Wednesday 26 May 2021

BELARUS : CHẾ ĐỘ ALEXANDER LUKASHENKO TRUY CÙNG DIỆT TẬN ĐỐI LẬP LƯU VONG (RFI)

 



Belarus : Chế độ Alexandre Loukachenko truy cùng diệt tận đối lập lưu vong

RFI

Đăng ngày: 26/05/2021 - 15:03

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210526-belarus-ch%E1%BA%BF-%C4%91%E1%BB%99-alexandre-loukachenko-truy-c%C3%B9ng-di%E1%BB%87t-t%E1%BA%ADn-%C4%91%E1%BB%91i-l%E1%BA%ADp-l%C6%B0u-vong

 

Từ khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 8/2020, chế độ của Alexandre Loukachenko, vấp phải làn sóng phảng kháng chưa từng có, đã thẳng tay trấn áp, làm hàng trăm nhân vật đối lập hoặc bị ngồi tù hoặc phải chạy ra nước ngoài lưu vong. Vụ bắt giữ nhà báo đối lập lưu vong Roman Protassevitch bằng cách chặn máy bay trên không phận Belarus hôm Chủ nhật, cho thấy chính quyền Minsk quyết truy cùng diệt tận phong trào phản kháng chống chế độ.

 

https://s.rfi.fr/media/display/3a849d5e-be1c-11eb-a090-005056bff430/w:980/p:16x9/AP21145747445796%20%281%29.webp

Biểu tình trước sứ quán Belarus tại Vacxava, Ba Lan ngày 25/05/2021 phản đối chính quyền Loukachenko vụ chặn máy bay bắt nhà báo đối lập Roman Protassevitch. AP - Czarek Sokolowski

 

Ngày 09/ 08/2020, Alexandre Loukachenko tái đắc cử tổng thống Belarus nhiệm kỳ thứ 6 với hơn 80% phiếu bầu. Chiến thắng lần này của nhà lãnh đạo chuyên quyền ngay lập tức đã làm bùng lên một làn sóng phản kháng chưa từng có ở đất nước Đông Âu thuộc Liên Xô cũ. Như vẫn thường thấy, chính quyền ra tay trấn áp. Sau nhiều tháng, phong trào phản kháng trong nước dường như đã bị dẹp yên.

 

Báo chí quốc tế cũng không còn nhắc đến Belarus nhiều cho đến ngày 23/05 vừa rồi, khi Alexandre Loukachenko ra lệnh chặn ép hạ cánh chiếc máy bay của hàng hàng không Ryanair đang trên đường bay từ Athens đến Vilnius khi qua không phận Belarus. Mục đích chỉ để bắt nhà đối lập Roman Protassevitch, hai năm nay sống lưu vong ở Ba Lan và Litva. Hành động bất chấp luật pháp quốc tế chưa từng có này cho thấy chính quyền Loukachenko đã tuyên chiến với cả đối lập ở bên ngoài đất nước.

 

Trở lại cuộc bầu cử tổng thống năm trước, từ tháng 08/2020, trong vòng nhiều tháng, hàng trăm nghìn người dân trên khắp đất nước Belarus xuống đường biểu tình tố cáo gian lận trong kỳ bầu cử tổng thống.

Nhìn vào làn sóng người trên đường phố phản đối kết quả bầu cử, không ai có thể tin ứng cử viên đối lập bà Svetlana Tikhanovskaia chỉ thu được 9,9% phiếu bầu. Để nhanh chóng dập tắt các cuộc biểu tình, chế độ Loukachenko chọn cách mạnh tay trấn áp ồ ạt.

 

Theo Liên đoàn Quốc tế vì Nhân quyền (FIDH), từ tháng 05/2020, đã có hơn 30 nghìn người biểu tình ôn hòa bị chế độ bắt giam. Hơn 400 người đã bị kết án vì tội « gây rối » hay dùng « bạo lực » chống cảnh sát. Ngoài ra hàng trăm người khác vẫn còn chờ đưa ra xét xử.

 

Ngày 17 tháng 9, giữa lúc phong trào chống chính quyền lên cao, lãnh đạo Belarus ra lệnh đóng cửa biên giới với Ba Lan và Litva cho đến thời điểm đó vẫn để lỏng kiểm soát do có thỏa thuận với các nước láng giềng. Minsk tố cáo các nước này ủng hộ đối lập chống chính quyền Belarus.

 

Ông Oleg Kozlovski, chuyên gia về Đông Âu của tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) nhận định : « Alexandre Loukachenko đã thống trị đất nước Belarus 26 năm bằng bàn tay sắt và các nhà hoạt động phải bỏ nước ra đi. Xu hướng trấn áp mạnh càng tăng mạnh cùng với phong trào phản kháng chưa từng có và đến một lúc, chính quyền nhận ra rằng họ đã đánh giá quá thấp ảnh hưởng và quy mô tổ chức của đối lập lưu vong.»

 

Trong số các gương mặt biểu tượng được chế độ đánh giá là nguy hiểm có Svetlana Tikhanoskaia, cựu ứng viên tổng thống. Ngoài ra còn có các chính trị gia có ảnh hưởng, như giải Nobel Văn học Svetlana Alexeivitch, cựu bộ trưởng Văn Hóa Pavel Latushko hay luật sư, nữ chính trị gia Olga Kovalkova. Những nhân vật này đều đã lần lượt bằng cách này hay cách khác rời khỏi Belarus, sau cuộc bầu cử tổng thống hôm 09/08/2020, đi tị nạn chính trị, chủ yếu ở các nước láng giềng Litva, Ba Lan hay Ukraina.

 

Theo ông Oleg Kozlovski, vụ bắt giữ Roman Protassevitch là một một động thái rõ rệt đe dọa tất cả những nhà đấu tranh : « Roman Protassevitch là cựu tổng biên tập cơ quan truyền thông Nexta, từng điều phối các cuộc biểu tình, chỉ dẫn các điểm tập hợp hay hướng dẫn người biểu tình cách hành xử để tránh xô xát với cảnh sát. Cơ quan truyền thông này còn chia sẻ thông tin về những nhân vật vi phạm nhân quyền và thế là Roman Protassevitch trở thành cái gai trong mắt tổng thống và việc chọn bắt anh không hề ngẫu nhiên. Anh là hiện thân của phe đối lập đã thoát khỏi tầm kiểm soát của chính phủ nhưng vẫn còn rất nguy hiểm. Thông điệp đưa ra là rõ ràng là dù ở đâu anh cũng không được an toàn. »

 

 

Thay đổi sách lược cưỡng chế lưu vong

 

Cho dù chế độ Belarus chưa bao giờ nương nhẹ với đối lập, việc bắt giữ giới đấu tranh lưu vong đánh dấu sự thay đổi sách lược của Alexandre Loukachenko.

 

Cho đến giờ ngoài các vụ bắt giữ hàng loạt, chế độ Belarus vẫn theo thói quen loại bỏ các nhân vật gây phiền phức cho chế độ bằng cách tìm cách đẩy họ ra khỏi đất nước.

 

Đối thủ cạnh tranh của Alexandre Loukachenko trong cuộc bầu cử tổng thống đã phải trả giá cho chính sách này. Ngay sau cuộc bầu cử bà Svetlana Tikhanovskaia đã phải chạy sang sống tại Vilnius, Litva, vì tính mạng bị đe dọa, trong khi mà chồng bà, blogger hoạt động chính trị Serguei Tikhanovski vẫn đang phải ngồi tù tại Belarus.

 

Một vụ việc khác liên quan đến đàn áp đối lập gây náo động dư luận. Nhà hoạt động đối lập Maria Kolesnikova bị nhiều người bịt mặt bắt cóc tại Minsk rồi đưa thẳng đến biên giới với Ukraina. Nhưng bà đã xé hộ chiếu để những kẻ bắt cóc không trục xuất bà ra khỏi nước. Kết quả, bà đã phải ngồi tù. Hai cộng sự đi cùng bà chấp nhận sang Ukraina.  

 

Ông Oleg Kozlovski cho biết, dù là trái pháp luật, nhưng việc cưỡng chế trục xuất là cách làm không có gì mới ở Belarus. Trong những năm 2000 đã xảy ra nhiều vụ kiểu như vậy ở đất nước này. Nhiều nhân vật chỉ trích chính phủ đã bị giải đến biên giới, họ phải lựa chọn hoặc ra khỏi nước lưu vong, hoặc ở lại thì ngồi tù.

 

« Trong một thời gian dài, chế độ Minsk vẫn tin chỉ cần đuổi những nhà đối lập gây phiền toái ra khỏi nước là có thể dập tắt được các tiếng nói chỉ trích chế độ, nhưng qua làn sóng biểu tình phản kháng chưa từng có vừa rồi, chính quyền đã thay đổi quan điểm. Vụ bắt giữa Roman Protassevitch là một lời tuyên chiến đối với các đối lập được cho là hoạt động quá tích cực» dù họ ở bên ngoài nước.

 

                                                          ****

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Belarus: Đối lập biểu tình bất chấp nguy cơ bị bắn đạn thật

 

Belarus : Nhà đối lập bị bắt xuất hiện trong một video

 

Belarus chặn máy bay bắt đối lập, Liên Âu buộc phải cứng rắn

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats