Ai
ủng hộ phe nào trong cuộc chiến giữa Do Thái với Palestine?
Jackhammer
Nguyễn
23/05/2021
https://baotiengdan.com/2021/05/23/ai-ung-ho-phe-nao-trong-cuoc-chien-giua-do-thai-voi-palestine/
Cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, cũng như
khuynh hướng chính trị Mỹ nói chung là ủng hộ nhà nước Do Thái (Israel). Xu hướng
này đang thay đổi rất mạnh trong nội bộ đảng Dân chủ Mỹ. Cánh cấp tiến của đảng
Dân chủ, trong đó có nhiều người thuộc thành phần thiểu số, người Latin, người
gốc Á, người Ả Rập, … đang ủng hộ người Palestine.
Theo con số được nhà
báo Anthony Zurcher của BBC đưa ra, Quốc hội Hoa Kỳ hiện có đến
23% là người gốc thiểu số, con số này 20 năm trước là 11%, năm 1945 là 1%. Mà
đa số các chính trị gia gốc thiểu số thuộc phe cấp tiến của đảng Dân Chủ. Bên cạnh
đó, Zurcher cũng nhận thấy rằng, đa số cử tri Mỹ gốc Do Thái cũng là những người
cấp tiến, ủng hộ việc đấu tranh cho người Palestine.
Nổi tiếng nhất trong số dân biểu và thượng nghị
sĩ cấp tiến hiện nay là bà Ilhan Omar người Hồi giáo, cô Alexandra Cortez người
Latin, cô Rashida Tlaib người gốc Palestine, thượng nghị sĩ Bernie Sanders người
Do Thái.
Mặc dù cuộc xung đột Do Thái – Palestine rất
phức tạp, có nguồn gốc lịch sử lâu dài, nhưng quan điểm của nhóm cấp tiến trong
đảng Dân chủ là, hiện nay nhà nước Israel đang ở vị trí của kẻ mạnh, họ đang
đàn áp những người Palestine ở thế yếu.
Điển hình cho sự thay đổi quan điểm về Israel
của giới chính trị gia cấp tiến Mỹ là thượng nghị sĩ Bernie Sanders. Ông vốn là
một người Do Thái, cha ông là người Do Thái nhập cư từ Ba Lan. Ông Sanders ủng
hộ Israel khi nhà nước này mới thành lập vào năm 1948 và sự ủng hộ này kéo dài
nhiều năm sau đó.
Giới cầm quyền thế hệ đầu tiên của nhà nước
Israel là những người có khuynh hướng xã hội cánh tả với những quan điểm phúc lợi
xã hội dành cho người nghèo, như các thủ tướng David Ben-Gurion, Golda Meir,
trong đó bà Golda Meir từng là thủ lĩnh phong trào lao động phục quốc Do Thái
trẻ ở Mỹ. Quan điểm này trùng với quan điểm của thượng nghị sĩ Bernie Sanders,
là người từng sống trong các nông trang (kibbutz), một kiểu hợp tác xã nông
nghiệp thời lập quốc Israel.
Có thể nói rằng, nhà nước Do Thái lúc mới
thành lập thuộc phe tả trên thế giới mà Hoa Kỳ không ủng hộ ngay lập tức, sau
đó dần chuyển sang phe hữu và được Washington ủng hộ hầu như không điều kiện.
Trong khi đó quan điểm của nhóm trung dung của
đảng Dân chủ mà tiêu biểu là tổng thống Joseph Biden vẫn ủng hộ nhà nước Israel
bằng mọi giá. Ngay trước khi xung đột Israel-Palestine leo thang, ông Biden đã
chuẩn thuận hợp đồng bán vũ khí cho Israel hàng trăm triệu Mỹ kim. Khi xung đột
leo thang, chính quyền Biden hai lần phủ quyết nghị quyết của Liên Hiệp quốc,
kêu gọi Israel ngừng bắn.
Những hành động này làm dấy lên sự chỉ trích của
phe cấp tiến gây áp lực lên tổng thống Biden, nhất là sự leo thang xung đột này
có phần chắc là do phía Israel gây ra. Sự việc bắt đầu bằng những cuộc biểu
tình chống các khu định cư Do Thái của người Palestine, dẫn đến việc bắn rocket
thô sơ của Hamas, những việc vẫn xảy ra thường xuyên trên lãnh thổ này. Tuy
nhiên, thủ tướng Israel đương nhiệm, ông Benjamin Netanyahu đã làm lớn chuyện để
người Israel bị đánh lạc hướng ra khỏi những cáo buộc tham nhũng đối với ông
ta.
Đó là quan niệm của giới cấp tiến người Mỹ,
còn người Việt thì sao?
Dân chúng Việt Nam trong nước có vẻ ủng hộ Do
Thái hơn là Palestine. Sự ủng hộ này không chỉ đến từ bộ phận dân chúng ở miền
Nam biết đến Do Thái như là cùng phe với Việt Nam Cộng hòa trong thời chiến
tranh lạnh, mà còn đến từ miền Bắc, vốn một thời đứng cùng phe với Palestine,
cùng được Liên Xô hậu thuẫn.
Lý thú ở chỗ khuynh hướng ủng hộ Israel trùng
hợp với xu hướng chuyển dịch của các chính sách xã hội của nhà cầm quyền Cộng sản
Việt Nam, từ chỗ bao cấp các vấn đề giáo dục và y tế đã chuyển sang hữu khuynh
với việc bắt người dân trả tiền cho các chi phí y tế và giáo dục. Từ một góc
nhìn nào đó, kinh tế xã hội dưới chế độ Cộng sản Việt Nam hiện nay còn hữu
khuynh nhiều hơn các quốc gia tư bản Tây Âu, Nhật Bản, thậm chí là Hoa Kỳ.
Cũng phải kể đến chuyện đa số người Việt trong
nước ủng hộ Donald Trump trong thời gian ông này cầm quyền, và ông ta lại ủng hộ
Do Thái đến mức bất cẩn, như là dời tòa đại sứ Mỹ về Jerusalem, nơi còn tranh
chấp, bỏ qua người Palestine trong tất cả những cuộc thương lượng với các nước Ả
Rập.
Còn đối với đa số giới trẻ người Việt ở Mỹ,
thì họ thuộc phe cấp tiến, vì thế họ ủng hộ cuộc đấu tranh của người Palestine.
Điều này thấy rõ qua mạng xã hội trong những ngày qua, tiếng Anh hay tiếng Việt,
giới trẻ Việt Nam ở Mỹ chỉ trích sự đàn áp của nhà nước Do Thái đối với người
Palestine, gọi đó là một nhà nước Apartheid.
Tuy vậy giới trẻ người Việt trong và ngoài nước
lại có chung một cách nhìn rằng, Cộng sản Trung Quốc là một mối đe dọa cho quốc
gia Việt Nam, mà nhà nước Do Thái lại đang trở thành nguồn cung cấp vũ khí quan
trọng cho Việt Nam chống lại Trung Quốc.
Một lần nữa những vấn đề chính trị, xã hội,
quan hệ quốc tế, thường có màu xám hơn là hai màu trắng đen rõ ràng.
------------------
1 COMMENT
Vấn đề chính trị , xã hội dù xám , đen , trắng
, hay màu gì , đội lốt nó để thực hiện tham vọng cá nhân , bất chấp nguyện vọng
, sinh mệnh của dân lành đều không nên ủng hộ . Thủ tướng Israel đang làm điều
này , đang phá hủy mối thương tâm của thế giới với dân tộc Do Thái từng chịu nạn
vong quốc , đang dồn dân lành Palestine vào ngõ cụt đồng sàng với khủng bố .
Netanjahu phải chịu trách nhiệm , người dân Israel và Palestin hoàn toàn vô tội
.
No comments:
Post a Comment