1. Nó có thể là tiền đề cho cuộc gặp tiềm
năng vào tháng tới giữa ông Biden và tổng thống Nga Vladimir Putin
Quan hệ giữa hai nước đang băng giá. Đầu năm
nay, ông Biden cảnh báo ông Putin “sẽ phải trả giá” với cáo buộc can thiệp vào
cuộc bầu cử Mỹ tháng 11 năm ngoái. Tháng trước, ông hiện thực hóa lời đe dọa đó
khi bộ tài chính Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt sâu rộng. Chúng bao gồm lệnh
cấm các ngân hàng Mỹ tham gia vào thị trường sơ cấp đối với nợ công của Nga,
cũng như các biện pháp trừng phạt các công ty và những người mà Mỹ cho rằng chịu
trách nhiệm về vụ tấn công gián điệp mạng SolarWinds. Một quan chức Bộ Ngoại
giao nói với các phóng viên rằng Mỹ tìm kiếm “một mối quan hệ ổn định hơn và dễ
đoán hơn” với Nga.
Giá xe cũ ở Mỹ
tăng vì thiếu xe mới
Giá ô tô đã qua sử dụng đang tăng vọt trên khắp
nước Mỹ. Một chỉ số về giá xe đã qua sử dụng do Manheim, một doanh nghiệp bán đấu
giá xe cũ, công bố, đã tăng 61% kể từ tháng 4 năm ngoái. Một nguyên nhân là thiếu
ô tô mới do tình trạng thiếu chất bán dẫn ngày càng trầm trọng trên toàn cầu
làm hạn chế sản xuất xe. Chỉ riêng tại Mỹ, các nhà sản xuất ô tô đã cắt giảm
27.000 việc làm trong tháng trước vì các nhà máy thiếu chip phải ngừng hoạt động.
Hôm nay, bộ trưởng thương mại Mỹ Gina Raimondo
sẽ gặp các nhà sản xuất ô tô và chất bán dẫn tại một hội nghị thượng đỉnh để
giúp giải quyết tình hình. Bà được cho là đã thúc ép các nhà sản xuất chip ở
Đài Loan, nước sản xuất chip lớn nhất thế giới, ưu tiên các đơn đặt hàng của
các nhà sản xuất ô tô Mỹ. Chính quyền Biden cũng muốn chi 50 tỷ USD để thúc đẩy
sản xuất chip trong nước nhằm giảm phụ thuộc nhập khẩu. Nhưng cần có thời gian
để mở rộng sản xuất chip, trong khi thiếu hụt có thể kéo dài vài năm. Như bản
thân bà Raimondo thú nhận với các phóng viên vào tuần trước, không có cách nào
để “giải quyết nhanh”.
Đại dịch COVID-19
đe dọa tiến bộ tiêm chủng đại trà các bệnh khác
Tuần này, người ta lo ngại chiến dịch tiêm chủng
covid-19 ở châu Phi bị đình trệ. Nhiều nước đang thiếu hụt vắc-xin. Trong khi số
khác có mà không thể dùng. Cụ thể, Malawi đã tiêu hủy gần 20.000 liều hết hạn sử
dụng; Nam Sudan cũng sẽ tiêu hủy 59.000 liều. Ngoài ra đại dịch còn đe dọa những
tiến bộ tiêm chủng định kỳ cho các bệnh khác trong nhiều thập niên qua.
Trong một cuộc khảo sát gần đây do WHO thực hiện,
gần 40% quốc gia trên toàn thế giới đang gặp phải gián đoạn trong tiêm chủng.
Sáu mươi chiến dịch chủng ngừa hàng loạt, 23 trong số đó dành cho bệnh sởi, hiện
đang bị hoãn lại. Việc này có thể khiến khoảng 228 triệu người có nguy cơ mắc bệnh
sởi và các bệnh khác bao gồm bạch hầu, bại liệt và sốt vàng da.
Ngoài ra đại dịch cũng cản trở phòng chống dịch
bệnh. Các biện pháp phong tỏa hà khắc, sự lạm dụng của cơ quan thực thi pháp luật
và suy thoái kinh tế do covid-19 làm tăng khả năng lây lan bệnh nhiễm trùng. Đại
dịch của ngày mai có thể do đại dịch của hôm nay gây ra.
No comments:
Post a Comment