Sunday, 16 May 2021

QUAN ĐIỂM của HÀ NỘI và DÂN CHÚNG VIỆT NAM TRONG XUNG ĐỘT DO THÁI - PALESTINE (Jackhammer Nguyễn)

 



Quan điểm của Hà Nội và dân chúng Việt Nam trong xung đột Do Thái – Palestine

Jackhammer Nguyễn

16/05/2021

https://baotiengdan.com/2021/05/16/quan-diem-cua-ha-noi-va-dan-chung-viet-nam-trong-xung-dot-do-thai-palestine/

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/05/1-101.jpg

Cuộc tấn công bằng tên lửa của Israel vào dải Gaza tuần qua, san phẳng 3 tòa nhà, giết chết nhiều người. Nguồn: AP Photo/ Khalil Hamra

 

Báo chí nhà nước Việt Nam đưa tin về cuộc xung đột Israel-Palestine trong tuần qua một cách chừng mực, hầu như không có bình luận, mà chỉ đưa tin. Về mặt ngoại giao Hà Nội cũng rất ít lên tiếng, chỉ có một tuyên bố quan ngại về bạo lực của ông Đặng Đình Quý, đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp quốc, đưa ra vào ngày 13/5/2021.

 

Nếu so thái độ này với những bài báo “lên án Israel”, ủng hộ phe Ả Rập hồi thập niên 1970-1980, có thể thấy sự khác nhau một trời một vực. Điểm lại những gì có liên quan của Việt Nam đến xung đột Do Thái – Ả Rập, có thể thấy sự phát triển rất thú vị.

 

                                                            ***

Điều ít ai ngờ tới là, ông Hồ Chí Minh, người sáng lập ra nhà nước cộng sản Việt Nam và ông David Ben-Gurion, thủ tướng Israel đầu tiên kể từ khi nhà nước này được thành lập (1948), đã từng gặp gỡ nhau tại một khách sạn ở Paris năm 1946.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/05/1-100.jpg

David Ben Gurion, Thủ tướng đầu tiên của Israel, là người mà ông Hồ Chí Minh rất thân thiện. Ảnh trên mạng

 

Vào thời điểm đó, ông Hồ đang ở Paris hội đàm với người Pháp về một giải pháp cho Đông Dương, còn ông Ben-Gurion đang bôn ba tìm cách phục quốc Do Thái (nhà nước Israel thành lập hai năm sau đó).

 

Năm 1966, ông Ben-Gurion tiết lộ với tờ Jewish Telegraphic Agency, rằng ông Hồ, sau khi nghe ông Ben-Gurion trình bày sơ lược các vấn đề của người Do Thái, đã đề nghị ông thành lập một chính phủ lưu vong ở… Hà Nội.

 

Nhưng ông Ben-Gurion đã từ chối lời đề nghị này. Tuy nhiên, tất cả tài liệu từ Hà Nội chưa bao giờ đề cập chuyện này.

 

Có thể đoán lý do vì sao ông Hồ đưa ra đề nghị đó, là vì chính phủ của ông đang đối diện với sức mạnh quân sự của người Pháp, trong tình hình chưa có quốc gia cộng sản nào công nhận, ông muốn kéo người nước ngoài vào Việt Nam càng nhiều càng tốt.

 

Sau một loạt toan tính duy trì hòa bình bất thành qua hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946, tạm ước ngày 14/9/1946, chiến tranh Đông Dương bùng nổ vào cuối năm 1946, chính phủ Hồ Chí Minh dọn ra chiến khu.

 

Trong chiến tranh lạnh và chiến tranh Việt Nam, Hà Nội định vị rõ ràng, đứng về phe Ả Rập chống Israel, lý do dễ hiểu là, Liên Xô, người bảo trợ cho Hà Nội, sau khi sử dụng con bài Israel không được (Liên Xô là quốc gia đầu tiên công nhận nhà nước Israel), bèn quay qua ủng hộ các nước Ả Rập, để dự phần vào vùng đất chiến lược Trung Đông.

 

Trong khoảng thời gian xảy ra cuộc chiến Trung Đông 1973, giữa người Ả Rập với người Israel, được gọi là Yom Kippur War, báo chí miền Nam Việt Nam có nói đến sự hiện diện của các sĩ quan pháo binh Việt Nam cộng sản từ Hà Nội, có mặt ở cao nguyên Golan, để làm cố vấn cho quân đội Syria, sử dụng đại bác mua từ Liên Xô. Sự đề cập này chưa bao giờ được các bên có liên quan chính thức công nhận.

 

Năm 1972, Israel công nhận chính phủ Việt Nam Cộng hòa, nhưng chưa có thời gian mở tòa đại sứ vì cuộc đình chiến theo hiệp định Paris không thành công, dẫn đến Sài Gòn sụp đổ vào năm 1975.

 

Israel và Việt Nam cộng sản chính thức thành lập quan hệ ngoại giao vào năm 1993, nhiều năm sau khi Việt Nam cải tổ kinh tế (năm 1986). Từ năm 1993, tại Hà Nội vừa có tòa đại sứ Israel, vừa có cơ quan đại diện của tổ chức PLO (Tổ chức Giải phóng Palestine). PLO có mặt ở Hà Nội từ năm 1976 (có đại sứ quán ở Hà Nội năm 1982), rất lâu trước khi Israel thiết lập quan hệ ngoại giao với Hà Nội.

 

Tại Israel, hiện nay vừa có một cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản, là thuyền nhân được các tàu biển Israel cứu sau năm 1975, vừa có một cộng đồng các du học sinh từ Việt Nam (chủ yếu học về nông nghiệp).

 

Quan hệ giữa Hà Nội với Israel có vẻ ngày càng nồng ấm hơn, các ngôn từ “ủng hộ chính nghĩa của Palestine”, ủng hộ các quốc gia Ả Rập có khuynh hướng chống phương Tây, chống chủ nghĩa “Xi-Ô-Nít” (Zionism, phục quốc Do Thái) giảm đi trông thấy.

 

Một nguồn tin tiết lộ với tôi rằng, khoảng giữa thập niên 1990, Bộ Ngoại giao Việt Nam than phiền, Bộ này phải chịu nhiều chi phí giúp đỡ cơ quan đại diện của PLO ở Hà Nội. Tuy nhiên, vào năm 2003, chính quyền Việt Nam vẫn tổ chức biểu tình chống cuộc tấn công của Mỹ vào Iraq.

 

Israel sau đó trở thành một nơi cung cấp vũ khí quan trọng cho Hà Nội, nhất là khi Việt Nam vẫn còn chịu cấm vận vũ khí của Mỹ (lệnh này dở bỏ vào năm 2016). Nổi tiếng nhất trong quan hệ quốc phòng Việt Nam – Israel là vụ Hà Nội mua hỏa tiễn Extra của Israel.

Một nguồn tin khác cho biết, Israel đóng vai trò trung gian để Việt Nam có thể tiếp cận các nguồn vũ khí quan trọng của Mỹ. Ngay cả khi lệnh cấm vận vũ khí được bãi bỏ, Hà Nội muốn mua vũ khí Mỹ qua những hợp đồng lớn cũng không phải là dễ dàng.

 

Đó là mối quan hệ giữa hai nước về mặt nhà nước. Còn dân chúng Việt Nam có thái độ ra sao về cuộc xung đột Do Thái – Palestine nói riêng, Do Thái – Ả Rập nói chung?

 

Trước năm 1975, Sài Gòn có rất nhiều sách nói về Do Thái, cũng như cuộc chiến Trung Đông, đa phần dành thiện cảm cho việc phục quốc Do Thái, ý chí của người Do Thái, dự thành đạt của sắc dân Do Thái trong thế giới phương Tây. Khuynh hướng này tiếp tục trỗi dậy trong dân chúng Việt Nam hiện nay, ít nhất là bộ phận cư dân đô thị quan tâm đến tình hình thế giới.

 

Người ta có khuynh hướng so sánh sự quật cường của người Do Thái chống lại kẻ địch đông hơn mình, với nước Việt Nam nhỏ bé chống lại nước lớn Trung Quốc. Theo quan sát của ông Nguyễn Thế Phương, một người nghiên cứu về quan hệ quốc tế từ Đức, thì những tranh cãi trên Facebook tiếng Việt có vẻ nghiêng hẳn về phía Israel, trong cuộc xung đột đẫm máu Do Thái – Palestine đang diễn ra.

 

Tuyên truyền chống Israel, cũng như thái độ gần đây ủng hộ Israel của tuyên giáo cộng sản khi cần để đạt được mục đích, có lẽ không có nhiều tác dụng, nhất là sau thời Việt Nam có internet. Nhiều người Việt Nam có thiện cảm với Israel hơn, nhất là sau bốn năm dưới thời Trump, những người dành tình cảm cho ông ta đã nghiêng hẳn về Israel, dù không có bao nhiêu người dân Việt Nam hiểu rõ ngọn nguồn cuộc xung đột Do Thái – Ả Rập kéo dài hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm qua.

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats