Chủ
nghĩa quốc gia của Việt Nam nằm ở đâu?
Nguyễn
Khoa
19/05/2021
http://www.viet-studies.net/kinhte/NguyenKhoa_ChuNghiaQuocGiaODau.html
Một nhà
bình luận thời sự Việt Nam từ Úc là ông Nguyễn Quang Duy, vào ngày
17/5/2021, có bài trên BBC Việt ngữ mang tựa đề: Chủ nghĩa nào đã làm Việt Nam cộng
hòa sụp đổ năm 1975?
Tác giả đặt
tiền đề rằng cuộc chiến Việt Nam là cuộc chiến tranh ý thức hệ, giữa một
bên là chủ nghĩa cộng sản, còn bên kia là chủ nghĩa quốc gia, từ đó đưa
tác giả đi qua một số định nghĩa và phân tích để kết luận rằng tại Việt Nam nói
chung và Việt Nam Cộng hòa của miền Nam trước 1975 nói riêng chưa có một chủ
nghĩa quốc gia hoàn chỉnh, nên thất bại.
Chiến
tranh Việt Nam là cách gọi theo người Mỹ, người cộng sản Việt Nam gọi là
cuộc chiến tranh chống Mỹ, một số nhà báo phương Tây gọi là cuộc chiến tranh
Đông Dương lần thứ hai, lần thứ nhất là cuộc chiến của người Pháp và Mặt trận
Việt Minh.
Theo tôi
thì bài viết của tác giả Nguyễn Quang Duy có hai khuyết điểm. Thứ nhất là bị
rơi vào cái bẫy học thuật, tìm cách định nghĩa chủ nghĩa quốc gia là gì. Thứ
hai là nhận xét thiếu sót về “phía bên kia” tức là Mặt trận Việt Minh trước
1954, và miền Bắc Việt Nam trong thời chiến tranh Việt Nam.
Sai
lầm thứ nhất, cái bẫy học thuật
Thế giới
này được chia thành nhiều quốc gia. Sự tồn tại của một quốc gia và dân tộc (có
khi là nhiều dân tộc) đi kèm với nó, cùng với cách sống, luật, lệ,… đã là một
hiện thực rất có sức sống, liệu có cần kèm theo một thứ chủ nghĩa nào đó?
Có những
dân tộc không làm nên được một quốc gia, không có quyền bằng những dân tộc
khác, như là người Hmong, người Zigan, những bộ lạc da đỏ ở Mỹ, người Catalan,
người Basque, … không có được một quốc gia riêng cho mình vì sức
mạnh văn hóa, kinh tế yếu hơn những dân tộc bên cạnh, không cạnh tranh được với
họ. Nên hiểu chủ nghĩa quốc gia, như cái nghĩa giản đơn nhất của nó
là giành quyền cai trị một quốc gia dân tộc vào tay dân tộc (những dân tộc) nào
đa số ở quốc gia đó.
Theo nghĩa
này thì chủ nghĩa quốc gia là cái mà Mặt trận Việt Minh trước
kia, miền Bắc Việt Nam sau này dùng để chiến thắng.
Và đó
chính là nhận định sai thứ hai của tác giả Nguyễn Quang Duy.
Sai
lầm thứ hai, không nhận định đúng thành phần của Việt Minh và miền Bắc Việt
Nam
Tác giả
Nguyễn Quang Duy viết trên BBC:
Tháng 8/1945, đảng Cộng sản nổi dậy cướp
chính quyền. Đến năm 1947 khi những người Việt quốc gia muốn ôn hòa giành
lại độc lập phải cộng tác với người Pháp thì đảng Cộng sản đã hạ luôn cả chính
nghĩa quốc gia.
Không có
bao nhiêu người Việt Nam trong mặt trận Việt Minh, thậm chí trong thành phần
nòng cốt của nó là Đảng Cộng sản, hiểu chủ nghĩa cộng sản là gì, họ chỉ tham
gia cuộc chiến vì muốn dành độc lập lại từ tay người Pháp. Đó chính là chủ
nghĩa quốc gia.
Rất nhiều
nhân vật của Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu tham gia cuộc đấu tranh của họ bằng
cách tham gia các đảng phái khác như Quốc Dân Đảng, Đại Việt.
Chủ nghĩa
quốc gia này được Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kéo dài ra trong cuộc
chiến tranh Việt Nam. Những người hăng hái tham gia cuộc chiến trong quân đội
miền Bắc, hay là Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam, nghĩ rằng họ
đang chiến đấu cho một quốc gia Việt Nam chống lại ngoại bang là người Mỹ. Nếu
họ có nghĩ tới hệ thống cộng sản, một loại chủ nghĩa quốc tế, thì cũng nghĩ rằng
đó là những quốc gia cùng phe với họ, cũng giống như trong nhiều cuộc chiến
tranh khác trong lịch sử nhân loại.
Có thể nói
không ngoa rằng chính chủ nghĩa quốc gia đã làm cho Việt Minh thắng
cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất, và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng
tổ chức ngoại vi của nó là Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam, thắng
cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai.
Điều bi kịch
nhất của lịch sử Việt Nam hiện đại nằm ở chỗ lực lượng chiến thắng đi kèm với một
mô hình kinh tế xã hội phi lý và thất bại, mô hình cộng sản, mà chính những người
sử dụng nó cũng không ý thức được là nó phi lý và thất bại. Âm vang của cuộc
chỉnh huấn 1953 trong chiến khu, cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu, sự thất bại của
mô hình kinh tế miền Bắc, được kềm chế một cách hữu hiệu bằng bộ máy tuyên truyền
của Đảng Cộng sản, không làm sứt mẻ bao nhiêu chủ nghĩa quốc gia của
những người chiến đấu từ miền Bắc, những người nhảy bưng nhảy núi từ miền Nam.
Lực lượng
chiến thắng của cuộc chiến Việt Nam đã sử dụng mô hình tổ chức xã hội chiến
tranh của quốc tế vô sản, và được dẫn dắt bởi một loại chủ nghĩa quốc
gia, có hình thức rất đơn giản là chống lại người nước ngoài.
Nguyên
nhân của thất bại và chiến thắng
Nhưng kết
quả của cuộc chiến Việt Nam không đơn giản như thế. Nó là một hỗn hợp phức tạp
của cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu, chủ nghĩa quốc gia Việt Nam, những
nước cờ chiến lược của người Mỹ, sự thay đổi của Hoa Lục….kể cả những biến cố
tuy xa Việt Nam nhưng làm đổi dòng chảy thế giới như cuộc chiến tranh dầu hỏa
1973. Cuộc chiến tranh dầu hỏa làm nguồn tiếp liệu cho Việt Nam Cộng hòa bị
ảnh hưởng nặng nề, trong khi Liên Xô, kho dự trữ dầu hàng đầu thế giới vẫn cung
cấp nhiên liệu thoãi mái cho miền Bắc Việt Nam. Nền kinh tế quốc dân của Liên
Xô không lớn, xã hội tiêu thụ của Liên Xô nhỏ, cho nên không tiêu tốn nhiều
nhiên liệu như Hoa Kỳ, nó dư thừa để cung cấp cho đồng minh Bắc Việt Nam.
Người Mỹ
chủ động hoàn toàn cuộc chiến này, từ lúc họ khơi mào cho đến lúc họ bỏ cuộc.
Cũng không hẳn là sự bỏ cuộc, mà là sự thay đổi chiến lược, thay vì một cuộc
chiến tranh nóng với miền Nam Việt Nam là tuyến đầu, họ thay đổi sang một cuộc
chiến toàn diện, kinh tế, văn hóa, xã hội, với con cờ mới là Trung Quốc làm rạn
nứt và xé toạc hệ thống cộng sản.
Tóm lại là
ông Nguyễn Quang Duy đặt vấn đề rằng sự đối nghịch của chủ nghĩa quốc gia và chủ
nghĩa cộng sản trong cuộc chiến Việt Nam là không thỏa đáng. Nếu ông nói rằng
đó là cuộc đối đầu giữa thế giới tự do và chủ nghĩa cộng sản thì tôi được thuyết
phục hơn. Hơn nữa như tôi phân tích trên kia, chủ nghĩa quốc gia chiếm
phần rất quan trọng trong việc dẫn dắt cuộc chiến của miền Bắc Việt Nam.
Bên cạnh
đó, sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa không thể chỉ nằm ở nguyên nhân là thiếu một chủ
nghĩa quốc gia hoàn chỉnh, như ý kiến của ông Nguyễn Quang Duy.
Tôi không nghĩ là người Nam Hàn, hay người Đài Loan có một thứ chủ nghĩa quốc
gia tốt hơn miền Nam Việt Nam. Không thể gọi các chế độ quân phiệt Tưởng Giới
Thạch với cuộc khủng bố trắng, các viên tướng Nam Hàn với cuộc đàn áp Quang Du
đẫm máu, là chủ nghĩa quốc gia được. Sự ổn định và phát triển của các thể chế
dân chủ tại Đài Loan và Nam Hàn cũng có một tập hợp nguyên nhân phức tạp, thiên
thời địa lợi, những điều mà miền Nam Việt Nam không có được, chẳng hạn như sự
cách biệt địa lý, Đài Loan là một hòn đảo, Nam Hàn là một bán đảo, làm cho các
lực lượng cộng sản không dễ dàng xâm nhập. Hay là tính chiến lược của hai nơi
này trong chiến lược toàn cầu của Mỹ không bị phá vỡ. Cho đến nay vẫn không bị
phá vỡ.
Tuy nhiên
nếu đặt vấn đề về chủ nghĩa quốc gia đối với Việt Nam hiện nay và tương lai của
nó trong bối cảnh toàn cầu hóa bị thối lùi trong mấy năm qua, sự bùng lên của
chủ nghĩa dân túy, kinh tế dân tộc chủ nghĩa,… lại là một vấn đề thú vị đáng
bàn cãi. Mà điều thú vị nhất, theo tôi, là chủ nghĩa quốc gia có thể bị xóa bỏ
bởi mô hình Mỹ chứ không phải cái gì khác.
No comments:
Post a Comment