Belarus
bị cách ly sau hành vi “không tặc”
Trọng
Nghĩa -
RFI
Đăng ngày: 26/05/2021 - 16:11
https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20210
Báo giới Pháp ra ngày 26/05/2021, tiếp tục bình luận
rộng rãi về vụ tổng thống Belarus cho chiến đấu cơ bay lên ép một máy bay chở
khách của hãng hàng không Ryanair hạ cánh xuống phi trường thủ đô Minsk để bắt
giữ một nhà đối lập với chế độ. Với một số quyết định ban đầu về mặt hàng
không, Belarus được cho là đã bị “cách ly”.
Ảnh minh họa: Một
chiếc phi cơ của hãng hàng không Belarus Belavia hạ cánh xuống phị trường quốc
tế Vilnius, thủ đô Lítva ngày 23/05/2021. AP - Mindaugas Kulbis
Không hẹn mà gặp, cả Le Monde lẫn La Croix đều
gần như chạy chung một tựa lớn trên trang nhất với từ khóa chính là “rispote”
nghĩa là “đáp trả” hay “phản công”. Trong lúc Le Monde ghi nhận: “Chuyến bay
bị đổi hướng: EU tìm cách đáp trả Minsk”, thì La Croix đặt câu hỏi: “Belarus,
đáp trả như thế nào?”.
Bên trên một bức ảnh chụp tổng thống
Loukachenko của nước này chiếm gần trọn trang báo, La Croix kèm theo lời giải
thích: “Liên Hiệp Châu Âu đã loan báo một loạt trừng phạt nhắm vào chính quyền
Minsk sau vụ Belarus bắt một chuyến bay đổi hướng và câu lưu một nhà đối lập”.
Liên Âu phản công
chống Minsk nhưng vẫn dè dặt
Trong bài phân tích trên trang quốc tế bên
trong, La Croix ghi nhận: “Đối mặt với Belarus, châu Âu đang tìm cách phản
công”. Tờ báo nhắc lại rằng các nhà lãnh đạo Liên Âu vào hôm thứ Hai
(25/05) đã công bố một loạt biện pháp trừng phạt nhắm vào Minsk sau vụ việc, thế
nhưng EU vẫn chưa nêu được chi tiết về mức độ của các lệnh trừng phạt, vào lúc
chế độ Loukachenko đang tăng cường đàn áp.
Về phần mình, Le Monde nhấn mạnh rằng các nhà
lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu đã lên tiếng tố cáo một hành động “không tặc cấp Nhà
Nước” và yêu cầu chính quyền Minsk thả ngay nhà báo đối lập Roman Protassevich đã
bị bắt sau khi chuyến bay bị ép buộc phải hạ cánh.
Tương tự như đồng nghiệp La Croix, Le Monde
cũng nêu bật thái độ do dự của EU về các lệnh trừng phạt sắp công bố, sợ rằng
việc đó sẽ đẩy chế độ Loukashenko vào hẳn trong vòng tay của Matxcơva.
Riêng trên vấn đề quan hệ giữa Nga và Belarus,
La Croix đã có một bài phân tích riêng mang tựa đề “Matxcơva, đồng minh
trung thành của Minsk với những động cơ thầm kín không rõ ràng”.
Theo tờ báo Công Giáo Pháp, trong thực tế, Điện
Kremlin lại ủng hộ Alexander Loukashenko một lần nữa, và đang thích thú theo
dõi xem phương Tây ban hành các biện pháp trừng phạt mới nào nhắm vào một đối
tác ngày càng phụ thuộc nặng nề vào Nga.
Belarus bị “cách
ly”, nhưng không phải vì Covid-19
Dĩ nhiên là các báo đều đi sâu vào tìm hiểu
thêm về một số biện pháp liên quan đến ngành hàng không dân dụng đã được nhiều
chính phủ Châu Âu cũng như các hãng hàng không quyết định: Đó là cấm máy bay của
Belarus sử dụng không phận Châu Âu đồng thời khuyên các hãng hàng không của
mình tránh bay qua không phận Belarus.
Đối với nhật báo cánh hữu Pháp Le Figaro,
không còn mơ hồ gì nữa: Khi quyết định đóng cửa không phận của mình đối với các
máy bay của Belarus, 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu “đang đặt Minsk vào diện bị
cách ly”, tựa của bài báo trên trang quốc tế.
Tờ báo cũng nêu rõ việc EU “khuyến cáo” các
hãng hàng không châu Âu là nên tránh không phận Belarus. Hãng hàng không Pháp
Air France đã thông báo ngay lập tức quyết định không cho phi cơ của mình bay
qua lãnh thổ Belarus. Các hãng châu Âu khác như hãng Hà Lan KLM, hãng Đức
Lufthansa, hãng Phần Lan Finnair, hãng Thụy Điển SAS, cũng tuân theo khuyến
cáo, tương tự như một số hãng châu Á như Singapore Airlines và ANA của Nhật Bản.
Hậu quả rất tức thời. Theo Le Figaro, vào hôm
qua thứ Ba, số máy bay được ghi nhận trên trang FlightRadar24 là đã đ ingang
qua Belarus có thể được đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó thì theo
Eurocontrol, Tổ Chức An Toàn Hàng Không Châu Âu, thì trong thời gian gần đây,
trung bình mỗi tuần có khoảng 2.500 chuyến bay thương mại sử dụng không phận
Belarus.
Bị nghi ngờ là đã tiếp tay cho hoạt động không
tặc của Belarus, Nga lại có dấu hiệu bênh vực đàn em khi cảnh cáo các hãng máy
bay về cái giá phải trả nếu tẩy chay không phận Belarus. Người phát ngôn Điện
Kremlin Dmitry Peskov đã “lấy làm tiếc” về những thông báo từ Brussels và lưu ý
rằng: “Việc bỏ qua không phận của một quốc gia khá lớn, nằm ở trung tâm châu
Âu, là điều rất tốn kém cho bất kỳ hãng hàng không nào”.
Le Monde: Sắp thấy
lại thế giới không khẩu trang
Dịch Covid-19 là chủ đề quan trọng thứ hai được
các báo khai thác, được cả Libération lẫn Le Monde nêu bật trên trang nhất. Điểm
chung là cả hai đều thể hiện một tâm lý lạc quan, với Le Monde thấy xuất hiện “Chân
trời của một thế giới không có khẩu trang”, trong lúc Libération phấn khởi
dự báo triển vọng du khách sắp được đi lại khắp châu Âu sau cả năm trời bị tù
túng vì các biện pháp phong tỏa phòng dịch Covid-19.
Theo Le Monde, sau khi Mỹ nới lỏng các biện
pháp hạn chế, đến lượt chính phủ Pháp cân nhắc khả năng bãi bỏ lệnh bắt buộc
đeo khẩu trang ngoài trời nhân dịp hè.
Trên bình diện y tế, Viện Pasteur Pháp vừa
công bố các mô hình dự báo lạc quan về triển vọng dịch bệnh lùi bước nhờ vào việc
tăng tốc tiêm chủng.
Tuy vậy, tờ báo Pháp không quên nhắc lại khuyến
cáo của giới khoa học cho rằng khẩu trang sẽ vẫn là một phụ kiện thiết yếu hàng
ngày trong một số tình huống nhất định.
Dẫu sao thì tại Pháp, nhiều công ty từng chuyển
sang sản xuất khẩu trang trong thời gian qua đã bắt đầu định hướng lại sản xuất.
Libération: Muốn
du lịch hè thì phải chuẩn bị QR Code
Về phần Libération, trên nền một tấm ảnh lớn
phủ trọn trang nhất cho thấy một nhân viên phụ trách an toàn bãi biển, đeo kính
râm, da rám nắng, tờ báo chạy tựa hóm hỉnh: “Nghỉ hè: Hãy chuẩn bị trước
mã QR đi!”. Libération giải thích thêm: Hôm qua, Liên Hiệp Châu Âu thảo luận
việc thiết lập một loại thông hành y tế cho phép di chuyển giữa các nước trong
khối kể từ tháng 7 tới đây. Tại Pháp, thông hành này cũng cho phép tham gia các
sự kiện đông người.
Trong bài viết trang trong với tựa đề vui nhộn:
"Covid: Hạnh phúc cho những ai có thể làm du khách để thực hiện một
chuyến du hành tốt đẹp", tờ báo giải thích tường tận hơn về sáng kiến
“thông hành y tế”, một loại “chứng chỉ kỹ thuật số” cho phép mở lại biên giới
trên diện rộng và có phối hợp, để cho các công dân đã được tiêm chủng, xét nghiệm
âm tính... được tự do đi lại.
Gọi đây là tài liệu kỹ thuật số là bởi vì chứng
chỉ sẽ ở dạng một mã vuông QR, cho phép cơ quan chức năng xác minh tính xác thực
của tài liệu mà không cho phép họ truy cập vào dữ liệu cá nhân của khách du lịch.
Kế hoạch sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 7, nếu được Nghị Viện Châu Âu bỏ phiếu
theo dự kiến tại phiên họp tới đây vào ngày 7 tháng 6.
Trên nguyên tắc là như vậy, nhưng theo Libération,
vẫn còn một số bất ổn, đặc biệt trong lãnh vực chứng nhận tiêm chủng.
Vac-xin Nga và
Trung Quốc bị loại?
Đối với những người đã được tiêm chủng, việc
nhập cảnh nước khác sẽ dễ dàng hơn. Các thành viên EU sẽ có nghĩa vụ chấp nhận
những khách du lịch vào lãnh thổ của mình những ai họ đã được tiêm chủng đầy đủ
bằng sản phẩm đã được Cơ quan Dược Phẩm Châu Âu cấp phép (tức là những người
tiêm 2 liều Pfizer, Moderna hoặc AstraZeneca, hay 1 liều Johnson &
Johnson).
Số phận của các loại vắc-xin khác, đặc biệt là
của Nga và Trung Quốc, vẫn chưa được giải quyết. Các quốc gia sẽ tự quyết
định xem họ có chấp nhận hay không, ví dụ: du khách người Hungary đã tiêm
vac-xin Sputnik V. Cũng như vậy đối với những người chỉ được tiêm một trong hai
liều.
Le Figaro: Paris lại
nhức đầu vì Tân Calédonie
Nhật báo Pháp Le Figaro chú ý đến chính trị
Pháp dành hồ sơ chính và trang nhất cho vấn đề vùng lãnh thổ hải ngoại Nouvelle
Calédonie. Đối với tờ báo “Chính phủ lại phải đối mặt với mối đau đầu Tân
Calédonie”.
Đối với Le Figaro, chính phủ Pháp phải chuẩn bị
cho cuộc trưng cầu dân ý lần thứ ba về độc lập của vùng lãnh thổ này và đây là
một hồ sơ nguy hiểm đối với tất cả các chính phủ trong gần bốn mươi năm nay,
Cuộc bỏ phiếu lần thứ ba và cuối cùng về nền độc
lập được dự kiến vào tháng 10 năm 2022 tại quần đảo, sau hai cuộc trưng cầu dân
ý được đánh dấu bằng chiến thắng kép của phong trào chống độc lập, vào tháng 11
năm 2018, sau đó vào tháng 10 năm 2020.
Nhưng nếu phe ủng hộ Pháp giành được thắng lợi
hai lần, thì khoảng cách chênh lệch trong chiều hướng bị thu hẹp (56,7% vào năm
2018 và 53,3% vào năm 2020) đã không cho phép giải quyết vấn đề về độc lập.
Les Echos: Amazon
tiến công vào Hollywood
Trung thành với trọng tâm kinh tế của mình,
Les Echos đã dùng tựa lớn trang nhất để nêu bật sự kiện: “Amazon tiến công
vào Hollywood”.
Theo Les Echos, tập đoàn Amazon được cho là
đang trong quá trình hoàn tất việc mua lại hãng phim huyền thoại Metro Goldwyn
Mayer, gọi tắt là MGM, với giá 9 tỷ đô la. Thương vụ này sẽ cho phép Amazon mở
rộng danh mục các sản phẩm phim ảnh cung cấp qua dịch vụ phát trực tuyến Prime
Video của tập đoàn này.
Hãng phim Mỹ hiện đang có quyền trên các phim
nổi tiếng như James Bond 007, The Pink Panther, RoboCop và Rocky, không kể đến
các phim bộ truyền hình như "Stargate", "Fargo"… Tuy vậy,
hai tác phẩm kinh điển của MGM, chẳng hạn như "The Wizard of Oz" hoặc
"Gone with the Wind", sẽ không lọt vào tay Amazon vì đã thuộc về
Warner, AT&T.
No comments:
Post a Comment