Wednesday, 26 May 2021

CÁC GÓC NHÌN KHÁC NHAU VỀ "HIỆN TƯỢNG" NGUYỄN PHƯƠNG HẰNG (Jackhammer Nguyễn)

 



Các góc nhìn khác nhau về “hiện tượng” Nguyễn Phương Hằng

Jackhammer Nguyễn

26/05/2021

https://baotiengdan.com/2021/05/26/cac-goc-nhin-khac-nhau-ve-hien-tuong-nguyen-phuong-hang/

 

Bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Đại Nam, trở thành một ngôi sao được hàng triệu người nói tiếng Việt trên thế giới chú ý. Bà Hằng là vợ ông Huỳnh Uy Dũng, hỗn danh Dũng “lò vôi”, nổi tiếng giàu có.

 

Bà Hằng dùng các kênh mạng xã hội của mình để bàn chuyện (bình luận) xã hội, chỉ trích, tố cáo các nghệ sĩ có nhiều tai tiếng, trong đó có cả những đối thủ của bà.

 

Theo con số của BBC Việt ngữ cho biết, clip livestream của bà Hằng thu hút nửa triệu người xem trực tiếp trên YouTube và Facebook. Đây là clip livestream ngày 25/5 của bà Hằng, trên kênh một kênh YouTube của bà:

 

Căn cứ nội dung các clip bà Hằng livestream của bà Hằng, có thể xếp các chương trình này vào loại báo chí “lá cải”, mà ta thường thấy bán ở các quầy tính tiền trong các siêu thị phương Tây, những chuyện xung quanh “tình, tiền, tù, tội”.

 

Dĩ nhiên không phải “lá cải” là sai sự thật, nhưng hiểu một cách tương đối thì những sự thật này không có trọng lượng lớn, gây sự chú ý của các kênh truyền thông dòng chính. Ngay trong các kênh truyền thông lớn, thỉnh thoảng ta cũng thấy những mục “xe cán chó, chó cán xe”, thật ra cũng thuộc loại này.

 

Bài viết trên BBC Việt ngữ trích dẫn một số người am tường trong lĩnh vực truyền thông, để tìm hiểu xem vì sao bà Hằng lại thu hút người Việt đến thế.

 

Có thể đặt vấn đề khác từ “hiện tượng Nguyễn Phương Hằng”, rằng người Việt Nam đang thật sự chú ý đến chuyện gì. Câu trả lời có thể có ngay là, người Việt chú ý đến những chuyện… lá cải! Và không hẳn chỉ người Việt, mà một số người dân khác cũng vậy, nhưng có thể thấy sự khác nhau ở số lượng người quan tâm.

 

Không có gì sai khi một người đọc một tờ báo lá cải, tìm hiểu chuyện đời tư một ngôi sao nào đó, tài sản của một người nổi tiếng ra sao… Nhưng hàng triệu, hoặc hàng chục triệu người trên một đất nước cứ chăm chú vào những chuyện ấy, rõ ràng là có vấn đề.

 

Và đây chính là mục đích của các chế độ cầm quyền không chính danh, muốn sự chú ý của dân chúng bị đánh lạc hướng, thay vì quan tâm đến thực tại.

 

Người cộng sản từng chỉ trích nhà cầm quyền thực dân thời Pháp thuộc, tổ chức những cuộc vui giải trí nhảm nhí, để dân chúng không còn quan tâm đến chuyện giành độc lập nữa. Nay người cộng sản cũng làm như thế, để người dân không chú ý tới những chuyện thiết thực, như vụ Đồng Tâm (tranh chấp đất đai, đàn áp đẫm máu), Hồ Duy Hải (án oan, mà bất cứ người dân nào cũng có thể trở thành nạn nhân)… Có thể nói, hệ thống truyền thông nhà nước Việt Nam hàng chục năm qua, đã được định hướng như thế, rất đậm tính giải trí.

 

Tuy nhiên, truyền thông giải trí của nhà nước không vượt qua được những khuôn khổ bó buộc của những từ ngữ tuyên giáo, không sử dụng được những nền tảng truyền thông đại chúng mới của mạng xã hội một cách có hiệu quả. Và do vậy, xuất hiện hiện tượng Nguyễn Phương Hằng, với ngôn ngữ bình dân, cùng những câu chuyện thật, những vụ bê bối trong xã hội, vô cùng hấp dẫn.

 

Có thể nhìn hiện tượng Nguyễn Phương Hằng từ hai góc độ khác nhau. Thứ nhất, bà Hằng bổ sung vào thể loại “lá cải” của truyền thông nhà nước, giúp nhà nước cộng sản đánh lạc hướng sự chú ý của công chúng ra ngoài những vụ bê bối của “Đảng và Nhà nước”.

 

Nói như thế không có nghĩa là bà Hằng đang âm mưu với nhà nước cộng sản, mà tôi tin là bà Hằng chỉ làm những điều mà bà thích làm, ngẫu nhiên trùng hợp với tin tức “lá cải” của truyền thông nhà nước.

 

Và với sự khôn ngoan của một doanh nhân dưới chế độ cộng sản, bà biết lằn ranh mà chế độ ấy đặt ra, nằm ở đâu, để không vượt qua “lằn ranh đỏ”. Bà cứ việc móc mỉa Hoài Linh, cứ thóa mạ Vy Oanh … không sao cả, miễn không đụng tới Tô Lâm hay Nguyễn Phú Trọng là bà an toàn.

 

Điều thứ hai là, sự chú ý của công chúng với bà Hằng và những câu chuyện của bà, thay vì Ban Tuyên giáo Trung ương và những câu chuyện “chống diễn biến hòa bình” của ban này, có nghĩa là dân chúng chú ý đến những câu chuyện có thật (dù lá cải), chú ý đến đời thường, thay những hoang tưởng mỹ miều mang màu sắc cộng sản ra rả trên các phương tiện truyền thông mấy chục năm nay.

 

Ở góc nhìn đó, sự xuất hiện của bà Hằng là một điểm tích cực. Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, vài ngàn người thì không sao, nhưng hàng triệu hay hàng chục triệu người chỉ quan tâm đến chuyện lá cải, bỏ qua những chuyện hệ trọng như: Chuyện nông dân ngày càng cơ cực, dân nghèo sắp chết đói vì đại dịch, biển Đông bị Trung Quốc uy hiếp, chuyện tham nhũng của bộ máy tư bản bồ bịch (crony capitalism) bòn rút công sản,… có thể thấy tương lai của đất nước ra sao!

 

Có lẽ những người cổ vũ cho dân chủ hóa Việt Nam thoát khỏi chế độ toàn trị, cần quan sát “hiện tượng Nguyễn Phương Hằng”, để biết được tâm trí người dân Việt Nam đang ở đâu và vì sao họ quan tâm đến những chuyện như thế, thay vì những chuyện hệ trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của họ và tương lai của con cháu họ.

 

Bà Nguyễn Phương Hằng là thước đo cho những người cổ xúy dân chủ Việt Nam nhìn ra mình đã thành công hay thất bại trong việc gieo mầm những tư tưởng cấp tiến và dân chủ cho công chúng Việt Nam.

 

Cho tới nay, chưa thấy ai nói rằng bà Hằng phao tin vịt, ngoại trừ Sở Thông tin và Truyền thông thành Hồ xử phạt 7,5 triệu đồng hồi tháng trước, vì bà lỡ vượt lằn ranh, đụng tới chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận.

 

Theo ý kiến chủ quan của tôi, dù sao người dân Việt Nam xem bà Hằng nói thao thao bất tuyệt, vẫn tốt hơn so với chuyện ông Trọng mơ màng đến chủ nghĩa xã hội và dĩ nhiên là tốt hơn các YouTuber hải ngoại tung tin vịt, chẳng hạn như về gian lận bầu ở Mỹ, hay chuyện ông Trump trở lại nắm quyền trong vài tháng tới.

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats