Saturday, 22 May 2021

HẠT NHÂN BẮC TRIỀU TIÊN, TRỌNG TÂM THƯỢNG ĐỈNH MỸ HÀN (RFI)

 



NỘI DUNG :

Lợi thế của Seoul trong thượng đỉnh Mỹ - Hàn đầu tiên dưới thời Biden

Thanh Hà  -  RFI

.

Hạt nhân Bắc Triều Tiên, trọng tâm thượng đỉnh Mỹ - Hàn

Thanh Hà  -  RFI

.

================================================

.

Lợi thế của Seoul trong thượng đỉnh Mỹ - Hàn đầu tiên dưới thời Biden

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 21/05/2021 - 14:11

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20210521-seoul-my-thuong-dinh-biden

 

Một năm trước khi mãn nhiệm, tổng thống Moon Jae In kỳ vọng nhiều vào đối thoại đầu tiên với đồng nhiệm Joe Biden để thúc đẩy trở lại tiến trình đàm phán hạt nhân Bắc Triều Tiên. Mục tiêu sau cùng là « vãn hồi hòa bình một cách lâu dài » trên bán đảo. Hàn Quốc có những lá chủ bài nào trong tay để thuyết phục Hoa Kỳ khởi động lại đối thoại với chính quyền Kim Jong Un ?

 

https://s.rfi.fr/media/display/d254dd34-ba29-11eb-9509-005056bff430/w:980/p:16x9/AP21140706155033.webp

Tổng thống Moon Jae In và bà chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi, trong chuyến công du Hoa Kỳ ngày 20/05/2020. AP - Manuel Balce Ceneta

 

Theo các nhà quan sát, tổng thống Hàn Quốc đang nắm giữ ít nhất bốn lợi thế để mặc cả với Hoa Kỳ. Trước hết, chỉ riêng việc tổng thống Joe Biden dành hai cuộc tiếp xúc đầu tiên với các nguyên thủ quốc tế cho thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga rồi tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đủ cho thấy châu Á chiếm một vị trí đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Washington. Chính quyền Biden từ đầu nhiệm kỳ liên tục nỗ lực thắt chặt quan hệ với hai đồng minh Đông Bắc Á là Tokyo và Seoul để thành lập một « mặt trận đoàn kết » đối phó với mối đe dọa Trung Quốc.

 

Kinh tế là lá chủ bài thứ hai tổng thống Hàn Quốc đang nắm giữ. Tháp tùng tổng thống Moon Jae In đến Mỹ lần này là một phái đoàn hùng hậu các doanh nhân, trong đó có nhiều chủ tịch tổng giám đốc các tập đoàn chip điện tử, công nghệ bán dẫn, công nghệ viễn thông… Đó là những lĩnh vực mà chính quyền Biden đang coi là một công cụ trong cuộc đọ sức về kinh tế và công nghệ với Trung Quốc và cũng là vũ khí để triệt hạ kế hoạch đầy tham vọng « Made in China 2025 » của Bắc Kinh. Điều phối viên của tổng thống Hoa Kỳ về chính sách đối ngoại trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, ông Kurt Campbell đã nói rõ : Bảo đảm an ninh trong chuỗi cung ứng và cải thiện hợp tác về mặt công nghệ là một trong những ưu tiên của thượng đỉnh Biden-Moon đầu tiên tại Washington lần này.

 

Trên đài RFI Việt ngữ hồi tháng trước, chuyên gia về Nhật Bản tại Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI Céline Pajon đã giải thích : « Chính quyền Biden có một tầm nhìn chiến lược về sự đối đầu Mỹ-Trung. Chiến lược đó bao hàm từ quân sự đến địa chính trị, nhân quyền, thương mại (…) và giờ đây là công nghệ ». Theo bà Pajon, ở điểm cuối cùng này, « Nhật Bản cùng với Hàn Quốc đang chiếm một vị trí trung tâm ». Tokyo cũng như Seoul đều đang dẫn đầu nền công nghệ mới thuộc về tương lai, như trí thông minh nhân tạo, công nghệ bán dẫn, mạng viễn thông thế hệ 5, thậm chí là thế hệ 6.

 

Lợi thế thứ ba của Hàn Quốc là Mỹ đang muốn Seoul năng động nhiều hơn nữa trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu, mà chính quyền Biden xem là một công cụ để khẳng định thế thượng phong của Hoa Kỳ với thế giới. Hàn Quốc vừa thông báo đề ra mục tiêu đến năm 2030 giảm 24,4 % lượng khí thải CO2 so với thời điểm 2017 và trên hồ sơ này, đặc sứ về môi trường của tổng thống Biden là John Kerry đang kỳ vọng là mục tiêu này của Seoul sẽ phải được « tăng lên gấp đôi ».

 

Cuối cùng, cho dù hiện tại, hạt nhân Bắc Triều Tiên có thể không là một hồ sơ nóng của ngành ngoại giao Hoa Kỳ, nhưng sau nhiều lần thất bại, Washington vẫn theo đuổi mục tiêu chận đứng tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng. Trên hồ sơ này, Hàn Quốc là một trong những mắt xích chính. Hơn nữa, Seoul từng là nhịp cầu đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng dưới thời chính quyền Trump. Theo giới phân tích, đành rằng sau ba lần Donald Trump và Kim Jong Un bắt tay, kết quả vẫn chưa đi đến đâu, nhưng đó đã là một « điểm khởi đầu ».

 

Nhưng dù có nhiều lợi thế như vậy, chưa chắc tổng thống Moon Jae In sẽ dễ dàng thuyết phục được đồng nhiệm Joe Biden và chuyến công du Hoa Kỳ lần này cũng đặt nguyên thủ Hàn Quốc trong thế tế nhị không kém. Bởi vì, thứ nhất, vẫn tồn tại một số bất đồng trong quan hệ giữa Washington và Seoul, chẳng hạn như việc chia sẻ gánh nặng tài chính trong việc quân đội Mỹ đồn trú tại bán đảo Triều Tiên, hay hợp đồng cung cấp vac-xin cho Hàn Quốc.

 

Thứ hai, đến Washington lần này, tổng thống Moon Jae In cũng ý thức được rằng, chủ trương của Mỹ lôi kéo các đồng minh Nhật Hàn vào liên minh để « đối phó với đe dọa Trung Quốc » đặt Seoul trong thế khó xử. Hàn Quốc muốn tránh làm phật lòng một đối tác kinh tế và thương mại quan trọng như Trung Quốc. Có lẽ chính vì thế mà một ngày trước thượng đỉnh với đồng nhiệm Biden, phát biểu tại Hạ Viện Hoa Kỳ, tổng thống Moon Jae In đã nhấn mạnh đến « tầm mức quan trọng của sự ổn định » trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh. Nguyên thủ Hàn Quốc đã không nhắc đến « trọng lượng của mối liên hệ giữa Trung Quốc với bán đảo Triều Tiên ».

 

Tương tự như Nhật Bản, dù là đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ, Hàn Quốc cũng luôn tỏ ra thực tế cả về ngoại giao lẫn chiến lược và chắc chắn Seoul không quên nguyên tắc cơ bản, đó là « Mỹ thì xa, Trung Quốc thì gần ».

 

                                                          ***

 

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Mỹ - Hàn : Seoul và Washington hợp tác phòng thủ không gian

 

Mỹ - Hàn đạt thỏa thuận chia sẻ chi phí quốc phòng

 

.

===================================================

.

Hạt nhân Bắc Triều Tiên, trọng tâm thượng đỉnh Mỹ - Hàn

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 21/05/2021 - 11:46

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210521-hat-nhan-bac-trieu-tien-han-quoc-hoa-ky

 

4 phút

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In là nguyên thủ quốc gia thứ hai trên thế giới được tổng thống Joe Biden tiếp đón tại Nhà Trắng. Tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương, quan hệ hợp tác kinh tế và y tế sẽ là những hồ sơ chính trong cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Hàn chiều ngày 21/05/2021.

 

https://s.rfi.fr/media/display/c0f3cc42-ba17-11eb-8407-005056bff430/w:980/p:16x9/AP21112452889792.webp

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In trao đổi với tổng thống Mỹ Joe Biden nhân Thượng đỉnh Khí hậu trực tuyến ngày 22/04/2021. AP - Lee Jin-wook

 

Hãng tin Anh Reuters lưu ý, sau thủ tướng Nhật Bản đến lượt tổng thống Hàn Quốc trực tiếp hội kiến tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden kể từ khi ông lên cầm quyền. Đây là dấu hiệu rõ rệt nhất cho thấy châu Á là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Washington.

 

Theo thông cáo của Nhà Trắng, tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, thảo luận với các đồng minh của Mỹ về an ninh khu vực làm đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc, đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là đối với ngành công nghệ bán dẫn và chíp điện tử, kềm hãm khủng hoảng dịch Covid-19, và thuyết phục Seoul hỗ trợ những nỗ lực của Washington trong mục tiêu chống biến đổi khí hậu : đó là những hồ sơ nguyên thủ hai nước sẽ thảo luận trong cuộc họp thượng đỉnh chiều nay tại Nhà Trắng. Kết thúc buổi làm việc, tổng thống Biden và Moon sẽ có cuộc họp báo chung.

 

Reuters nhắc lại tổng thống Moon Jae In đến Washington lần này trong bối cảnh sắp kết thúc nhiệm kỳ và ông mong muốn thúc đẩy tiến trình hòa bình « không thể đảo ngược » trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng làm thế nào để thuyết phục Bình Nhưỡng quay trở lại bàn đàm phán và từ bỏ tham vọng nguyên tử ?

 

Ngoài ra, một số nhà phân tích cho rằng, ở vào thời điểm hiện tại, xung đột Israel-Palestin đang là hồ sơ nóng thu hút chú ý của chính quyền Biden. Bắc Triều Tiên tuy là một hồ sơ nhạy cảm, nhưng không chắc là một ưu tiên đối với Washington vào lúc này. Phát ngôn viên phủ tổng thống Mỹ Jen Psaki trong cuộc họp báo hôm 20/05/2021 gián tiếp công nhận điều đó, khi tuyên bố bà « không chờ đợi tổ chức một thượng định Joe Biden – Kim Jong Un là một ưu tiên » của chủ nhân Nhà Trắng.

 

Theo lời một nhà quan sát được hãng tin AFP trích dẫn, khác với hai đời tổng thống tiền nhiệm, Joe Biden không bị vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên ám ảnh như dưới thời chính quyền Trump, nhưng ông cũng không đi theo « chiến lược kiên nhẫn đợi chờ » như dưới thời tổng thống Obama. 

 

Trong lĩnh vực y tế, tổng thống Hàn Quốc đang chịu áp lực lớn vào lúc dịch Covid-19 có dấu hiệu bùng phát trở lại. Tại Washington lần này, ông Moon Jae In hy vọng đạt được một thỏa thuận với Mỹ về việc cung cấp vac-xin.

 

                                              ***

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Mỹ-Hàn đối thoại 2+2 tìm cách đối phó với Bắc Kinh và Bình Nhưỡng

 

Bắc Triều Tiên : Không tiếp xúc nếu Mỹ vẫn giữ "chính sách thù địch"

 

Mỹ, Nhật, Hàn thảo luận về "phi hạt nhân hóa" Bắc Triều Tiên

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats