Tuesday 18 May 2021

KHÔNG GIAN và ĐẠI DƯƠNG : MẶT TRẬN MỚI VỀ KHAI THÁC KHOÁNG SẢN (Thùy Dương - RFI)

 



Không gian và đại dương : Mặt trận mới về khai thác khoáng sản

Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 18/05/2021 - 11:21

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210518-kh%C3%B4ng-gian-v%C3%A0-%C4%91%E1%BA%.....khai-th%C3%A1c-kho%C3%A1ng-s%E1%BA%A3n

 

Năm 2016, dự án táo bạo của các công ty Mỹ Planetary Resources và Deep Space Industries về khai thác tài nguyên khoáng sản trên các tiểu hành tinh đã gây tiếng vang truyền thông. Mặc dù mới xuất hiện, nhưng các dự án này đã góp phần tạo ra tranh luận sôi nổi quanh đề tài khám phá không gian và cách thức mà con người sử dụng không gian để phục vụ nền văn minh nhân loại, đồng thời nêu bật một vấn đề trọng tâm : cuộc khủng hoảng tài nguyên trên hành tinh của chúng ta.

 

https://s.rfi.fr/media/display/ac19884e-155d-11ea-8085-005056a99247/w:900/p:16x9/75b6f4541a7b7d39bd629b066b28588bfbee594c.webp

(Ảnh minh họa) - Các mẫu vật mà tàu thăm dò Hayabusa-2 của Nhật Bản thu thập được có thể cung cấp thông tin về nguồn gốc của Hệ Mặt trời, đồng thời cho phép thăm dò các nguồn tài nguyên khoáng sản tiềm năng trong không gian. ISAS-JAXA/AFP/File

 

Trên đây là nhận định của nhà nghiên cứu Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI) Florian Vidal, và giáo sư vật lý đại học Paris José Halloy, trong bài viết « Từ không gian đến đại dương, các biên giới khai khoáng mới » đăng trên trang mạng nghiên cứu The Conversation ngày 09/05/2021.

 

Sự tăng tốc quá trình chuyển đổi sinh thái để chống biến đổi khí hậu khiến nhu cầu khoáng sản tăng mạnh nhằm phục vụ các công nghệ được cho là không carbon, cũng như để duy trì cơ sở hạ tầng sẵn có hoặc được xây mới. Trong khi các dự án khai thác tài nguyên khoáng sản đang nhân rộng trên Trái đất, nhiều « mặt trận mới » cũng đang được xem xét.

 

Khai khoáng trong không gian

 

Khi công ty khởi nghiệp Planetary Resources, do Chris Lewicki điều hành, đặt chân vào lĩnh vực vũ trụ hồi đầu những năm 2010, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã có nhiều tham vọng và hứa hẹn sẽ bước sang một chặng mới trong công cuộc chinh phục không gian, với việc khai thác khoáng sản trên các tiểu hành tinh.

 

Từ năm 2012, dự án này đã thu hút nhiều nhà đầu tư tư nhân, bắt đầu từ Larry Page và Éric Schmidt, những người đứng đầu tập đoàn Google, và cả nhà làm phim James Cameron. Sự hào hứng, nhiệt tình đối với lĩnh vực khai khoáng trong không gian từ Mỹ đã vượt Đại Tây Dương, lan sang Đại công quốc Luxembourg.

 

Ngoài việc điều chỉnh luật pháp quốc gia cho phù hợp, ngành ngoại giao nước này cũng được huy động nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của lĩnh vực được chính quyền Luxembourg xem là chiến lược. Vào mùa hè năm 2016, Nhà nước Luxembourg, thông qua Công ty quốc gia về tín dụng và đầu tư (SNCI), đã chi 12 triệu euro để mua 10% cổ phần của công ty Mỹ Planetary Resources.

 

Hai năm sau, quan hệ hợp tác thất bại : Khi công ty Mỹ gặp khó khăn về tài chính, chính phủ Luxembourg đã bán cổ phần của họ với giá tượng trưng. Thế nhưng, việc Luxembourg gia nhập dự án thăm dò khoáng sản trong không gian đã tạo cho họ một vị thế quốc tế để kết nối các lĩnh vực đầu tư và phát minh, sáng chế. Việc tham gia vào dự án Artemis của NASA nhằm đưa con người trở lại mặt trăng cũng là phần tiếp nối trong chính sách của Luxembourg về lĩnh vực này.

 

 

Sứ mệnh Hayabusa-2

 

Nhật Bản, một thành viên khác của dự án Artemis, cũng quan tâm đến nghiên cứu khoa học về cấu tạo của các tiểu hành tinh, một bước thăm dò các nguồn tài nguyên khoáng sản tiềm năng trong không trung. Vào tháng 12/2020, tàu thăm dò không gian Hayabusa-2 của Nhật quay trở về Trái đất sau sứ mệnh kéo dài 6 năm đi qua tiểu hành tinh Ryugu. Mục tiêu của sứ mệnh khoa học này là chứng minh Ryugu có thể có các thành phần nguyên thủy của hệ Mặt trời. Phi thuyền Hayabusa-2 đã lập kỳ công kỹ thuật, thu thập được 5,4 gr vật chất từ ​​tiểu hành tinh Ryugu, với chi phí 16,4 tỷ yen (126 triệu euro).

 

Tương tự, vào ngày 20/10/2020, Osiris-Rex, một tàu thăm dò không gian của NASA, đã thực hiện sứ mệnh đáp sáu giây trên tiểu hành tinh Bennu để thu thập mẫu bụi (regolith). Osiris-Rex dự kiến sẽ quay trở về Trái đất vào năm 2023 với mẫu bụi thu thập được​​. Chi phí cho sứ mệnh này là khoảng 800 triệu đô la Mỹ và khoảng 183,5 triệu đô la cho tên lửa phóng Atlas V.

 

Những ví dụ nói trên cho thấy các doanh nghiệp phải chi những khoản tiền rất lớn cho các phi vụ thám hiểm không gian, nhưng Mặt trăng hiện vẫn thu hút nhiều sự chú ý vì có nhiều tiềm năng khoáng sản cho dù còn nhiều thách thức kỹ thuật.

 

 

Viễn cảnh dưới đáy biển

 

Để đón đầu nhu cầu khoáng sản ngày càng tăng của thế giới, khai khoáng dưới đáy biển thường được coi là một giải pháp do sự rộng lớn của không gian này.

 

Trong số các quốc gia quan tâm đến khai khoáng dưới đáy đại dương có Na Uy. Sau 3 năm thám hiểm đáy biển, biến quốc gia Bắc Âu thành nước đi đầu trong ngành công nghiệp khai thác mới này, vào tháng 1/2021, bộ Dầu Mỏ Và Năng Lượng Na Uy công bố khả năng ngay từ năm 2023 sẽ cấp giấy phép khai thác cho các doanh nghiệp quan tâm, chẳng hạn công ty Nordic Ocean Resources AS của tập đoàn Nordic Mining ASA, để khai thác vùng đáy biển sâu vốn giàu quặng đồng, kẽm, cobalt, vàng và bạc. Theo nhiều ước tính, có tới 6,9 triệu tấn đồng ở thềm lục địa Na Uy.

 

Nhật Bản cũng có các kế hoạch tương tự, với khả năng bắt đầu khai thác đáy biển từ năm 2026. Còn tại Canada, công ty khởi nghiệp DeepGreen, có trụ sở tại Vancouver, hồi năm 2019 đã thông báo huy động khoản tiền đầu tư 150 triệu đô la Mỹ để bắt đầu thăm dò tìm kiếm tài nguyên khoáng sản ở một phần của Thái Bình Dương. Đây là một dấu hiệu cho thấy niềm tin vào tương lai của ngành này ngày càng tăng.

 

Tuy nhiên, việc khai thác phụ thuộc trước hết vào giá kim loại trên thị trường và việc giảm chi phí khai thác trong môi trường biển. Hậu quả của khai thác đối với hệ sinh thái biển cũng gây nhiều lo ngại : các nhà khoa học cảnh báo không nên chuyển đổi quá nhanh từ thăm dò tìm kiếm sang khai thác, do con người còn ít hiểu biết về môi trường dưới đại dương rộng lớn và sự sống dưới đáy biển.

 

 

Tranh cãi về những quy định

 

Do có những điều không chắc chắn, Cơ quan quản lý đáy biển quốc tế (ISA) đã dành nhiều năm soạn thảo một bộ luật về khai khoáng dưới đáy biển trong tương lai, một yếu tố không thể thiếu để giám sát các hoạt động khai thác có thể được triển khai.

 

Cuộc tranh cãi về quy định cho các hoạt động này đang diễn ra sôi nổi : Cơ quan quản lý đáy biển quốc tế khuyến nghị điều chỉnh dần dần các quy định theo từng bước khi có các tác nhân tham gia khai khoáng ở đáy biển. Nhưng nhiều người cho rằng sẽ rất khó sửa đổi các quy tắc ứng xử một khi việc khai thác đã được khởi động.

 

Việc đặt ra quy định có tầm quan trọng sống còn đối với việc khai thác đáy biển ở những vùng nước sâu, như vùng Clarion-Clipperton (CCZ), kéo dài từ quần đảo Hawaii đến bán đảo Baja California và nằm trên đường đứt gãy của Thái Bình Dương. Khu vực bao la này được cho là có trữ lượng 247 triệu tấn nickel và 226 triệu tấn đồng. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng ẩn chứa trong những không gian này là sự đa dạng sinh học độc nhất và mật độ của chúng được củng cố nhờ sự hiện diện của các nốt đa kim nằm ở độ sâu 4-5 km.

 

Hai nhà nhiên cứu kết luận, dù ở đất liền hay biển khơi, việc bảo tồn cân bằng sinh thái là một tiêu chí để cân nhắc các dự án khai khoáng. Hoạt động khai thác đáy đại dương cho dù không bù đắp hết cho các hoạt động diễn ra trên đất liền, nhưng là nguồn bổ sung cần thiết để đáp ứng các nhu cầu trong tương lai. Thế nhưng, cũng như đối với không gian, những sáng kiến ​​khai khoáng dưới đáy dại dương đang đặt ra những vấn đề nan giải về việc khai thác tài nguyên ở những vùng ngày càng xa xôi.

 

                                                ***

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Khoáng sản: Vũ khí kinh tế lợi hại của Bắc Kinh

 

''Kim loại hiếm'' : Hiểm họa với nhân loại thế kỷ 21

 

TQ thống lĩnh công nghiệp thế giới nhờ kim loại hiếm

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats